Quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về hình phạt tù có thời hạn
ThS. Nguyễn Minh Hải – Hoàng Ngọc Anh
Tóm tắt: Bộ luật Hình sự năm 2015 có những sửa đổi lớn về chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp, trong đó có những sửa đổi, bổ sung về hệ thống hình phạt nói chung và hình phạt tù có thời hạn nói riêng, đặt ra yêu cầu cần phải tìm hiểu, nghiên cứu để vận dụng đúng vào thực tiễn xét xử. Bài viết phân tích những quy định của Bộ luật Hình sự về tù có thời hạn tại Phần những quy định chung và Phần các tội phạm.
Từ khóa: Hình phạt tù có thời hạn; chấp hành hình phạt tù; tha tù trước thời hạn; Bộ luật Hình sự.
1. Quy định của Bộ luật Hình sự về tù có thời hạn tại Phần những quy định chung
1.1. Về khái niệm hình phạt tù có thời hạn
Nghiên cứu lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam từ khi có Bộ luật Hình sự (BLHS) đầu tiên đến nay, chúng tôi nhận thấy, ở tất cả các BLHS đều quy định khái niệm “tù có thời hạn”. Trong BLHS đầu tiên (năm 1985) tại Điều 25 quy định: “Tù có thời hạn là hình phạt buộc người bị kết án phải bị giam trong thời gian từ ba tháng đến hai mươi năm”. Việc thể hiện nội dung của tù có thời hạn là “buộc người bị kết án phải bị giam” là chưa hoàn toàn chính xác, chưa tương đồng với pháp luật về thi hành án hình sự cùng thời điểm, thậm chí, có tính cực đoan. Bởi lẽ, quá trình chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tuy bị cách ly ra khỏi môi trường xã hội và phải sinh sống trong các trại giam, nhưng không có nghĩa họ bị biệt giam hoàn toàn, mà vẫn được lao động, học tập để cải tạo, giáo dục trở thành công dân có ích cho xã hội.
BLHS năm 1999 quy định khái niệm tù có thời hạn được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chính sách hình sự ở giai đoạn này, tại Điều 33 quy định: “Tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định”. Nội dung của hình phạt tù có thời hạn đã được quy định cụ thể hơn, đó là “buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam…”, phù hợp hơn so với quy định của BLHS năm 1985, tương đồng với pháp luật về thi hành án hình sự cùng thời điểm.
Trong BLHS năm 2015, tại khoản 1 Điều 38 quy định: “Tù có thời hạn là buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định”. Trong khái niệm này, nội dung của hình phạt tù có thời hạn được quy định tương tự như BLHS năm 1999, điểm sửa đổi là nơi chấp hành hình phạt, theo đó, cụm từ “trại giam” được thay bằng cụm từ “cơ sở giam giữ”. Việc sửa đổi như vậy nhằm đảm bảo sự phù hợp, tương đồng với pháp luật về thi hành án hình sự, vì trên thực tế, không phải mọi trường hợp chấp hành án phạt tù có thời hạn đều được thi hành tại trại giam, mà còn được đưa đến trại tạm giam, thậm chí là nhà tạm giữ để thi hành án phạt tù. Nếu tiếp tục quy định việc chấp hành án phạt tù được thực hiện tại trại giam như BLHS năm 1999, sẽ thiếu cơ sở pháp lý cho việc đưa các phạm nhân tới các trại tạm giam, nhà tạm giữ để thi hành án. Hiện nay, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, thì “cơ sở giam giữ phạm nhân là nơi tổ chức quản lý, giam giữ và giáo dục cải tạo phạm nhân, bao gồm trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ”.
