Nhân sinh bất khả vô niệmHồng trần mãi đượm tình thương
Tôi đến với Phán Quan vào một ngày đầu xuân rạng rỡ, lý do lại vô cùng ngẫu ý tầm thường. Ngay giữa lúc đang quơ quào trong chuỗi truyện đọc rồi drop chẳng thể nào kể hết. Vậy nên cũng chả kỳ vọng mấy đến bộ này cho cam. Tôi vốn cũng chưa từng đọc truyện nào của tác giả, thậm chí không biết gì đến cô trừ những tiếng gió thoảng hương mây ngoài kia. Nhưng quả thật, trăm nghe không bằng một thấy, tôi đã tìm thấy ở Phán Quan một điều mà tôi đặc biệt yêu thích nhưng hiếm khi chạm được hay kỳ vọng ở đam mỹ, một câu chuyện đậm tình người.
Phán Quan cứ thế nghiễm nhiên bước vào top truyện 2020 của tôi. Thêm nữa, tôi yêu thích giọng văn và tình tiết truyện Mộc Tô Lý, nó cào nhẹ vào lòng như một ly rượu ngon khiến tôi rượu vào lời ra một cách thiếu kiểm soát. Thay vì nói là review, thì thà chăng gọi đây là lời bồng bột tự tình của cô gái đang lúc nồng say, bài sẽ rất dài, rất sến, rất uỷ mị, có spoil đôi ba chỗ và hiển nhiên không dám đảm bảo ai ai đọc vào cũng đồng cảm xúc với tôi đâu.
CP: Trần Bất Đáo (Tạ Vấn) x Văn Thời
Link đọc: Ivy en Eve (Hoàn) || Erale (Hoàn)
“Thưởng rượu bên nhành đào” – là một tuyển tập truyện được viết bởi Mộc Tô Lý trên Tấn Giang, mà trong đó Phán Quan là tác phẩm mới nhất. Như cách mà thơ văn từ ngàn xưa vẫn thường tương tửu tự tình, Phán Quan chính như một bầu rượu tùng trên đỉnh núi tuyết. Rượu thấm đượm tâm tình mà tác giả ấp ủ và gửi đến người đọc, để chúng ta có thể thưởng thức và suy ngẫm. Rượu cũng nhuốm nỗi khắc khoải vấn vương của những mảnh đời trong truyện. Là chữ Tình khiến lòng người tuý luý, khướt say trong sự ngọt bùi cay đắng, mơ màng giữa chốn phong trần thế gian.
Tiết Thanh Minh năm 1921 ở Thiên Tân Vệ, tôi còn nhớ hôm ấy mưa rơi tầm tã. Anh ấy bước ra khỏi cổng Vô Tướng lần thứ mười một với thân mình đẫm máu. Tôi chạy đến đỡ anh mà lòng chẳng nhịn nổi phải thốt lên hỏi một câu.
Tôi nói, tội gì anh phải làm thế, đi thì cũng đi rồi, cớ chi anh vẫn phải quay trở về vậy, lẽ nào anh còn một người nào đó chưa thể buông bỏ được ư?
Văn Thời lần đầu xuất hiện dưới những dòng nhật ký như thế, anh đã sống qua mười một kiếp, nhưng không rõ vì sao sau mỗi lần chết đi đều bước qua một cổng trận không hình không thanh gọi Vô Tướng, giữa màn đêm vô tận anh phải tiếp bước trong sự dằn xé trăm cay nghìn đắng trên thể xác để trở lại nhân gian. Câu chuyện bắt đầu khi Văn Thời bước ra khỏi cổng Vô Tướng lần thứ mười hai, và vẫn như mọi lần, anh tiếp tục thực hiện công việc của một Phán quan, đồng thời mông lung tìm kiếm một điều gì đó từ thế giới. Ở nơi đây, oán sát, tâm niệm, những thứ tình cảm khắc cốt ghi tâm của con người, tất cả mọi nhân duyên cõi trần – tức trần duyên, đôi khi nặng nề và sâu đậm quá đỗi sẽ lưu lại thành lồng, lồng có thể mạnh đến mức kéo vào những người vô tội xung quanh, thậm chí tước đi sinh mệnh của họ, vì thế Phán quan sẽ đến để hóa giải những chiếc lồng này, đưa linh hồn qua đời rời đi, đồng thời giúp họ lưu lại một chút gì đó trên mảnh đất cố hương mang tên hồng trần.
