Đã biết tự trị lấy thân dĩ nhiên không quên việc gìn giữ đức hạnh. Cái đức hạnh là việc trọng yếu nhứt của con người. Đức hạnh là mối đầu của các tánh nết khác; đức hạnh là một việc khó kiếm nhứt, già trẻ lớn nhỏ ai cũng phải rèn đức hạnh và nó là trụ cốt của đạo làm người. Có được đức hạnh mới có được hành động lợi ích cho mọi người và hợp với giáo lý của Thánh nhơn.
“Rán giữ gìn luân lý tam cang, Tròn đức hạnh mới là báu quí”
Câu ấy Đức Thầy bảo chúng ta hãy rán gìn giữ về mặt luân lý tam cang: Quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang. Song muốn tròn được luân lý tam cang thì mỗi người của chúng ta cần giữ gìn đức hạnh mới hợp lý và cũng là báu quí.
Lòng lành của mỗi người ấy là đức; nết tốt của mỗi người ấy là hạnh. Lòng lành ấy được ban rải khắp mọi nơi, nết tốt ấy làm gương mẫu cho xã hội. Tuy nhiên có được nết tốt mới làm được việc lành. Thế nên cả đức lẫn hạnh phải khắng khít không để rời bỏ nhau. Kẻ có được đức hạnh giống như người dựng ngôi nhà có được cái nền dẽ dặt, chắc chắn sẽ được ở lâu và vững vàng. Đã cho đức hạnh là nền móng thì lúc nào chúng ta cũng cần có nó và trau luyện thường ngày, đến khi nào chúng ta thấy đức hạnh nơi mình được đầy đủ nghĩa là không còn chỗ thiếu sót lỗi lầm.
(Những người có tài giỏi, trí cao siêu quần, bạt chúng mà thiếu đức hạnh chỉ thêm tai hại cho mình sau này và chẳng giúp ích được ai.) Tại sao nói thế? Là bởi theo thường tánh thì đức chủ trì các lẽ chánh, trí hay xui những điều xảo, thế nên người chuyên mặt tài trí thường tự phụ hơn người và sanh nhiều mưu chước chiếm trên kẻ khác quá bất công thì đâu tránh khỏi: Cơ thâm họa diệc thâm. Mình dùng trí xảo quyệt đối với người,thì người cũng dùng trí xảo quyệt đối lại, ấy là thường sự xưa nay. Nhưng hai con hổ tranh đấu nhau, con nào cũng nanh vuốt bén nhọn thì cả hai đều bị thương tổn. Xem thế có tài mà không có đức, có phải là tai hại chăng? Thêm nữa với những kẻ tự ỷ tài trí của họ thì họ thường mưu việc danh vọng, quyền quí không nghĩ đến điều nhân nghĩa, miễn chiếm trên và lấn hiếp được kẻ khác để cướp lợi. Kẻ khác vì bị họ áp bức lăng ngược quá nhục nhã cho nên họ cực lực chống trả lại diễn thành cuộc đấu tranh ghê tợn. Như thế kẻ có tài trí mà thiếu đức hạnh không khi nào thâu phục được ai. Dầu có thâu phục được cũng chỉ một số ít,( hạng người hùa hập, nịnh hót theo họ để hưởng lấy những lợi lộc quí quyền vậy thôi), chớ họ chẳng hề thành thật và đám người ấy chẳng làm được những gì hạnh phúc cho ai.
Xin lặp lại một lần nữa, giữa hai việc tài lẫn đức không thể rời nhau ở lúc nào cả nếu rời nhau thì không làm việc gì lớn lao được, vì rằng có tài mà không có đức chỉ chuyên sự xảo quyệt, làm thương tổn nhơn tâm, trái lại có đức không tài thì không được( khoán triển) thiện chí cho mau lẹ. Đức ví như cốt bánh xe, tài như căm bánh xe; cốt và căm không rời nhau mới làm cho bánh xe lăn được. Nếu có cốt mà không căm làm sao thành bánh xe để chạy; có căm mà không có cốt không thể giúp bánh xe lăn đi. Nên tài với đức phải dung hòa lại làm một sẽ được tiến đến mức hoàn thiện.
