Sự sụp đổ trong nhu cầu xăng dầu là chưa từng thấy trước đây. Francisco Blanch, người đứng đầu toàn cầu về hàng hóa tại Bank of America cho biết, với cơ chế thị trường bình thường, nhu cầu sẽ tăng khi giá giảm, tuy nhiên, thế giới chưa bao giờ hoạt động chậm chạp như trong vài tuần qua. “60% nhu cầu dầu đến từ giao thông vận tải, nhưng doanh số bán xăng giảm hơn 50%, các chuyến bay trên khắp thế giới cũng đã giảm mạnh 80 – 90%. Sự sụp đổ trong tiêu dùng là yếu tố thúc đẩy giá dầu giảm sâu. Đó là điều làm cho cuộc khủng hoảng này khác với các cuộc Đại khủng hoảng trước đây.”
1. Tại sao người bán lại phải trả tiền cho người mua?
Đối với một số nhà sản xuất, về lâu dài thì bán dầu giá âm có thể còn là lựa chọn mang lại ít thiệt hại hơn so với việc ngừng sản xuất hay tìm một nơi để trữ dầu. Nhiều người lo lắng rằng việc đóng giếng dầu của họ có thể làm hỏng chúng vĩnh viễn, khiến chúng không còn hoạt động được trong tương lai.
Cũng có những thương nhân mua hợp đồng tương lai dầu như một cách đặt cược vào khả năng giá phục hồi và không hề có ý định mua dầu để tích trữ, sử dụng. Họ có thể chịu tổn thất nặng nếu dầu vẫn giảm giá mạnh và phải đối mặt với sự lựa chọn tìm kiếm nơi lưu trữ hoặc chịu bán lỗ. Và tình trạng cung dầu leo thang đã khiến không gian lưu trữ khan hiếm, và ngày càng đắt đỏ.
2. Nguồn cung dồi dào đến từ đâu?
Sự bùng phát của Covid-19 giống như một cơn lốc xóa nhòa mọi tin tức tốt lành xung quanh thỏa thuận thương mại tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm vào đình trệ khiến nhu cầu về dầu cũng giảm xuống mức trầm trọng.
“Ngày hôm nay, nền kinh tế của Mỹ vẫn đang đóng cửa, và khi nền kinh tế đóng cửa, bạn không cần nhiều nhiên liệu hóa thạch”, người dẫn chương trình “Mad Money” của CNBC – Jim Cramer nói.
Vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn khi Ả Rập Xê Út và Nga đã thất bại trong việc đàm phán một thỏa thuận mới về cắt giảm sản lượng dầu, và kết quả là Ả Rập Xê Út đã đẩy mạnh sản xuất, giải phóng khối lượng dầu thô kỷ lục vào thị trường từ tháng 3 năm nay.
3. Điều gì đã xảy ra với các kho lưu trữ?
Kể từ khi nguồn cung dư thừa và giá bắt đầu giảm, các cơ sở lưu trữ đã dần chạm đến ngưỡng giới hạn. Lượng dầu thô dự trữ tại Oklahoma – trung tâm lưu trữ và điểm giao hàng quan trọng của dầu WTI ở Mỹ – đã tăng 48% lên gần 55 triệu thùng kể từ cuối tháng 2. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, trung tâm này có khả năng lưu trữ 76 triệu thùng đến ngày 30/9.
Dầu đã được lưu trữ trên cả các con tàu biển, và còn có các lựa chọn “sáng tạo” khác như lưu trữ trên tàu hỏa. Chính quyền Trump, lo ngại về hiệu ứng lan tỏa có thể xảy ra từ các vụ phá sản dầu mỏ, đang cân nhắc về đề xuất trả tiền cho các công ty khoan dầu để tạm thời giữ dầu trong lòng đất, cho đến khi giá phục hồi và bảo vệ các nhà sản xuất khỏi thua lỗ.