Khi tôi tìm đến bộ truyện này vốn chỉ cho rằng đây là một câu chuyện về linh dị phá án. Truyện mang tên Phán Quan, nhưng nó nào phải là truyện kể thần, kể quỷ, bao trùm toàn bộ nội dung truyện chính là ‘con người’, là yêu hận tình thù, là thất tình lục dục, nỗi niềm chấp niệm, là những mảnh tình mảnh tâm mà người ta chẳng thể buông bỏ được. Thông điệp xuyên suốt của câu chuyện là một lời gửi gấm về tình người. Có lẽ tác giả đã mong muốn rằng, thông qua mẩu truyện này người đọc có thể được gợi mở về lòng vị tha và cảm thông với đồng loại, cũng như phần nào xoa dịu nỗi đau đến từ sự mất mát. Hạnh phúc chân thật có đôi khi chẳng hề là điều gì đó quá cao xa huyễn ảo, mà chỉ đơn thuần là vơi đi nước mắt để dung nạp nụ cười mà thôi.
Trước kia, tôi đọc trong sách ghi rằng, chư pháp vô thường, chư lậu giai khổ, chúng sinh hung sát đến vậy, người trong sạch trên đời quá ít. Mà sự tồn tại của phán quan là nhằm giúp người trừ tà hóa sát.
Lúc đó tôi chưa từng vào lồng, cũng chưa từng giải lồng, số người tôi gặp được cũng không nhiều, thế nên tôi đã hiểu nhầm những lời này. Tôi cho rằng đó là mong muốn người người được vô âu vô lo.
Sau đó tôi mới biết mình sai rồi.
Phán quan không đến để xoá bỏ vấn vương, mà để chu toàn cho những vương vấn đó một nơi an vị.
Phán Quan mở đầu với sự trở về của một người và sự ra đi của một người, kết thúc bằng sự qua đời của một người và sự bắt đầu của một người. Ấy thế chính là, giữa cái vòng tuần hoàn luân hồi của lục giới, sinh mệnh con người hẳn là như vậy. Kết thúc là điều không thể tránh khỏi, nhưng song song đó lại là những khởi đầu mới, người đã đi nhưng tâm nguyện và câu chuyện của họ vẫn được tiếp nối bởi những thế hệ kế thừa, và rằng chính những tâm tư tình cảm của người đời sau mới là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tồn tại của một thời đã khuất.
Some legends are told
Some turn to dust or to gold
But you will remember me
Remember me for centuries
Centuries – Fall Out Boy
Xin mạn phép trích lời bài hát Centuries của Fall Out Boy để ví von cho những mảnh ‘đời thoại’ trong Phán Quan. Người ta kể về những huyền thoại, đôi khi là huy hoàng lắm lúc là cát bụi, nhưng ngươi sẽ luôn nhớ lấy ta, nhớ lấy ta cho đến hàng thế kỷ về sau… Dòng dõi Phán quan được ra đời từ nghìn năm trước bởi vị Tổ sư gia Trần Bất Đáo. Người đã từng một thuở nhận được sự tôn kính, mang thân thể bán tiên, sở hữu sức mạnh vô song, thế nhưng đến ngày nay đã chẳng còn ai dám nhắc đến tên ông ta nữa. Nếu có nhắc đến họ cũng chỉ bảo rằng người này ác sát đầy mình, tội nghiệt vô biên, chết không toàn thây, vĩnh viễn chẳng thể đặt bước vào luân hồi. Cuộc đời của ông ta đã kết thúc từ một nghìn năm trước, dưới tay chính những thân đồ của mình cùng sự trợ giúp của các ngoại đồ.
Vậy nhưng Trần Bất Đáo thật sự đã phạm nên lỗi lầm tày trời thiên địa bất dung như vậy ư? Nếu quả thật là thế, vì sao Văn Thời, một trong những thân đồ của hắn, lại vẫn luôn vô cùng quy củ vái lạy bức tranh mặt xanh nanh vàng, nửa thần nửa quỷ, ám nhuộm hoa thắm liễu xanh, dẫu cho bản thân đã chẳng còn lưu lại ký ức thế kia? Còn Văn Thời, chết rồi lại sống chốn nhân gian, gồng chịu nỗi đau thể xác mỗi lần hoàn sinh, thậm chí chẳng rõ vì sao mình lại lưu luyến chốn hồng trần ấy, rốt cuộc là vì điều gì? Phải chăng vì anh luôn khao khát tìm lại linh tướng của bản thân, bởi linh tướng – chính là cái hồn ấy, hàm chứa tất cả ký ức đã khoá chặt từ nghìn năm về trước của anh, và nếu không tìm được thì anh chẳng thể nhắm mắt xuôi tay? Tình cờ thay, anh lại tương ngộ vị cố nhân tưởng như đã chết của mình, thế gian vật đổi sao dời, cảnh chẳng còn mà người cũng mất, hội ngộ chốn hồng trần nhưng chẳng thể nhận ra. Ấy vậy mà, người đàn ông kia – hiện nay mang tên Tạ Vấn, lại ôn tồn và khoan thai như làn gió một lần nữa bước vào cuộc đời anh.
