Soạn giả Nguyễn Phương
Trong số các nghệ sĩ cải lương hồ quảng thành danh đợt đầu tiên trong thập niên 60, nghệ sĩ Bạch Mai và Đức Lợi là một đôi vợ chồng nghệ sĩ được đào tạo từ hai lò nghệ sĩ khác nhau nhưng lại là đôi nghệ sĩ biễu diễn ăn ý với nhau nhất, được khán giả khen tặng là diễn viên đẹp đôi nhất.
- Bấm vào đây để nghe tiết mục này
- Download story audio
Nghệ sĩ Bạch Mai
Bạch Mai tên thật là Nguyễn Ngọc Mai, chị ruột của diễn viên hồ quảng tài danh Thanh Bạch, con của đôi nghệ sĩ hát bội Bảy Huỳnh và Ngọc Hương, bầu của gánh hát Thanh Bình – Kim Mai và sau đổi tên bảng hiệu là gánh hát tuồng cổ Huỳnh Long. Bạch Mai bái nữ nghệ sĩ Năm Thài, đào chánh của gánh hát Chánh Thành làm sư phụ.
Nữ nghệ sĩ Năm Thài là một nghệ sĩ chuyên hát cương, gặp bất cứ vai tuồng nào, tình huống kịch như thế nào, cô cũng ứng khẩu hát cương được, văn chương lưu loát, có vần có điệu như thể là cô hát tuồng đã được soạn giả sáng tác đàng hoàng.
Bạch Mai học thuộc lòng những câu hát của cô Năm Thài, ngoài ra từ nhỏ đến năm 14 tuổi, Bạch Mai hàng đêm ngồi bên cánh gà coi hát, học theo điệu múa, cách ca của nhiều nghệ sĩ tài danh trong đoàn. Năm 13 tuổi Bạch Mai đã ra sân khấu hát những vai đào con.
Năm Bạch Mai được 15 tuổi, cô Năm Thài làm khó gánh hát, đòi tăng lương không được nên nghĩ hát. Đêm đó hát tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài, không có nghệ sĩ nào dám thế tuồng vì sợ hát không bằng cô Năm Thài, Bạch Mai xin cha mẹ cho cô được đóng vai Mạnh Lệ Quân thế cô Năm Thài để cứu vản tình trạng không có nghệ sĩ hát trong đêm đó.
Không ngờ đêm đó Bạch Mai hát thành công quá sức tưởng tượng của các nghệ sĩ trong đoàn và cũng kể từ đó Bạch Mai hát vai chánh các tuồng trong đoàn Bạch Mai nổi danh qua nhiều tuồng thu trên đài Tuyền Hình Saigon qua các Ban Vân Kiều, Ban Phụng Hảo, Ban tuồng cổ Khánh Hồng và Ban tuồng cổ Huỳnh Long.
Tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu
Sau năm 1975, Bạch Mai hát chánh trong đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Bạch Mai nổi danh qua nhiều tuồng như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Lá Chắn Biên Thùy, Tấm Cám, Đường về núi Lam, Người đẹp trong tranh… Riêng vai Lưu Kim Đính, Bạch Mai đã để một dấu ấn sâu đậm trong phong cách diễn xuất tuồng cổ của cô.
Tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu có lớp Sát Tứ môn thành là lớp có vũ đạo khó nhất, Bạch Mai múa đao đánh hạ ba tướng ở ba cửa thành với hình thức vũ đạo khác nhau, diễn tả những nguy hiểm khác nhau khi phải giết tướng của ba cửa thành đó.
Lưu Kim Đính, đến cửa thành thứ tư, tiếng kèn lá run rẩy như tiếng hí của con ngựa kiệt sức, Lưu Kim Đính ngồi bệt xuống đất vừa khóc thương vừa đưa tay run run vuốt từ trên dầu dài xuống đuôi ngựa quí đã tận lực cùng với chủ nơi chiến trường. Qua động tác tay run run vuốt dài trên con lưng ngựa tưởng tượng của nghệ sĩ Bạch Mai, khán giả cũng tường chừng như thấy được con ngựa quý kiệt sức và cảm thông được nổi khổ đau của người chủ tướng trước cái chết của con thần mã, bạn chiến đấu của mình.
Tôi đã xem nhiều nữ nghệ sĩ diễn lớp Lưu Kim Đính sát tứ môn thành và tôi thấy rằng khó có diễn viên nào diễn xuất thần bằng nữ diễn viên Bạch Mai trong lớp tuồng nầy.
Sau năm 1986, Bạch Mai sáng tác cải lương tuồng cổ, ký bút hiệu Bạch Mai và bút hiệu Viên Hoàng. Xin mời quí thính giả nghe giọng hát của Bạch Mai vai Hoàng Hậu trong tuồng Thần đồng Lưu Minh Châu, do Bạch Mai sáng tác.