Tóm lại kẻ chuyên sống về tài trí của mình, chỉ là sống trên sự giả dối và tai hại, nên kẻ tu hành cần phải chuyên tâm vào việc đức hạnh, khiến mình được tư chất thanh cao như:
1- Kẻ có đức hạnh hay thương xót người nguy cơ mà hết lòng giúp đỡ họ tiền của, lúa gạo, thuốc men, áo quần để khỏi phải cùng khốn nghèo nàn. Kẻ có đức hạnh nếu thông minh, thường rủ lòng thương người ngu dốt mà tìm cách dạy dỗ khiến kẻ còn thấp kém được mở mang kiến thức kịp bước trào lưu tiến hóa của nhơn loại.
2- Người có đức hạnh, lời ăn tiếng nói của họ lúc nào cũng dịu ngọt với người đối thoại. Chẳng những đối với ông bà cha mẹ và thân quyến trong gia đình mà còn đối với người ngoài xã hội cũng vậy; họ có những giọng nói hiền hòa do lòng họ thốt ra, không giống người xảo quyệt chuyên nói dối trá. Hơn nữa những lời của người có đức hạnh nói ra đều lợi ích, chẳng những lợi trong gia đình mình mà còn lợi ích cho kẻ xung quanh. Và lời nói của họ có hương vị thơm tho khiến người nghe không chán.
3- Người có đức hạnh, đáy lòng của họ lúc nào cũng tiềm ẩn sự mong muốn các việc nhân từ hòa nghĩa. Các điều ấy họ nhắm ngay dân chúng mà làm: Nhân là tha thứ người lỗi lầm; từ là giúp đỡ kẻ khác cùng được sống đầy đủ; hòa là liên kết mọi người gây lấy hạnh phúc; nghĩa là quên mình để cứu người lâm cơn nguy nàn, như là cứu kẻ thân quyến của họ vậy.
4- Người có đức hạnh, lòng họ luôn luôn khoan dung. Khoan dung là bẩm tánh của họ đã có từ phút, từ giờ không phải tập tành trong nhứt thời rồi bỏ. Họ khoan dung tha thứ tất cả loài người đến loài vật; họ không khi nào vô cớ làm cho kẻ khác chịu đau khổ hay giết chết loài vật một cách quá đáng. Con người ấy luôn luôn có trung hậu, cư xử trong gia đình hiếu thuận, tình nghĩa đượm đà; còn đối với người ngoài thì ăn ngay ở thật.
Nói tóm lại, người có đức hạnh đối với đạo ngũ luân như: vua tôi, thầy trò, chồng vợ, anh em, bằng hữu họ luôn đối đãi phải nghĩa không khi nào kiêu căng phản bội.
5- Người có đức hạnh, tánh nết cũng giữ sự trong sạch: trai thì giữ lấy liêm chánh, chẳng hành động điếm đàng gian trá; gái thì vẫn giữ sự trinh tiết đức hạnh, không hề học thói trên bộc trong dâu cùng những phường bất tiếu. Thêm nữa họ luôn luôn có cử chỉ ḥòa hưỡn, nói năng nho nhã tiêu biểu cho người có giáo dục đạo đức đúng sách Thánh hiền.
6- Người có đức hạnh, dung nghi tướng mạo của họ lúc nào cũng giữ được đoan trang nghiêm chỉnh, ví như công việc phải đi họ đi, phải chạy họ chạy, vì nếu việc phải đi mà chạy khiến người hồ nghi là việc cấp bách, còn việc phải chạy mà thủng thẳng đi khiến người cho là việc thông thường rất có hại. Nên sự đi, đứng, nằm, ngồi của người thường có đức hạnh luôn luôn dòm trước ngó sau rất cẩn thận.
Ngoài ra với những diêu động nhỏ nhít nơi thân của họ đều tập tánh có nề nếp điều hòa, không thái quá bất cập. Ví dụ: không phải việc khoác tay không khoác tay. Tiếng nói, giọng cười cũng vậy, nếu phải việc nên nói thì nói, đáng cười thì cười họ cân đoán từ chút, cho trở thành con người gương mẫu.