Vô tình hay hữu ý mà họ luôn đồng hành suốt chặng đường giải lồng, đồng thời theo đuổi tung tích mảnh vụn linh tướng của Văn Thời, phân đoạn ký ức chắp vá lần lượt được góp nhặt trở về, ban đầu âm ỉ tí tách như giọt sương ban mai chóng tan biến dưới ánh bình minh ròi rọi, sau dần cuồn cuộn mà nóng cháy đến khắc khoải tâm can. Ngỡ là bản thân đã quên nhưng chợt một ngày ngoảnh mặt nhìn lại, tâm tình kia vẫn nơi ấy chưa hề nguôi ngoai. Hoá ra giữa hai người không chỉ đơn thuần là một mối quan hệ sư phụ và đồ đệ, mà còn là cưu mang, là tuổi thơ, là dưỡng dục và bao dung muôn trùng. Có thể nói đấy là một thứ tình cảm được đẽo khắc vào tim qua từng ngày từng tháng, thấm sâu vào máu vào xương, để lâu dần đến trưởng thành, chẳng rõ nguyên do bỗng trở thành chấp niệm.
Ngày hôm đó Trần Bất Đáo không khoác áo choàng, cũng không mang mặt nạ. Trên người y chỉ vận một lớp áo trắng như tuyết, không nhiễm một hạt bụi, hệt như một vị tiên khách vừa xuống trần. Y rũ mắt nhìn người trên mặt đất, trong ánh mắt bao hàm sự xót thương và ấm áp.
Một ánh mắt đó đã trở thành khởi nguồn cho mọi ký ức của Văn Thời trên trần thế.
Thật vậy, tôi thích cách tác giả đã bóc tách ký ức rải rác khắp truyện, trông từng mảnh vụn có vẻ vặt vãnh tầm thường, một buổi luyện công, một dịp chăm sóc, một lời an ủi vu vơ, một đoạn hội thoại dưới nhành mai trắng, một cuộc gặp gỡ tình cờ dưới núi, một lần người ấy từ xa trở về. Thế nhưng không một ký ức nào trong quá khứ của Văn Thời từ lúc nhận thức được thế giới mà không hiện hữu bóng hình của Trần Bất Đáo. Trong mắt anh, người ấy chính là vầng trăng sáng giữa trời quang, là một vị tiên khách vượt núi mà đến giữa dòng thời gian. Người ấy đã trao cho anh cuộc sống, đã đặt cho anh cái tên, đã tạo cho anh một chốn về, dạy cho anh tất cả mọi điều mà anh biết được trên thế gian, xoa dịu sự đau đớn của trần duyên nồng đậm bao phủ khắp người anh, đã đưa anh vào chốn hồng trần. Để rồi, cũng chính người ấy khiến anh thấu hiểu nỗi đớn đau của biệt ly.
Người này phải rời đi.
Người đã cưu mang anh từ núi thây biển máu, giáo dưỡng anh mọi thứ, rồi đưa anh về chốn nhân gian, sắp rời đi rồi.
Mới cách đây không lâu, khi hai người dạo bước lên núi Tùng Vân, anh vẫn cam tâm tình nguyện đi phía sau người này, chỉ cầu ở sau một bậc thang chứ không cầu ngang hàng. Chỉ cần người kia không quay đầu lại, anh vẫn có thể không dời mắt khỏi bóng hình nọ, bước tiếp thật lâu thật lâu…….
Cứ như thế bước cả đời.
Ấy vậy mà cuối cùng, cả cơ hội nhỏ nhoi đó cũng không đạt được.
Trước đây có người dạy anh rằng, phán quan là một nghề bi thương, vì phải chứng kiến muôn vàn nỗi khổ đau. Nhưng qua lâu rồi sẽ hiểu, đa phần đều do họ không đành lòng biệt ly. Hiểu được như vậy xem như con đã vào hồng trần.
Anh tiễn đưa không biết bao người, chứng kiến không biết bao cảnh lìa xa. Nhưng khi bản thân gặp phải, mới biết vốn dĩ không đành lòng biệt ly lại đau đớn nhường nào……
Trần Bất Đáo, thời thời tự hữu xuân phong toả
Trần Bất Đáo người này, không ai biết y sinh ra từ lúc nào, chẳng ai rõ y đã sống được bao lâu, thậm chí cũng không có mấy người đã từng thấy dung mạo thật của hắn. Nơi y sống trên đỉnh một ngọn núi tên gọi Tùng Vân, đó là một ngọn núi phủ rợp bạch tùng, từ trên nhìn xuống sắc xanh miên man, hễ gió núi thổi qua là tán tùng lại nghiêng mình trập trùng như rặng mây lượn lờ, trong không khí thoang thoảng hương trà đun từ nước tuyết pha lẫn rượu tùng thơm ngát. Vị Tổ sư gia ngành phán quan mỗi khi xuống núi du hành đều mang một chiếc mặt nạ nửa thần nửa quỷ, nửa âm nửa dương, y đi khắp mọi nơi nhưng đều chẳng lưu lại nơi nào quá lâu.