Nghệ sĩ Đức Lợi
Chồng của Bạch Mai là nghệ sĩ Đức Lợi, tên thật là Huỳnh Văn Lợi, sanh năm 1948 tại Saigon.Đức Lợi học hát trong đoàn Đồng ấu Trường Thành, được nghệ sĩ hát bội lão thành Mười Vàng truyền nghề và đặt cho nghệ danh Đức Lợi.
Sau đó Đức Lợi đầu quân hát cho đoàn Chánh Thành của ông bầu Huỳnh. Đoàn Chánh Thành nhiều lần thay đổi bảng hiệu, đó là đoàn Kim Mai, rồi Thanh Bình – Kim Mai.
Khi ông bầu Huỳnh cộng tác với ông bầu Tư Lù lập thành bốn đoàn Thanh Bình – Kim Mai thì Bạch Mai, Đức Lợi, Ngọc Đáng và Thanh Bạch là bốn diễn viên chánh của đoàn Thanh Bình – Kim Mai 1, hát thường trực tại đình Nhơn Hòa Cầu Muối.
Bạch Mai và Đức Lợi thường hát cặp với nhau hai vai chánh, cảm tài mến sắc của nhau và vì cùng hát chung với nhau lâu năm trên sân khấu Thanh Bình – Kim Mai nên hai bên sanh tình cảm, được cha mẹ đứng ra tác thành nhân duyên.
Về nghệ thuật ca diễn, nghệ sĩ Đức Lợi thon gọn, khi đóng những vai võ tướng, đông tác đẹp biểu lộ được tính cách uy vũ của nhân vật, giọng ca của Đức Lợi rất êm, giống như giọng ca của Hữu Phước, chỉ tiếc là giọng ca của Đức Lợi mõng hơi hơn nên đóng các vai tuồng cổ, Đức Lợi thành công dễ dàng vì phần lớn giọng ca của các diễn viên tuồng cổ thường hay khàn hơi bể giọng.
Đóng tuồng xã hội, Đức Lợi ca rất ngọt nhưng anh chỉ hát được tuồng xã hội khi anh đi đoàn hát cải lương Saigon 3, ngoài ra thì anh ít có dịp được hát tuồng xã hội.
Ở đoàn cải lương Saigon 3 và đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Đức Lợi nổi danh qua các tuồng xã hội Một Cuộc Giải Phẩu, Quán Hương Tràm, Tấm Cám, Anh Hùng Bán Than, Đường Về Núi Lam và đặc biệt nổi bậc nhất là vai Nguyễn Huệ trong tuồng Mặt Trời Đêm Thế Kỷ.
Vai tuồng nầy đã mang lại cho Đức Lợi Huy Chương Vàng diễn viên xuất sắc trong Hội Diễn Sân Khấu Chuyên Nghiệp toàn quốc năm 1995.
Vợ chồng Bạch Mai – Đức Lợi
Bạch Mai – Đức Lợi có bốn người con : Ngọc Thu. Chinh Nhân, Ngọc Thanh và Bình Tinh. Ngọc Thu và Ngọc Thanh không theo nghề hát của cha mẹ.
Mời các bạn tham mục Cổ Nhạc do Soạn giả Nguyễn Phương phụ trách. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org
Chinh Nhân là nghệ sĩ đoạt huy chương vàng diễn viên giải Trần Hữu Trang năm 1996. Nữ nghệ sĩ Bình Tinh diễn các vai nữ tướng, võ tướng phong cách rất uy nghi oai dõng nhưng khi đóng các vai thiếu nữ, mệnh phụ phu nhơn thì động tác và phát âm lời thoại còn cứng, thiếu tính cách dịu dàng nữ tính.
Từ những năm 1964, 1965, Đức Lợi đã nổi danh trong các vai kép chánh của đoàn Thanh Bình – Kim Mai ở đình Nhơn Hòa Cầu Muối và được nhiều khán giả ái mộ qua các show phát trên đài Truyền Hình Saigon của các Ban Khánh Hồng, Ban Phụng Hảo và Ban cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Cuộc sống của đôi tài danh Đức Lợi Bạch Mai rất sung túc, lương đã cao mà còn được khán giả tặng nhiều tiền và nhiều quà.
Sau năm 1975, Đức Lợi cũng được khán giả ái mộ nồng nhiệt khi anh cộng tác với đoàn cải lương Saigon 3 và đoàn Huỳnh Long.
