Nếu bạn chơi Genshin Impact hướng dẫn build team là một trong những điều bạn nên tham khảo bởi trò chơi này có nội dung sâu sắc hơn vẻ ngoài.
Đã bao giờ bạn có cảm giác thất vọng (và thất bại) trong Genshin Impact vì đội hình toàn 5 sao của mình không mạnh mẽ như mong đợi? Bạn đã đặt hết các nhân vật yêu thích vào đó, với những vũ khí tốt nhất và những bộ thánh di vật ngon nhất, nhưng một con quái nào đó vẫn có thể đá đít bạn về điểm hồi sinh? Bài viết Genshin Impact: hướng dẫn build team này sẽ giúp bạn khắc phục những vấn đề đó.
Phản ứng nguyên tố
Trước khi đi tiếp vào phần Genshin Impact hướng dẫn build team, hãy nhắc lại về tính năng phản ứng nguyên tố của trò chơi. Mỗi nhân vật trong Genshin Impact đều có nguyên tố riêng của họ, có thể từ Cryo (Băng) đến Geo (Đất). Danh sách các nguyên tố hiện có trong trò chơi như sau:
- Cryo (Băng)
- Pyro (Lửa)
- Electro (Điện)
- Hydro (Nước)
- Geo (Đất)
- Anemo (Không khí)
- Dendro (Thiên nhiên / Gỗ?) – Loại này chỉ mới là “giữ chỗ” vì miHoYo chưa phát hành nhân vật nào sử dụng Dendro.
Phản ứng nguyên tố xảy ra khi hai nguyên tố tương tác với nhau tạo ra hiệu ứng. Đội hình của bạn chủ yếu nên xoay quanh việc tận dụng cơ chế phản ứng này bởi chúng có rất nhiều tác dụng từ buff, debuff đến tạo sát thương khủng. Lũ quái bạn đối mặt cũng sẽ có thuộc tính nguyên tố riêng của chúng, vì vậy biết được những con quái nào tương tác với nhau chắc chắn sẽ giúp bạn có một đội hình mạnh mẽ hơn!
Genshin Impact hướng dẫn build team
Trong Genshin Impact, game thủ thường chia các nhân vật ra làm bốn vai trò là DPS, Enabler, Support và Healer. Đúng vậy, bài viết Genshin Impact hướng dẫn build team này nói rằng Healer và Support là hai thứ khác nhau. Chắc chắn Healer vẫn có thể làm Support và ngược lại, chỉ cần bạn biết dùng những kỹ năng của họ một cách phù hợp.
Bây giờ hãy để tác giả giải thích một chút về các vai trò. DPS thường sẽ được “lên hình” thường xuyên hơn nhiều so với các loại khác, và là kẻ gây ra hầu hết sát thương lên quái vật thông qua đòn đánh, kỹ năng hoặc phản ứng. Mặt khác, Enabler là người khơi mào cho các phản ứng của DPS – họ áp các nguyên tố và trạng thái cho những con quái xung quanh.
Hỗ trợ xử lý tất cả các vấn đề mà DPS không làm được chẳng hạn có những kỹ năng thu hút sự chú ý của đám đông, khống chế hoặc gom quái, tạo khiên bảo vệ giúp DPS yên tâm chiến đấu,… Các nhân vật thuộc hai hệ Geo và Anemo xuất sắc trong vai trò này. Healer thì lo chuyện hồi máu, tất nhiên rồi.
Một nhân vật có thể có nhiều vai trò, chẳng hạn Đội trưởng tạm quyền của đội kỵ sĩ Tây Phong là Jean có thể làm Support mà cũng có thể là Healer, còn Fischl vừa có thể là Enable vừa là DPS. Lằn ranh giữa các vai trò này thường không rõ ràng và bạn có thể tự do sắp xếp một đội hình 4 nhân vật theo cách mình cảm thấy hiệu quả nhất.
Ví dụ về một team
Nói chung, bạn chỉ cần Genshin Impact hướng dẫn build team khi đánh các nội dung khó như Abyss (La Hoàn Thâm Cảnh), còn lúc lang thang trong thế giới mở của game thì… thích gì xài nấy, vì mọi thứ rất dễ dàng.
Như thế nào là một đội hình đi Abyss ngon lành? Hãy để tác giả dùng đội hình của chính mình làm ví dụ.
Đội hình được dùng để vượt qua nửa sau của phòng 3 tầng 12, Ganyu, Mona, Xiangling, Bennett là một đội hình kinh điển đúng với bốn vai trò đã được nhắc đến ở đầu bài viết Genshin Impact hướng dẫn build team này. Trong đó, Bennett là healer, Xiangling là Enabler, Mona là Support (kiêm Enabler) và Ganyu là DPS. Với Pyro từ Xiangling và Hydro từ Mona, Ganyu có thể yên tâm gây sát thương lớn bằng cách đóng băng kẻ địch (Cryo + Hydro) hoặc làm chúng tan chảy (Cryo + Pyro), trong khi lũ quái đang bận rộn tấn công vào miếng mồi mà Mona thả ra bằng kỹ năng E.
Đội hình được dùng để vượt qua nửa đầu phòng 2 tầng 12 Abyss là Fischl, Beidou, Xiangling, Bennett. Đây là một đội hình toàn các nhân vật 4 sao và nó không phải là đội hình có trang bị hay cung mệnh khủng. Nhưng nó làm được một điều cực tốt: tạo ra các phản ứng Overload (Quá tải) không ngừng nghỉ khi Electro và Pyro gặp nhau, gây sát thương AOE lên mục tiêu.
Nhược điểm của đội hình này cũng khá rõ ràng: Overload không mạnh như Melt (Tan chảy) hay Vapor (Bốc hơi), và Overload sẽ hất tung những con quái nhỏ khiến việc đuổi theo chúng rất mệt mỏi. Tuy nhiên đây là điều tác giả cần: những con ruồi nhặng (Cicin) trong phòng này rất phiền hà và sát thương AOE từ Overload sẽ giải quyết chúng.
Đây là một đội hình hơi khó tách biệt các vai trò, nhưng cũng theo cùng một nguyên tắc: Fischl và Beidou tạo ra Electro còn Xiangling và Bennett tạo ra Pyro – cả bốn đều là Enabler và ai cũng có thể là DPS. Fischl và Beidou cũng là Support khi Fischl đóng vai trò cung cấp năng lượng cho cả team với chú quạ Oz, còn Beidou có khiên và kỹ năng đỡ đòn giúp giảm sát thương. Bennett ngoài việc tạo Pyro còn là Healer để khắc phục sai lầm trong thao tác. Chỉ có Xiangling là đơn giản nhất, cô bé chỉ việc tạo nguyên tố Pyro lên mục tiêu bằng gấu Guoba và chiêu Q của mình.
Tạm kết
Như vậy, nguyên tắc cơ bản từ bài viết Genshin Impact hướng dẫn build team này là một team nên tập trung vào một phương thức gây sát thương nhất định nếu muốn thành công chinh phục các nội dung hơi khó một tí (bởi ngay cả Abyss cũng không thực sự khó), chứ đừng dàn trải mọi thứ hoặc đơn thuần là “thích gì xài nấy”.
Tùy thuộc vào tình huống của bạn – nhân vật đang có, vũ khí họ dùng, bộ thánh di vật, cách nâng skill,… – mà bạn có thể tự do tùy chỉnh và thay thế các nhân vật trong đội hình để đạt được chỉ số tối ưu.