Các trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Công an cấp tỉnh, cấp quân khu là những cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý giam giữ người bị kết án tử hình, trực tiếp quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân chấp hành án tại trại tạm giam. Vì vậy, việc sử dụng cụm từ “cơ sở giam giữ” bao trùm và rộng hơn là sử dụng cụm từ “trại giam” như BLHS năm 1999. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc BLHS năm 2015 sử dụng cụm từ “cơ sở giam giữ” là chưa hoàn toàn chuẩn xác, vì theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thì: “Cơ sở giam giữ là nơi tổ chức giam giữ, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bao gồm trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng”. Điều đó thể hiện rằng, khái niệm “cơ sở giam giữ” chưa bao gồm “trại giam” – với tư cách “là nơi chấp hành hình phạt của người bị kết án tù có thời hạn và tù chung thân”[1]. Chúng tôi thấy rằng, ở đây có sự chưa thống nhất về ngoại diên của khái niệm “cơ sở giam giữ” giữa hai đạo luật được ban hành tại cùng một thời điểm (ngoại diên của khái niệm cơ sở giam giữ trong BLHS năm 2015 rộng hơn trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015). Tuy vậy, cần tránh quan điểm sử dụng khái niệm pháp lý ở một nhánh luật nhỏ để giải thích cho khái niệm pháp lý của ngành luật lớn – BLHS. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam với phạm vi điều chỉnh nhỏ, có bản chất là một nhánh của ngành luật tố tụng hình sự, điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thi hành lệnh (quyết định) tạm giữ, tạm giam của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, mà không điều chỉnh các vấn đề phát sinh, liên quan đến việc tổ chức thi hành bản án, quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án. Do vậy, cần phải hiểu khái niệm “cơ sở giam giữ” trong BLHS năm 2015 theo nghĩa rộng, bảo đảm tính dự phòng trong tương lai, ngoại diên của khái niệm này không đơn thuần chỉ là trại tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ, mà quan trọng hơn, nó còn bao gồm hệ thống trại giam hoặc là một thiết chế nào đó, mà sau này pháp luật cho phép thiết chế đó được tham gia vào quá trình tổ chức thi hành án phạt tù. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng, việc BLHS năm 2015 sử dụng cụm từ “cơ sở giam giữ” là phù hợp, đảm bảo tính dự phòng của quy phạm pháp luật. Trong những năm tới, không loại trừ chính sách hình sự có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng xã hội hóa công tác thi hành án hình sự, các thiết chế tham gia vào công tác thi hành án phạt tù, ở một số loại tội, một số đối tượng có thể sẽ không bắt buộc phải do Nhà nước đảm nhiệm, mà có thể tận dụng nguồn lực từ xã hội. Khi đó, việc cho phép người bị kết án chấp hành án phạt tù tại cơ sở nào sẽ do lực lượng thi hành án hình sự chuyên trách quyết định căn cứ vào từng trường hợp cụ thể do luật định.
1.2. Về thời hạn của hình phạt tù có thời hạn và việc khấu trừ thời hạn chấp hành hình phạt tù
Thời hạn của hình phạt tù và việc khấu trừ thời hạn chấp hành hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người phạm tội bị tạm giữ, tạm giam trong quá trình giải quyết vụ án được quy định tại khoản 1 Điều 38 BLHS năm 2015, tương tự với BLHS năm 1999, thể hiện sự ổn định trong chính sách hình sự của Nhà nước ta về vấn đề thời hạn của hình phạt tù có thời hạn. Tòa án chỉ được áp dụng hình phạt tù có thời hạn trong giới hạn (tối thiểu và tối đa) của khung hình phạt mà người phạm tội đã phạm; nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015 để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn – đó là trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015. Tuy vậy, cũng cần lưu ý là, Tòa án không được tuyên phạt tù dưới 03 tháng, vì đó là mức thấp nhất của loại hình phạt này; và hình phạt tù có thời hạn tối đa đối với 01 người phạm 01 tội là 20 năm, nhưng trường hợp phạm nhiều tội bị xét xử trong cùng một lần hoặc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, thì hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm tội có thể lên tới 30 năm tù.
1.3. Các trường hợp không áp dụng hình phạt tù
Theo khoản 2 Điều 38 BLHS năm 2015: “Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, BLHS quy định trường hợp không được áp dụng hình phạt tù có thời hạn, nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tù có thời hạn, mở rộng áp dụng hình phạt không tước tự do và có tính bắt buộc, qua đó cụ thể hóa chính sách hình sự được định hướng trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tòa án không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm tội trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện: Thứ nhất, tội phạm đã thực hiện là tội vô ý và mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó là không quá 03 năm tù. Ví dụ tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 138 BLHS năm 2015, …; Thứ hai, người phạm tội là người lần đầu phạm tội và có nơi cư trú rõ ràng – được hiểu là nơi thường trú hoặc tạm trú có địa chỉ được xác định cụ thể. Theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Nghị quyết số 01/2018), được coi là phạm tội lần đầu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “a) Trước đó chưa phạm tội lần nào; b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”.
Theo đó, khi thỏa mãn 02 điều kiện trên Tòa án sẽ phải áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định không áp dụng hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp trên còn có ý nghĩa là khi khởi tố, điều tra đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý, thì dứt khoát không được áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam[2]. Theo chúng tôi, tạm giữ, tạm giam là những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội theo những căn cứ do Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định mà không phụ thuộc vào quy định của BLHS. Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 117 BLTTHS năm 2015 thì “tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã”; trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015 thì tạm giam còn có thể áp dụng đối với các trường hợp như: Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù từ trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp: a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; b) không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn… Hoặc theo khoản 3 Điều 119 tạm giam cũng có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã… Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, thì hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người phạm tội lần đầu thuộc loại tội ít nghiêm trọng do vô ý.
