✅ Bài viết này Vườn Ươm Tiến Đạt Ban Mê sẽ cùng bà con tham khảo qua hướng dẫn kỹ thuật ghép cây bơ bằng phương pháp nêm chồi. Đây là một trong những cách phổ biến và đơn giản nhất để nhân giống cây bơ. Giúp giữ lại đặc tính và phẩm chất của cây mẹ. Với phương pháp này bà con hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà. Giảm bớt chi phí về giống. Mời bà con cùng theo dõi
1. Vì sao nên ghép cây bơ thay vì trồng từ hạt?
Như nhiều loại thực vật khác, cây bơ vốn là loại cây thụ phấn chéo. Đặc tính của cây con thế hệ tiếp theo nếu trồng từ hạt, thường có nhiều thay đổi so với cây mẹ (cây mang quả). Các đặc tính có thể tốt hơn cũng có thể kém hơn. Do đó để giữ lại 100% ưu điểm của cây mẹ như: năng suất, sinh trưởng, khả năng kháng sâu bệnh, chất lượng thịt quả… người ta thường dùng các phương pháp nhân giống vô tính như: Ghép, chiết, nuôi cấy mô… Đối với cây bơ thì phương pháp đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất chính là ghép.
Hiện tại có 2 phương pháp phổ biến là ghép nêm chồi và ghép mắt. Bài viết này sẽ đi sâu vào phương pháp ghép nêm chồi. Có thể áp dụng trên cây bơ thực sinh (bơ ươm từ hạt) hoặc cây bơ trưởng thành
2. Nêm chồi là gì? Cách chọn chồi bơ để ghép như thế nào?
Nêm chồi nói chung là phần ngọn của cây, nơi ta có thể sử dụng để ghép vào vị trí khác trên cây hoặc ghép vào cây khác (cùng giống). Khi sử dụng cách ghép nêm chồi, người ta thường vát nhọn phần dưới của chồi như hình cái nêm, để tăng diện tích tiếp xúc giữa các mạch sinh trưởng, phần vỏ… đồng thời giúp cho chồi được cố định tốt hơn.
Đối với cây bơ, phần chồi đạt yêu cầu để ghép thường là chồi bánh tẻ, không quá già không quá non, vỏ chưa bị hóa gỗ vẫn còn màu xanh, chồi thường được lấy ở đầu cành. Nơi chứa nhiều mắt ngủ. Trước khi lấy chồi không nên bón phân, không lấy những chồi có dấu hiệu nấm hay bị côn trùng chích hút
Chồi ghép nên lấy từ các giống bơ cho năng suất cao, đã có tên tuổi trên thị trường, khả năng tiêu thụ thành phẩm mạnh như: bơ 034, bơ Booth 7, bơ Hass, bơ Reed, bơ Cuba…
3. Các dụng cụ cần chuẩn bị trước khi ghép
- Dao ghép: có thể dùng dao rọc giấy hoặc dao ghép chuyên dụng, yêu cầu phải sắc bén, lưỡi mỏng, tạo vết cắt ngọt, không làm tổn thương đến chồi và gốc ghép
- Dây ghép: có thể mua tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, thường là loại nilon mỏng, có độ đàn hồi cao. Ngoài ra nếu số lượng ít bà con cũng có thể tận dụng các loại túi nilon có sẵn ở nhà. Cắt thành khổ dài rộng từ 2-3cm
- Túi nilon trong loại nhỏ, dây thun
4. Hướng dẫn kỹ thuật ghép chồi bơ
Chồi bơ có thể ghép lên cây bơ thực sinh (ươm hạt) hoặc cây trưởng thành. Vị trí ghép thường là đầu ngọn, nơi có tiết diện (diện tích mặt cắt) tương đương với chồi ghép. Các bước chi tiết như sau
- Ở gốc ghép, chọn vị trí phù hợp sau đó cắt ngang dứt khoát, chẻ dọc chính giữa vết cắt xuống khoảng 1,5-2cm.
