BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ỦY BAN KIỂM TRA *
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Số: 01-HD/UBKTTW
Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2016
HƯỚNG DẪN
Thực hiện một số Điều trong Quy định số 30-QĐ/TW thi hành Chương VII và chương VIII Điều lệ Đảng
về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng
–
– Căn cứ Điều lệ Đảng;
– Căn cứ Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Điều lệ Đảng;
– Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng;
– Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII;
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, như sau:
ĐIỀU 30
* Tiết 1.2.1, Điểm 1.2, Khoản 1: Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy tiến hành công tác kiểm tra, giám sát
“c) Chủ trì giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ Chính trị hoặc cấp ủy cùng cấp về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc cấp ủy cùng cấp quản lý có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách.”
Cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy chủ trì giải quyết hoặc tham mưu cho ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy giải quyết tố cáo theo Quy định 210-QĐ/TW, ngày 8-11-2013 của Bộ Chính trị về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hoặc quy định của cấp ủy cùng cấp về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý.
* Tiết 2.2.2, Điểm 2.2, Khoản 2: Thực hiện giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và tiến hành các nhiệm vụ kiểm tra khi thật sự cần thiết
– Tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm ở các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, quan trọng hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy quản lý đảng viên, tổ chức đảng đó quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
– Chi bộ có thẩm quyền kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện nhiệm vụ chi bộ giao, nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ cấp trên giao) và dấu hiệu vi phạm về đạo đức, lối sống.
* Tiết 2.3.4, Điểm 2.3, Khoản 2: Chi bộ giám sát đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên
– Chi bộ chủ yếu giám sát thường xuyên; chi bộ có chi ủy, có đảng viên hoạt động phân tán thì thực hiện giám sát theo chuyên đề.
– Chi bộ không giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao (trừ khi được ủy quyền).
ĐIỀU 31
* Khoản 2: Các thành viên ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp dưới phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y, nếu điều động chủ nhiệm ủy ban kiểm tra sang công tác khác phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý
– “Ngoài việc thay đổi chủ nhiệm ủy ban kiểm tra như quy định của Điều lệ Đảng, khi thay đổi phó chủ nhiệm hoặc ủy viên ủy ban kiểm tra thì cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp dưới phải trao đổi với ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện”.
Việc trao đổi thực hiện bằng văn bản. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp phải có văn bản trả lời. Nếu quá thời hạn trên mà không trả lời thì coi như đã đồng ý.
ĐIỀU 32: Ủy ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ
* Điểm 1.3, Khoản 1: Thẩm quyền quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm
– Trong quá trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nếu đối tượng kiểm tra bị tố cáo thì thường trực ủy ban kiểm tra hoặc ủy ban kiểm tra xem xét, quyết định kết hợp đưa nội dung tố cáo thành một nội dung kiểm tra bổ sung và báo cáo chung khi kết thúc kiểm tra (đối với kiểm tra chấp hành của ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy cũng thực hiện tương tự như trên).
– Nội dung thông báo cho người tố cáo về kết quả giải quyết tố cáo được trích trong kết luận kiểm tra (chỉ những nội dung tố cáo đã được kết luận) của tổ chức đảng có thẩm quyền.
* Nội dung giám sát đối với tổ chức đảng
– Tiết 3.1.1, Điểm 3.1, Khoản 3: “Việc ban hành các văn bản có dấu hiệu trái với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.”
+ Qua giám sát, nếu thấy văn bản có dấu hiệu sai trái, ủy ban kiểm tra phải tiến hành kiểm tra, thẩm định, đánh giá các văn bản đó; báo cáo cấp có thẩm quyền yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên đã ban hành các văn bản đó hủy bỏ hoặc sửa đổi, thay thế bằng văn bản khác.
+ Ủy ban kiểm tra yêu cầu kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức đảng và đảng viên có liên quan đến việc ban hành văn bản sai trái.
