Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhập viện và tử vong ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Trong bối cảnh làn sóng mới Covid-19 đe doạ, việc bảo vệ lá phổi và hệ hô hấp một lần nữa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng (sưng) bao gồm viêm phế nang (túi khí nhỏ), túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do vi khuẩn, virus, nấm gây nên. Khi các phế nang, đường dẫn khí chứa nhiều dịch nhầy hoặc mủ, xuất tiết dịch đường hô hấp trên gây ho đờm, sốt ớn lạnh, khó thở. Viêm phổi có thể xuất hiện ở một vùng hoặc vài vùng (viêm phổi thuỳ hoặc “đa thùy”), nguy hiểm hơn là viêm toàn bộ phổi.
Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới, chiếm 14% tổng số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, trong đó có đến 20-45% ca viêm phổi gây ra là do phế cầu khuẩn. Ước tính mỗi năm, một trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 5-8 lần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hàng năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi xảy ra ở trẻ em các nước đang phát triển, với khoảng 11 triệu trẻ nhập viện.
Dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị, nhưng viêm phổi vẫn gây gánh nặng y tế và kinh tế khủng khiếp cho trẻ em và người lớn, đặc biệt khi Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo số liệu của UNICEF và WHO, viêm phổi đã giết 2 triệu trẻ em mỗi năm, nhiều hơn tử vong của AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Ước tính mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới, nghĩa là cứ 20 giây lại có 1 trẻ tử vong do viêm phổi trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc và hơn 4.000 trẻ chết vì viêm phổi, do vậy nước ta được xem là 1 trong 15 quốc gia đối diện với hiểm họa do bệnh viêm phổi nhiều nhất thế giới.
Hiện nay nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc ho, thuốc kháng sinh cho con uống khi trẻ có tình trạng viêm phổi. Trong khi đó, biểu hiện ban đầu của viêm phổi ở trẻ em rất giống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác, thậm chí Covid-19 nên nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tiến triển nhanh dẫn đến biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối tượng dưới 2 tháng tuổi là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.”
Nguyên nhân gây viêm phổi
Nguyễn nhân gây bệnh viêm phổi có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào nguồn lây, mục đích, tác nhân gây bệnh… Nhìn chung nguyên nhân gây viêm phổi chủ yếu được phân chia thành 4 loại dưới đây:
1. Viêm phổi mắc phải cộng đồng
Viêm phổi do vi khuẩn
Vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp nhất ở trẻ em và người lớn. Viêm phổi do vi khuẩn nếu không nhận biết sớm và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí tử vong. Các loại vi khuẩn thường gặp gồm: Streptococcus pneumoniae, Legionella pneumophila, Haemophilus influenzae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae,…
Theo thống kê, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là “thủ phạm” nguy hiểm và thường gặp nhất gây viêm phổi ở nhóm này. Bệnh gây tử vong từ 10-20% và 50% ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già. Phế cầu khuẩn thường trú trong hầu họng người, được lây truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người.
Việc điều trị viêm phổi do phế cầu đã và đang là vấn đề nhức nhối đối với ngành y tế, vì phế cầu là vi khuẩn có độc lực mạnh, có khả năng gây vỡ hồng cầu và xâm nhập gây chết tế bào. Phế cầu khuẩn đang gia tăng mức độ đề kháng kháng sinh, cần phải chọn lựa kháng sinh liều cao và cần phối hợp 2-3 loại kháng sinh, đặc biệt nếu bệnh cảnh viêm phổi nặng nề có thể phải dùng đến 3 loại kháng sinh, phối hợp cùng lúc và thời gian điều trị có thể kéo dài với chi phí điều trị rất tốn kém mới có khả năng khỏi bệnh.
