Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ gồm 269 điều và 9 chương. Ảnh Internet.
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi.
Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019, có hiệu lực từ 1/1/2021. Luật Chứng khoán năm 2019 được kì vọng sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển an toàn, ổn định, bền vững của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Đây cũng sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng góp phần cải thiện nguồn cung cũng như khả năng hút vốn cho thị trường chứng khoán; nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, tăng tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) chủ trì hoàn thiện, ban hành 4 Nghị định và 11 Thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019. Ngoài dự thảo Nghị định chung hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019, 03 dự thảo Nghị định còn lại đang được cơ quan soạn thảo hoàn thiện liên quan đến quản trị công ty; xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; chứng khoán phái sinh.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ gồm 269 điều và 9 chương quy định chi tiết về chào bán, phát hành chứng khoán và chào mua công khai; tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán; đăng ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, thành viên của tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, tổ chức mở tài khoản trực tiếp.
Ngoài ra dự thảo cũng quy định rõ về nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh, văn phòng đại diện, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý, một trong những điểm mới tại dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi là cho phép doanh nghiệp được chào bán cổ phiếu ra công chúng với giá thấp hơn mệnh giá.
Cụ thể, điều kiện công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng với giá thấp hơn mệnh giá gồm: giá cổ phiếu của tổ chức phát hành giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, trong đó, giá cổ phiếu được tính bằng bình quân giá tham chiếu của 60 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán; có đủ thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán đủ bù đắp phần thặng dư âm phát sinh do chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá…
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, để được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, tổ chức phát hành nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: là chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài đã được chào bán ra công chúng tại Việt Nam theo quy định pháp luật về chứng khoán Việt Nam; số lượng chứng khoán đăng ký niêm yết tương ứng với số lượng chứng khoán được phép chào bán tại Việt Nam; đáp ứng các điều kiện niêm yết; có cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức niêm yết theo quy định của pháp luật Việt Nam; được 1 công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia tư vấn niêm yết chứng khoán; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối.
Cùng với đó, dự thảo nghị định cũng đưa ra nhiều quy định mới về tổ chức thị trường giao dịch; đăng ký chứng khoán, bù trừ và thanh toán chứng khoán; tổ chức kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán;…
Hiện Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đang tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư một cách nghiêm túc để hoàn hiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Trích nguồn
Thùy Linh