Tôi bước ra khỏi rạp chiếu sau khi xem Ròm với cảm giác trĩu nặng hai vai. Tuy nhiên nó lại là một cảm giác mới mẻ mà hiếm có bộ phim Việt nào ngày nay mang lại.
Bài bình luận này tiết lộ nhiều nội dung của phim Ròm
Không thể nói đến phim Ròm mà không kể đến những trở ngại nhà sản xuất phim đã phải đối mặt từ lúc lên ý tưởng cho đến khi bộ phim ra rạp. Những thông tin râm ran về Ròm đã xuất hiện trên mạng kể từ tháng 10 năm ngoái khi Ròm đoạt giải Phim xuất sắc ở hạng mục Xu hướng mới (New Currents) tại Liên hoan phim quốc tế Busan. Đây là lần đầu tiên một bộ phim Việt Nam được trao giải thưởng lớn tại một liên hoan phim tiếng tăm như vậy.
Ở quê nhà rộn lên những lời chúc mừng xen lẫn với thông tin ê kíp Ròm bị xử phạt vì đã gửi đứa con tinh thần tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan khi chưa được cục điện ảnh nhà nước cấp giấy phép. Và rồi phiên bản phim được chiếu ở Busan đã bị buộc tiêu huỷ và nhà sản xuất Ròm bị phạt 40 triệu đồng. Cả hai dấu hiệu bi quan này làm cho người ta tưởng rằng khán giả trong nước sẽ chẳng có cơ hội được thấy tác phẩm thắng giải này trình chiếu ở rạp. Vậy nhưng, những khó khăn này chỉ làm những người yêu thích bộ phim thêm mến mộ nhân vật chính — cậu bé bụi đời với ánh mắt đầy hằn học mà cũng rất đáng thương, vì nói đúng ra, ai mà chẳng ủng hộ và cảm thông với những người yếu thế.
Thông tin về lịch chiếu chính thức trong nước của bộ phim vào năm nay được cư dân mạng đón nhận rất nồng nhiệt. Tuy nhiên niềm vui này “ngắn chẳng tày gang” do ảnh hưởng của đại dịch Covid: làn sóng lây nhiễm mới bùng phát tại Đà Nẵng chỉ vài ngày trước buổi sự kiện ra mắt phim khiến cho ngày công chiếu của phim bị hoãn đến tháng 9. Quay trở lại với thời điểm hiện tại, sau vài tuần Ròm được công chiếu rộng rãi trong nước, câu hỏi được đặt ra: Liệu bộ phim có đáp ứng được sự kỳ vọng chúng ta mong đợi?
Đạo diễn Trần Thanh Huy thực hiện bộ phim ngắn 16:30 làm dự án tốt nghiệp. Nguồn: Kênh YouTube Danet Vietnam.
Ròm là bộ phim đầu tay của đạo diễn Trần Thanh Huy và ở nhiều góc độ nó vừa là phiên bản làm lại, vừa là tác phẩm thừa kế tinh thần của phim ngắn 16:30. Diễn viên tay ngang Trần Anh Khoa đóng vai nhân vật chính Ròm trong cả 2 phim. Chàng diễn viên trẻ, cũng là em ruột của đạo diễn, bắt đầu tham gia diễn xuất khi anh còn là một cậu thiếu niên vụng về đang trong tuổi dậy thì. Trong phim ngắn, Khoa là một cậu bé vô danh, người xem khám phá thế giới của cậu bé này qua những lát cắt thời gian, những góc nhìn, lời kể chuyện thay đổi nhanh đến chóng mặt. Trong bộ phim, người xem được theo chân những đứa trẻ bụi đời len lỏi trên khắp các ngõ hẻm Sài Gòn để bán giấy dò.
Phim ngắn 16:30 không truyền tải gì nhiều về nội dung cốt truyện mà phần lớn chỉ trình làng những kỹ thật điện ảnh sở trường của đạo diễn Thanh Huy, sở trường mà anh cũng đã sử dụng triệt để trong những khung ảnh đầy thi vị của phim Ròm. Tuy vậy, những hạn chế trong phim ngắn về chân dung các nhân vật, chủ đề và những diễn giải xã hội thời đó đã được đào sâu và khai thác kỹ hơn trong phim điện ảnh dài này, tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn cho người xem.
