1. Thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội
– Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có thể thành lập một số tiểu ban chuẩn bị đại hội (không thành lập ban chỉ đạo hoặc ban tổ chức đại hội), gồm: Tiểu ban nội dung – nhân sự; Tiểu ban tuyên truyền – tổ chức và phục vụ đại hội.
– Công đoàn cơ sở có thể quyết định thành lập tiểu ban chuẩn bị đại hội hoặc phân công cán bộ, đoàn viên thực hiện các nhiệm vụ công tác chuẩn bị đại hội.
Các tiểu ban chuẩn bị đại hội có nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1.1. Tiểu ban nội dung – nhân sự
– Chủ trì xây dựng dự thảo báo cáo kết quả hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua; phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023 – 2028; báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành công đoàn cùng cấp.
– Hướng dẫn công đoàn cấp dưới chuẩn bị nội dung và xây dựng các báo cáo phục vụ đại hội, hội nghị công đoàn.
– Chủ trì chuẩn bị nội dung lấy ý kiến tham gia tại đại hội công đoàn cấp dưới vào các dự thảo báo cáo của công đoàn cấp mình; tiếp thu ý kiến tham gia và hoàn thiện dự thảo các báo cáo, trước khi trình đại hội; tổ chức lấy ý kiến cán bộ đoàn viên, công đoàn các cấp vào Điều lệ sửa đổi, bổ sung.
– Chuẩn bị các văn bản về qui chế đại hội; chương trình đại hội; chương trình điều hành của đoàn chủ tịch đại hội; phát biểu khai mạc, bế mạc, và dự thảo nghị quyết đại hội.
– Chủ trì xây dựng đề án chuẩn bị nhân sự ban chấp hành; nhân sự uỷ ban kiểm tra; nhân sự bầu đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên.
– Chủ trì xây dựng phương án trình ban chấp hành về cơ cấu số lượng, thành phần đại biểu dự đại hội công đoàn cùng cấp; số lượng và cơ cấu đại biểu phân bổ cho từng đơn vị trực thuộc.
– Hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cấp dưới về chuẩn bị nhân sự để bầu cử tại đại hội.
– Tiếp nhận hồ sơ của công đoàn cấp dưới về kết quả bầu cử đại biểu dự đại hội; nghiên cứu, dự thảo báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.
– Chuẩn bị dự thảo văn bản, tài liệu phục vụ công tác bầu cử (bầu ban chấp hành, bầu đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên).
– Chuẩn bị tài liệu phục vụ bầu cử tại hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất (bầu ban thường vụ và các chức danh chủ chốt trong ban chấp hành; bầu uỷ ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra).
1.2. Tiểu ban tuyên truyền – tổ chức và phục vụ đại hội
– Chủ trì xây dựng kế hoạch tuyên truyền (trước, trong và sau đại hội); xây dựng đề cương tuyên truyền mục tiêu, nhiệm vụ, ý nghĩa của đại hội.
– Hướng dẫn công đoàn cấp dưới tổ chức các phong trào thi đua chào mừng đại hội công đoàn cùng cấp và đại hội công đoàn cấp trên (nếu có); tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao, các cuộc thi…
– Thực hiện các hình thức tuyên truyền về đại hội theo kế hoạch; biểu dương các gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn…
– Chủ trì chuẩn bị địa điểm, cơ sở vật chất (trang trí hội trường, bàn ghế, âm thanh, ánh sáng, thùng phiếu, phương tiện phục vụ kiểm phiếu…) đáp ứng yêu cầu phục vụ quá trình diễn ra đại hội công đoàn cùng cấp.
– Nghiên cứu, đề xuất về số lượng, thành phần đại biểu khách mời; phát hành văn bản triệu tập đại biểu chính thức, giấy mời đại biểu tham dự đại hội.
– Tập hợp, in ấn, chuẩn bị các loại tài liệu phát hành tại đại hội.
– Chuẩn bị công tác phục vụ đại biểu đại hội như chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, phương tiện đi lại, công tác y tế (nếu có).