Viêm phổi do virus (bao gồm Covid-19)
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 30% trường hợp viêm phổi do nhiễm virus, đứng thứ 2 sau vi khuẩn. Có rất nhiều loại virus gây bệnh như virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, cảm lạnh và cảm cúm, virus SARS-CoV-2 gây Covid-19,…
Hiện nay, virus SARS-CoV-2 là tác nhân nguy hiểm nhất gây viêm phổi xâm lấn, trong đó, virus có thể làm hỏng phế nang và khiến chất lỏng tích tụ trong phổi, có thể dẫn đến sự phát triển của hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) – một dạng suy hô hấp nghiêm trọng, khiến người bệnh phải can thiệp điều trị khẩn cấp, chạy ECMO (tim – phổi nhân tạo), thậm chí gây tử vong nhanh chóng.
Trước bối cảnh cao điểm dịch bệnh về đường hô hấp hiện nay, viêm phổi do Covid-19 có xu hướng nặng hơn các dạng viêm phổi khác, gây viêm nhiễm nghiêm trọng hơn, biến chứng nặng nề và kéo dài ở một số người.
Viêm phổi do nấm
Viêm phổi do nấm là tình trạng người bệnh hít phải bào tử của nấm gây viêm nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp. Bệnh thường có diễn biến nhanh và rất phức tạp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí thiệt mạng.
Bên cạnh bào tử của nấm thì những tác nhân như: khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất, chế độ dinh dưỡng, vận động – sinh hoạt không đúng cách,… cũng tạo điều kiện cho bệnh viêm phổi do nấm hình thành và dễ dàng phát triển gây viêm phổi.
Viêm phổi do hóa chất
Viêm phổi do hóa chất thường hiếm gặp, ít xảy ra nhưng cực kỳ nguy hiểm vì tỷ lệ gây tử vong cao. Tùy thuộc vào loại hóa chất đã phơi nhiễm mà mức độ nguy hiểm cho người bệnh sẽ khác nhau. Bên cạnh tổn thương phổi, các hóa chất có thể gây tổn hại cho nhiều cơ quan quan trọng khác trong cơ thể như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, gan, cơ quan tiết niệu,…
2. Viêm phổi mắc phải ở bệnh viện
Viêm phổi bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện phổ biến nhất. Tại các nước phát triển, viêm phổi mắc phải ở bệnh viện chiếm tỷ lệ 15% trong tổng số ca nhiễm khuẩn bệnh viện và chiếm 27% số ca nhiễm khuẩn ở khoa hồi sức cấp cứu – một tỷ lệ rất cao. Những vi khuẩn hàng đầu gây ra tình trạng này có thể kể đến như: vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus bao gồm cả MRSA, trực khuẩn gram âm đường ruột như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, vi khuẩn gram âm không có nguồn gốc từ đường ruột như Pseudomonas aeruginosa, các vi khuẩn cư trú ở hầu họng của các bệnh nhân mắc bệnh nặng nằm tại bệnh viện.
Tại Việt Nam, viêm phổi bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng từ 21-75%, trong đó viêm phổi do lây nhiễm qua thở máy chiếm đến 90% và được xác định sau thở máy 48 giờ. Đây là vấn đề rất khó khăn mà các khoa lâm sàng, đặc biệt là khoa hồi sức tích cực đang phải đương đầu vì khó chẩn đoán, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém rất nhiều chi phí cho người bệnh, gia đình và ngành y tế.
3. Viêm phổi do chăm sóc y tế
Viêm phổi liên quan chăm sóc y tế được xem là một phần của viêm phổi mắc phải ở bệnh viện do người bệnh được chăm sóc hay điều trị sau khi:
- Đã nhập viện hơn 48 giờ trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhiễm khuẩn.
- Sinh sống/ cư trú trong viện dưỡng lão hoặc trung tâm chăm sóc dài hạn.
- Được điều trị kháng sinh tiêm tĩnh mạch, hóa trị trong thời gian gần đây hoặc chăm sóc vết thương trong vòng 30 ngày.
- Chạy thận nhân tạo tại bệnh viện hay tại đơn vị chạy thận.