1.4. Quy định về tổng hợp hình phạt tù có thời hạn, gồm có 02 trường hợp
Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 55) và tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 56) quy định trong BLHS năm 2015 có nội dung giống quy định của BLHS năm 1999.
Ở trường hợp thứ nhất, phạm nhiều tội nghĩa là một người có nhiều hành vi phạm tội hoặc chỉ có một hành vi phạm tội, nhưng thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau và bị xét xử trong cùng một vụ án về nhiều tội. Có thể là[3]: (1) Người phạm tội có nhiều hành vi phạm tội khác nhau và mỗi hành vi cấu thành một tội phạm; (2) Người phạm tội có một hành vi phạm tội nhưng hành vi này lại cấu thành nhiều tội khác nhau. Khi xét xử cùng một lần, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội rồi tổng hợp hình phạt theo Điều 55 BLHS năm 2015 có thể có các trường hợp sau: (1) Trường hợp các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó cộng lại thành hình phạt chung áp dụng đối với người phạm tội không quá 30 năm tù – điểm a khoản 1 Điều 55; (2) Trường hợp các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù có thời hạn theo tỷ lệ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo nguyên tắc trên – điểm b khoản 1 Điều 55; (3) điểm c, d khoản 1: Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân hoặc tử hình, thì hình phạt nào nặng nhất (chung thân hoặc tử hình) được xác định là hình phạt chung.
Khi tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, cần lưu ý là, trường hợp các hành vi phạm tội đều thực hiện tại thời điểm BLHS năm 1985 có hiệu lực thi hành, mà sau này mới đưa ra xét xử (các vụ án phục hồi), khi quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt, Tòa án cần áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội, trong đó, cần lưu ý quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội tại Điều 41 (BLHS năm 1985 sửa đổi, bổ sung năm 1989): “Khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên”. Theo quy định này và quy định về hình phạt tù có thời hạn, một người dù phạm nhiều tội, khi xét xử trong cùng một lần và bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, thì hình phạt chung đối với họ không quá 20 năm tù.
Ở trường hợp thứ hai, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (trong đó có quy định về tổng hợp hình phạt tù có thời hạn): Trong thực tiễn xét xử, đây là trường hợp dễ nảy sinh các vướng mắc và sai sót khi tổng hợp hình phạt đối với người phạm tội. Điều 56 BLHS năm 2015 quy định 03 trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án: (1) Theo khoản 1 Điều 56: Đang chấp hành bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung (trên cơ sở hình phạt của hai bản án). Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung; (2) Theo khoản 2 Điều 56: Đang chấp hành hình phạt của một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó quyết định hình phạt chung (trên cơ sở hình phạt của bản án sau và phần còn lại chưa chấp hành của bản án trước); (3) Theo khoản 3 Điều 56, phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án trước chưa được tổng hợp thành hình phạt chung, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án trước theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015.
Tương tự như tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội nêu trên, trường hợp các hành vi phạm tội đều thực hiện tại thời điểm BLHS năm 1985 có hiệu lực thi hành mà sau này mới đưa ra xét xử (các vụ án phục hồi), khi quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, Tòa án cần áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội, trong đó cần lưu ý quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án tại Điều 42 (sửa đổi năm 1989, 1991): “1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên. Thời gian chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. 2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới. Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó cộng với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất mà Luật quy định cho loại hình phạt đã tuyên. 3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp theo quy định ở khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì Tòa án ra quyết định tổng hợp các hình phạt của các bản án. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất mà Luật quy định cho loại hình phạt đã tuyên”. Theo quy định này và quy định về hình phạt tù có thời hạn, khi tổng hợp hình phạt tù có thời hạn của nhiều bản án đối với một người, hình phạt chung đối với họ không quá 20 năm tù.
