Vaccine Abdala của Cuba là một trong 5 loại vaccine bản địa đang được sử dụng hoặc đang được phát triển ở Cuba và chưa nhận được WHO phê duyệt. Tuy vậy, các nước Mỹ Latinh và Caribe gồm Argentina, Venezuela và Jamaica đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua vaccine của Cuba. Trong khi đó, đầu năm nay Iran cũng bắt đầu sản xuất và cấp phép sử dụng vaccine Soberana 2 của quốc đảo Caribe.
Các nhà chức trách Cuba cho biết Abdala đã được chứng minh là có hiệu quả hơn 92% trong các thử nghiệm lâm sàng ở trong nước, nhưng dữ liệu từ các nghiên cứu vẫn chưa được công bố trên các tạp chí chuyên khoa quốc tế. Abdala không phải là vaccine vector và cũng không hoạt động với công nghệ mRNA. Thay vào đó, nó là một loại vaccine protein. Điều này có nghĩa là nó mang một phần protein đột biến mà virus sử dụng để liên kết với các tế bào của con người, từ đó tạo ra các kháng thể trung hòa ngăn chặn quá trình liên kết này.
Theo các trang thông tin y khoa PubMed và Precision Vaccinations, không giống với các loại vaccine Moderna, Pfizer sử dụng công nghệ mRNA, hay Johnson & Johnson, AstraZeneca sử dụng công nghệ virus vector, vaccine của Cuba là vaccine tiểu đơn vị, được điều chế chỉ dựa trên một phần kháng nguyên của miền liên kết thụ thể (RBD) của SARS-CoV-2 tăng đột biến protein. Các nhà khoa học đã sử dụng nấm men Pichia pastoris là miền liên kết thụ thể.
Vaccine phòng COVID-19 của Cuba yêu cầu 3 liều, tuy nhiên loại vaccine này ổn định ở nhiệt độ 2-8 độ C nên không yêu cầu thêm chi phí cho thiết bị làm lạnh chuyên dụng. Vì vậy, việc sử dụng vaccine này tại các nước thu nhập thấp sẽ dễ dàng hơn so với các loại vaccine mRNA cần được bảo quản ở tủ lạnh âm sâu. Ví dụ, cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển rất khó để đáp ứng được việc bảo quản vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer hoặc Moderna. Vì thế, vaccine Abdala sẽ phù hợp hơn với điều kiện phân phối tại các quốc gia này. Theo đó, một số quốc gia đang phát triển hoặc chưa phát triển, không đủ khả năng mua vaccine của Mỹ và các nước phương Tây khác, đang chuyển sang Cuba để mua vaccine với giá cả phải chăng hơn.
Tại Ấn Độ, chính quyền đã công bố kế hoạch nối lại việc xuất khẩu vaccine sản xuất trong nước vào tháng tới, sau khi phải tạm dừng từ tháng 3 vừa qua trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ tư bùng phát nghiêm trọng.
Phát biểu trên truyền thông trong nước hồi tuần trước, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết chính phủ dự kiến tổng sản lượng vaccine nội địa sẽ vượt quá 1 tỷ liều vào quý 4/2021, “dư thừa để đáp ứng nhu cầu trong nước”. Trước khi phải đình chỉ xuất khẩu vaccine, Ấn Độ – quốc gia có nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới là Viện Huyết thanh Ấn Độ – đã tặng hoặc bán hơn 65 triệu liều cho hàng chục quốc gia, với thị phần chủ yếu là vaccine Covishield, phiên bản sản xuất trong nước của AstraZeneca.
Ngoài ra, có 3 loại vaccine khác được Ấn Độ đăng ký cấp phép sử dụng trong nước bao gồm cả vaccine nội địa Covaxin, do Công ty Bharat Biotech của Ấn Độ phát triển, nhưng chưa được WHO phê duyệt. Các quan chức của WHO dự kiến sẽ họp vào tháng tới để thảo luận về việc cấp phép khẩn cấp cho vaccine Covaxin. Vaccine này cho đến nay mới chỉ được cấp phép ở một số ít các quốc gia đang phát triển bao gồm Guyana, Philippines và Zimbabwe. Covaxin được nhà sản xuất báo cáo đạt hiệu quả 77,8% trong các thử nghiệm giai đoạn 3. Vaccine này đang chiếm khoảng 12% số lượng vaccine đã được tiêm chủng cho người dân Ấn Độ, cụ thể ít nhất một liều cho 65% trong số 944 triệu người trưởng thành.