4. Viêm phổi do hít thở
Viêm phổi do khí thở là tình trạng người bệnh hít phải lượng lớn dị vật từ đường thở (miệng, hầu họng, dạ dày,…) sau đó rơi vào phổi 2 bên. Các dị vật có thể là nước bọt, thức ăn, hóa chất, axit dịch vị,… nếu chúng đi vào phổi sẽ kích thích phản ứng viêm của niêm mạc phổi, tạo cơ hội để vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh viêm phổi.
Đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi
Nhiều tổ chức về sức khỏe cộng đồng quốc tế gọi bệnh viêm phổi là “dịch bệnh bị lãng quên” vì đang có hàng triệu người chủ quan hoặc lầm tưởng về mức độ nguy hiểm của bệnh. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị viêm phổi, trong đó trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai,… là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nên có tỷ lệ lây nhiễm viêm phổi rất cao, biến chứng nặng nề, điều trị kéo dài, với tỷ lệ tử vong cao. BS.CKI Bạch Thị Chính đã đưa ra các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị đe dọa bởi viêm phổi nhiều nhất:
1. Trẻ em
Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là đối tượng dưới 2 tháng tuổi với hệ hô hấp và hệ miễn dịch còn non nớt, chưa hoàn thiện nên có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Thống kê của WHO, viêm phổi trẻ em gây ra cái chết của gần 800.000 trẻ trên thế giới, trong đó có đến 22% là trẻ từ 1-5 tuổi, đây là con số đáng báo động khi trẻ em hoàn toàn có thể được bảo vệ khỏi bệnh viêm phổi bằng các biện pháp can thiệp đơn giản như chủng ngừa vắc xin, được điều trị bằng thuốc và chăm sóc công nghệ thấp, chi phí thấp.
2. Người cao tuổi
Người già, người lớn tuổi hội tụ rất nhiều các yếu tố nguy cơ đặc thù thúc đẩy và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi như sức khỏe và hệ thống miễn dịch suy yếu, đồng mắc nhiều bệnh lý mãn tính (COPD, hen suyễn, đái tháo đường, tim mạch,…), chức năng phổi giảm theo tuổi tác, khả năng thích nghi kém và sự tác động của nhiều có yếu tố có hại (nghiện thuốc lá, thuốc lào, bia rượu). Người lớn tuổi mắc viêm phổi nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời rất dễ gặp biến chứng nặng nề, điển hình là suy hô hấp, thở máy, chạy ECMO và tử vong nhanh chóng.
3. Phụ nữ mang thai
Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của phụ nữ mang thai suy yếu, chức năng tim – phổi cũng bị suy giảm nên dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây viêm phổi cao hơn người bình thường nhiều lần. Nếu mẹ bầu mắc viêm phổi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi, làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ, sinh non, sảy thai.
Phụ nữ mang thai nếu mắc Covid-19, đặc biệt biến chứng viêm phổi thật là điều rất tồi tệ. Gánh nặng bệnh tật cho mẹ bầu lớn hơn gấp cả trăm lần so với người bình thường khi người mẹ phải thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao, em bé có nguy cơ sinh non, lây nhiễm bệnh,… thậm chí đe dọa tính mạng.
4. Các yếu tố rủi ro khác
- Bệnh nhân đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, đặc biệt nếu đang sử dụng máy thở,…
- Người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tim mạch,…
- Người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc bị ức chế như: người bị nhiễm HIV/AIDS, đã được ghép tạng, hoặc người được hóa trị hoặc dùng steroid dài hạn,…
- Người bị nghiện thuốc lá, thuốc lào, người làm việc, sinh sống ở môi trường bị ô nhiễm, khói bụi,…
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi
Mọi lứa tuổi, giới tính, bệnh lý đều có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi hoặc đồng mắc viêm phổi với bệnh lý khác. Tuy nhiên, các yếu tố dưới đây có thể là “mồi lửa” thúc đẩy tăng nguy cơ mắc viêm phổi và biến chứng nặng, khó điều trị như:
- Trẻ em dưới 5 tuổi;
- Người trên 65 tuổi;
- Người dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm thanh quản;
- Người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh về gan, tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn…;
- Người bị suy giảm miễn dịch như: người có cơ quan nội tạng được cấy ghép, người bị bệnh bạch cầu hoặc HIV/AIDS hoặc đang điều trị ung thư;
- Người hút thuốc lá, sinh sống ở nơi nhiều khói bụi, khói bếp…
- Người đang nằm ở bệnh viện, hoặc đang thở máy,…
Quá trình lây truyền bệnh viêm phổi
Phần lớn các trường hợp viêm phổi trong cộng đồng xuất phát điểm từ virus, vi khuẩn. Viêm phổi là bệnh hô hấp có tính truyền nhiễm dễ dàng và nhanh chóng nhất từ người sang người qua hai con đường chính: Trực tiếp và gián tiếp.