Bộ phim lấy bối cảnh một khu chung cư cũ kỹ của người lao động nghèo Sài Gòn, xoay quanh câu chuyện số đề, một loại hình cá cược phi pháp dựa trên kết quả xổ số kiến thiết của nhà nước. Người chơi sẽ cố gắng dự đoán 2 con số cuối giải đặc biệt kết quả xổ số mỗi ngày vào buổi chiều muộn. Ròm và đám trẻ bụi đời kiếm sống bằng nghề bán vé dò xổ số kiêm luôn nghề “cò” ghi số đề. Chúng sống nhờ tình thương của những người thắng đề khi đoán đúng, rồi bị mắng mỏ thậm chí còn bị đánh đập nếu kết quả dự đoán sai. Số đề nghe chừng đơn giản vậy nhưng trong Ròm, nó lại là kẻ giật dây có ma lực vô cùng lớn, điều khiển mọi quyết định trong cuộc sống, sự giao tiếp hàng ngày, và đôi khi cả sự sống chết của các nhân vật.
Nhiều khán giả so sánh Ròm với phim Parasite của Bong Joon Ho trong việc nội dung phim xoáy vào cuộc đời của tầng lớp thấp trong xã hội nhưng tôi nghĩ sự tương đồng của hai bộ phim chỉ dừng lại ở mức đó. Xung đột giữa các tầng lớp là vấn đề chính trong phim Parasite, nhưng Ròm, ít nhất trong phiên bản hiện tại, không đào sâu vào việc ai là thế lực đứng đằng sau tình trạng túng quẫn của các nhân vật trong phim. Mặc dù vậy, đâu đó vẫn có những gợi ý giúp chúng ta có thể phỏng đoán được phần nào những thế lực đó là gì.
Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các cư dân mất nhà vào tay chủ nợ đều dính vào số đề với khát khao thay đổi vận mệnh để lấy lại nhà. Trong phim có một cảnh ngắn chiếu một nhóm người mặc quần áo vét bảnh bao bị các cư dân xua đuổi một cách thô bạo khi họ cố thuyết phục cư dân bán nhà trả nợ. Mặc dù được kịch tính hoá rất cao trong phim nhưng ngoài đời thực, đây vốn là một kịch bản rất quen thuộc ở Sài Gòn: các nhà đầu tư bất động sản luôn cố tìm mọi cách để giải tỏa mặt bằng các chung cư cũ để xây các phức hợp thương mại và các khu mua sắm phục vụ tầng lớp trung lưu.
Hình ảnh: IMDB.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành nơi có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất châu Á, trong đó đáng chú ý nhất là sự hiện diện của tầng lớp trung lưu ở Sài Gòn — đầu tàu đóng góp chính vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Dọc theo các con phố là các nhà hàng sushi cao cấp sánh vai cùng các siêu thị sáng choang bày bán những trái cây tươi ngon nhập khẩu từ Nhật, trong khi các thương hiệu quốc tế, spa sang trọng và các đồ điện tử hiện đại được bày đầy trong các trung tâm mua sắm. Ở những nơi khác như chung cư cũ 42 Nguyễn Huệ, chủ các cửa hàng cũng trang trí cho cho không gian của mình nội thất có phong cách và xu hướng phù hợp với thị hiếu của tầng lớp trung lưu: ở đây phục vụ bữa trà chiều, hay chúng ta thường thấy nội thất Bắc Âu với tông be sang trọng và góc chụp hình đăng instagram đẹp lung linh.
Tuy nhiên, Ròm không chạy theo những thị hiếu phổ thông đó. Ngay từ đầu đến cuối, bối cảnh và cách mô tả nhân vật của bộ phim hết sức gai góc. Bữa ăn của Ròm là mẩu bánh mì cũ của ngày hôm trước; Ròm mặc quần áo rách rưới bẩn thỉu và kịch tính hơn, nó còn chui vào ngôi mộ trống đầy rác và bùn, thậm chí còn bơi trong nước sông tối đục. Các căn hộ chung cư trong phim Ròm lộn xộn, ngột ngạt và hoàn toàn không thích hợp để làm những quán cà phê độc lạ thường thấy ngày nay.
Cách mô phỏng rất đời của bộ phim về khu vực ngoại thành Sài Gòn đã dấy lên một số đánh giá tiêu cực từ một bộ phận khán giả. Một số cho rằng bối cảnh của phim quá xập xệ và phản cảm. Đối với tôi, lối kể chuyện chân thực đến táo bạo của Ròm là điều quan trọng nhất góp phần tạo nên sự xuất sắc của bộ phim, tách biệt nó với bối cảnh điện ảnh hiện tại với vô số những thước phim về Sài Gòn và con người nơi đây được lãng mạn hoá và được sàng lọc rất nhiều khi lên hình. Xem Ròm là để khám phá ra bản chất của con người, những sinh vật phức tạp nằm trong vùng giao giữa tốt và xấu, và khi bị dồn vào chân tường, họ sẽ làm bất cứ điều gì để đảm bảo sự tồn tại dù nó có nhẫn tâm hay vô nhân đạo đến đâu.
