Trách nhiệm pháp lý là gì? Những ai phải chịu trách nhiệm pháp lý? Trách nhiệm pháp lý có được miễn không? Đây là những câu hỏi rất thông dụng mà không phải ai cũng hiểu rõ. Bài viết sau đây của HieuLuat sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về trách nhiệm pháp lý là gì và những vấn đề xoay quanh trách nhiệm pháp lý.
Trách nhiệm pháp lý là gì?
Dưới góc độ đời sống, trách nhiệm có thể được hiểu là những công việc/hành vi mà cá nhân, tổ chức, cơ quan phải thực hiện do hành vi vi phạm những chuẩn mực chung được xã hội, cộng đồng công nhận. Trách nhiệm cũng có thể được hiểu là bổn phận, là những chuẩn mực mà cá nhân, tổ chức,…phải tuân thủ. Ví dụ như trách nhiệm về đạo đức, trách nhiệm về văn hóa, trách nhiệm đối với gia đình,…
Dưới góc độ khoa học pháp lý, trách nhiệm pháp lý được hiểu là những hậu quả bất lợi mà Nhà nước buộc các chủ thể phải gánh chịu về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Cụ thể hơn, hậu quả bất lợi mà chủ thể phải gánh chịu về những hành vi vi phạm pháp luật của mình được quy định tại phần chế tài trong các quy phạm pháp luật.
Trách nhiệm pháp lý là loại trách nhiệm riêng biệt, khác biệt hoàn toàn so với các trách nhiệm về đạo đức, trách nhiệm về xã hội,…(những trách nhiệm mà không được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật).
Mở rộng hơn là về khái niệm trách nhiệm pháp lý là gì là trách nhiệm pháp lý của quốc gia, của vùng lãnh thổ trong các quan hệ quốc tế được hiểu là những hậu quả bất lợi/những hành vi mà quốc gia, vùng lãnh thổ buộc phải thực hiện khi vi phạm những thỏa thuận mà họ đã ký kết, tham gia (ví dụ tại các điều ước quốc tế, hiệp ước, thỏa thuận quốc tế,…). Những trách nhiệm mà quốc gia, vùng lãnh thổ phải chịu trách nhiệm có thể liên quan đến kinh tế, chính trị, bị cấm/hạn chế xuất khẩu/nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa,..
Hậu quả bất lợi mà quốc gia, vùng lãnh thổ phải gánh chịu có thể xuất phát từ những hành vi mà luật pháp quốc tế không cấm nhưng gây nguy hại cho các vùng, lãnh thổ quốc gia khác. Ví dụ như sử dụng vũ khí hạt nhân với mục đích phi nhân đạo, sử dụng vũ khí sinh học trong các hoạt động quân sự nhằm kiềm chế/làm suy giảm/gây nguy hại đến quốc gia/vùng lãnh thổ khác…
Xuất phát từ định nghĩa, cách hiểu về trách nhiệm pháp lý, có thể nhận thấy, cơ sở để buộc chủ thể phải chịu trách nhiệm pháp lý bao gồm:
– Cơ sở thực tiễn:
+ Chủ thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu không có hành vi vi phạm pháp lý;
+ Không thực hiện truy cứu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp chủ thể được miễn trách nhiệm pháp lý, không có năng lực trách nhiệm pháp lý (không có khả năng nhận thức hoặc làm chủ hành vi), chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý, hoặc trong các trường hợp bất khả kháng mà pháp luật quy định không phải chịu trách nhiệm pháp lý;
+ Các chủ thể vi phạm pháp luật bị buộc chịu trách nhiệm pháp lý bởi các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc các chủ thể được pháp luật trao quyền;
+ Phải được quy định trong quy phạm pháp luật cụ thể;
+ Phải có mối liên hệ nhân quả, xuyên suốt từ hành vi vi phạm pháp luật, lỗi của chủ thể đến hệ quả của hành vi;
Như vậy, trách nhiệm pháp lý là những hậu quả bất lợi mà chủ thể buộc phải gánh chịu từ hành vi vi phạm pháp luật của mình. Các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng phải chịu trách nhiệm bất lợi nếu có các hành vi vi phạm quy định tại các thỏa thuận mà họ đã ký kết, tham gia. Thậm chí, nếu các chủ thể không tự nguyện thực hiện thì họ sẽ bị cưỡng chế hoặc bị áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc từ phía cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trách nhiệm pháp lý có đặc điểm gì?