Thực tiễn xét xử cho thấy, khi tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, có Tòa án đã tổng hợp hình phạt không đúng, gây bất lợi cho người phạm tội, ví dụ: Vụ án Huỳnh Định A và Nguyễn Quốc D phạm tội trốn khỏi nơi giam theo khoản 1 Điều 245 BLHS năm 1985. Hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra vào ngày 23/6/1998 (thời điểm BLHS năm 1985 đang có hiệu lực). Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 1 Điều 245; điểm h khoản 1 Điều 38; điểm h khoản 1 Điều 39 BLHS năm 1985; Nghị quyết số 41/2017/QH14; khoản 3 Điều 7; khoản 1 Điều 386; Điều 17; Điều 58 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Huỳnh Định A 02 năm 06 tháng tù; Áp dụng khoản 2 Điều 56 BLHS năm 2015, tổng hợp với hình phạt 19 năm 03 tháng 19 ngày tù của Bản án số 12/HSST ngày 29/10/1998 của Tòa án X, buộc bị cáo Huỳnh Định A phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 21 năm 09 tháng 19 ngày tù,… Sai sót của bản án trên khi tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là đã áp dụng Điều 56 BLHS năm 2015, trường hợp này, vì hành vi phạm tội của bị cáo xảy ra ngày 23/6/1998 – thời điểm BLHS năm 1985 đang có hiệu lực, trong khi đó, theo quy định tại Điều 42 BLHS năm 1985 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, thì hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt đã tuyên (tối đa là 20 năm tù). Do vậy, cần phải áp dụng BLHS năm 1985 để tổng hợp hình phạt mới đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo. Đây là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, gây bất lợi cho người phạm tội nên đã bị cấp có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Mặc dù đây là hạn chế của BLHS năm 1985, nhưng lại có lợi hơn cho người phạm tội so với BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, do vậy, đối với những trường hợp này, nếu việc áp dụng quy định về tổng hợp hình phạt của các bộ luật cho ra kết quả khác nhau về mức hình phạt chung đối với người phạm tội, thì Tòa án cần áp dụng các quy định có lợi – tức là, áp dụng BLHS năm 1985 (Điều 41 hoặc Điều 42) để tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội hoặc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với người phạm tội.
1.5. Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện
Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được Tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện theo quy định của BLHS, xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ – Điều 1 Nghị quyết số 01/2018. Thẩm quyền thực hiện việc tha tù trước thời hạn có điều kiện theo Điều 368 BLTTHS năm 2015 thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành án phạt tù. Đây là quy định hoàn toàn mới so với các BLHS trước đây, là biện pháp miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại có điều kiện. Người được áp dụng biện pháp tha miễn này không phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ, được trở về với gia đình, cộng đồng xã hội, nhưng họ phải chấp hành các điều kiện nhất định trong thời gian thử thách bằng với thời gian còn lại của hình phạt tù chưa chấp hành. Biện pháp này nhằm tạo thêm cơ hội để người bị kết án phạt tù tự giáo dục, cải tạo, giảm thiểu thời gian phải cách ly khỏi xã hội, giảm bớt chi phí, áp lực cho công tác thi hành án ở các cơ sở giam giữ.
Về đối tượng áp dụng (khoản 1, khoản 2 Điều 66 BLHS năm 2015): Người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội ít nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là, đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng không cần thiết bắt buộc trước đó phải được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, còn các trường hợp còn lại (tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng), thì bắt buộc trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Theo quy định tại khoản 2 Điều 66, loại trừ các trường hợp sau không thuộc đối tượng được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện: “a) Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 của Bộ luật này; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251 và 252 của Bộ luật này; b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này”.
Về điều kiện áp dụng (khoản 1 Điều 66 BLHS năm 2015): Những đối tượng trên được cơ quan có thẩm quyền xem xét có thể cho tha tù trước thời hạn có điều kiện khi có đủ các điều kiện sau: (a) Phạm tội lần đầu; (b) có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; (c) có nơi cư trú rõ ràng; (d) đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí; (đ) đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn. Đối với một số đối tượng nhất định như người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người từ đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thời hạn để được xem xét được giảm bớt là: Phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn (khoản 3 Điều 66 BLHS năm 2015): Theo đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, khi quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, Tòa án ấn định thời gian thử thách bằng thời gian còn lại chưa chấp hành của hình phạt tù đối với người bị kết án. Trong thời gian thử thách, người được tha tù phải thực hiện các nghĩa vụ nhất định (được quy định cụ thể tại Điều 62 Luật Thi hành án hình sự năm 2019). Thời gian thử thách của án treo theo quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015 là từ 01 năm đến 05 năm, nhưng thời gian thử thách của người được áp dụng biện pháp này không cố định ở mức trên, nó có thể dưới 01 năm nhưng cũng có thể trên 05 năm.