* Tiết 5.1.1, Điểm 5.1, Khoản 5: Thẩm quyền, nguyên tắc giải quyết tố cáo
– “Trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo thì tổ chức đảng giải quyết tố cáo không xem xét, giải quyết nội dung tố cáo đó, trừ trường hợp bị đe dọa, ép buộc, mua chuộc.”
+ Người tố cáo nhận thấy việc tố cáo không đúng hoặc không còn phù hợp thì có thể xin rút một, một số nội dung tố cáo hoặc rút đơn tố cáo.
+ Tổ chức đảng nhận thấy người tố cáo tự nguyện xin rút một hoặc một số nội dung tố cáo hay rút đơn tố cáo, nếu có cơ sở thì chấp nhận cho kết thúc giải quyết một phần nội dung tố cáo hoặc toàn bộ đơn tố cáo (phải lập biên bản có ký xác nhận của người tố cáo).
Trường hợp người tố cáo xin rút đơn tố cáo, song nếu thấy nội dung tố cáo có căn cứ, cơ sở thì tổ chức đảng nghiên cứu, xem xét kết hợp với nguồn thông tin khác để phục vụ cho công tác kiểm tra.
+ Trường hợp có cơ sở khẳng định người tố cáo bị ép buộc, đe dọa, mua chuộc thì tổ chức đảng có thẩm quyền tiếp tục giải quyết tố cáo và phải có biện pháp hoặc yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ người tố cáo.
+ Trong quá trình giải quyết, nếu phát hiện người tố cáo bị mua chuộc, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định kiểm tra hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với người tố cáo bị mua chuộc và người mua chuộc.
+ Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu phát hiện đối tượng bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm khác thì chuyển sang thực hiện theo quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (có thể bổ sung thành viên đoàn hoặc quyết định lập đoàn kiểm tra mới), đưa nội dung tố cáo thành nội dung kiểm tra vào báo cáo chung.
– “Những người lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo bịa đặt, đả kích, chia rẽ bè phái, gây rối nội bộ, tố cáo nhiều lần có dụng ý xấu phải được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước”.
Trường hợp đã thuyết phục, giáo dục và có biện pháp ngăn chặn nhưng người tố cáo không chấp hành, vẫn cố tình vi phạm thì xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng hoặc đề nghị cơ quan pháp luật xem xét, xử lý.
– “Sau khi giải quyết xong, phải thông báo cho người tố cáo biết kết quả giải quyết tố cáo bằng hình thức thích hợp”
Việc thông báo kết quả giải quyết tố cáo bằng hình thức trực tiếp (bằng miệng), trường hợp cần thiết thì thông báo bằng văn bản.
– Về đơn tố cáo không giải quyết:
+ Đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, rõ đối tượng và nội dung tố cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền nắm tình hình, nếu có căn cứ thì kết hợp với các nguồn thông tin khác để phục vụ cho công tác kiểm tra.
+ Tổ chức đảng phải thông báo cho người tố cáo biết lý do đơn tố cáo (có tên) nhưng không giải quyết và làm thủ tục kết thúc việc giải quyết tố cáo theo quy định.
* Tiết 5.2.2, Điểm 5.2, Khoản 5: Phạm vi giải quyết khiếu nại
– “Giải quyết khiếu nại về nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật trong quyết định kỷ luật và về nguyên tắc, thủ tục, quy trình, thẩm quyền thi hành kỷ luật mà đảng viên bị kỷ luật có khiếu nại.”
+ Chỉ giải quyết khiếu nại về nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật, về nguyên tắc, thủ tục, quy trình và thẩm quyền thi hành kỷ luật; các trường hợp khiếu nại không thuộc phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết thì tổ chức đảng chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
+ Khi giải quyết khiếu nại phải xác định rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ so với hình thức kỷ luật đã quyết định để biểu quyết không bị phân tán.
+ Nếu thấy việc kỷ luật không đúng thẩm quyền thì tổ chức đảng giải quyết khiếu nại yêu cầu tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hủy bỏ quyết định kỷ luật và đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
+ Trường hợp vừa khiếu nại, vừa tố cáo thì tổ chức đảng chỉ giải quyết nội dung khiếu nại vàhướng dẫn người khiếu nại thực hiện quyền tố cáo theo quy định.
