Hướng dẫn soạn Người lái đò sông Đà sẽ giúp các bạn học sinh cảm nhận được nét văn uyên bác của Nguyễn Tuân; cảm nhận sự hùng vĩ và nên thơ của núi non Tây Bắc qua hình ảnh con sông Đà vừa trữ tình, vừa hung bạo; cảm nhận hình ảnh dung dị mà kỳ vĩ của người lái đò trên sông nước. Với những hướng dẫn chi tiết dưới đây, Kiến Guru hy vọng giúp bạn hiểu và hỗ trợ bạn soạn văn Người lái đò sông Đà dễ dàng hơn nhé.
Nguồn Internet
I.Tìm hiểu chung để soạn Người Lái Đò Sông Đà
1. Tác giả
– Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là một trong 9 tác giả tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại.
– Là nhà văn tài hoa, giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.
– Ông có sở trường về tùy bút và ký
– Tác phẩm của Nguyễn Tuân mang cá tính riêng, độc đáo, phóng khoáng, sự hiểu biết phong phú, cách dùng từ đa dạng và đầy sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt.
– Phong cách sáng tác của tác giả được đánh giá lại bằng một từ “ngông”. Nguyễn Tuân ngông trên sự tài ba, xuất chúng, khí chất hơn người từ ngoài đời sống thực đến đời sống văn chương.
2. Tác phẩm
a) Hoàn cảnh ra đời
– Người lái đò sông Đà là áng văn nổi bật in trong tùy bút sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân.
– Tác phẩm là sự kết tinh từ chuyến đi của tác giả đi tới vùng cao Tây Bắc xa xôi để tìm chất vàng thử lửa của thiên nhiên Tây Bắc và đặc biệt hơn nữa là chất vàng mười đã qua thử lửa ở trong tâm hồn của con người lao động đã chiến đấu trên miền sông núi Tây Bắc hùng vĩ và đầy chất thơ.
b) Bố cục
– Phần 1: Sự hung dữ, hùng vĩ của con sông Đà
– Phần 2: Cuộc sống của con người lao động trên sông Đà và hình ảnh người lái đò sông Đà
– Phần 3: Nét đẹp trữ tình, nên thơ của sông Đà
*Lưu ý: Trong khi soạn văn Người lái đò sông Đà luôn nắm được sơ lược về tác giả, tác phẩm để làm tốt hơn phần mở bài trong các bài văn phân tích.
II. Tìm hiểu văn bản và soạn Người Lái Đò Sông Đà
1. Hình tượng con sông Đà
– Hình tượng con sông Đà được khắc họa 2 tính cách hoàn toàn trái ngược nhau: hung bạo và trữ tình.
Nguồn Internet
a) Hình ảnh con sông Đà hung bạo
– Diện mạo sông Đà
+ “Chúng thủy giai đông tẩu. Đà giang độc bắc lưu” => Lời đề từ thứ nhất trong bài thơ Người lái đò sông Đà của tác phẩm, nhà văn Nguyễn Tuân đã nhấn mạnh thế độc đáo, nghịch ngược của Sông Đà giống như con ngựa bất kham
+ “Cảnh đá … dựng vách thành”, “lòng sông hẹp”, “có quãng con hươu, con nai còn nhảy vọt từ bờ bên này sang bờ bên kia”, “chỗ vách đá…như một cái yết hầu”, “nhìn từ dưới lên như nhìn tòa nhà cao vừa tắt phụt đèn điện”,… => Tác giả dựng lên một không gian cao vút, sâu thẳm mà lại thật nhỏ, thật hẹp. Cách dùng từ so sánh và miêu tả của tác giả vô cùng độc đáo và thân thuộc.
+ Mặt ghềnh Hát Lóong: “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”, như “đòi nợ suýt” bất cứ ai đi qua quãng ấy,…=> Sự hung bạo, dữ dội và đáng sợ của dòng sông hiện hình trên mặt ghềnh.