Buộc chấp hành hình phạt tù còn lại (khoản 4 Điều 66 BLHS năm 2015): Điều luật quy định có 02 trường hợp sau đây người được tha tù trước thời hạn sẽ có thể hoặc bị buộc phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành: Trường hợp thứ nhất, trong thời gian thử thách, người được tha tù trước thời hạn cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần[4] trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Việc có buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt còn lại trong trường hợp này là quy định tùy nghi, có thể áp dụng hoặc có thể không, do Tòa án đánh giá, cân nhắc về sự cần thiết của việc áp dụng trong từng trường hợp cụ thể. So với quy định về buộc người chấp hành án treo phải thi hành hình phạt tù chưa chấp hành tại Điều 65 BLHS năm 2015, quy định này nghiêm khắc hơn ở điểm Điều luật bổ sung trường hợp vi phạm hành chính 02 lần trở lên cũng có thể bị Tòa án buộc chấp hành phần hình phạt tù còn lại (trường hợp án treo không quy định). Trường hợp thứ hai, trong thời gian thử thách người được tha tù trước thời hạn phạm tội mới, thì Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015. Khác với trường hợp thứ nhất, đây là trường hợp bắt buộc phải chấp hành phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước, chứ không phải là có thể (quy định tùy nghi), thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với người được tha tù trước thời hạn, đòi hỏi họ phải giáo dục, cải tạo, chấp hành pháp luật tốt, trong đó đòi hỏi về chấp hành pháp luật hình sự phải là tuyệt đối.
Tương tự như đối với án treo, theo quy định tại khoản 5 Điều 66 BLHS năm 2015, trong thời gian thử thách, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện chấp hành tốt các nghĩa vụ, thì có thể được Tòa án rút ngắn thời gian thử thách, các điều kiện này là: Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ.
2. Quy định của Bộ luật Hình sự về tù có thời hạn tại Phần các tội phạm
2.1. Cơ cấu hình phạt tù có thời hạn trong các khung hình phạt của Bộ luật Hình sự
Theo thống kê của chúng tôi (bảng số 1), trong 314 tội danh quy định tại Phần các tội phạm của BLHS năm 2015, tù có thời hạn là hình phạt chiếm tỷ lệ cao nhất, có mặt ở 312 tội danh (chiếm 99,36% – BLHS 1999 có 100% các tội danh quy định hình phạt tù). BLHS năm 2015 chỉ có 02 tội danh hoàn toàn không quy định hình phạt tù có thời hạn, đó là tội tổ chức tảo hôn (Điều 183) và tội quảng cáo gian dối (Điều 197), ở hai tội này, cải tạo không giam giữ là hình phạt nặng nhất mà Bộ luật quy định đối với người phạm tội.
Trong số 314 tội danh của BLHS năm 2015, có tổng số 881 khung hình phạt (áp dụng đối với cá nhân phạm tội), trong đó có 26 khung hình phạt không quy định hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm tội, chiếm tỷ lệ 2,95%, đó là khoản 1 của các điều 135, 136, 138, 155, 159, 165, 179, 180, 183, 197, 198, 201, 204, 205, 213, 225, 226, 231, 264, 284, 291, 293, 294, 336, 362 và khoản 4 Điều 261. Các khung hình phạt này quy định hình phạt lựa chọn trong số các hình phạt không tước tự do: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ. So sánh với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Phần các tội phạm của Bộ luật này, chỉ có 06 khung hình phạt không quy định hình phạt tù, đó là: khoản 1 các điều 125, 159, 161, 163, 170a, 171. Điều này cũng đồng nghĩa: Trong số 881 khung hình phạt của BLHS năm 2015, có 855 khung hình phạt có quy định hình phạt tù có thời hạn.
Tiếp tục phân tích cơ cấu hình phạt tù trong các khung hình phạt của BLHS năm 2015 (bảng số 2), chúng tôi nhận thấy, có 262 khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài lựa chọn bên cạnh các hình phạt khác nhẹ hơn như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ – chiếm tỷ lệ 29,74% (so với tổng số 881 khung hình phạt của BLHS áp dụng đối với cá nhân). Ví dụ: tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173: Người nào trộm cắp tài sản của người khác…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:… Trong khung chế tài này, điều luật quy định 02 loại hình phạt có thể áp dụng đối với người phạm tội là cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn – nghĩa là tù có thời hạn là chế tài lựa chọn (tùy nghi), do Tòa án áp dụng trên cơ sở cân nhắc, đánh giá từng trường hợp cụ thể.
Chương
Số tội danh trong Chương
Tội danh trong mỗi chương quy định hình phạt tương ứng Cảnh cáo Phạt tiền Cải tạo không giam giữ Tù có thời hạn Tù chung thân Tử hình XIII 14 0 0 0 14 9 6 XIV 34 3 6 17 34 8 2 XV 11 3 3 11 11 0 0 XVI 13 2 0 9 13 4 0 XVII 7 4 1 6 6 0 0 XVIII 48 2 35 33 47 3 1 XIX 12 0 12 8 12 0 0 XX 13 0 1 0 13 9 3 XXI 69 1 41 44 69 10 1 XXII 22 7 7 16 22 0 0 XXIII 14 1 2 8 14 4 2 XXIV 24 3 1 12 24 2 0 XXV 28 0 0 20 28 3 0 XXVI 5 0 0 0 5 4 3 Tổng 314 26 109 184 312 56 18 Tỷ lệ 100% 8,28% 34,71% 58,60% 99,36% 17,83% 5,73%
Bảng số 1: Cơ cấu hình phạt trong các tội danh trong mỗi chương của BLHS năm 2015
Đồng thời, trong 881 khung hình phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội có 593 khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài bắt buộc – chiếm tỷ lệ 67,31%. Điều này không đồng nhất với việc người phạm tội luôn bị áp dụng hình phạt tù khi phạm tội ở các trường hợp này, bởi lẽ, khi đủ điều kiện Tòa án có thể áp dụng Điều 54 BLHS năm 2015 để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn… Chúng tôi cũng nhận thấy, hầu hết các khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài bắt buộc có ở các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, một số ít trường hợp quy định ở loại tội ít nghiêm trọng.