Phong thái y bất phàm, thân thể bán tiên, có lẽ đã sống lâu hơn bất kỳ ai, cũng đã chứng kiến nhiều điều hơn muôn người, y đã trải qua đau khổ của bản thân, cũng đã gặp phải bi thương của nhân thế. Phải chăng vì thế mà nói theo một cách nào đấy, con người y có thể bao trọn cả thế gian, khiêm cung mà sáng suốt hơn tất thảy phàm nhân.
Văn Thời nhớ ra mình đã từng hỏi Trần Bất Đáo vì sao lại thường tựa vào vách núi nhìn xuống chân núi.
Người kia trả lời anh rằng y đang ngắm rừng tùng mỗi năm một xanh hơn, ngắm chim tước rời ổ về tổ, ngắm người dưới chân núi ban ngày chộn rộn bôn ba, khi chập tối đến lại chong khói lượn lờ.
Văn Thời còn nhớ rõ khi đó y chỉ vào một gốc cây khô bên rìa vách núi, nói rằng mình rất thích nhìn nó là vì có thể trông thấy được rất lâu sau đó những cành cây khô héo này sẽ dần dà khoác lên mình sắc xanh tươi mới.
Vạn vật có linh, mà y lại yêu mến tất thảy những thứ giàu sinh mệnh……
Tôi nào dám nói mình nhìn thấy bản thân trong con người này, vì anh ta quá cao xa quá độ lượng, như một vị thần tiên không nhiễm bụi trần. Thế nhưng hình ảnh con người như thế tồn tại mới khuấy lên trong tôi một rung động về tình thương, đâu đó tự sâu thẳm tôi tìm thấy niềm tin ở nhân thế, rằng sau mọi nỗi đau rồi hạnh phúc cũng sẽ đến. Bốn mùa luân chuyển chính mang ý nghĩa như vậy, đông sang cành lá hắt hiu, xuân về trăm hoa đua nở, sự kết thúc dẫu rất bi thương nhưng tái sinh mới là điều đáng quý. Và nhìn thấy niềm vui của sinh linh người lại tìm ra hạnh phúc trong tâm tưởng.
Nhưng dẫu thế, đã là con người, có trải qua bát khổ cùng tận, cũng không đồng nghĩa sẽ không mang vướng bận trần thế, có chứng kiến muôn vàn oán niệm, cũng nào sẽ phải là người không nảy sầu sinh bi, vô thương vô đau.
Y đã đưa đi vô số người, những người không có quan hệ gì với y, những người có quan hệ với y, y đều có thể tiễn đưa rồi xoay người rời đi, đi đến lần ly biệt kế tiếp.
Riêng mỗi người này, chỉ với một ánh nhìn, y đã chẳng thể nào rời đi được nữa.
Trần Bất Đáo là chốn về của Văn Thời, và Văn Thời lại chính là bến đỗ của Trần Bất Đáo. Trần Bất Đáo đã đơn độc bước đi một quãng đường rất dài, không hề có một chỗ dừng. Y đã sống lâu đến nỗi bản thân nhìn thấy những người từng một thuở thân thương ra vào cõi luân hồi chẳng biết nhiều ít bận; nhìn thấy những người từng là máu mủ ruột thịt nay đều bước đi trên con đường mới trong một cuộc đời mới. Và tất cả y có thể làm chỉ là nán lại đôi chút, tựa mình trên thân cây phía sau, tiễn đưa họ đi kèm nụ cười trên môi. Có lẽ đó mới chính là sự vô thường nhất trên thế gian này, vì ngay cả tình thân cũng không thể trường tồn giữa dòng chảy luân hồi. Nhưng cuộc đời cũng vô thường như chính khái niệm vô thường vậy, trước đây trong một câu chuyện chốn cửa Phật từng có một câu nói rằng “Duyên phận khó đoán, người ta vẫn nói, duyên là do trời định, phận do nhân định. Gặp được nhau hay không là do ý trời, nhưng có quyết chí để đến với nhau hay không lại là ở mỗi người”. Chữ tình đã nảy nở trong lòng, ấy chính là duyên. Trần duyên của bọn họ nào ai ngờ lại sâu đậm đến thế, lại nồng nàn và kiên trì đến thế, tĩnh lặng như dòng nước yên ả nhưng chưa bao giờ ngừng trôi, tâm tình khuất lấp dưới vẻ ngoài bình thản nhưng mỗi người đều chẳng đặng buông tay, để rồi chính điều đó đã trở thành thứ níu kéo định mệnh tái hợp cho họ thoát khỏi tử cục sau nghìn năm đằng đẵng, ấy chính là phận.
Từ nghìn năm về trước, từ lúc bắt đầu chuyện mà y chẳng hề hay biết kia, hai người bọn họ đã dây dưa cùng nhau, một người không chết một người sẽ không biến mất, cuối cùng chẳng thể rời đi được nữa rồi.