Từ cách hiểu trách nhiệm pháp lý là gì, suy ra, các đặc điểm của trách nhiệm pháp lý như sau:
– Là biện pháp mà Nhà nước sử dụng để buộc chủ thể phải chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật;
– Trách nhiệm pháp lý cho từng hành vi vi phạm pháp luật được quy định cụ thể trong từng văn bản, điều luật…(từng quy phạm pháp luật);
– Trách nhiệm pháp lý chỉ áp dụng đối với những chủ thể vi phạm pháp luật;
– Trách nhiệm pháp lý gắn liền với các biện pháp cưỡng chế/buộc chủ thể phải thực hiện của Nhà nước;
– Trách nhiệm pháp lý được xác định là những hậu quả bất lợi mà chủ thể buộc phải gánh chịu (ví dụ bất lợi về tài sản, về quyền nhân thân, chủ thể có thể được làm hoặc không được làm những công việc nhất định…);
Tại sao cần phải quy định trách nhiệm pháp lý?
Trách nhiệm pháp lý rất quan trọng đối với đời sống, xã hội. Ý nghĩa của việc quy định về trách nhiệm pháp lý có thể bao gồm:
– Đối với cơ quan quản lý: Có căn cứ để quản lý hành chính theo lĩnh vực được phân công, phân định rõ ràng trách nhiệm của từng đơn vị quản lý hành chính Nhà nước;
– Đối với các chủ thể: Nhận biết được ranh giới, phạm vi thực hiện hành vi của mình trong các quan hệ dân sự, hành chính, hình sự…;
Vậy nên, trách nhiệm pháp lý có một số những đặc điểm, ý nghĩa như chúng tôi đã nêu trên.
Có mấy loại trách nhiệm pháp lý?
Hiện nay, dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm pháp luật, tính chất của từng loại trách nhiệm mà trách nhiệm pháp lý được phân chia thành 04 loại, cụ thể như sau:
Một là, trách nhiệm pháp lý kỷ luật
Đây là trách nhiệm pháp lý được áp dụng trong một cơ quan, tổ chức, đoàn thể cụ thể. Trách nhiệm pháp lý kỷ luật buộc chủ thể là cá nhân/tổ chức/tập thể phải chịu trách nhiệm do có hành vi vi phạm kỷ luật trong học tập, lao động, công tác, phục vụ đã được ban hành theo quy định pháp luật.
Ví dụ như trách nhiệm pháp lý của Đảng viên khi vi phạm về những điều Đảng viên không được làm, trách nhiệm pháp lý của viên chức/công chức khi vi phạm quy chế/điều lệ hoặc trách nhiệm pháp lý của quân nhân khi vi phạm quy định trong công tác/thi hành nhiệm vụ…
Hai là, trách nhiệm vật chất
Có thể ghi nhận trách nhiệm vật chất là một loại trách nhiệm pháp lý bởi đây là loại trách nhiệm của người lao động được quy định cụ thể tại pháp luật về lao động. Trách nhiệm vật chất là trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản của người lao động theo quy định pháp luật khi:
+ Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động;
+ Hoặc người lao động mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.
Ba là, trách nhiệm pháp lý dân sự
Trách nhiệm pháp lý dân sự hay chính là trách nhiệm dân sự là những nghĩa vụ, trách nhiệm mà bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện. Các vi phạm về nghĩa vụ có thể là bên vi phạm nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn/nội dung, hoặc thực hiện không đầy đủ, hoặc không thực hiện nghĩa vụ (Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015).
Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về một số vấn đề về việc chịu trách nhiệm dân sự của bên vi phạm nghĩa vụ như sau:
– Chỉ những chủ thể vi phạm nghĩa vụ và phải có lỗi gây ra vi phạm đó thì mới phải chịu trách nhiệm dân sự;
– Trách nhiệm dân sự có thể được miễn trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng (sự kiện bất khả kháng được quy định theo Bộ luật Dân sự 2015 hoặc do các bên tự thỏa thuận), hoặc được miễn theo các trường hợp mà các bên đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật chuyên ngành đang điều chỉnh quan hệ giữa các bên;
– Nếu chủ thể vi phạm nghĩa vụ/bên vi phạm nghĩa vụ không có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ thì không phải chịu trách nhiệm dân sự;
– Bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm theo từng trường hợp cụ thể;
Bốn là, trách nhiệm pháp lý hành chính
Trách nhiệm pháp lý hành chính được hiểu là những hậu quả bất lợi mà chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hành chính phải gánh chịu. Tùy theo tính chất, mức độ, lĩnh vực vi phạm mà chủ thể phải chịu những chế tài/hậu quả khác nhau. Những biện pháp xử lý hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính được cá nhân, cơ quan có thẩm quyền quyết định, ban hành theo từng lĩnh vực cụ thể trên cơ sở pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Ví dụ, nghĩa vụ phải chịu những hậu quả của chủ thể khi vi phạm pháp luật hành chính về đất đai (chịu trách nhiệm theo quy định của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai và các văn bản khác có liên quan),…;
Năm là, trách nhiệm pháp lý hình sự
Trách nhiệm pháp lý hình sự là trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất mà Nhà nước buộc chủ thể phạm tội theo quy định của pháp luật về hình sự phải chịu trách nhiệm. Chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự là cá nhân hoặc những pháp nhân được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Trách nhiệm pháp luật hình sự chính là biện pháp trừng phạt mà Nhà nước sử dụng để nhằm trừng trị tội phạm, đồng thời phòng ngừa tội phạm phát sinh mới và răn đe, giáo dục những chủ thể khác.