Tổng số khung hình phạt của BLHS (với cá nhân) Số khung hình phạt không quy định hình phạt tù Số khung hình phạt quy định hình phạt tù Tổng số Số khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài lựa chọn Số khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài bắt buộc 881 26 855 262 593 Tỷ lệ: 100% 2,95% 97,05% 29,74% 67,31%
Bảng số 2: Cơ cấu hình phạt tù trong các khung hình phạt của BLHS năm 2015
So sánh với cơ cấu hình phạt tù có thời hạn trong các khung hình phạt của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009): Bộ luật này có tổng số 707 khung hình phạt, trong đó có 701 khung hình phạt quy định hình phạt tù có thời hạn. Thống kê cũng cho thấy: có 185 khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài lựa chọn (bên cạnh các hình phạt nhẹ hơn như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) – chiếm 26,17 % (so với tổng số 707 khung hình phạt của BLHS); có 516 khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài bắt buộc – chiếm 72,98%; và như trên đã nêu, có 06 khung hình phạt không quy định hình phạt tù – chiếm tỷ lệ 0,85%. Điều này thể hiện rằng, trong BLHS năm 2015: Tỷ lệ khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài lựa chọn nhiều hơn (29,74% so với 26,17%); tỷ lệ khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài bắt buộc thấp hơn (67,31% so với 72,98%); và tỷ lệ khung hình phạt không quy định hình phạt tù có thời hạn nhiều hơn (2,95% so với 0,85%) so với BLHS năm 1999.
Qua số liệu thống kê và phân tích trên cho thấy, mặc dù hình phạt tù có thời hạn vẫn là hình phạt phổ biến, chiếm tỷ lệ cao nhất trong BLHS năm 2015, nhưng so với BLHS năm 1999 đã được giảm bớt theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị: “Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”. Số liệu này minh chứng rằng, chính sách hình sự của nhà nước ta ngày càng nhân đạo, nhân văn hơn, đây là cơ sở để bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Vì vậy, quá trình giải quyết các vụ án, cơ quan có thẩm quyền cần lưu ý và nhận thức đúng đắn về xu hướng tăng cường áp dụng các hình phạt không tước tự do, hình phạt tù có thời hạn chỉ nên được quyết định và áp dụng trong những trường hợp cần thiết và bắt buộc.
2.2. Hình phạt tù áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt
Nhắc lại rằng, theo luật hình sự Việt Nam, chuẩn bị phạm tội (CBPT), phạm tội chưa đạt (PTCĐ) và tội phạm hoàn thành là ba mức độ (giai đoạn) thực hiện tội phạm ở tội cố ý. BLHS năm 2015 quy định về CBPT, PTCĐ tại Điều 14 và Điều 15 thuộc Phần những quy định chung của BLHS, còn tội phạm hoàn thành được quy định tại tội danh cụ thể thuộc Phần các tội phạm – những dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm của một tội danh cụ thể cũng là dấu hiệu của trường hợp tội phạm hoàn thành. Khi nghiên cứu và xác định lỗi cố ý trong các giai đoạn thực hiện tội phạm, khoa học luật hình sự gần như đã có nhận thức chung và được thực tiễn xét xử thừa nhận là các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ có trong các tội được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp[5]. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi trong hai trường hợp CBPT, PTCĐ nhẹ hơn tội phạm hoàn thành, nên mức độ trách nhiệm hình sự (TNHS) mà người phạm tội bị áp dụng cũng nhẹ hơn trường hợp tội phạm hoàn thành, có như vậy mới đảm bảo sự phân hóa TNHS (cụ thể là hình phạt) giữa các trường hợp phạm tội có mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. So với BLHS năm 1999, quy định về hình phạt tù áp dụng đối với trường hợp CBPT, PTCĐ của BLHS năm 2015 có một số nét khác biệt, cụ thể:
– Đối với trường hợp CBPT: Trước hết, chế định về CBPT trong BLHS năm 2015 có một số điểm khác biệt so với BLHS năm 1999, đó là: (1) Về nội hàm của khái niệm CBPT, BLHS năm 2015 mở rộng phạm vi được xác định là CBPT – ngoài các trường hợp như BLHS năm 1999 quy định, các trường hợp sau đây cũng được xác định là CBPT: Thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS. (2) Quy định cụ thể các tội danh người CBPT phải chịu TNHS (BLHS năm 1999 không quy định), đó là 25 tội danh được quy định tại các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324. (3) Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS khi CBPT giết người (Điều 123), CBPT cướp tài sản (Điều 168) (theo BLHS năm 1999 thì đối tượng này phải chịu TNHS về hành vi CBPT ở mọi tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng).
