Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230)
Theo điều 230, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư;
b) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, đối với tội vi phạm quy định về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
BÌNH LUẬN:
- Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của nhà nước về bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư, bồi thường về tài sản, bồi thường về sản xuất kinh doanh gây thiệt hại về tài sản cho người khác.
Đất đai là một nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia, là một loại tài sản đặc biệt. Đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý và thực hiện quyền sở hữu. Các cá nhân, tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhà nước cần phải thu hồi các diện tích đã giao cho các cá nhân, tổ chức sử dụng. Đất là điều kiện đảm bảo cuộc sống, là công cụ lao động chủ yếu, quan trọng của tất cả người sử dụng đất. Việc thu hồi đất cần đảm bảo quyền lợi về tài sản, cũng như đảm bảo cuộc sống của người sử dụng đất có diện tích đất bị thu hồi. Chính vì vậy, nhà nước ta có chính sách bồi thường, hỗ trợ đất, hỗ trợ tài sản cho người sử dụng đât có thể đảm bảo đời sống, tái đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất được quy định cụ thể trong luật đất đai, các nghị định hướng dẫn của chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ ngành, các quy định hướng dẫn chi tiết cụ thể của từng địa phương. Đây là một chính sách đúng đắn, đảm bảo công bằng, đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống bình thường của người sử dụng đất. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện chính sách, có nhiều người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện sai chính sách của nhà nước, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, không đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người có diện tích đất bị thu hồi. Hành vi này lần đầu tiên được hình sự hóa trong một điều luật cụ thể.
- Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm
- Khách thể của tội phạm:
- Tội phạm này xâm phạm đến chính sách và các quy định của nhà nước về quản lý đất đai, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, xâm phạm đến quyền, lợi ích của nhà nước, của người sử dụng đất trong việc thu hồi đất.
- Tội phạm này còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào các chính sách, việc thực hiện các chính sách của nhà nước về thu hồi đất nói riêng, các chính sách quản lý kinh tế nói chung.
- Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan:
- Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Trên thực tiễn, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là đất rộng, có nhiều dạng hành vi cụ thể khác nhau. Nhà làm luật đã giới hạn các hành vi là hành vi kháh quan của tội phạm này và quy định cụ thể trong điều luật, gồm 2 dạng hành vi cụ thể sau:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư:
+ Bồi thường về đất là việc nhà nước bồi thường, đền bù bằng đất tương ứng cho người sử dụng đất khi bị thu hồi đất nhằm đảm bảo đời sống, đảm bảo nơi ăn ở, sinh sống, an sinh, sản xuất đầu tư kinh doanh… khi diện tích đất thu hồi đảm bảo các điều kiện theo Điều 75 của Luật đất đai 2013 và các quy định khác của pháp luật. Nhà nước quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, diện tích đất được bồi thường, loại đất được bồi thường tương ứng. Trong trường hợp người có diện tích đất thu hồi không có nhu cầu nhận bồi thường bằng đất, hoặc không có đất để bồi thường thì được nhà nước bồi thường bằng tiền tương ứng với giá trị diện tích đất thu hồi theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
+ Khi nhà nước thực hiện bồi thường về đất, người sử dụng đất còn được bồi thường về các chi phí đầu tư vào đất còn lại. Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau: chi phí san lấp mặt bằng; chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh; chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.
+ Hỗ trợ và tái định cư: Ngoài việc được bồi thường về đất, người sử dụng đất còn được nhà nước hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; được nhận các khoản hỗ trợ khác (hỗ trợ tiền, công cụ lao động, các khoản tài chính ưu đãi…). Trong trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở, người sử dụng đất được nhà nước hỗ trợ tái định cư bằng việc lập và thực hiện dự án tái định cư.
+ Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về bồi thường đất, hỗ trợ và tái định cư có thể thực hiện các hành vi:
- Không bồi thường về đất, không hỗ trợ và tái định cư hoặc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thấp hơn diện tích đất, các khoản hỗ trợ, tái định cư mà người sử dụng đất được bồi thường về đất, hỗ trợ gây thiệt hại cho người sử dụng đất có diện tích đất thu hồi.