Câu chuyện của hai người tựa một khúc tình ca bi tráng. Một người vẫn luôn giấu kín, một người chẳng thể nói ra. Cái tình yêu âm thầm lặng lẽ thật dày vò khốn khổ. Thế nhưng nó lại chẳng hề nhuốm bầu không khí âm u trầm uất, mà ngược lại lấp lánh tựa ánh sao kiên cường len lỏi giữa chốn mù khơi. Khúc ca ấy như đề cao sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng đẹp đẽ của chữ tình, mang hy vọng trong tuyệt vọng, giữ khát khao giữa đau thương, vững kiên định giữa thời không loạn lạc. Đó là những lời tâm tình cổ vũ cho sự dũng cảm trong tình yêu tình thân, rằng vượt trên bi thương thống khổ, con người có thể san sẻ cho nhau, mở rộng trái tim biết yêu thương, chấp nhận hy sinh cho một người cũng là cách nỗi đau trong lòng được xoa dịu. Một người trao đi linh tướng, một người thầm lặng hy sinh, một người cam nguyện tình si hàng kiếp, một người đánh đổi phúc báo đời đời…
Cả hai người đều chưa từng nói một tiếng ‘yêu’, nhưng không ai không rõ tâm tư bọn họ.
“Si vọng”, “Điên dại” và “Cuồng say” có lẽ là những cụm từ thể hiện trọn vẹn nhất cảm xúc mà mối tình này mang lại.
Tựu chung, tuyến tình cảm có lẽ là một điểm tôi đặc biệt yêu thích ở Mộc Tô Lý, cách cô khắc hoạ hình ảnh từng nhân vật, cách tình cảm hai người hình thành và tiến triển rất tự nhiên không gượng ép, tựa như vốn dĩ mọi thứ phải như thế, tựa hoa nở đầu xuân, như sông đổ về biển, chẳng hề đột ngột hay vội vã. Đọc xong rồi ngẫm lại mới thấy đây liệu chăng chính là cái chậm-nhiệt-văn như trong lời đồn? Bởi vì lúc đọc tôi hoàn toàn không nảy sinh bất kỳ khúc mắc nào về diễn tiến tình cảm đôi bên cả, cũng càng chưa bao giờ phải băn khoăn vì sao lại là người kia mà không phải bất kỳ một ai khác. Họ vốn sinh ra là dành cho nhau, họ yêu là trao đi tất cả, không giữ lại một mảnh tâm riêng, thậm chí yêu đến cuồng si ngây dại. Điều này có lẽ hiếm thấy và ‘vô thực’ lắm chăng? Thế tôi mạn phép trích một lời mà trước đây tôi từng viết cho một bộ truyện khác của Mộc Tô Lý, và có lẽ nó đúng với tất cả các bộ truyện của cô: Thời gian có thể thay đổi rất nhiều thứ, kể cả tình cảm con người, và nhỡ như tình cảm thật sự đổi thay thì cũng có thể trách ai được cơ chứ? Nhưng cũng chính vì thế mà thứ tình cảm bền bỉ qua ‘giới hạn’ đời người, vượt qua thử thách chông gai nhất chính là ‘thời gian’, mới lại càng quý giá biết bao.
Tuyến nhân vật chính và tình cảm được xây dựng chặt chẽ là thế, nhưng vẫn có không gian để dàn nhân vật phụ tạo nên dấu ấn của chính mình. Tương tự một số bộ truyện khác của Mộc Tô Lý, nhân vật phụ sẽ không có hào quang xoá nhoà được nhân vật chính, thậm chí nhiều người cho rằng cho dù không có sự hiện diện của họ thì câu chuyện sẽ vẫn tiếp diễn mà không có một trắc trở gì, đặc biệt ở giai đoạn đầu của truyện, khi ý đồ của tác giả là nhằm tạo dựng thiết lập thế giới. Ấy nhưng việc đó không đồng nghĩa những nhân vật kia đều là người qua đường Giáp Ất. Mỗi một nhân vật có tên đều có vai trò riêng của chính họ, vẫn là những con người có mục tiêu, có hoài bão, có năng lực riêng. Có thể vai trò của họ trong tuyến nội dung của nhân vật chính không quá vĩ đại, nhưng ngược lại, nếu không có nhân vật chính thì mỗi người trong họ vẫn toả sáng và tự thúc đẩy cuộc sống chính mình. Không chỉ thế, những điều này còn được khắc hoạ vô cùng rõ nét, thời lượng không nhiều nhưng sắc bén cụ thể, tính cách nhân vật rõ rệt không mờ nhạt, tôi đánh giá rất cao cách xây dựng nhân vật của cô.