+ Trong quá trình giải quyết, nếu đảng viên tự nguyện xin rút đơn khiếu nại thì tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét cho rút đơn khiếu nại và kết thúc việc giải quyết (phải lập biên bản có ký xác nhận của người khiếu nại).
+ Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật, tổ chức đảng quản lý đảng viên bị kỷ luật chưa thực hiện chuyển sinh hoạt đảng chính thức cho đảng viên đó (nếu phát sinh yêu cầu chuyển sinh hoạt đảng).
– Các trường hợp khiếu nại không giải quyết:
+ Quá thời hạn khiếu nại theo quy định, là quá thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (đối với chi bộ thì kể từ ngày công bố kết quả bỏ phiếu quyết định kỷ luật).
– Khiếu nại khi chưa nhận được quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật, là khiếu nại khi quyết định kỷ luật chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền công bố theo quy định.
+ Tổ chức đảng phải thông báo cho đảng viên bị kỷ luật biết lý do đơn khiếu nại không giải quyết.
ĐIỀU 35
* Khoản 1: Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời
– “Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý. Việc kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm được tiến hành ở các tổ chức đảng hiện đang quản lý đảng viên đó.”
+ Tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay là tổ chức đảng cấp trên trực tiếp có thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp nêu trên.
+ Nếu nội dung tố cáo đảng viên vi phạm ở cả tổ chức đảng đã sinh hoạt trước đây và tổ chức đảng hiện đang sinh hoạt thì tùy theo nội dung vi phạm, tổ chức đảng cấp trên của các tổ chức đảng đó có thể xem xét, giải quyết hoặc ủy quyền cho tổ chức đảng hiện đang quản lý đảng viên đó giải quyết.
+ Việc kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được tiến hành ở các tổ chức đảng đang quản lý đảng viên; việc tiến hành kiểm điểm đảng viên ở tổ chức đảng nào do tổ chức đảng tiến hành kiểm tra quyết định.
+ Đảng viên sau khi kết nạp Đảng bị phát hiện hoặc bị tố cáo vi phạm trước khi kết nạp thì tổ chức đảng quản lý đảng viên đó kiểm tra, xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
ĐIỀU 36: Thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm
* Khoản 1: Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao)
– Nhiệm vụ cấp trên giao là công việc do tổ chức đảng cấp trên hoặc lãnh đạo, thủ trưởng cấp trên có thẩm quyền giao trực tiếp cho đảng viên không thuộc nhiệm vụ chuyên môn được giao và nhiệm vụ do chi bộ giao thường xuyên (theo quy chế làm việc hoặc theo chức trách, nhiệm vụ đã quy định).
– Nếu phát hiện đảng viên vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao thì chi bộ báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên kiểm tra, xem xét.
ĐIỀU 38
*Khoản 1: Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định kỷ luật của cấp mình thì đề nghị lên cấp có thẩm quyền quyết định
– “Việc biểu quyết đề nghị kỷ luật hoặc biểu quyết quyết định kỷ luật phải bằng phiếu kín. Sau khi xem xét, kết luận tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì tổ chức đảng phải bỏ phiếu biểu quyết quyết định hoặc biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật cụ thể bằng phiếu kín.
Trường hợp kết quả biểu quyết quyết định các hình thức kỷ luật cụ thể mà không có hình thức kỷ luật nào đủ đa số phiếu theo quy định, thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn đến hình thức kỷ luật nào mà kết quả có đủ đa số phiếu theo quy định thì lấy hình thức kỷ luật đó để quyết định.”
+ Trước khi biểu quyết quyết định kỷ luật hoặc biểu quyết đề nghị kỷ luật, tổ chức đảng phải thảo luận kỹ về nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, xác định rõ hình thức kỷ luật để bỏ phiếu biểu quyết cho tập trung, không bị phân tán.
