Viêm khớp ngón tay cái là tình trạng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Ngón tay cái là nơi thực hiện nhiều chức năng nhất trong năm ngón của bàn tay. Đối các ngón còn lại của bàn tay là chức năng quan trọng và chỉ có ngón cái làm được. Nhờ vậy, ngón tay cái cho phép thực hiện hàng trăm nhiệm vụ mỗi ngày. Chẳng hạn như mở nắp chai, vặn tay nắm cửa, véo hay búng ngón tay…
Vì tính linh hoạt và sử dụng nhiều của nó nên rất dễ dẫn đến viêm khớp ngón tay cái. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, biết những kiến thức cơ bản của viêm khớp ngón tay cái là rất cần thiết. Hãy đồng hành cùng YouMed tìm hiểu kỹ hơn về bệnh lý này nhé!
Định nghĩa viêm khớp ngón tay cái
Viêm khớp ngón tay cái là loại viêm khớp phổ biến nhất ở bàn tay. Nó thường gặp với tình trạng lão hóa và ăn mòn bề mặt sụn khớp. Tình trạng này xảy ra ở khớp giữa nền xương bàn ngón tay cái và xương thang vùng cổ tay.
Các triệu chứng bao gồm đau, sưng, giảm sức mạnh và tầm vận động của ngón tay cái. Nó gây khó khăn cho việc thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như xoay tay nắm cửa, mở nắp chai. Điều trị thường bao gồm sự kết hợp giữa thuốc và nẹp. Viêm khớp ngón tay cái nặng có thể cần đến can thiệp phẫu thuật.
Sơ lược về giải phẫu
Các vị trí của khớp ngón tay cái bao gồm các khớp:
- Liên đốt: là khớp giữa 2 đốt xương ngón tay cái.
- Khớp bàn ngón: là khớp giữa đốt gần và xương bàn ngón tay cái.
- Khớp giữa xương bàn ngón tay cái và xương thang ở cổ tay.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Viêm khớp ngón tay cái thường xảy ra với tình trạng thoái hóa. Chấn thương hoặc tổn thương khớp ngón tay cái trước đây cũng có thể gây viêm khớp ngón tay cái.
Trong khớp ngón tay cái bình thường, sụn bao phủ các đầu xương. Chúng hoạt động như một lớp đệm và cho phép các xương trượt nhẹ nhàng lên nhau. Khi viêm khớp ngón tay cái, sụn bị mài mòn, và bề mặt nhẵn của nó trở nên sần sùi. Các xương sau đó cọ sát vào nhau, dẫn đến ma sát và tổn thương mặt khớp.
Tổn thương khớp có thể dẫn đến sự phát triển của các xương mới được gọi là gai xương. Sờ nắn có thể phát hiện các u cục, gồ lên trên khớp ngón tay cái.
Các yếu tố nguy cơ
Yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp ngón tay cái bao gồm:
- Giới tính: theo thống kê, giới nữ bị nhiều hơn nam giới gấp 6 lần.
- Tuổi: Viêm khớp ngón tay cái thường xảy ra do quá trình lão hóa. Do đó nó thường phổ biến hơn ở người lớn trên 40 tuổi.
- Béo phì.
- Các bệnh di truyền: như lỏng dây chằng khớp và dị dạng khớp bẩm sinh.
- Chấn thương khớp ngón tay cái, chẳng hạn như gãy xương và bong gân.
- Các bệnh làm thay đổi cấu trúc chức năng bình thường của sụn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.
- Các hoạt động và công việc cường độ cao cho khớp ngón tay cái. Chẳng hạn như đánh máy vi tính, bấm điện thoại, lái xe máy…
- Viêm khớp ở vùng khác như gối, háng hoặc khuỷu tay, làm tăng khả năng viêm khớp ngón tay cái.
Triệu chứng viêm khớp ngón tay
Các triệu chứng có thể có nhiều mức độ khác nhau. Từ nhẹ cho đến tồi tệ hơn theo thời gian, đặc biệt là nếu không được điều trị đúng cách. Bao gồm:
- Đau là triệu chứng xuất hiện đầu tiên và phổ biến nhất của viêm khớp ngón tay cái. Đau xảy ra ở nền ngón tay cái khi nắm chặt một vật hoặc dùng lực ngón tay cái.
- Cảm giác khó chịu sau khi sử dụng ngón cái kéo dài.