Không thể không kể đến Hạ Tiều, cậu bé ngây ngô như một tờ giấy trắng, vô cùng nhút nhát và không hiểu chuyện. Khi Hạ Tiều vừa xuất hiện ở chương đầu tiên đã khiến không ít các chị em nhầm tưởng đây mới chính là tiểu thụ vì sự đáng yêu của cậu. Nhưng dù không phải tiểu thụ thì cục cưng Tiểu Tiều vẫn là một nhân vật gây rất nhiều dấu ấn trong truyện, ngoài hai nhân vật chính, cậu có lẽ là nhân vật xuất hiện xuyên suốt nhất và hẳn nhiên đóng một vai trò nút thắt rất quan trọng của cả câu chuyện.
Hai chị em họ Trương cũng được xây dựng có cá tính rất riêng. Họ là thế hệ trẻ của gia tộc họ Trương, là lứa phán quan mạnh nhất đương thời, hai con người này mang trên vai kỳ vọng của dòng họ, họ được nuôi nấng để kế thừa vị trí gia chủ. Trương Lam kiêu kỳ quý phái, có chút ngạo mạn nhưng cũng rất hài hước. Trương Nhã Lâm lại trầm đạm điềm tĩnh hơn, cậu trẻ này tu rối thuật, lại là fanboy chính gốc lão tổ rối thuật Văn Thời.
Ngoài ra còn có Trương Uyển hai mẹ con Trương Bích Linh, Chu Húc. Nói về ba người này thật chẳng dám nhiều lời nơi đây, tôi chỉ có thể khẳng định rằng nhân quả báo ứng, vận mệnh xoay tròn.
Mỗi nhân vật đều sẽ có đất diễn và phát triển nội tâm hành động riêng mà ban đầu người đọc có lẽ khó nhận rõ. Chung quy càng về cuối tình tiết càng khiến tôi cảm động vì sự bén nhọn trong kết cấu lời văn của tác giả.
Đấy là những nhân vật tiêu biểu trong hiện tại, trong quá khứ xa xưa, ngoài Văn Thời, Trần Bất Đáo còn có ba vị đệ tử thân truyền khác là Trang Dã, Chung Tư, Bốc Ninh. Mỗi một vị sư huynh này đều là những con người đáng quý đáng mến. Khác với Văn Thời lạnh lùng tu luyện rối thuật, Bốc Ninh là một người hoà nhã, có một linh tướng nhạy cảm và có phần không vững chắc nên tập trung quẻ thuật trận pháp. Chung Tư lanh lợi tháo vát nên tu phù chú mang tính linh hoạt cao, vừa có thể phát huy ưu thế vừa có thể trêu đùa các sư huynh đệ. Trang Dã là huynh trưởng, một con người thoải mái và hoà đồng, người này không có một tố chất nổi bật nên tu tạp hết mọi thứ. Ngoại trừ sư phụ, chính những sư huynh mỗi người một vẻ này đã tạo nên những ký ức vui vẻ nhất suốt quãng đời ngàn năm dai dẳng của Văn Thời, đó là những người bạn người thân sẵn sàng xả thân vì nhau, là quá khứ tuổi thơ, là niềm vui nhỏ nhoi nhưng vô cùng trân quý,
Trần Bất Đáo lại chẳng thường có mặt ở núi Tùng Vân, y thuộc về bốn bể non sông, thế nên đã tạo ra đôi rối Đại Triệu và Tiểu Triệu lưu lại trên núi để chăm nom bọn đồ đệ những khi rời xa. Ngoài hai người họ còn có một chú Đại bàng kim sí oai nghiêm hùng dũng, nhưng nguồn gốc ra đời của chú ta có lẽ là điều đáng yêu và bất ngờ nhất trần đời.
Tất cả những người những rối đó đã trở thành giấc mộng đẹp đẽ nhất, khắc hoạ hình ảnh núi Tùng Vân tươi đẹp của một thời dĩ vãng.
Nhân vật chính phụ tương tác đan xen, tạo dựng nên một bối cảnh truyện hài hoà, có một chút gì đó đáng sợ từ những người đã qua đời, cũng có sự hài hước của các nhân vật để giảm nhiệt, xen kẽ những điều đáng sợ đó với những tình huống dở khóc dở cười. Tỷ như khi Tạ Vấn dắt Văn Thời vào lồng đã gán hồn anh vào một con búp bê mặc yếm hồng, để rồi chàng trai phải mang chiếc yếm hồng đó đi khắp nơi. Thế rồi khi anh đưa Tạ Vấn vào lồng lại gán anh Tạ vào nửa thân dưới của một con ma nơ canh. Hoặc khi cả nhóm người muốn tránh thoát sợ hãi tâm ma lại để Tạ Vấn và Văn Thời ở cùng nhau mà nào ai hay biết tâm ma của bọn họ lại chính là người còn lại.