- Chồi ghép cắt thành những đoạn ngắn, mỗi đoạn ít nhất 3 mắt ngủ. Dùng dao ghép vát phần dưới thành hình cái nêm nhọn, phần nhọn có chiều dài tương đương với vết chẻ dọc ở gốc ghép
- Đặt chồi ghép vào vị trí đã chẻ dọc theo hướng thẳng đứng, thao tác dứt khoát, không rút ra cắm lại nhiều lần làm tổn thương mô. trường hợp chồi ghép có đường kính lớn hơn gốc ghép, thì phải làm sao cho ít nhất 1 phía có phần vỏ liền mạch giữa gốc ghép và chồi ghép.
- Dùng dây ghép nilon quấn quanh từ dưới lên trên, sao cho phủ kín vị trí ghép và cả chồi ghép, khi quấn dây ghép nên quấn vừa tay, bảo đảm cố định được chồi nhưng không quá chặt làm tổn thưởng vỏ và các mô thực vật ở vị trí ghép
- Dùng túi nilon đã chuẩn bị sẵn, chụp lên chồi và vị trí ghép. Sau đó lấy dây thun buộc phần miệng, việc này giúp giảm mất nước cho chồi, hạn chế côn trùng, nấm bệnh, giúp tăng tỷ lệ thành công
5. Chăm sóc cây bơ sau khi ghép
- Sau khoảng 20-25 ngày tùy theo thời tiết và mức độ sinh trưởng của gốc ghép. Chồi sẽ bật mầm lúc này có thể bỏ phần túi nilon chụp bên ngoài.
- Đối với cây ghép thực sinh trong môi trường vườn ươm. Cần đặt ở nơi thoáng mát, cao ráo, hạn chế ánh nắng trực tiếp. Chú ý tưới đủ nước để hạn chế héo chồi
- Đối với cây ghép trưởng thành hoặc cây con đã trồng ra đất, cần vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, hạn chế nấm bệnh tấn công cũng như các va chạm vật lý làm tổn thương mắt ghép – chồi ghép
- Tiếp tục chăm sóc cho đến khi chồi phát triển từ các mắt ngủ đạt chiều dài từ 5cm thì chọn 1-2 chồi khỏe mạnh nhất để giữ lại. Đồng thời cũng nên kiểm tra, loại bỏ các chồi vượt mọc lên từ gốc ghép
- Khi lá đã thuần thục, vết ghép có dấu hiệu bị bó cứng thì dùng dao rọc giấy cắt và gỡ bỏ dây ghép, hạn chế các vết hằn vào thân làm chồi yếu, dễ gãy đổ về sau.
- Trong quá trình chăm sóc cần theo dõi và bổ sung phân bón – thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Nhất là các chồi non rất dễ bị các loại côn trùng chích hút tấn công
6. Kết luận
Như vậy về cơ bản chúng ta đã hoàn thành xong kỹ thuật ghép bơ. Trong quá trình ghép, ban đầu có thể tỷ lệ thành công sẽ không cao do thao tác chưa chuẩn. Nếu chưa thành công có thể cắt thấp xuống dưới vết ghép thực hiện ghép lại từ đầu. Làm nhiều lần sẽ “quen tay” và tỷ lệ đạt cao hơn. Ở bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ giới thiệu thêm một số phương pháp khác để ghép cải tạo cây bơ trưởng thành. Bà con chú ý đón xem. Xin cảm ơn
Trường hợp cần các giống bơ ghép tuyển chọn (cây giống và chồi ghép): bơ booth, bơ hass, bơ 034, bơ cuba,… bà con có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau
Tìm kiếm : thời điểm ghép bơ, cach ghep nhan, cach nhan giong cay bo va ghép, huong ghep cay bơ, ky thuat chon bo giong, ky thuat trong bo bang hat, thời vụ ghép bơ, •ky thuât ghép chồi bơ