- Sưng hoặc cứng ở nền ngón tay cái.
- Vùng khớp ngón tay cái ấm hơn các vùng khác.
- Giảm sức mạnh khi thực hiện các động tác ở ngón tay cái.
- Giảm tầm vận động của ngón tay cái.
- Gai xương mọc ở các xương cạnh khớp tạo ra các cục u nổi lên trên khớp ngón tay cái.
- Biến dạng ngón tay cái.
Chẩn đoán viêm khớp ngón tay cái
Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ viêm khớp ngón tay cái cần đến khám bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tìm các dấu hiệu ở khớp như sưng và u cục. Trước khi chẩn đoán viêm khớp ngón tay cái, bác sĩ thường hỏi bệnh sử về các vấn đề:
- Những chuyển động nào làm cho cơn đau tăng thêm?
- Mức độ đau như thế nào?
- Tiền sử có chấn thương vùng ngón tay cái không?
- Bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác.
Khám
Bác sĩ sẽ giữ cố định khớp ngón cái ở cổ tay và di chuyển ngón tay cái. Nếu chúng tạo ra âm thanh hoặc gây đau, cảm giác khó chịu thì sụn có thể đã bị mòn. Quá trình này cũng giúp kiểm tra tầm vận động của ngón tay cái. Một khớp bị viêm sẽ hạn chế tầm vận động và có thể bị cứng khớp. Sờ nắn tại vùng khớp sẽ thấy sưng và ấm hơn các vùng xung quanh.
Chẩn đoán phân biệt
Các bệnh lý sau cũng có thể gây đau ở nền ngón tay cái:
- Hội chứng De quervain.
- Bệnh lý ngón tay bật.
- Hội chứng ống cổ tay.
Cận lâm sàng
Nếu nghi ngờ bị viêm khớp ngón tay cái, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X quang kiểm tra.
Các dấu hiệu viêm khớp ngón tay cái trên x quang, bao gồm:
- Gai xương.
- Mòn bề mặt sụn khớp.
- Giảm hoặc mất khoảng gian giữa các đốt xương.
Các cận lâm sàng hình ảnh khác như CT, MRI, siêu âm hiếm khi được sử dụng.
Điều trị viêm khớp ngón tay cái
Viêm khớp là một bệnh tiến triển, có nghĩa là chúng sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Trong giai đoạn đầu của viêm khớp ngón tay cái, thường áp dụng biện pháp điều trị không phẫu phuật. Nếu viêm khớp ngón tay cái trở nên trầm trọng, có thể cần thiết phải phẫu thuật.
1. Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật)
Thuốc:
Để giảm đau, bác sĩ có thể dùng các loại thuốc như:
- Thuốc bôi, chẳng hạn như capsaicin hoặc diclofenac, được bôi trên da vùng khớp bị viêm.
- Giảm đau kháng viêm không kê toa, chẳng hạn như paracetamol, ibuprofen hoặc naproxen natri.
- Giảm đau kháng viêm theo toa, chẳng hạn như celecoxib, tramadol. Những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ ở liều cao. Chẳng hạn như ù tai, các vấn đề về tim mạch, tổn thương gan thận và xuất huyết tiêu hóa. Có thể cần phải được xét nghiệm máu trong khi dùng các loại thuốc này.
Cần dùng đúng liều của bác sĩ hoặc không dùng nhiều hơn liều khuyến cáo trên bao bì. Ở liều cao, các thuốc này sẽ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn đối với cơ thể. Theo Hiệp hội Phẫu thuật Bàn tay Hoa Kỳ, không có loại thuốc nào có thể làm chậm quá trình viêm khớp ở ngón tay cái.
Chườm lạnh:
Vùng khớp được chườm lạnh trong 5 đến 15 phút vài lần một ngày có thể giúp giảm sưng và đau.
Chườm ấm:
Đối với một số người, chườm ấm có thể hiệu quả hơn chườm lạnh trong việc giảm đau.
Tập vật lý trị liệu:
Bác sĩ hoặc các nhà vật lý trị liệu có thể yêu cầu tập luyện sức mạnh ở bàn tay. Việc tập luyện này giúp cải thiện tầm vận động cũng như các triệu chứng viêm khớp ngón tay cái. Các bài tập đơn giản như kéo giãn ngón tay cái. Đó là cố gắng chạm đầu ngón tay cái vào mặt lòng đốt xa của ngón tay út. Cách khác là giữa cố định khớp bàn ngón tay cái, cố gắng chỉ gập phần đốt xa ngón cái.