Phải nói rằng, chính hai mẩu án nhỏ đầu tiên đã lôi kéo tôi vào bộ truyện, tôi vẫn đang trong đoạn thời gian đọc một bộ đến tầm chương 10-20 sẽ ngừng lại vì thiếu động lực đi tiếp, nhưng với Phán Quan, có lẽ vì thông điệp quá đẹp, bi thương nhưng tràn trề lẽ sống, đau đớn lại thành xúc tác của niềm tin, chìm vào rồi khiến tôi không cách nào dời mắt đi được nữa.
Vừa bàn về nội dung, hãy nói một chút về mảng ‘hình thức’. Tôi rất ấn tượng với cách Mộc Tô Lý kết nối tâm tình vào cảnh vật. Không phải vì tả cảnh là điều hiếm thấy trong đam mỹ, nhưng cảnh vật đôi khi chỉ là hình ảnh phụ trợ, bạn có thể thay cánh đồng thành ven biển hay trăng rằm thành mây mù cũng chẳng điểm xuyết thêm tâm tình của truyện. Trong Phán Quan, từng đường nét phối cảnh lại lột tả sắc nét tâm trạng và xúc cảm của nhân vật, để những câu từ ‘gió lay rừng tùng’ hay ‘dáng trăng câu liêm‘ cũng trở nên quyến rũ và thơ mộng hơn bao giờ hết. Chỉ đôi dòng cảnh vật mà tôi có thể nhìn rõ quyến luyến nhớ nhung của lòng người. Cô đã khắc hoạ ‘nội tâm’ nhiều hơn ‘cảnh sắc’, trong tình có cảnh trong cảnh có tình. Tôi thật lòng muốn nói nhiều hơn về những hình ảnh ẩn dụ trong truyện, nói về bạch tùng và ánh trăng, thế nhưng như thế sẽ phải huỵch toẹt ra những nút thắt và bí mật chưa được đề cập đến trong bài và tôi cũng không cam lòng nhắc đến ở đây. Đành hẹn nó vào một dịp khác vậy.
Truyện có lẽ không phù hợp với những bạn thích tác giả trình bày theo dòng thời gian tuyến tính. Ngay cả với tôi dù rất thích đọc hiện đại quá khứ đan xen nhưng đôi khi vẫn có chút bối rối. Nhưng ngẫm lại, có lẽ rằng đó ắt là cái duyên của tôi với bộ truyện này, nó vốn được viết để thưởng ngoạn, cùng một tách trà kèm một chung rượu, thưởng ngoạn một chút hơi cay một ít vị đắng, song song hương thơm bảng lảng và dư vị ngọt ngào lắng đọng, nghĩ suy về từng tình tiết nhỏ nhặt nhất và kết nối nó lại với nhau để có một mạch truyện hoàn chỉnh, nối liền mảnh tình đứt đoạn nghìn năm cùng muôn trùng khúc mắc.
Tôi từng nói trong một vài bài review khác rằng, tôi là một người đọc truyện rất để tâm đến tiểu tiết, mỗi diễn biến tâm lý hay hành động đều được tôi sàng lọc bằng một thấu kính của câu hỏi ‘tại sao’ để lý giải nội dung truyện (Nguyên tắc lý do đủ – Principle of sufficient reasons[1]). Nhà văn hào Maksim Gorky đã từng nói: “Tiểu tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn“, và tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đấy. Có lẽ Mộc Tô Lý còn một con đường rất xa để đến được ngưỡng ‘nhà văn’ chính thống, nhưng điều đó không đồng nghĩa tác phẩm của cô không hàm chứa những trăn trở về con người và cuộc sống. Viết văn, ở một giới hạn nào đó, vẫn góp phần truyền tải quan niệm và suy ngẫm của tác giả về cuộc đời, và tiểu tiết là nơi những quan niệm suy ngẫm ấy được hiển hiện rõ ràng nhất. Chỉ khi tôi có thể nắm được nguyên do của những tình tiết ấy thì tôi mới cảm thấy bản thân đã hiểu và có đánh giá chân thật nhất với tác phẩm.
Nói cho thật với lòng thì đây không phải là một bộ truyện ngược, nó là một bộ truyện vô cùng ngọt ngào cơ. Thế nhưng không thể phủ nhận vẫn hiện hữu đâu đó một lưỡi dao cứ không ngừng âm ỉ cứa vào tim, tôi nói tôi đã gần như khóc qua từng chương đó là thật, khóc vì đau lòng, khóc vì thổn thức, khóc vì cảm động, khóc vì hân hoan. Đó là những cung bậc cảm xúc mà một người chỉ có thể trải nghiệm với một bộ truyện đi sâu vào tâm can. Để tôi phải nói với bạn mình rằng: “Nếu có dịp lên chốn cao nguyên phố núi, tôi sẽ ngồi bên bờ hồ ngắm rừng thông bạt ngàn, nghe gió mơn man và chim kêu rả rích để lấy cảm hứng viết review cho Phán Quan”. Vì tôi yêu nó đến như vậy. Rốt cuộc không nhịn được đã viết ra đây mất rồi.
