Clyde Chapmion Barrow và cô tình nhân Bonnie Parker đã bị bắn chết trong một cuộc phục kích ở Louisiana vào ngày 23/5/1934. 167 phát đạn đã lấy đi tính mạng của cặp uyên ương khét tiếng tàn ác, là nỗi ám ảnh của biết bao người dân nước Mỹ những năm Đại suy thoái 1930. Câu chuyện về cặp tình nhân tàn ác này đã trở thành nguồn cảm hứng để các nhà làm phim cho ra đời tác phẩm Bonnie and Clyde – một bộ phim hình sự công chiếu năm 1967 và đoạt được 2 giải Oscar danh giá.
Bonnie và Clyde: Hai tâm hồn nghệ sĩ khao khát sự nổi tiếng từ bé
Bonnie Parker tên thật là Bonnie Elizabeth Parker, sinh ngày 1/10/1910 ở Rowena, Texas, Mỹ. Cô là con của ông bà Emma và Charles Parker, có 1 anh trai, 1 em gái. Năm Bonnie lên 4 tuổi, bố cô qua đời và mẹ cô đã đưa cả nhà đến vùng ngoại ô nghèo khó thuộc Dallas để sống cùng ông bà của Bonnie. Dù gia đình khó khăn nhưng Bonnie vẫn được đi học và còn là một học sinh xuất sắc. Khi đó, Bonnie thể hiện một niềm đam mê mãnh liệt với thơ văn và đạt được nhiều giải thưởng trong suốt quá trình học của mình. Không chỉ vậy, Bonnie bé nhỏ còn có niềm đam mê với âm nhạc, rất thích được đứng trên sân khấu. Ở trường, Bonnie thường xuyên biểu diễn trong các cuộc thi cũng như các chương trình thi tài năng, trình diễn những ca khúc Broadway và nhạc đồng quê mà cô yêu thích. Bonnie cũng là một fan của phim ảnh và cô vẫn hay tưởng tượng trong tương lai mình sẽ được xuất hiện trên màn bạc.
Với gương mặt xinh xắn, vóc dáng nhỏ bé, tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật, Bonnie từng khẳng định với bạn bè mình rằng một ngày nào đó, tên tuổi của cô sẽ nổi tiếng, được cả thế giới biết đến. Có thể nói rằng, cuộc sống của Bonnie không hề có bất kì dấu hiệu nào cho thấy cô sẽ trở thành một kẻ phạm tội .
Thế nhưng vào năm thứ 2 trung học, Bonnie bỗng thay đổi. Cô nữ sinh chăm chỉ trước kia chẳng muốn học hành nữa và đến tháng 9/1926, khi chưa tròn 16 tuổi, Bonnie đã kết hôn với anh bạn cùng lớp Roy Thornton. Để đánh dấu sự kiện quan trọng cũng như ghi nhớ mối tình lãng mạn của mình, Bonnie đã xăm tên của cả hai lên đùi phải. Thế nhưng cuộc hôn nhân của Bonnie và Roy chẳng đâu đến đâu bởi năm 1929, hắn ta ngồi tù 5 năm vì tội cướp tài sản. Bonnie sau đó đã chuyển đến ở cùng bà, chính thức chia tay chồng dù rằng cả hai không tiến hành các thủ tục ly dị.
Trong khi đó, Clyde Chestnut Barrow sinh vào ngày 24/3/1909 tại Telico, Texas, là con thứ 5 trong gia đình nông dân nghèo có 7 con rất yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Do hạn hán, mất mùa, gia đình Clyde phải chuyển đến Dallas, Texas sinh sống. Clyde là một cậu bé nhỏ con và khá khiêm tốn nhưng chỉ đi học đến năm 16 tuổi mà thôi. Trong suốt quá trình học của mình, Clyde không gây ấn tượng với thành tích học tập xuất sắc, vượt trội nhưng Clyde có một niềm đam mê về âm nhạc. Ước mơ của chàng thiếu niên Clyde thời đó là được trở thành một nhạc sĩ và để chạm đến được mơ ước này, Clyde tích cực tự học cách chơi đàn ghi ta cũng như saxophone.
Thế nhưng ước mơ trở thành nhạc sĩ đã sớm lụi tàn khi Clyde chịu sự ảnh hưởng xấu từ người anh lớn Buck. Thay cho những giờ phút tập luyện với dụng cụ âm nhạc, Clyde lao vào cuộc sống tù tội, trở thành một tội phạm khi còn rất trẻ. Ban đầu, Clyde thực hiện những vụ trộm cắp nhỏ, sau đó bắt đầu ăn cắp xe hơi một cách chuyên nghiệp và cuối cùng, Clyde trở thành một kẻ cướp có vũ khí khiến bao người khiếp sợ. Cuối năm 1929, ở tuổi 20, Clyde đã trở thành kẻ bị chính quyền truy nã vì hàng loạt vụ cướp bóc.