4. Có lý do nào khác kéo giảm giá dầu xuống mức âm không?
Chiến lược gia Daniel Hynes tại ANZ cho biết, một trong những lý do kéo giảm giá dầu là hợp đồng tương lai tháng 5 hết hạn vào hôm nay 21/4. Trên thị trường có 1 nhóm không nhỏ những nhà giao dịch đầu cơ chỉ buôn bán các hợp đồng chứ không thực sự mua bán những thùng dầu. Thời điểm này, họ cần bán ra hết hợp đồng tháng 5 để chuyển sang mua hợp đồng tháng 6 hoặc các hợp đồng kỳ hạn xa hơn.
Nhiều chuyên gia dự báo, trong nửa cuối năm, khó khăn về lưu trữ sẽ nhanh chóng được giải quyết vì nhu cầu dầu tăng mạnh nên hàng tồn kho sẽ giảm theo. Đây cũng là lý do tại sao giá dầu thô Brent giao năm 2021 đang giữ giá rất tốt. Do vậy, tháng 4 là thời điểm nền kinh tế và nhu cầu dầu đang rơi vào vùng lõm của đường cong, và giá cũng thế.
5. Vì sao dầu WTI giảm sâu hơn dầu Brent?
Về cơ bản, dầu Brent là loại sản xuất tại vùng Biển Bắc còn dầu WTI lại là dầu khai thác trong đất liền của Mỹ. “Đây là một điểm rất quan trọng”, một chuyên gia của Goldman Sachs bình luận. Theo đó, dầu khai thác ngoài khơi có lợi thế giá tốt hơn so với dầu khai thác trong đất liền như của Mỹ, Canada và Nga. Bởi lẽ, yếu tố địa hình khiến loại dầu này thuận lợi trong việc tiếp cận các tàu chở dầu hơn. Nói một cách đơn giản, dầu Brent đắt nhưng chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn nhiều so với dầu WTI.
6. Thỏa thuận mới nhất của OPEC+ có “giải cứu” được giá dầu hay không?
Sau nhiều tuần lễ căng thẳng và 4 ngày đàm phán, 23 quốc gia trong nhóm OPEC+ mới đạt đồng thuận “lịch sử” hồi đầu tháng này để cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ 1/5 trong nỗ lực cứu thị trường “vàng đen” khỏi đà trượt dốc không phanh.
Nhưng lời kêu gọi cắt giảm sản xuất tổng thể khoảng 10% đã được chứng minh là quá ít và quá muộn. Chẳng hạn, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo nhu cầu dầu trong tháng 4 có thể thấp hơn 29 triệu thùng mỗi ngày so với một năm trước, cũng là mức thấp nhất từ năm 1995.
Vấn đề thực sự của sự mất cân đối cung cầu toàn cầu đã bắt đầu thể hiện ở giá cả. Giá dầu ban đầu chuyển sang trạng thái âm chỉ trong các góc khuất của thị trường Mỹ, chẳng hạn như bang Utah, nơi có quá ít kho lưu trữ. Tuy nhiên, các trung tâm lớn gần đây cũng đã bắt đầu đưa ra giá âm cho một số loại dầu. Và đến đêm qua 20/4, giá dầu WTI đã giảm mạnh xuống mức âm trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME), thị trường năng lượng lớn nhất thế giới, cũng như tại Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX).
7. Điều này có ý nghĩa gì với người tiêu dùng?
Trên toàn nước Mỹ, giá xăng trung bình giảm hơn 1 USD/gallon trong năm qua, xuống còn 1,81 USD/gallon. Kể từ cuối tháng 2 cho đến nay, giá đã giảm theo từng ngày. Sẽ phải mất thêm một vài tuần nữa để thấy được giá giảm tại các trạm xăng.
Tại Việt Nam, giá xăng dầu những tháng qua cũng đã có mức giảm kỷ lục trong hơn một thập kỷ. Tính tới phiên giao dịch sáng nay, Petrolimex niêm yết giá xăng dao động từ 10.820 – 12.030 VND/lít ở vùng 1, từ 11.030 – 12.270 VND/lít ở vùng 2. Trong khi đó, giá dầu hỏa vùng 1 là 8.630 VND/lít và vùng 2 là 8.800 VND/lít.
Tham khảo: Bloomberg