+ Cái hút nước: như “cái giếng bê tông”, “nước thở và kêu như cái cống cái bị sặc” => cách miêu tả sáng tạo của Nguyễn Tuân đã đem đến cái nhìn mới mẻ cho người đọc từ một vật thể bình thường thành một cơ thể sống thực sự, đang vận động vô cùng mạnh mẽ và dữ dội.
+ Thác nước:“lúc thì gầm réo oán trách van xin, khiêu khích,…” => độ âm vang của tiếng thác nước được nhân cách hóa đầy tinh tế và sinh động như biểu hiện những cung bậc cảm xúc, tâm trạng và tính cách của con người.
– Tâm địa sông Đà
+ Thạch trận: “Đá ở đây… mai phục hết trong lòng sông, …quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, … là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vỗ lấy thuyền”.
+ Thủy trận: “Đám tảng đám hòn … chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền…”
+Ba trùng vi:” Vòng đầu … nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh” , “vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử”, “còn một trùng vây thứ ba nữa, ít cửa hơn, bên trái bên phải đều là luồng chết cả”.
=> Với ngòi bút điêu luyện và tài nghệ của mình, Nguyễn Tuân không chỉ miêu tả nét kỳ vĩ, hung tợn của dòng sông Đà bằng thị giác mà còn bằng tất cả mọi giác quan có thể để thu nhận tất thảy mọi chi tiết dù là nhỏ nhất một cách tinh tế nhất. Qua bút pháp lãng mạn, tác giả càng lột tả rõ ràng hơn sự mãnh liệt, dữ dội và hùng vĩ của sông Đà, của núi rừng Tây Bắc.
b) Hình ảnh con sông Đà trữ tình
+ Hình dáng: “tuôn dài … như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc”, vẻ đẹp bình dị như “một dải dây thừng” hay lại như “một mái tóc mun… áng tóc trữ tình”,…=> Vẻ đẹp dung dị của hình ảnh người thiếu nữ.nói chung và người thiếu nữ vùng cao Tây Bắc nói riêng.
+ Màu nước sông Đà: mùa xuân thì mang trong mình màu xanh ngọc bích, mùa thu lại lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa => Phải quan sát kỹ lắm và phải tinh tế lắm thì Nguyễn Tuân mới có những áng văn rất thơ, rất thật và rất sáng tạo đến vậy.
+ Dòng sông khoe vẻ gợi cảm: dòng sông Đà êm đềm, thơ mộng, “cảnh hai bờ sông giống như một bờ tiền sử” => Bên cạnh vẻ quyến rũ, nên thơ là nét hoài cổ gợi lại sự quen thuộc, gần gũi xa xưa như Đường thi, như một cố nhân, một tri âm, tri kỷ. Tác giả tìm thấy sự thân thương, thân thuộc một thời bên người bạn cố nhân nơi đất khách này.
=> Bằng cách diễn đạt phong phú, sáng tạo với những câu văn giàu chất thơ, giàu nhạc điệu, cùng việc sử dụng khéo léo các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ trong bút pháp hiện thực cùng lãng mạn đã hiện lên nàng thiếu nữ sông Đà cuốn hút, thơ mộng giữa núi rừng.
=> Vẻ đẹp sông Đà hay chính là vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, nên thơ như bức phông nền tuyệt đẹp làm nổi bật hình ảnh người lái đò – hình ảnh của người lao động chân chất giữa núi rừng.
*Trong khi soạn văn Người lái đò sông Đà, chúng ta luôn có những ý chốt, những ý đánh giá và khái quát lại các dẫn chứng đã nêu ra để dễ nắm bài hơn.
2. Hình tượng người lái đò
Nguồn Internet
– Giới thiệu về người lái đò:
Tác giả giới thiệu người lái đò sông Đà là người lái ra hoa. Cuộc sống hằng ngày của ông là lèo lái con thuyền vật lộn với dòng sông Đà, chiến đấu với thiên nhiên để dành giật sự sống. Người lái đò hiện lên với ngoại hình độc đáo “tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh khuỳnh” – một sự ví von, miêu tả rất giản dị mà giàu tính gợi hình. Hình ảnh người lái đò sông Đà còn là hiện thân của người lao động khỏe mạnh, vạm vỡ trước thiên nhiên, núi rừng.