+ Việc biểu quyết quyết định kỷ luật hay biểu quyết đề nghị kỷ luật chỉ thực hiện một lần trong cùng một phiếu (có mẫu phiếu kèm theo).
+ Việc cộng dồn phiếu chỉ thực hiện đối với việc biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật và biểu quyết giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng (khi phiếu phân tán, không có hình thức kỷ luật cụ thể nào có đủ đa số phiếu theo quy định); trường hợp đã cộng dồn phiếu nhưng không có hình thức kỷ luật nào đủ đa số phiếu theo quy định thì tổ chức đảng báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên xem xét; không cộng dồn phiếu đối với việc biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật
* Khoản 2: Trường hợp tổ chức đảng cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên quyết định các hình thức kỷ luật theo thẩm quyền, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng đó
Ngoài trường hợp trên, tổ chức đảng ban hành quyết định kỷ luật không đúng thẩm quyền thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp yêu cầu tổ chức đảng đó ban hành quyết định thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định kỷ luật không đúng thẩm quyền trước khi trực tiếp xem xét, kỷ luật; nếu do lỗi chủ quan phải xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng và người đứng đầu tổ chức đảng đó.
ĐIỀU 39
* Khoản 7: Tổ chức đảng, đảng viên không đồng ý với quyết định kỷ luật thì trong vòng một tháng, kể từ ngày nhận quyết định, có quyền khiếu nại với cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên cho đến Ban Chấp hành Trung ương. Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật, thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương
– Một tháng được tính là 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (căn cứ vào ngày ghi biên bản quyết định được công bố hoặc ngày công bố kết quả bỏ phiếu quyết định kỷ luật của chi bộ).
– “Việc giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng được tiến hành từ đảng ủy cơ sở, đảng ủy cấp trên cơ sở, ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy từ cấp huyện và tương đương trở lên”.
Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thông thường được tiến hành tuần tự từ dưới lên, ban thường vụ cấp ủy và cấp ủy được quy định là một cấp giải quyết khiếu nại. Việc giải quyết khiếu nại trước hết thuộc trách nhiệm của ban thường vụ cấp ủy; trường hợp thật sự cần thiết ban thường vụ cấp ủy báo cáo và đề nghị cấp ủy trực tiếp giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.
– “Đảng viên là cấp ủy viên các cấp, thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, chi bộ đã quyết định xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, nếu có khiếu nại thì do cấp ủy cơ sở hoặc ban thường vụ cấp ủy quản lý đảng viên đó giải quyết khiếu nại kỷ luật lần đầu”.
Đảng viên thuộc diện đảng ủy cơ sở quản lý bị chi bộ kỷ luật thì đảng ủy cơ sở là cấp giải quyết khiếu nại lần đầu; đảng viên là cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp trên quản lý thì ban thường vụ cấp ủy quản lý đảng viên đó là cấp giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư là cấp giải quyết khiếu nại lần đầu.
Trường hợp ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy đã quyết định kỷ luật đảng viên vi phạm thì Ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp là cấp giải quyết khiếu nại lần đầu.
*Khoản 8: Khi nhận khiếu nại kỷ luật, cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra thông báo cho tổ chức đảng hoặc đảng viên khiếu nại biết; chậm nhất ba tháng đối với cấp tỉnh, thành phố huyện, quận và tương đương, sáu tháng đối với cấp Trung ương, kể từ ngày nhận được khiếu nại, phải xem xét, giải quyết, trả lời cho tổ chức đảng và đảng viên khiếu nại biết
Ba tháng, sáu tháng được tính là 90 ngày làm việc và 180 ngày làm việc (theo quy định của Bộ Luật lao động).
ĐIỀU 40
* Khoản 1: Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng
Trường hợp đảng viên bị tuyên phạt thấp hơn hình phạt cải tạo không giam giữ thì tổ chức đảng căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét, xử lý kỷ luật cho phù hợp (kể cả khai trừ).