Về hình phạt, khung hình phạt áp dụng đối với người CBPT cũng được BLHS xây dựng thành một khung riêng biệt. Trước kia, theo Điều 52 BLHS năm 1999, trong trường hợp điều luật được áp dụng quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 20 năm tù; nếu là tù có thời hạn, thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Trong lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật, quy định “không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định” có những cách hiểu khác nhau, gây những tranh luận trong nghiên cứu, áp dụng BLHS: Điều luật khống chế cả mức tối thiểu và tối đa của khung hình phạt hay chỉ khống chế mức tối đa?[6] Để giải quyết bất cập trên, BLHS 2015 đã quy định khung hình phạt riêng đối với trường hợp CBPT ngay trong các tội danh của BLHS mà hành vi CBPT phải chịu TNHS.
Theo thống kê của chúng tôi (bảng số 3), trong số 25 tội danh quy định hành vi CBPT phải chịu TNHS – tương ứng với 25 khung hình phạt áp dụng đối với hành vi CBPT, hình phạt tù có thời hạn có ở tất cả các khung hình phạt này. Trong đó, có 02 khung hình phạt quy định hình phạt tù là chế tài lựa chọn bên cạnh hình phạt cải tạo không giam giữ (chiếm 08% so với tổng số các khung hình phạt của hành vi CBPT); 23 khung hình phạt quy định hình phạt tù là chế tài bắt buộc (chiếm 92% so với tổng số các khung hình phạt của hành vi CBPT). Mức phạt tù cao nhất trong các khung hình phạt quy định là 05 năm tù, thấp nhất là 03 tháng, chỉ có 02 tội cố ý gây thương tích (Điều 134) và tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 207) quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội. Chế tài áp dụng đối với người CBPT chủ yếu là tù có thời hạn, bởi vì, hầu hết đây là các trường hợp CBPT tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (ở khung cơ bản), qua đó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và quan điểm của nhà nước đối với những hành vi tương tự, từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, như trên đã nêu, mặc dù 23 khung hình phạt quy định tù có thời hạn là hình phạt bắt buộc, nhưng trên thực tế, khi có đủ những điều kiện theo luật định, người CBPT hoàn toàn có thể được áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù khi được áp dụng khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015.
Như vậy, mặc dù BLHS năm 2015 quy định hình phạt tù là hình phạt chủ yếu áp dụng đối với người CBPT, nhưng so với BLHS năm 1999, khung hình phạt áp dụng đối với người CBPT được BLHS năm 2015 quy định giảm nhẹ rất nhiều; bên cạnh đó, diện chủ thể và phạm vi các tội danh mà hành vi CBPT phải chịu TNHS cũng được thu hẹp hơn rất nhiều so với BLHS năm 1999. Đây là những biểu hiện rõ nét của nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, qua đó, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Tổng số khung hình phạt của hành vi CBPT Số khung hình phạt quy định tù có thời hạn chế tài lựa chọn Số khung hình phạt quy định tù có thời hạn là chế tài bắt buộc 25 02 23 100% 8% 92%
Bảng số 3: Cơ cấu hình phạt tù trong các khung hình phạt của hành vi CBPT
Khi quyết định hình phạt đối với người CBPT có điểm cần lưu ý là: Do khung hình phạt áp dụng đối với người CBPT là khung nhẹ nhất trong tất cả các khung hình phạt của điều luật cụ thể, vì thế, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đủ điều kiện áp dụng khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn đối với người phạm tội, lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
– Đối với trường hợp PTCĐ: Được quy định tại Điều 15 BLHS năm 2015, có dấu hiệu pháp lý giống với quy định tại Điều 18 BLHS năm 1999, trường hợp này, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cao hơn so với CBPT, nhưng lại thấp hơn tội phạm hoàn thành, khác với CBPT ở chỗ: Không có phạm vi giới hạn các tội danh mà người PTCĐ phải chịu TNHS, mà người PTCĐ phải chịu TNHS về mọi tội phạm (những tội có giai đoạn PTCĐ) mà người đó đã phạm; BLHS năm 2015 không quy định khung hình phạt riêng đối với hành vi PTCĐ như đối với CBPT; khung hình phạt áp dụng đối với người PTCĐ được xác định trên cơ sở kết hợp giữa khung hình phạt của trường hợp tội phạm hoàn thành với quy định tại Điều 57 BLHS năm 2015 – giống cách quy định của