- Bồi thường về đất không đúng loại đất có cùng mục đích sử dụng với diện tích đất thu hồi, bồi thường vượt quá diện tích đất thu hồi, hỗ trợ và tái định cư cao hơn tiêu chuẩn mà người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ theo quy định gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước hoặc người sử dụng đất.
- Áp dụng bồi thường bằng tiền cho diện tích đất thu hồi không đúng theo giá đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
- Áp dụng bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư cho những trường hợp thu hồi đất không đủ điều kiện được bồ thường về đất, không được áp dụng các khoản hỗ trợ, tái định cư.
- Áp dụng bồi thường cho khoản chi phí đầu tư vào đất còn lại không thuộc diện chi phí đầu tư vào đất còn lại được bồi thường, áp dụng vượt mức đền bù với chi phí đầu tư vào đất còn lại được bồi thường.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh:
Đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất mà có chi phí phát sinh do thu hồi đất, hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại về tài sản gắn liền với đât, thiệt hại do phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh mà có thiệt hại thì người chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh được bồi thường tương ứng với những thiệt hại thực tế.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, các khoản bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh phải ngừng gồm:
+ Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất;
+ Bồi thường với cây trồng, vật nuôi
+ Bồi thường chi phí di chuyển tài sản khi thu hồi đất: Đối với những tài sản có thể di chuyển thì nhà nước bồi thường chi phí di chuyển và xây dựng lại, không bồi thường theo diện tài sản gắn liền với đất để giảm chi phí bồi thường.
+ Bồi thường thiệt hại với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất, như thay đổi mục đích sử dụng đất, giải tỏa nhà ở, công trình gắn liền với đất…
+ Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh thực hiện các hành vi sau:
- Không bồi thường, bồi thường thấp hơn giá trị tài sản, chi phí di chuyển tài sản khi thu hồi đất, khoản bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn thuộc các công trình công cộng, an ninh, quốc phòng mà không thu hồi đất.
- Bồi thường vượt giá trị thiệt hại tài sản, chi phí di chuyển tài sản, chi phí phát sinh khác khi thu hồi đất.
- Bồi thường đối với tài sản gắn liền với đất không thuộc diện được bồi thường về tài sản do thu hồi đất.
- Bồi thường về tài sản cho những tài sản có thể di chuyển làm tăng chi phí bồi thường.
- Các hành vi khách quan khác:
- Chậm chi trả tiền bồi thường, thực hiện bồi thường đất, các khoản bồi thường khác làm phát sinh khoản đền bù do chậm thực hiện bồi thường, các chi phí, thiệt hại khác của người sử dụng đất do việc chậm thực hiện bồi thường gây ra.
- Không khấu trừ khoản tiền tương ứng với nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với nhà nước của người sử dụng đất có diện tích đất thu hồi làm thất thoát khoản nghĩa vụ tài chính này.
- Hậu quả, thiệt hại:
Tội phạm này có cấu thành vật chất. Hậu quả thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Hậu quả được xác định là thiệt hại về tài sản. Thiệt hại về tài sản có thể là thiệt hại cho ngân sách nhà nước do tăng chi phí bồi thường hoặc thiệt hại về tài sản của người sử dụng đất do việc phát sinh chi phí, thất thoát tài sản hay được bồi thường thấp hơn so với thực tế.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
- Tội phạm này có cấu thành lỗi là cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước, cho người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện.
- Động cơ, mục đích: người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vì nhiều mục đích khác nhau, có thể vì mối quan hệ với người sử dụng đất, có tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với diện tích đất thu hồi. Thông thường, người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm vì động cơ, mục đích vụ lợi.
- Chủ thể của tội phạm:
Ngoài dấu hiệu có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo quy định. Chủ thể của tội phạm này có dấu hiệu đặc biệt, đó là người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thu hồi đất, đền bù, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chẳng hạn: cán bộ địa chính xã, trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng…
- Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự:
Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thuộc một trong những trường hợp sau:
- Gây hậu quả thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên
- Gây hậu quả thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng nhưng người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.