7- Người có đức hạnh, đi, đứng, nằm, ngồi đều giữ sự lễ phép, không đi suồng sã ngang qua mặt người tuổi tác, không đứng áng người trưởng thượng chỗ nằm của họ cũng giữ đúng phép, ngồi rất khiêm nhượng không nghênh ngông. Họ luôn luôn có bài toán trong lòng nên việc làm của họ thường ăn nhịp với đạo lý.
8- Người có đức hạnh, luôn luôn ăn cần ở kiệm, không xa hoa phung phí không tiêu xài vào việc vô ích, trái lại thường sẵn sàng giúp đỡ kẻ thiếu hụt mà không một mảy tiếc của. Và họ không vì kẻ thường gần gũi họ mà họ châm chế tội lỗi; không vì kẻ xa lạ họ mà thêm bớt sái quấy, mà là việc làm của họ luôn luôn công bình. Trong nhà đều thứ lớp, ngoài xã hội được phân minh với việc làm nào cũng tương xứng chức vụ và họ quên mình vì công nghĩa, vì lẽ phải của đạo lý.
Họ có thể lột tất cả những gì bất công trong xã hội đời họ thường chủ trì lẽ trong sạch. Họ có sự hiếu thảo trong việc thờ cha kính mẹ; lúc cha mẹ còn sanh tiền họ lo cho được cơm no áo ấm và chỗ ở chu toàn; ngoài ra còn lo tu bồi đạo đức để cứu vớt phần hồn tổ tiên cha mẹ. Và họ lúc nào cũng cẩn trọng ở việc làm, lời nói, ý tưởng; vì họ thấy rằng việc làm và lời nói có tiếng động, có hình sắc thì kết quả cho bản thân: còn ý nghĩa không hình ảnh thì kết quả cho trí óc, nếu để ý nghĩ quấy thì làm cho trí óc tối mê; còn ý nghĩ chơn chánh thì trí óc mở mang sáng sủa. Nên họ luôn luôn cẩn trọng dè dặt từ giờ từ phút trong những việc ấy.
Người có đức hạnh dù có đảm nhận một chức vụ gì họ cũng luôn luôn giữ một mực hiền hậu, chơn chánh, không vì sự nghèo mà làm việc lếu, hay giàu mà kiêu cách và lúc nào họ cũng nói làm chắc chắn thành thật, nên giá trị của họ vẫn thơm tho.
Song người có đức hạnh thường xuất hiện trong cửa đạo vì đó là yếu điểm của nền đạo. Và cũng có do ông bà cha mẹ của họ được sự điểm hóa của Thánh hiền dạy lại họ tập theo, hay nhờ kẻ chung quanh uốn nắn mà họ tiêm nhiễm theo, nên việc đức hạnh nhiều người được biết và họ còn giữ gìn. Và đã lắm người có thiện chí muốn đem việc đức hạnh phổ thông rộng ra.
Tại sao đức hạnh cần được phổ thông? Là vì nó là nấc thang đầu của đức tánh và chính nó thường sản sanh mọi việc tốt lành. Song muốn cho đức hạnh đủ đầy và mau kết quả chúng ta cần phải chuyên học đạo lý để hiểu cách kềm hãm thói hư tật xấu, chừng đó chúng ta mới đến chỗ tốt đẹp trọn vẹn được và nhờ đó sẽ đi đến một kết quả về phần đức hạnh chắc chắn.
Đại để: Muốn cho mình được có đức hạnh, trước tiên rán chừa bỏ điều nhơ xấu nơi lòng rèn luyện cho lòng được tốt tươi, sự nói năng, trông ngó đều được tề chỉnh đoan trang thêm nữa là đặt mọi việc làm lợi ích cho cả người trong gia đình đến ngoài xã hội.
Nếu người giữ được đức hạnh suông theo lối tiêu cực, không phổ cập được nhiều người thì chẳng hóa ra người độc thiện kỳ thân ư ? Chúng ta nên giữ đức hạnh theo lối tích cực, nghĩa là vừa làm cho mình có đức hạnh và làm cho mọi người đều được có đức hạnh như mình. Vậy mới gọi chơn đức hạnh.
Trích từ quyển Chú Nghĩa