Như vậy, bên cạnh việc hiểu trách nhiệm pháp lý là gì, người đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin về cách phân loại trách nhiệm pháp lý để có góc nhìn đầy đủ hơn về trách nhiệm pháp lý.
Năng lực chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý được quy định thế nào?
Từ cách hiểu trách nhiệm pháp lý là gì, các loại trách nhiệm pháp lý hiện nay, có thể nhận thấy năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể được quy định cụ thể tại mỗi lĩnh vực, mỗi loại trách nhiệm. Có thể lý giải chi tiết như sau:
Như vậy, năng lực của chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý là khác nhau đối với mỗi loại trách nhiệm pháp lý. Chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật và thỏa mãn các điều kiện riêng biệt của từng lĩnh vực thì mới phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi vi phạm đó.
Khi nào chủ thể được miễn trách nhiệm pháp lý?
Để nhận biết toàn diện về trách nhiệm pháp lý thì ngoài hiểu về trách nhiệm pháp lý là gì, năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể vi phạm thì còn cần tìm hiểu về những trường hợp được miễn trách nhiệm pháp lý. Miễn trách nhiệm pháp lý được hiểu là chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà phải chịu trách nhiệm pháp lý nhưng được pháp luật quy định không phải chịu.
Một số ví dụ như sau:
– Chủ thể được miễn trách nhiệm pháp lý hình sự trong các trường hợp:
+ Tại thời điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
+ Hoặc khi có quyết định đại xá;
– Hoặc chủ thể được miễn trách nhiệm pháp lý dân sự trong các trường hợp:
+ Chủ thể vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp bất khả kháng (ví dụ như chiến tranh, thiên tai,…);
+ Thuộc trường hợp mà các bên trong quan hệ dân sự quy định được miễn trách nhiệm;
+ Thuộc trường hợp mà pháp luật khác (pháp luật chuyên ngành điều chỉnh quan hệ dân sự) quy định là miễn trách nhiệm;
+ Do thiên tai, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan mà người lao động không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người lao động đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;
+ Người sử dụng lao động miễn trách nhiệm vật chất cho người lao động;
Vậy nên, các chủ thể vẫn được miễn chịu trách nhiệm pháp lý. Đối tượng chủ thể được miễn chịu trách nhiệm pháp lý được quy định cụ thể tại từng lĩnh vực.
Kết luận: Năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của mỗi chủ thể được quy định cụ thể theo từng loại trách nhiệm pháp lý. Chủ thể vi phạm pháp luật có thể được miễn trách nhiệm trong một số trường hợp.
Thẩm quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý là của ai?
Chủ thể vi phạm pháp luật, vi phạm những quy định chung phải chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi của mình, tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều chủ thể không tự nguyện thực hiện trách nhiệm của mình hoặc nếu không buộc phải thực thi trách nhiệm của mình thì các chủ thể không thực hiện. Do vậy, thẩm quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý là căn cứ để xác minh, tiến hành các biện pháp cưỡng chế để bắt buộc các chủ thể phải xử sự theo những nguyên tắc chung được thống nhất.
Cụ thể, thẩm quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý được quy định như sau:
Các loại trách nhiệm pháp lý
Thẩm quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý
Trách nhiệm kỷ luật
Thủ trưởng cơ quan/đơn vị, Giám đốc học viện, Giám đốc trường Đại học, Bộ trưởng, Vụ trưởng,…
Trách nhiệm vật chất
Người sử dụng lao động, Hòa giải viên lao động, Tòa án, Hội đồng trọng tài lao động,..
Trách nhiệm pháp lý hành chính
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Cục trưởng Cục thuế, Trưởng công an cấp xã/cấp huyện, Chi cục trưởng Chi cục thuế,…
Trách nhiệm pháp lý dân sự
Tòa án, Trọng tài thương mại,…
Trách nhiệm pháp lý hình sự
Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án
Trách nhiệm pháp lý của quốc gia, vùng lãnh thổ trong các quan hệ quốc tế
Tòa án Công lý quốc tế, Liên Hợp quốc, ASEAN, NATO, EU, Tòa án Trọng tài quốc tế (gọi tắt là ICC),…
Như vậy, thẩm quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý là của những cơ quan, cá nhân, tổ chức nêu trên.