- Lây truyền trực tiếp: Người khỏe mạnh vô tình hít phải virus, vi khuẩn gây viêm phổi khi tiếp xúc gần, nói chuyện với người bệnh hoặc khi người bệnh hắt hơi, ho, sổ mũi.
- Lây truyền gián tiếp: Người khỏe mạnh có thể mắc viêm phổi khi tiếp xúc chung các vật dụng, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc chén đũa, quần áo… Hoặc người lành vô tình chạm vào các vật dụng có sẵn vi sinh vật gây bệnh và đưa tay lên mũi, mắt, miệng. Bởi virus, vi khuẩn có thời gian sống ở trên đồ vật cá nhân của người bệnh lên đến vài giờ.
Xem thêm bài viết chi tiết về quá trình lây truyền của bệnh viêm phổi tại đây: https://vnvc.vn/viem-phoi-co-lay-khong/
Thời gian ủ bệnh viêm phổi bao lâu?
Thời gian ủ bệnh viêm phổi bao lâu? Thời gian ủ bệnh viêm phổi được hiểu khoảng thời gian giữa lần tiếp xúc đầu tiên với virus, vi khuẩn gây bệnh đến khi cơ thể có những triệu chứng khởi phát. Thời gian ủ bệnh viêm phổi có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cá thể. Phần lớn trường hợp, viêm phổi xuất hiện ở dạng cấp tính (bệnh kéo dài dưới 6 tuần) với các triệu chứng khởi phát rõ ràng ở những ngày đầu. Đặc biệt, nếu tình trạng khó thở càng trở nặng thì nguy cơ tử vong trong thời gian ngắn càng cao.
Đồng thời, viêm phổi mạn tính cũng có biểu hiện tương tự, thời gian bệnh kéo dài không dứt. Một người được chẩn đoán mắc viêm phổi mạn tính khi bệnh kéo dài quá 6 tuần.
Triệu chứng của bệnh viêm phổi
Hầu hết các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp sẽ tương tự nhau. Tuy nhiên, cần phải nắm rõ cụ thể những triệu chứng viêm phổi có thể xảy ra nhằm phân biệt với cúm mùa hay cảm lạnh. Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, giai đoạn phát triển cũng như mức độ tổn thương ở phổi mà viêm phổi có biểu hiện diễn biến từ nhẹ cho đến nghiêm trọng, phổ biến và ít phổ biến như sau:
1. Dấu hiệu viêm phổi thường gặp
Dấu hiệu viêm phổi thường gặp xuất hiện chủ yếu ở các trường hợp viêm phổi cấp tính, triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và thường gặp ở trẻ nhỏ, người già:
- Đau ngực khi thở hoặc ho;
- Ho, ho khan, ho có đờm;
- Sốt trên 38 độ, đổ mồ hôi và ớn lạnh;
- Mệt mỏi, uể oải và chán ăn;
- Thở nhanh, khó thở khi gắng sức;
- Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy;
2. Biểu hiện viêm phổi ít phổ biến
Biểu hiện viêm phổi ít phổ biến có thể xuất phát từ các ca viêm phổi cấp tính phát hiện trễ hoặc không được can thiệp kịp thời sau hơn 2 tuần trở lên. Những biểu hiện gần như tương tự thể cấp tính nhưng kéo dài và gây ra nhiều ảnh hưởng hơn đến sức khỏe và quá trình sinh hoạt hàng ngày như.