Sát hại bất kì ai cản đường, là đối tượng truy nã hàng đầu của FBI nhưng là Robin Hood và Maid Marian của biết bao dân nghèo
Tháng 1/1930, Bonnie và Clyde gặp gỡ nhau qua một người bạn chung. Khi đó Bonnie 19 tuổi còn Clyde 20 tuổi, là một kẻ từng vào tù ra khám và còn là kẻ bị truy nã luôn giữ vững lời thề sẽ không bao giờ trở vào tù một lần nữa. Cả hai như hình với bóng suốt nhiều tuần sau khi gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với nhau. Thế nhưng khi tình yêu chỉ vừa đơm hoa kết trái, Clyde đã bị bắt vào tù vì một số tội hình sự liên quan đến trộm cắp. Trở vào tù, Clyde lập tức nghĩ đến cách để đào tẩu. Vào thời điểm này, Bonnie yêu Clyde vô cùng say đắm. Tên tù nhân này thực sự đã chiếm hết tâm trí của Bonnie. Cô yêu Clyde một cách mù quáng, tìm mọi cách để giúp người yêu trốn thoát đến mức khiến mẹ cô thực sự lo lắng. Ngay sau khi Clyde bị kết án, Bonnie đã tìm cách đưa một khẩu súng vào tù cho người yêu.
Ngày 11/3/1930, Clyde đã sử dụng vũ khí mà Bonnie đã đưa vào để đào tẩu cùng với các bạn tù của mình. Nhưng không may, chỉ 1 tuần sau đó, bọn họ đã bị bắt lại vào tù. Lần này, Clyde phải chịu 14 năm lao động khổ sai trong tù và phải chuyển đến nhà tù Eastham, nơi hắn ta liên tục bị tù nhân khác tấn công tình dục . Để sớm thoát khỏi tù và không bị lao động khổ sai, Clyde đã nhờ bạn tù chặt 1 ngón chân cái và 1 phần ngón chân khác của mình. Bất ngờ thay, đến tháng 2/1932, Clyde được thả sau khi mẹ hắn ta thành công trong việc thuyết phục thẩm phán cho Clyde mãn hạn tù sớm.
Vậy là Clyde và Bonnie lại tái hợp. Cả hai dự định sẽ hoàn lương, làm việc tại một công ty thủy tinh ở Dallas. Thế nhưng việc cảnh sát làm phiền đã khiến Clyde mất việc, hắn ta bỏ cuộc và quyết định thành lập băng đảng, quay lại con đường tội ác của mình. Hắn ta đã cùng Bonnie và Ralph Fults (19 tuổi) – bạn tù của hắn ở Eastham – quyết tâm tiêu diệt tất cả cai ngục Eastham và giải cứu các tù nhân ở đó. Ban đầu, Barrow Gang – tên của băng đảng này – thực hiện các vụ cướp nhỏ ở các cửa hàng, cây xăng. Sau đó, băng đảng này kết nạp thêm thành viên Raymond Hamilton (18 tuổi) – một người bạn cũ của Clyde cũng đang trốn chạy. Trong một vụ cướp ở Kaufman, Texas, nhóm 4 người họ đã bị bắt nhưng Clyde và Raymond may mắn thoát thân còn Bonnie và Fults đã bị bắt, phải ngồi tù một thời gian. Mãn hạn tù, Bonnie tái hợp với Clyde và Raymond nhưng Fults đã tuyên bố không bao giờ quay trở lại Barrow Gang nữa.
Về phía Bonnie, cô không một chút sợ hãi mà trái lại, cô cảm thấy vô cùng phấn khích với cuộc phiêu lưu và chuyện tình đầy lãng mạn với Clyde. Mặc dù sau lần bị cảnh sát bắt, Clyde đã cho cô lựa chọn hoàn lương hoặc theo mình và Bonnie vẫn quyết tâm đi theo Clyde. Cô đã từ bỏ tất cả, từ bỏ gia đình để cùng Clyde và Raymond rời khỏi Texas để đến Waco nhằm giúp Clyde trốn khỏi sự dòm ngó của cảnh sát. Mỗi cung đường Barrow Gang đi qua là tội ác lại gieo rắc khắp nơi. Bọn họ cướp trạm xăng, cửa hàng, thậm chí là cướp ngân hàng để có tiền tiêu xài. Bất kì ai cản đường, băng nhóm này lập tức ra tay sát hại, kể cả là cảnh sát. Đã có khoảng 13 mạng người bị sát hại suốt gần 2 năm tung hoành của Barrow Gang, trong đó có 9 cảnh sát, 12 ngân hàng bị cướp dưới tay của bọn chúng. Ngoài ra, cảnh sát còn tích cực truy lùng Barrow Gang bởi băng nhóm này còn có sở thích là đi giải cứu tù nhân.