– Hình ảnh người lái đò qua những lần vượt thác dữ:
+ “Trên sông Đà ông xuôi ngược trên một trăm lần”, “nhớ tỉ mỉ … những luồng nước” => Cho thấy người lái đò rất từng trải và vô cùng thành thạo trong nghề, cũng như am hiểu mọi thứ trên dòng sông này.
+ “Nén đau giữ mái chèo, tỉnh táo chỉ huy bạn chèo …”, “nắm chắc binh pháp của thần sông thần núi”, “cưỡi đúng ngay trên bờm sóng, phóng thẳng thuyền vào giữa thác …”=> Hình ảnh người lái đò đầy bản lĩnh, tài ba và mưu trí để chinh phục sự hung hãn của dòng sông. Đó còn là hiện thân của người lao động với cuộc sống vất vả, gian nan nhưng luôn đầy nghị lực và không ngừng phấn đấu, lao động và làm việc.
+ Ông ưa những khúc sông nhiều ghềnh thác, thích việc chinh phục những “con thủy quái”=> Ông không chỉ là người lái đò mà còn là một nghệ sĩ tài hoa thực thụ. Cảnh vượt thác như một góc quay hùng hồn về thiên nhiên và ông là một người nghệ sĩ biểu diễn đầy tâm huyết trên “sân khấu” của riêng mình.
– Sau cuộc chiến hung hãn trên dòng sông Đà, người lái đò cung có cuộc sống dung dị như bao người lao động núi rừng nơi đây: “đêm ấy nhà ông đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam.. cá tủa ra tràn đầy đồng ruộng” => Ban ngày ông chiến đấu với thiên nhiên dữ dội để sinh tồn, đêm về ông sống cùng thiên nhiên bình yên nơi đại ngàn.
=> Cuộc đời ông lái đò có thể viết lên cả bản thiên anh hùng ca giữa núi non đại ngàn. Hình ảnh người lao động hiện lên bình dị, khỏe khoắn nhưng cao cả, dũng cảm và đầy bản lĩnh trong công việc, trong cuộc sống. Họ là những người nghệ sĩ thực thụ, ngự trị thiên nhiên và làm chủ chính mình. Tác giả đã thực sự tìm được thứ vàng mười quý giá trên mảnh đất núi rừng Tây Bắc hùng vĩ.
Xem thêm:
Soạn bài Người lái đò Sông Đà ngắn gọn hay nhất
Phân tích bài Người lái đò Sông Đà dễ hiểu
Soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông
III. Tổng kết bài soạn Người Lái Đò Sông Đà
1. Tóm tắt nội dung
Tác phẩm Người lái đò sông Đà ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên vừa hùng dũng, kỳ vĩ lại vừa nên thơ, trữ tình cùng hình ảnh con người lao động bình dị mà tài hoa nơi núi rừng Tây Bắc. Thông qua tác phẩm, Nguyễn Tuân còn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên và con người lao động cũng như một tình cảm đặc biệt dành cho vùng cao Tây Bắc.
2. Giá trị nghệ thuật
Tác giả đã khai thác triệt để, kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn cùng sự sử dụng tinh tế các từ ngữ gợi hình, gợi cảm, các biện pháp so sánh, nhân hóa đầy độc đáo.
Với những chia sẻ hướng dẫn cách soạn Người lái đò sông Đà như trên, hy vọng các bạn sẽ nắm được hình tượng dòng sông Đà hùng vĩ, trữ tình và người lái đò sông Đà tài hoa, bình dị được Nguyễn Tuân khắc họa rõ nét trong tác phẩm.
Nếu thấy bài đọc hay và bổ ích, các bạn hãy tải app Kiến Guru để có thêm tư liệu giúp soạn các tác phẩm văn học lớp 12 khác dễ dàng hơn nhé!