- Ho ra máu;
- Đau đầu;
- Đau cơ và đau khớp;
- Ở người cao tuổi có thể bị lú lẫn hoặc thay đổi ý thức;
Người bình thường mắc viêm phổi có triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà và có thể hoàn toàn tự khỏi trong khoảng 2-3 tuần. Đối với phụ nữ mang thai, nếu nghi ngờ mắc viêm phổi cần lập tức đi khám và điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của mẹ và thai nhi.
Biến chứng bệnh viêm phổi ở người trưởng thành
Viêm phổi là bệnh lý dễ chuyển biến xấu và tiên lượng nặng khi xảy ra các biến chứng. Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, khoảng 25% người trên 65 tuổi mắc viêm phổi có nguy cơ tử vong; 30-50% người bệnh phải gánh chịu những biến chứng viêm phổi nặng nề như:
- Nhiễm trùng huyết;
- Suy hô hấp nặng;
- Tràn dịch màng phổi;
- Áp xe phổi;
- Viêm màng ngoài tim;
- Các biến chứng ở các cơ quan khác: Viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm phúc mạc, viêm màng não, áp xe não,…
Thời tiết thất thường khiến nhiều người lớn, người cao tuổi mắc viêm phổi nặng do phế cầu khuẩn dẫn đến suy hô hấp phải cấp cứu. Đồng thời mùa hè, việc nằm điều hòa quá lạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở người già. Đặc biệt là với những người già suy giảm nhận thức, yếu liệt phải nằm một chỗ không thể tự chủ động điều chỉnh nhiệt độ hay tự đắp chăn. Bên cạnh đó, khả năng cảm nhận của người già cũng đã bị suy giảm nên khó cảm thấy bản thân bị lạnh. Ở người cao tuổi tình trạng bệnh thường nặng, nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm, quá trình điều trị kéo dài và rất tốn kém.
Theo thống kê, có tới hơn 50 loại viêm phổi từ nhẹ đến nặng. Viêm phổi nhẹ có thể tự khỏi, nhưng cũng có rất nhiều loại viêm phổi có biến chứng nặng, dễ gây tử vong như viêm phổi do virus SARS-CoV-2, viêm phổi do phế cầu khuẩn, viêm phổi do não mô cầu khuẩn,… Chính vì thế, khi có triệu chứng nghi ngờ viêm phổi, cần đến khám ngay tại các trung tâm y tế, bệnh viện uy tín để được các bác sĩ thăm khám kịp thời. Không nên chủ quan nghĩ viêm phổi có thể tự khỏi mà không điều trị hoặc điều trị không đúng cách dẫn đến các biến chứng khó lường.
Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi
Chẩn đoán viêm phổi
Tùy từng đối tượng, từng trường hợp mà viêm phổi có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng rõ ràng, hoặc thậm chí không có triệu chứng. Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh để chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán viêm phổi và tìm nguyên nhân để đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp như:
- Khám lâm sàng: Hỏi và chẩn đoán viêm phổi dựa trên các dấu hiệu cảnh báo như: đếm nhịp thở, nghe phổi,…
- Chụp X-quang phổi: Đây cũng là xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán viêm phổi, từ kết quả chụp X-quang, bác sĩ sẽ đánh giá các tổn thương nhu mô như tổn thương phế nang, mô kẽ phổi.
- Xét nghiệm máu: Kết quả cho thấy bạch cầu trong máu tăng cao, kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn phổi.
- Soi cấy đờm, cấy máu: Tìm thấy vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng phổi.
- Xét nghiệm đo nồng độ Oxy, CO2 trong máu: Thấy rõ tình trạng tăng giảm oxy, thán khí chứng minh cho tình trạng suy hô hấp.
- Chụp CT: Tìm ra tổn thương dù là nhỏ hay khó thấy nhất (đám mờ ở phổi) mà phim chụp X-quang bỏ sót.
- Nội soi phế quản: Quan sát đường hô hấp bằng ống nội soi mềm (soi phế quản) để chẩn đoán các bệnh lý về phổi. Thủ thuật này cho phép lấy các mẫu mô, tế bào hoặc dịch của phổi.
Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi
Viêm phổi cần được phát hiện sớm, can thiệp điều trị kịp thời để ngăn ngừa nhiễm trùng và chặn đứng các biến chứng. Phương pháp điều trị bệnh viêm phổi cần phù hợp với từng triệu chứng và diễn tiến của bệnh. Với một số trường hợp khi bệnh đã chuyển biến nặng, việc điều trị sẽ hết sức khó khăn. Theo các chuyên gia y tế, những phương pháp điều trị bệnh viêm phổi bao gồm:
Điều trị triệu chứng
Sử dụng các loại thuốc như: thuốc hạ sốt/thuốc giảm đau (Paracetamol), thuốc ho, thuốc long đờm, thuốc giãn phế quản,… nhằm kiểm soát tốt triệu chứng viêm phổi, giảm bớt cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Điều trị nguyên nhân
Tùy theo tác nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng có thể áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau:
- Viêm phổi do vi khuẩn: Dùng các loại thuốc kháng sinh: Aspirin, Ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và acetaminophen (Tylenol). Nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị một loại kháng sinh khác.
- Viêm phổi do virus: Không có hiệu quả khi dùng kháng sinh để điều trị. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước nhằm làm loãng đờm và chất nhầy trong cơ thể. Uống thuốc hạ sốt khi bị sốt cao trên 38.5 độ C.
- Viêm phổi do nhiễm nấm: Có thể điều trị tận gốc bằng cách dùng thuốc chống nấm thích hợp.
Người trưởng thành, người già khi mắc viêm phổi nặng với biểu hiện khó thở nhiều, thở gắng sức cần được đưa đến bệnh viện điều trị sớm. Riêng với trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi có các biểu hiện viêm phổi đều phải nhập viện cấp cứu ngay. Trẻ nhỏ từ 2-5 tuổi nếu không ăn uống, co giật, ngủ li bì – khó đánh thức, thở rít cũng phải lập tức nhập viện điều trị.
Điều trị tại nhà
Hầu hết các triệu chứng viêm phổi sẽ thuyên giảm trong vài ngày hoặc vài tuần, cảm giác mệt mỏi, khó chịu có thể kéo dài trong 1 tháng hoặc hơn. Khi điều trị tại nhà, người bệnh sẽ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, cần ghi nhớ lịch hẹn tái khám theo chỉ định, hoặc đến bệnh viện ngay nếu có biến chứng khó thở, sốt cao không hạ…
Ngoài ra, để quá trình điều trị và phục hồi hiệu quả, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, vận động hợp lý, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo năng lượng để thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sức khỏe.
Phòng ngừa bệnh viêm phổi
Viêm phổi là bệnh lý hoàn toàn có thể dự phòng chủ động. Viêm phổi có thể dự phòng bằng cách giữ gìn vệ sinh cơ thể và môi trường sống, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục, giữ ấm hay đeo khẩu trang khi ra đường để bảo vệ hệ hô hấp là cần thiết nhưng chưa đủ và sẽ rất khó để cách ly hoàn toàn. Vắc xin là phát minh vĩ đại của nhân loại để bảo vệ con người khỏi dịch bệnh, chủng ngừa là phương pháp hữu hiệu và đơn giản nhất để bảo vệ các đối tượng có nguy cơ cao khỏi viêm phổi và các biến chứng nguy hiểm.
Tiêm chủng vắc xin phòng viêm phổi
Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh khả năng tạo miễn dịch, tăng cường sức đề kháng hệ hô hấp bảo vệ lá phổi, đẩy lùi bệnh viêm phổi khi tiêm đồng thời vắc xin Covid-19 cùng với vắc xin phòng bệnh do phế cầu khuẩn, vắc xin phòng cúm, ho gà, uốn ván, bạch hầu… Ngay khi xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở… ngoài việc nghĩ tới Covid-19, người bệnh cần lưu tâm đến bệnh viêm phổi và đến ngay bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo các loại vắc xin phòng viêm phổi mà trẻ em và người lớn, đặc biệt đối tượng yếu thế cần tiêm ngay thời điểm này gồm:
- 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu),… do phế cầu khuẩn: Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Bỉ).