Phúc (Anh Tú Wilson) và Ròm (Trần Anh Khoa) là bạn và cũng là thù, tranh giành mối ghi đề trong phim. Hình ảnh: Pháp Luật va Bạn Đọc.
Đi sâu theo diễn tiến của câu chuyện, khán giả được biết đến cuộc đời của các nhân vật. Có thể hình dung cộng đồng này là một ngôi nhà bấp bênh xây bằng những lá bài hy vọng và tuyệt vọng bị đặt sai chỗ. Những người dân nghèo đói, nợ nần chồng chất và phải làm những công việc tầm thường, không có cách nào khác để đổi đời ngoài việc đặt niềm tin vào số đề. Ròm là một cậu bé mồ côi bụi đời, với ước mơ tìm được cha mẹ ruột, kiếm sống bằng nghề cò đề. Ghi, người đàn bà ghi đề nghèo khổ, cũng không phải là một trùm cờ bạc: con trai của bà bị ung thư và việc điều trị phụ thuộc vào thu nhập của bà. Ai cũng đều bất lực với địa vị xã hội của họ, nên họ tìm đến những con số với hy vọng phép màu sẽ đến với đời mình.
Đôi khi những giấc mơ đó thành sự thật. Có lần Ròm mách số đề trúng cho những cư dân, những người nghe theo Ròm đã thắng lớn và mở tiệc cho làng xóm say sưa ăn mừng. Thằng nhóc gầy gò được loan là vị cứu tinh và trở thành nhà tiên tri đáng tin cậy trong mắt của những kẻ đặt cược. Đáng tiếc thay, cuộc đời của họ gắn chặt với những con số đến mức ngay cả khi chứng kiến những giây phút hạnh phúc này, chúng ta vẫn không tránh khỏi cảm giác day dứt vì biết vận may không phải lúc nào cũng đến.
Trong đoạn tiền cao trào của bộ phim, như đã dự đoán, chúng ta nhìn thấy thoáng qua một khoảnh khắc đáng buồn — cách hành xử của người đời và tình nghĩa láng giềng trở nên chua chát, tồi tệ khi Phúc, đối thủ cò đề của Ròm, không giao phiếu cược đề đúng giờ. Bà con đánh Phúc tơi tả và chạy đến nhà bà Ghi để yêu cầu bà chung tiền cho họ. Họ trói Phúc và bà Ghi lại và giam cả hai vào chỗ ở của Ròm trên sân thượng.
Ngay cả trước sự sụp đổ đạo đức này, sự qua lại giữa hàng xóm với nhau cũng đã rạn nứt. Sự tuyệt vọng đã khiến bà Ba, bà bán hàng rong già nhất trong khu dân cư đó, tự sát và những người còn lại đã ngay lập tức lập đàn cầu hồn nhờ bà báo mộng cho con số trúng để họ đặt cược.
Bà Ghi (Cát Phượng) là hiện thân của tia sáng ấm áp hiếm hoi trong bộ phim, mặc dù sự chia sẻ, yêu thương giữa bà Ghi và Ròm chẳng kéo dài được bao lâu. Hình ảnh: Pháp Luật và Bạn Đọc.
Điều gần gũi nhất với sự tử tế trong phim Ròm có lẽ là mối quan hệ hơi giống tình mẫu tử giữa bà Ghi và cậu bé Ròm. Bà Ghi lo cho Ròm từ miếng ăn, lo chữa trị cho Ròm khi cậu bị ốm và thậm chí còn đề nghị giúp đỡ Ròm tìm cha mẹ ruột. Bà chăm sóc Ròm mà không mong được đền đáp, khác xa với thế giới đầy giao dịch ở khu chung cư. Bởi vậy, thật đau lòng khi chứng kiến sự tan rã của mảnh tình người còn lại duy nhất trong bộ phim này khi bà Ghi lấy cắp số tiền mà Ròm đã tích bấy lâu để đi tìm cha mẹ.
Cảm giác khi xem phim Ròm giống bước lên một chiếc tàu lượn siêu tốc đang lao xuống dốc với tốc độ tối đa, mặc dù đâu đấy trong đó có một vài tia hy vọng le lói. Nó sẽ khiến cho người xem kiệt quệ về cảm xúc theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen, khóc cho sự khốn khổ của một bộ phận quan trọng trong xã hội, bộ phận mà nhiều người trong chúng ta đã lãng quên đi, dù vô tình hay cố ý. Để làm khán giả đau lòng và có những cảm xúc mãnh liệt như vậy, đó là một đẳng cấp nghệ thuật. Ở Ròm đó là một cuộc khai phá sâu sắc nhất, trần trụi đến mức trơ trẽn về hoàn cảnh của con người được thực hiện với sự khéo léo và những cống hiến vì điện ảnh.