Tháng trước, các cơ quan quản lý Ấn Độ đã phê duyệt vaccine ngừa COVID công nghệ DNA đầu tiên trên thế giới, do Công ty Zydus Cadila (có trụ sở ở Ấn Độ) nghiên cứu. Vaccine này hoạt động bằng cách chèn một đoạn nhỏ mã di truyền của virus vào các phân tử DNA được gọi là plasmid.
Một loại vaccine nội địa khác là Corbevax, được phát triển bởi Công ty Biological E có trụ sở ở thành phố Hyderabad, đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và dự kiến có thể sẵn sàng đưa vào sử dụng vào tháng 12 tới. Trong khi đó, các thử nghiệm giai đoạn 1 của vaccine HGCO19 dựa trên công nghệ mRNA đầu tiên của Ấn Độ (do Công ty Gennova Biopharmaceuticals Ltd phát triển) đã kết thúc vào tháng trước và các nhà chức trách đã “bật đèn xanh” cho các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn tiếp theo. Ấn Độ cũng sản xuất các loại vaccine nổi tiếng của nước ngoài, bao gồm vaccine của Johnson&Johnson (Mỹ) và Sputnik-V (Nga). Các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đang nỗ lực phát triển vaccine nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nhiều năm tới.
Nhà virus học và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ashoka ở Hyderabad (Ấn Độ) Shahid Jameel, cho biết việc tiêm mũi tăng cường ở giai đoạn này của đại dịch có “chút ý nghĩa khoa học” và sẽ làm căng thẳng hơn nữa nguồn cung cấp vaccine chính. Giáo sư Shahid Jameel nhận định: “COVID-19 đã cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc sản xuất vaccine ở nhiều nơi để có khả năng tiếp cận tốt hơn và công bằng hơn”. Ông nhìn thấy triển vọng của các loại vaccine mới nổi và phi truyền thống, đặc biệt là vaccine công nghệ DNA.
Theo ông, “vaccine dựa trên công nghệ di truyền là điểm nổi bật. Đó là tương lai. Hiện nay, khả năng sinh miễn dịch của DNA đang được cải thiện với công nghệ tiêm dưới da không dùng kim tiêm, chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến hướng này. DNA dễ tạo ra và ổn định hơn RNA”.
Trong khi đó, ông Jerome Kim, Giám đốc điều hành Viện vaccine quốc tế (IVI) ở Seoul, Hàn Quốc, cho biết điều quan trọng là vaccine phải trải qua các quy trình phê duyệt cần thiết và vẫn chưa rõ các vaccine ít được nghiên cứu sẽ phản ứng như nào với mũi tiêm tăng cường trong tương lai. Ông nhấn mạnh: “Vấn đề của việc tiêm mũi tăng cường không chỉ là lựa chọn đúng hay sai. Có một số thứ là đúng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và những thứ khác rút ra từ việc thử nghiệm”.
Giám đốc điều hành IVI cho biết thêm rằng: “Vaccine của Cuba vẫn chưa có báo cáo dữ liệu về hiệu quả thực tế. Sputnik vẫn chưa được WHO phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Chúng ta sẽ sử dụng chúng như thế nào? Điểm hay của quy trình hiện tại là về mặt lý thuyết, mỗi loại vaccine đều nhận mức độ đánh giá như nhau từ WHO. Hy vọng rằng đó không phải là một quá trình bị chính trị hóa quá mức mà là một quá trình dựa trên cơ sở khoa học”.
Giáo sư Shabir Madhi, chuyên gia về vaccine thuộc Đại học Witwatersrand ở Johannesburg (Nam Phi), cho biết: “Thật không may, các quốc gia nhiều khả năng sẽ phải khai thác bất kỳ lựa chọn nào sẵn có, nhưng chúng tôi khuyên các bạn nên tuân theo các khuyến nghị của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO về loại vaccine nào nên được sử dụng sau khi kiểm tra đầy đủ các bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của vaccine”. Ông nhấn mạnh: “Vấn đề không phải là vaccine được sản xuất tại đâu, mà là bằng chứng khoa học về tính an toàn và hiệu quả của chúng. Thật không may, một số loại vaccine đang được triển khai tiêm đại trà mà không có dữ liệu cần thiết hỗ trợ việc sử dụng rộng rãi, dựa trên các nghiên cứu hạn chế”.