- 4 loại vắc xin cúm mùa phòng ngừa bệnh cúm và các biến chứng viêm phổi: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), Ivacflu-S (Việt Nam), GC FLU Quadrivalent (Hàn Quốc). Đặc biệt, vắc xin cúm đã được chứng minh mang lại hiệu quả phòng bệnh cộng hưởng, giúp giảm tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng, nhập viện và ít chăm sóc khẩn cấp (ICU) do Covid-19.
- Vắc xin VA-Mengoc BC (Cu Ba) phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa,… do não mô cầu khuẩn tuýp BC và vắc xin Menactra (Mỹ) phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa,… do não mô cầu khuẩn tuýp A,C,Y,W-135.
- 2 loại vắc xin 3 trong 1 phòng Ho gà – Bạch hầu – Uốn ván: Boostrix (Bỉ), Adacel (Canada) giúp bảo vệ đường hô hấp do vi khuẩn Ho gà, Bạch hầu.
- 2 loại vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/ Infanrix Hexa (Bỉ) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh viêm phổi – viêm màng não do HIB.
- 2 loại vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp)/Infanrix IPV+Hib (Bỉ) phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi – viêm màng não do Hib.
- Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim phòng Ho gà – Bạch hầu – Uốn ván – Bại liệt.
- Vắc xin Quimi – Hib (Cuba) phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não do Hib.
Tại Việt Nam, Hệ thống tiêm chủng VNVC luôn nỗ lực cung ứng đầy đủ các loại vắc xin quan trọng và chất lượng bậc nhất cho người dân, đặc biệt là các loại vắc xin phòng viêm phổi, đặc biệt vắc xin Phế cầu Prevenar-13 hot nhất, bảo vệ phổi trong giai đoạn giao mùa cho trẻ em và người lớn, người cao tuổi, người có bệnh nền.
Tất cả các loại vắc xin đều được VNVC nhập khẩu chính hãng từ các hãng dược phẩm danh tiếng hàng đầu thế giới và bảo quản trong hệ thống kho lạnh đạt tiêu chuẩn quốc tế GSP, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người sử dụng. VNVC có hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh chuyên dụng quy mô nhất với hệ thống kho lạnh tổng và kho lạnh đạt chuẩn GSP tại tất cả các trung tâm tiêm chủng. Hệ thống tiêm chủng này đang nỗ lực mở rộng nhiều trung tâm đến các địa phương vùng sâu vùng xa để người dân được tiêm chủng vắc xin an toàn, chất lượng, chi phí hợp lý và bình ổn giá.
Xây dựng chế độ sinh hoạt – dinh dưỡng lành mạnh, khoa học
Bên cạnh chủ động tiêm vắc xin viêm phổi sớm, đúng lịch đủ liều, việc xây dựng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng – vận động lành mạnh, hợp lý, khoa học cũng là chìa khóa hữu hiệu ngăn ngừa viêm phổi ở trẻ em và người lớn:
- Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là lúc giao mùa.
- Tránh môi trường có nhiều khói thuốc lá, không thuốc lá,…
- Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng có tác dụng diệt khuẩn, đặc biệt là từ bên ngoài trở về nhà.
- Mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh có thể lây qua đường hô hấp,…
- Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng góp phần tăng cường hệ miễn dịch. Một số thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng sữa,…
- Vệ sinh hầu họng, mũi miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lí nhằm loại bỏ vi khuẩn hiện diện.
Viêm phổi, đặc biệt viêm phổi xâm lấn do phế cầu diễn tiến nhanh, khó điều trị, nguy hiểm khi virus SARS-CoV-2 độc lực mạnh hơn. Ngay thời điểm này, mỗi người cần chủ động phòng bệnh viêm phổi cho bản thân và gia đình bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ, giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi hàng loạt dịch bệnh đang vào cao điểm.