2. Công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự
– Các cấp công đoàn thực hiện nghiêm việc rà soát, xây dựng quy hoạch cán bộ theo đúng quy định của Đảng; hướng dẫn của Tổng Liên đoàn và hướng dẫn số 225/HD-CĐTKV, ngày 31/5/2022 của Ban thường vụ Công đoàn TKV; lấy quy hoạch làm cơ sở cho công tác nhân sự đại hội công đoàn các cấp.
– Thực hiện dừng việc bổ sung ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2018-2023 trước 06 tháng tính đến thời điểm đại hội ở mỗi cấp theo kế hoạch này. Trường hợp đặc biệt do cấp có thấm quyền xem xét, quyết định.
– Các đồng chí không tái cử nhiệm kỳ 2023-2028 thì tiến hành sắp xếp, bố trí, kịp thời thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ hoạt động chuyên trách không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Những đồng chí đủ điều kiện tái cử nhưng không trúng cử thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ có trách nhiệm phân công, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, tình hình cụ thể của đơn vị. Những đồng chí đã được đại hội giới thiệu vào danh sách bầu cử ban chấp hành nhưng kết quả đạt không quá 50% số phiếu bầu thì việc xem xét, bổ sung vào ban chấp hành cần đánh giá, cân nhắc kỹ về uy tín, năng lực, cơ cấu cụ thể và chỉ thực hiện sau đại hội ít nhất 12 tháng.
– Cấp triệu tập đại hội chỉ xem xét giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo (có danh) liên quan đến nhân sự, nếu đơn, thư đó gửi đến trước ngày khai mạc đại hội 25 ngày làm việc (đối với cấp cơ sở), 30 ngày làm việc (đổi với cấp Công đoàn TKV và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở); nếu đơn thư liên quan đến nhân sự gửi đến cấp triệu tập đại hội sau thời hạn nêu trên thì chuyển cho ban chấp hành khoá mới xem xét, giải quyết theo quy định.
Quá trình chuẩn bị nhân sự ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn khóa mới, công đoàn các cấp phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn TKV. Danh sách giới thiệu của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp trước khi trình công đoàn cấp trên phê duyệt. Những đơn vị có vướng mắc về công tác nhân sự hoặc có dự kiến thay đổi cán bộ chủ chốt trong ban chấp hành cần báo cáo kịp thời về Công đoàn TKV.
Tiêu chuẩn chung của uỷ viên ban chấp hành, ủy ban kiểm tra
– Có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhiệt tình và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn. Trưởng thành từ thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có uy tín và khả năng tập hợp đoàn kết được đông đảo NLĐ. Có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
– Có năng lực tham gia, xây dựng và tổ chức thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công đoàn; có kiến thức về quản lý kinh tế xã hội, pháp luật; có kỹ năng hoạt động và nghiệp vụ công tác công đoàn; có khả năng tham gia quyết định các chủ trương công tác của ban chấp hành.
– Có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể và tổ chức giao.
– Có sức khoẻ, đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị, không cục bộ, cơ hội, không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng và lãng phí.
Điều kiện nhân sự tham gia ban chấp hành, ủy ban kiểm tra
Người tham gia ban chấp hành, ủy ban kiểm tra ngoài đảm bảo theo tiêu chuẩn trên, còn phải đáp ứng các điều kiệu sau:
a) Độ tuổi tham gia ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Tổng Liên đoàn, trong đó:
+ Độ tuổi lần đầu tham gia ban chấp hành, ủy ban kiểm tra ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ (60 tháng);
+ Độ tuổi tái cử ít nhất phải từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên, tại thời điểm tổ chức đại hội công đoàn theo kế hoạch này.
b) Người tham gia ban chấp hành, ủy ban kiểm tra phải có lý lịch rõ ràng, tự nguyện và có điều kiện tham gia các hoạt động của ban chấp hành.
c) Đối với nhân sự ban chấp hành các công đoàn trực thuộc Công đoàn TKV, khi dự kiến chức danh chủ tịch, phó chủ tịch tham gia lần đầu cần phải xét đến tiêu chí đã hoàn thành khóa đào tạo cán bộ công đoàn chủ chốt năm 2021 (hoặc đã đăng ký đào tạo với Công đoàn TKV). Trường hợp chưa qua đào tạo hoặc chưa đăng ký đào tạo phải được xem xét báo cáo thống nhất với Công đoàn TKV. Cẩm Thúy