Ở đời, tâm tình nào chỉ chan chứa yêu thương, dục vọng điên cuồng vẫn luôn hiện hữu. Làm người không phải ai cũng mang thiện tâm tốt đẹp, đây đó vẫn là những hình bóng tồn tại bằng cách dẫm đạp lên những sinh linh khác. Tham chồng tham, nợ chồng nợ. Chỉ vì một ác vọng nhất thời mà kéo theo sự suy sụp của một dòng dõi. Chỉ vì nuối tiếc bản thân mà chà đạp thế nhân. Đất trời xoay vần rồi khớp rãnh cũng trở về quỹ đạo. Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai hay Khi lên cực thịnh đến thời khởi suy đều là những triết lý được truyền dạy nơi cửa Phật, là hai quy trình của một sự hiện hữu mang tên dòng đời, lại được vận một cách khéo léo trong tình huống và triển khai của truyện. Một lần duyên nợ kéo dài nghìn năm, có người đã luân hồi, có người còn mãi kẹt trong quá khứ. Dẫu nhiều chuyện đã đổi thay nhưng hiện tại ngoái nhìn mới thấy những điều tươi đẹp vẫn luôn tồn tại.
Đó cũng là tâm điểm khiến tôi quyến luyến nhất ở bộ truyện này và lý do chính vì sao tôi lại yêu thích nó đến vậy. Câu chuyện hướng về cái đẹp, dù không thể xoá bỏ mọi góc tối cuộc đời nhưng vẫn chan chứa khát khao được sống hết mình, được yêu, được hướng về chân thiện, hay cách mà tôi tóm gọn trong bốn chữ “Đầy tính nhân văn“.
Thế gian thương hải tang điền, cảnh còn người mất, ấy nhưng tùng xanh mây trắng chốn núi này vẫn không khác gì dĩ vãng.
Từ ngàn xưa bất biến, chẳng bao giờ đổi thay.
Lời kết: Tôi đọc Phán Quan theo tốc độ ra chương của tác giả và vốn không định viết review, vì nhiều lý do, và tôi cũng biết bắt tay vào viết sẽ tràn ngập đau đớn, vì tôi ngu văn nhưng không trình bày rõ cảm xúc thì tôi không cam tâm nên quá trình viết chắc chắn sẽ rất đau khổ, và số lượng từ sẽ là những cơn sóng đổ về đại dương. Nhưng cái chữ Tình ấy, nó dứt không được bỏ không xong, trăm muôn nghìn lối làm tôi ăn không ngon ngủ không yên, rốt cuộc vẫn phải bò lên lóc cóc mấy dòng lảm nhảm này. Và ờm, tôi chắc là sẽ có nhiều bạn không có cùng hướng suy nghĩ với tôi đâu, truyện gu tôi cũng chưa hẳn sẽ là gu của bạn, nên nếu bạn tình cờ cảm thấy hứng thú với bộ truyện này thông qua những lời líu lo của tôi, xin đừng đặt kỳ vọng quá cao rằng nó cũng sẽ thoả mãn bạn như cách nó đã tác động đến tôi, hoặc giả nếu bạn đọc với tâm tưởng phán xét bộ truyện có xứng đáng với này nọ kia hay không, thì tôi khuyên bạn là không cần tốn thời gian bản thân đâu, vì không một bộ truyện nào là hoàn hảo, và nếu đọc với mong muốn xét nét thì chắc chắn rằng nó sẽ không thoả mãn được bạn. Đọc truyện nên là trải nghiệm để bản thân cảm thấy thoải mái, kể cả tốt hay xấu, vì mỗi một trải nghiệm đều mang giá trị riêng của nó, nếu không thoải mái xin đừng gượng ép bản thân. Mong mọi người sẽ luôn có những ngày vui vẻ.
Chào thân ái~
Ký tên: cô gái say sưa trong tình nồng thế gian
p/s. Nếu chị em nào cũng mê tình khúc Trịnh Công Sơn như tui thì nghe kèm truyện nó cứ phải nói là lâng lâng lắm nhé, ví như Hãy yêu nhau đi, Cỏ xót xa đưa, Tình sầu, Tình nhớ, Phôi pha, Giọt lệ thiên thu, Cát bụi, Đoá hoa vô thường, Có một dòng sông đã qua đời, Để gió cuốn đi, Một cõi đi về, tui nói thật đó, tui không dụ người khóc chung đâu.
____
[1] Principle of sufficient reasons: Nguyên tắc lý do đủ là một nguyên tắc mạnh và gây nhiều tranh cãi trong triết học, đã tồn tại từ lâu nhưng được phổ biến rộng rãi bởi triết gia người Đức Gottfried Leibniz. Nó nói rằng “Tất cả mọi thứ đều phải có lý do, nguyên nhân, hoặc căn cứ.” – Xem chi tiết: Stanford Enc. of Philosophy