Khi tin tức thắng giải của Ròm được công bố, Variety dẫn lời đạo diễn người Anh Mike Figgis, trưởng ban giám khảo dòng phim Xu hướng mới nói rằng, “việc sử dụng các địa điểm có thật, sống động” trong Ròm “đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ban giám khảo và rằng kết thúc của phim rất thoả mãn.” Giờ đây công chúng ai cũng biết rằng phiên bản chiếu trong nước khác với phiên bản trước đó đã đạt giải thưởng ở Liên hoan phim, và lời bình luận của nhà đạo diễn người Anh đã xác nhận điều đó vì tôi đã xem bộ phim và cái kết của phim hoàn toàn chẳng thoả mãn như lời ông nói.
Cho đến phần cao trào của phim, Ròm đã chứng minh được nó là một tác phẩm rất đáng xem của điện ảnh Việt Nam khiến tôi phải say mê và thực sự để tâm theo dõi — nó hoàn toàn xứng với những lời khen ngợi có cánh từ ban giam khảo. Nhưng sau đó, bộ phim chuyển sang một kết thúc thất vọng chấp vá, không mạch lạc, không nhất quán. Đang từ những cảnh rượt đuổi rùng rợn của Ròm, bộ phim chuyển sang màn gắn kết thân mật giữ Ròm và Phúc trên nóc xe lam khi mà chỉ vài phút trước hai đứa nó vẫn còn là kẻ thù không đội trời chung. Điều gì xảy ra với cư dân và khu chung cư? Tại sao bọn cho vay nặng lãi lại thao túng Ròm châm lửa đốt chung cư? Tại sao Ròm không day dứt trước hệ quả nghiêm trọng sau một quyết định liều lĩnh, mặc dù có phần chính đáng, có thể giết chết hàng chục người và khiến những người khác trở nên vô gia cư không một đồng xu dính túi?
Wowy dẫn đầu một băng đảng giang hồ đến đốt phá khu chưng cư. Hình ảnh: Phap Luat va Ban Doc.
Trong đoạn cuối phim, sau một hồi dốc bầu tâm sự, Ròm nhận ra Phúc đã lừa mình một lần nữa để lấy cắp số tiền Ròm đã cực khổ tích cóp, và rồi hai đứa trẻ bắt đầu một cuộc rượt đuổi, mà đỉnh điểm là một cuộc ẩu đả trên đường ray xe lửa vì một nắm tiền. Nhưng khoan! Đây là tiền gì khi mà nó đã bị bà Ghi đã lấy trộm ở vài cảnh trước đó?
Tôi hoàn toàn ủng hộ kết thúc mở trong phim ảnh. Như ở Ròm, đó là cảnh Ròm quay trở về với bức tường cũ nơi nó bị bỏ rơi, cảnh nó trèo lên xe buýt nối tiếp nhau với hy vọng tìm được cha mẹ ruột ở cuối phim là phù hợp. Còn lại tất cả những chi tiết khác trong kết thúc phim quá mơ hồ và khó hiểu. Trừ những lỗ hổng trong cốt truyện này ra thì lối diễn xuất, nhạc nền, kỹ thuật quay phim và dựng phim đều đáng được khen ngợi.
Trần Anh Khoa thể hiện khả năng diễn xuất đầy triển vọng trong vai Ròm nhanh nhẹn, đặc biệt là qua đôi mắt đầy biểu cảm của cậu ta. Rapper Wowy rất tròn vai một tên giang hồ cho vay nặng lãi hung tợn và đáng sợ nhưng vì cốt truyện không cho hắn một mục đích rõ ràng, đôi lúc nhân vật tồn tại chỉ như cho phim có vai ác.
Xét đến cùng, việc Ròm phải vật lộn với kiểm duyệt không phải là điều bí mật nữa, và có thể đây là những sai sót tất yếu để đổi lại việc Ròm có thể ra rạp. Theo dõi hành trình làm phim qua các buổi phỏng vấn với đoàn làm phim, tôi tin rằng, phiên bản đầy đủ của bộ phim chắc chắn sẽ rất thỏa mãn, ngay cả khi chúng ta không được xem. Tại thời điểm hiện tại, bộ phim là một điểm sáng vượt lên trên nhiều bộ phim trên thị trường trong nước, thể hiện rất rõ nỗ lực tận tâm tạo ra những câu chuyện Việt Nam riêng biệt, vừa có tầm như những bộ phim bom tấn quốc tế.