BLHS năm 1999. Trước đây, theo hướng dẫn của TANDTC tại Mục 2 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự năm 1999: “…chỉ khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà người phạm tội không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của họ thuộc khoản nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì mới áp dụng khoản, điều luật tương ứng đó. Trong trường hợp không xác định được tội phạm mà họ thực hiện không đạt thuộc khoản tăng nặng cụ thể nào của điều luật tương ứng quy định về tội phạm đó, thì áp dụng khoản nhẹ nhất của điều luật tương ứng đó”. Chúng tôi cho rằng, tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết này vẫn còn phù hợp với BLHS năm 2015 khi xem xét TNHS của hành vi PTCĐ, có nghĩa là, tương tự như trước kia, khi xác định TNHS đối với hành vi PTCĐ, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ khung hình phạt mà người PTCĐ định phạm là gì, từ đó làm căn cứ để tiến hành các hoạt động tố tụng như thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, tạm giam, cũng như xác định mức độ TNHS (hình phạt) mà người phạm tội có thể bị áp dụng.
Về hình phạt áp dụng, theo khoản 1 Điều 57 BLHS năm 2015, hình phạt đối với người phạm tội được quyết định theo các điều luật của BLHS về các tội phạm tương ứng. Ngoài ra, khoản 3 Điều 57 quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”, so sánh với khoản 3 Điều 52 BLHS năm 1999 thấy rằng, BLHS năm 2015 quy định khung hình phạt đối với người PTCĐ giảm nhẹ hơn so với BLHS năm 1999. Trong mọi trường hợp, người PTCĐ chỉ có thể bị áp dụng mức phạt tù cao nhất là 20 năm tù, trong khi đó, theo BLHS năm 1999 thì hình phạt cao nhất mà người PTCĐ có thể bị áp dụng là tù chung thân hoặc tử hình (trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng). Nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù có thời hạn, thì hình phạt áp dụng đối với người phạm tội là không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Tuy nhiên, tương tự như đối với trường hợp CBPT, khi có đủ các điều kiện để áp dụng khoản 3 Điều 54 BLHS năm 2015, trong nhiều trường hợp, người phạm tội hoàn toàn có thể được áp dụng hình phạt nhẹ hơn tù có thời hạn./.
[1] Xem: Điều 1 Quy chế Trại giam, ban hành kèm theo Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ.
[2] Đinh Văn Quế (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (Phần thứ nhất – Những quy định chung), tr.183.
[3] Xem thêm: Nguyễn Ngọc Hòa (2017), tlđd, tr.276.
[4] Xem thêm Điều 5 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn về trường hợp bị coi là vi phạm nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
[5] Quan điểm thừa nhận các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ có trong trường hợp cố ý trực tiếp là quan điểm phổ biến trong các giáo trình luật hình sự của các cơ sở đào tạo luật hiện nay; xuất phát từ hướng dẫn của TANDTC tại Bản chuyên đề tổng kết thực tiễn xét xử loại tội giết người của TANDTC (trong tập Hệ thống hóa luật lệ về hình sự, tập I, tr.326-356, ban hành năm 1979) đã thừa nhận: Trường hợp phạm tội vô ý và cố ý gián tiếp đều không có giai đoạn chuẩn bị và chưa đạt, xem: Đại học Luật Hà Nội (1997), Luật hình sự Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, tr.67; Đại học Luật Hà Nội (2011), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (tập I), tr.159; Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2007), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), tr.222.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng các giai đoạn thực hiện tội phạm cần phải được đặt ra cho cả trường hợp cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp, xem: PGS.TSKH. Lê Cảm (chủ biên – 2005), Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự, tr.128-131; Đại học Luật Hà Nội (1997), tài liệu đã dẫn, tr.67-69.
[6] Trịnh Quốc Toản (2008), Hoàn thiện hình phạt tử hình, tù có thời hạn và phạt tiền theo yêu cầu cải cách tư pháp, Tạp chí Tòa án nhân dân số 9/2008, tr.4; Nguyễn Minh Hải (2009), Về nguyên tắc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và đối với người chưa thành niên phạm tội, Tạp chí Tòa án nhân dân số 16/2009, tr.4 và các trang tiếp theo.
Nguồn: Tạp chí Toà án số 6/2022