Sau năm 1990, thời kỳ cởi mở, những tuồng tích bị cấm trước đó được cho phép hát lại. Các tuồng cải lương hồ quảng cũng được cho hát rộng rải, Nghệ sĩ Bạch Mai – Đức Lợi quy tụ những nghệ sĩ nhà nghề, bà con với bà bầu Ngọc Hương, họ hợp tác với nhau để vực dậy đoàn Huỳnh Long. Bạch Mai, Đức Lợi đứng ra vay tiền để xây dựng lại gánh hát.
Theo báo Sân Khấu số 393 ngày 5 tháng 8 năm 1998, ngay trong hậu trường của rạp Đai Đồng, đường Cao Thắng, quận Ba, tên xã hội đen Năm Giao, kẻ chuyên cho vay bốc lột và khống chế các nghệ sĩ cải lương, hăm giết và gạch mặt Bạch Mai Đức Lợi.
Hai đứa con nghệ sĩ của hai nạn nhân Bạch Mai Đức Lợi phải quỳ gối lạy tên Năm Giao ngay trong hậu trường sân khấu để xin tên đồ tể nầy đừng hành hung cha mẹ của hai em. Bạch Mai và Đức Lợi phải bỏ gánh hát, trốn xuống tỉnh, mỗi người đi trốn một nơi.
Băng đảng Năm Giao
Năm Giao tên thật là Lê Xuân Giao, sinh năm 1968, thường trú số 122 / 27 / 14 đường Tôn Đản quận 4. Năm Giao xuất thân từ một tên giang hồ có nhiều tiền án, từng bị tù cải tạo nhiều lần. Hắn giả vờ ái mộ nghệ sĩ, vào gánh hát cho vay với lý do là giúp nghệ sĩ khi khó khăn, trưởng đoàn hát cũng có khi vay của hắn nên phải nể vì hắn.
Tiền cho vay là tiền đứng, nghĩa là cho vay mười ngàn đồng thì mỗi ngày dù cho gánh hát có hát hay là không thì con nợ cũng phải trả một trăm đồng tiền lời. Như vậy là tiền lời trong một tháng là ba ngàn đồng. Nếu không trả được hết số tiền vay mười ngàn thì dù cho kéo dài bao nhiêu tháng, cũng cứ phải trả lời ba ngàn một tháng.
Vay nợ lập gánh hát thì con số mượn không nhỏ nên số lời thật cao, khi trả không nổi thì số lời biến thành số nợ, cứ vậy mà trọn đời làm mọi cho Năm Giao cũng không bao giờ hết nợ.
Hắn đã đánh đập nghệ sĩ, chẳng những ở đoàn Huỳnh Long mà còn có nghệ sĩ ở các đoàn hát khác vì con bạch tuột Năm Giao đã đưa vòi tới đó, có người bị bọn chúng nó hãm hiếp mà không ai dám thưa gởi. Không hiểu sao cán bộ trưởng đoàn và công an khu vực cũng mặc nhiên tuy biết là có nhiều nghệ sĩ bị hành hung mà họ không can thiệp hay không báo cáo lên trên.
Thời mạt vận của cải lương
Không biết có nghệ sĩ nào đã gởi đơn đầu cáo lên Công An thành phố nên Năm Giao và đồng bọn bị bắt với tang chứng vật chứng đầy đủ trong đêm 23 tháng 7 năm 1997, chấm dứt mấy năm kinh khủng trong giới nghệ sĩ cải lương dưới móng vuốt của bọn du đảng Năm Giao.
Đức Lợi và Bạch Mai ly dị nhau, một phần cũng khởi đầu từ chuyện Đức Lợi phải bỏ Saigon trốn nợ, anh đến một vùng xa xôi hẻo lánh, hy vọng bọn Năm Giao không biết để đừng bị chúng nó bắt lại hay giết chết. Có lẽ vì nhờ sự bảo bọc của một cô gái nào đó nơi anh lẩn trốn nên Đức Lợi dại dột bước thêm bước nữa khiến cho buồn lòng vợ nhà.
Đức Lợi bị bịnh nan y, nghèo đói và thất nghiệp, đi hát ở quán nghệ sĩ để sống cầm hơi. Hội Ái Hữu Nghệ sĩ tổ chức hát gây quỷ giúp nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn, Đức Lợi được mời đến rạp Hưng Đạo nhận hai triệu đồng Việt Nam, lúc ra về anh bị xe Honda tông té, bị chấn thương sọ nảo, nằm hôn mê một tháng sau thì từ trần. Lễ an táng nghệ sĩ Đức Lợi tại nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp ngày 23 tháng 9 năm 2005.
Thời tung hoành của băng đảng Năm Giao trong giới nghệ sĩ cải lương cũng đáng được gọi là thời mạt vận của cải lương.
Nguyễn Phương xin được chấm dứt chương trình nơi đây, xin hẹn tái ngộ giờ nầy tuần sau.