Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại truyền tai nhau câu nói “nhất quỷ, nhì ma, thứ 3 học trò” nhiều đến vậy. Học sinh, dù là ở thời đại nào, đều thích khám phá, là phần tử xã hội gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội vì lối sống của mình. Ngay sau khi Game of Thrones (Trò Chơi Vương Quyền) mùa 8 kết thúc vào tháng 5 vừa rồi, Euphoria season 1 (Lâng Lâng 1) được trình làng như series phim chiến lược tiếp nối đến từ HBO. Trải qua 8 tập phát sóng, bộ phim thu về vô số phản hồi từ khán giả, giới chuyên môn. Trong đó, những ý kiến chỉ trích đang nhiều hơn bao giờ hết.
1. Với nội dung chân thực, đầy tính tự sự, Euphoria không ngại “bóc từng lớp vỏ” cuộc sống giới trẻ thời hiện đại
Dựa trên series cùng tên của Israel, Euphoria được bàn tay của Sam Levinson viết kịch bản và điều hành sản xuất. Theo từ điển tiếng Anh, Euphoria được định nghĩa là trạng thái phấn khích tột độ và vui sướng. Đúng như vậy, phát sóng tập đầu vào 16/6, bộ phim xoay quanh cuộc sống trung học có phần cực đoan của nữ sinh Rue (Zendaya), được biết đến như “con nghiện” ở tuổi 17. Bên cạnh đó, theo chân Rue, lớp màn cuộc sống của thành phần học sinh trung học tại thời điểm hiện nay cũng được vén lên “trần trụi”.
Xuyên suốt 8 tập phim, khán giả dễ dàng nhận thấy được cách sống của thế hệ mới ngày nay. Đó là cuộc sống mà các cô cậu đua nhau khoe việc “không còn trinh tiết” như một điều đáng tự hào. Hay trả thù bạn trai cũ, bằng cách làm tình với người mới ngay trước mặt họ. Bên cạnh đó, bộ phim còn cho người xem thấy góc nhìn mới của việc “tìm kiếm bạn tình” trong thời đại công nghệ thông tin. Khi những ứng dụng hẹn hò phát triển như vũ bão, ngại gì lập một tài khoản, “matching” một “Daddy” nào đó rồi cùng nhau hưởng trạng thái “Euphoria”.
Bộ phim có thể mang dáng dấp của Lady Bird (Tuổi Nổi Loạn) hay The Tribe, nên việc đem yếu tố giật gân, cảnh nóng, phản ánh sự thật một cách cực đoan cũng không có gì lạ. Thậm chí, nhìn nhận sâu hơn, nó còn phản ánh cách sống quá thoáng của bộ phận thanh thiếu niên tại Mỹ nói riêng, Châu Âu nói chung. Bộ phim hiện đang được dán nhãn TV-MA (tương đương 18+), được xem là “con bài chủ lực” giúp HBO cạnh tranh trực tiếp với Sex Education hay 13 Reasons Why của Netflix.
2. Tranh cãi gay gắt vì phim có nhiều cảnh quay tình dục cực đoan, bình thường hóa “đồi trụy phẩm” đến với trẻ em.
Như thường lệ, mỗi khi có một tác phẩm điện ảnh nào ra đời dán mác 18+, hay chứa đựng những yếu tố nhạy cảm, các nhà phê bình sẽ phản ứng dữ dội. Theo thống kê, mỗi tập phim, các bộ phận nhạy cảm có thể xuất hiện tới 30 lần. Trong đó, cảnh một cô nàng chuyển giới bị một người đàn ông quan hệ tình dục sau khi hẹn hò trên một ứng dụng được nhận định có thể truyền bá thông điệp xấu đến giới trẻ.
Trả lời Fox News, Parents Television Council (PTC) – tổ chức độc lập ở Mỹ chuyên đánh giá ảnh hưởng truyền hình tới trẻ em đã lên tiếng chỉ trích series: “HBO đang cố tình dùng yếu tố tình dục, bạo lực, ngôn ngữ tục tĩu và ma túy để quảng bá phim đến đối tượng thiếu niên, trẻ em“. Theo Hollywood Reporter, nam diễn viên, rapper Brian Bradley đã rời dự án, do bị bắt quay một đoạn “tình dục đồng tính” không có trong kịch bản tập đầu. Sau khi rời phim, Aglee Smith là người thế vai.
Trái ngược với ý kiến chỉ trích, tờ Guardian đánh giá phim là “một trong những series mới táo bạo và hiệu quả nhất năm“. Bên cạnh đó, Variety cho rằng những phân cảnh nhạy cảm trong phim là “khó có thể bỏ qua“. Trang tin Indiewire còn nhận xét bộ phim chân thực, ám ảnh khi kể chuyện góc khuất của thanh niên Mỹ. Trên Rotten Tomatoes, Euphoria hiện đạt 81% điểm tích cực từ các nhà phê bình.
Nói một cách khách quan, từ nội dung, cảnh quay, Euphoria có thể khó được chấp nhận là một bộ phim hoàn toàn có ý muốn “trong sạch”. Tuy nhiên, trong chiều hướng xã hội, phong cách sống của giới trẻ thay đổi theo sự phát triển công nghệ 4.0, khán giả và các nhà phê bình buộc phải nhìn vào sự thật.
Hiện tại, Euphoria đã hoàn thành mùa 1 phát trên HBO Go của FPT Play, phần 2 đang trong quá trình sản xuất.