* Điểm 2.1, Khoản 2: Đối với chi bộ, đảng bộ bị kỷ luật giải tán, sau khi được sự đồng ý của tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định giải tán, cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ, đảng bộ đó ra quyết định lập chi bộ, đảng bộ mới
Trường hợp chi bộ, đảng ủy bị kỷ luật giải tán mà có đảng viên đang bị đình chỉ sinh hoạt đảng hoặc cấp ủy viên bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy thì tổ chức đảng quản lý hồ sơ của đảng viên đó, trong thời hạn 30 ngày làm việc phải bàn giao đầy đủ hồ sơ cho tổ chức đảng quản lý đảng viên và cấp ủy viên được chuyển đến sinh hoạt để quản lý và làm thủ tục quyết định cho đảng viên trở lại sinh hoạt đảng (đối với cấp ủy viên, khi tổ chức đảng bị giải tán thì không còn là cấp ủy viên của tổ chức đảng đó nữa nên không phải làm thủ tục cho cấp ủy viên trở lại sinh hoạt cấp ủy).
* Điểm 3.2, Khoản 3: Sau một năm, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ), nếu đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực
– Trong thời gian chấp hành quyết định, kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật, nếu đảng viên khiếu nại thì thời gian chấm dứt hiệu lực kỷ luật được tính là sau một năm kể từ ngày công bố quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật cuối cùng đối với đảng viên đó.
– Một năm được tính theo tháng (đủ 12 tháng).
Hướng dẫn này được phổ biến đến chi bộ và có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định.
T/M ỦY BAN KIỂM TRA CHỦ NHIỆM (đã ký) Trần Quốc Vượng
–
Mẫu: 1
HUYỆN (QUẬN)ỦY…………. –
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM –
………., ngày…..tháng…..năm 201…..
PHIẾU BIỂU QUYẾT
Quyết định kỷ luật đối với đồng chí… (họ và tên, chức vụ)
1- Không kỷ luật ……………………………………………………………………………….. □
2- Khiển trách …………………………………………………………………………………… □
3- Cảnh cáo …………………………………………………………………………………….. □
4- Cách chức (Ghi đầy đủ chức vụ khi vi phạm và hiện tại của đảng viên)
– Chi ủy viên……………………………………………………………………………………… □
– Bí thư chi bộ…………………………………………………………………………………… □
– Đảng ủy viên cơ sở………………………………………………………………………….. □
– ……………………………………………………………………………………………………. □
– Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng……………………………………………… □
5- Khai trừ ………………………………………………………………………………………. □
Ghi chú: Đồng chí đồng ý trường hợp nào thì đánh dấu x vào ô tương ứng
Mẫu: 2
HUYỆN (QUẬN)ỦY…………. ỦY BAN KIỂM TRA –
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM –
………., ngày…..tháng…..năm 201…..
PHIẾU BIỂU QUYẾT
Đề nghị hình thức kỷ luật đối với đồng chí… (họ và tên, chức vụ)
1- Không kỷ luật ……………………………………………………………………….. □
2- Khiển trách ………………………………………………………………………….. □
3- Cảnh cáo ……………………………………………………………………………. □
4- Cách chức (Ghi đầy đủ chức vụ khi vi phạm và hiện tại của đảng viên) …….. □
– …………………………………………………………………………………………… □
– …………………………………………………………………………………………… □
– Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng □
5- Khai trừ □
Ghi chú: -Đồng chí đồng ý trường hợp nào thì đánh dấu x vào ô tương ứng.
Mẫu: 3
HUYỆN (QUẬN)ỦY…………. –
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM –
………., ngày…..tháng…..năm 201…..
PHIẾU BIỂU QUYẾT
Quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với đồng chí… (họ và tên, chức vụ)
1- Giữ nguyên hình thức kỷ luật: Cách chức chi ủy viên □
2- Xóa hình thức kỷ luật □
3- Thay đổi hình thức kỷ luật:
+ Khiển trách □
+ Cảnh cáo □
+ Khai trừ □
Ghi chú: Đồng chí đồng ý trường hợp nào thì đánh dấu x vào ô tương ứng.