Chỉ nên thực hiện các bài tập này khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ. Cần chắc chắn đã được hướng dẫn để đảm bảo thực hiện các động tác chính xác.
Nẹp cố định:
Một thanh nẹp giúp cố định khớp, hạn chế chuyển động của ngón tay cái và cổ tay. Nẹp thường được đeo liên tục trong ba đến bốn tuần. Sau đó, nẹp được đeo vào ban đêm hoặc trong các hoạt động có thể làm căng ngón tay cái.
Nẹp có thể giúp:
- Giảm đau.
- Cố định đúng vị trí khớp ngón tay cái khi hoạt động công việc.
- Giúp khớp ngón tay cái được nghỉ ngơi.
Tiêm khớp:
Thuốc giảm đau và nẹp có thể không hiệu quả ở những trường hợp nặng, mãn tính. Khi đó bác sĩ sẽ tiêm một loại corticosteroid tác dụng dài vào khớp ngón tay cái. Tiêm corticosteroid vào khớp ngón tay cái có thể giúp giảm sưng và đau tạm thời. Nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện hai hoặc ba lần một năm. Cần tránh hoạt động quá mức khi dùng thuốc steroid nếu không sẽ có nguy cơ làm hư khớp.
2. Phẫu thuật
Nếu các biện pháp điều trị bảo tồn trên không hiệu quả. Vẫn còn đau, tầm vận động và sức mạnh ngón tay cái không đủ, có thể cần phải phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
Hàn khớp (cố định hoàn toàn khớp):
Các xương trong khớp bị viêm được cố định hoàn toàn với nhau. Khớp được cố định có thể chịu được trọng lực mà không đau, nhưng lại không linh hoạt.
Cắt xương:
Xương trong khớp bị viêm được cắt, định vị lại để giúp điều chỉnh biến dạng.
Phẫu thuật cắt bỏ:
Xương thang, một trong 8 xương ở cổ tay mà khớp với ngón tay cái sẽ được cắt bỏ.
Thay khớp:
Toàn bộ hoặc một phần của khớp bị ảnh hưởng được loại bỏ và thay thế bằng việc ghép gân. Sau khi phẫu thuật, ngón cái và cổ tay sẽ được cố định bằng bó bột hoặc nẹp. Thời gian của việc cố định này là từ 4 đến 8 tuần, tùy thuộc vào loại phẫu thuật. Sau khi bỏ nẹp và bột, cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu.
Có thể cảm thấy khó chịu trong giai đoạn đầu nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Việc này sẽ giúp lấy lại sức mạnh và chuyển động của bàn tay, cổ tay và ngón tay cái. Có thể mất từ 8 tuần đến 1 năm để hồi phục sau phẫu thuật ngón tay cái. Hầu hết bệnh nhân đều có thể tiếp tục các hoạt động bình thường.
Lối sống và biện pháp phòng ngừa tại nhà
Để giảm đau và cải thiện khả năng vận động của khớp, hãy cố gắng:
- Sửa đổi dụng cụ cầm tay:
Cân nhắc mua thiết bị hỗ trợ như dụng cụ mở lọ, nắp chai… Thay thế tay nắm cửa truyền thống, mà phải nắm bằng ngón tay cái, bằng thanh kéo hoặc đòn bẩy.
- Điều trị các bệnh lý đi kèm: như viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp háng, gối, khuỷu tay…
- Giảm cân: Trong trường hợp thừa cân, béo phì
- Sử dụng ngón tay cái đúng mức: Không sử dụng quá mức hay sai kỹ thuật các động tác cần dùng lực lên ngón tay cái. Ví dụ như đánh máy vi tính, bấm điện thoại, lái xe, cầu lông, tennis…
Viêm khớp có xu hướng xấu đi theo thời gian do quá trình thoái hóa. Viêm khớp ngón tay cái làm cho các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn hoặc đau đớn. Khi đó, điều cần thiết là gặp bác sĩ để điều trị và phục hồi chức năng ngón tay cái. YouMed hy vọng đã cung cấp những kiến thức bổ ích về viêm khớp ngón tay cái đến với bạn đọc.