Cũng trong gần 2 năm tung hoành đó, Bonnie và Clyde dù là những kẻ sát nhân, cướp của, khiến bao người dân Mỹ khiếp sợ nhưng trong mắt của một bộ phận người nghèo khổ ở Mỹ, họ lại như một vị anh hùng. Trong những năm 1930, rất nhiều người Mỹ phải chịu khổ cực bởi sự ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng, khiến 50 đến 80% dân số thất nghiệp, biết bao người tự tử vì quá khó khăn. Và đó có lẽ cũng là lý do khiến Bonnie và Clyde trở nên nổi tiếng khi họ đứng dậy chống lại chính phủ, ngân hàng. Thậm chí, Bonnie và Clyde còn được so sánh với Robin Hood và Maid Marian, được người nghèo xem là người hùng khi tập trung tổ chức cướp bóc của người giàu.
Băng nhóm này không sử dụng một chiếc xe cố định mà thường xuyên thay đổi xe để tránh sự dòm ngó của cảnh sát. Tất cả những chiếc xe này đều là do cướp bóc mà có. Ngoài Raymond (sau này đã rời bỏ Barrow Gang và chết trong tù theo hình thức ngồi ghế điện), Bonnie, Clyde, Barrow Gang dần dần còn thu nạp thêm các thành viên khác như Buck và Blance – vợ chồng anh trai của Clyde, W.D. Jones, Joe Palmer, Henry Merthvin… Bọn họ là nỗi ám ảnh của nhiều người dân Mỹ và là những kẻ sát nhân hàng đầu mà FBI cam kết phải lùng sục và xử tội.
167 phát đạn và cái giá phải trả của cặp tình nhân giết người không gớm tay
Buổi sáng ngày 23/5/1934, Bonnie và Clyde ung dung lái chiếc Ford V8 đã ăn cắp ở Topeka, Kansas, Texas đến quán Ma Canfield’s Café ở trung tâm thành phố Gibsland, Louisiana. Sau đó, bọn họ đi xuống Sailes Road. Thời điểm đó, bọn họ là hai sát thủ vừa trốn trại và dự định tiến hành thêm một vụ cướp để có tiền chi xài. Khi đang trên đường đi, Clyde bỗng nhìn thấy Ivy Methvin – bố của Henry Merthvin – đang đứng cạnh chiếc xe tải có vẻ như đã tắt máy.
Nhưng khi Clyde vừa xuống xe để giúp đỡ thì Ivy lập tức chạy trốn, nấp ở một gốc cây. Sau khoảnh khắc này, 167 phát đạn đã bắn ra như mưa khiến Clyde mất mạng ngay lập tức. 2 phát súng đầu tiên vào đầu Clyde, 27 viên tiếp theo bắn vào cơ thể tên sát nhân này, 8 viên đạn cắm vào chân. Trong khi đó, gương mặt của Bonnie ở phía bên trái bị 2 phát đạn bắn trúng, một viên khác vào 2 ngón tay phải của ả. Cảnh sát không ngừng xả súng cho đến khi Bonnie và Clyde không còn cử động nữa. Cuối cùng, thi thể của Clyde được tìm thấy treo trên vô lăng còn thi thể Bonnie bị ném vào một cánh cửa gần đó.
Sau tất cả, cuối cùng sự nổi tiếng cũng đã đến với Bonnie và Clyde dù cho đó không phải là cách mà họ ao ước từ thuở bé. Suốt thời gian tung hoành, Bonnie và Clyde liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhưng trong các chuyên mục truy nã hay kể về tội ác mà cả hai đã gây ra. Báo chí, truyền hình, khắp nơi đều xuất hiện gương mặt của cặp tình nhân sát thủ này. Thậm chí nhiều năm sau cái chết của mình, Bonnie và Clyde vẫn liên tục được đề cập đến, cái tên của họ trở thành chủ đề cho hàng loạt bài viết, bài phân tích. Thậm chí, câu chuyện của Bonnie và Clyde đã được dựng thành phim hình sự có tên Bonnie và Clyde, sản xuất năm 1967.
Đám tang của cả hai cũng diễn ra rất lớn. Hơn 20 ngàn người đã tham dự đám tang của Bonnie và gia đình cô phải rất khó khăn mới có thể tiếp cận được với khu vực mộ phần của cô. Trong khi đó, đám tang của Clyde có hàng ngàn người tụ họp bên ngoài nhà tang lễ ở Dallas với hy vọng có thể nhìn thấy thi thể của hắn. Những vật dụng của Bonnie và Clyde đều được giữ lại và trưng bày. Năm 2005, Bảo tàng Phục hồi Bonnie và Clyde đã được mở cửa tại quán Canfield trên đường chính Gibsland, trong đó có cả chiếc xe mà cả hai đã sử dụng vào hôm bị bắn chết cũng như chiếc áo sơ mi mà Clyde đã mặc trên người vào ngày hôm đó.
(Nguồn: Tổng hợp)