Ra mắt cách đây hơn 40 năm nhưng tác phẩm Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai vẫn khiến khán giả hiện đại say mê về những giá trị sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà quyển tiểu thuyết này sánh ngang với văn học kinh điển Cuốn Theo Chiều Gió ngay khi vừa xuất bản.
Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai (tựa gốc: The Thorn Birds) là quyển tiểu thuyết đầu tay của nữ y tá Colleen McCullough. Bắt đầu với truyền thuyết về một chú chim hót hay nhất thế gian và chỉ hót duy nhất một lần trong đời, Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai xoay quanh lịch sử của gia đình Cleary mà trung tâm của nó là câu chuyện tình yêu giữa Meggie Cleary và cha đạo Ralph de Bricassart – một mối tình vừa trong sáng vừa táo bạo mà chỉ có thể gói gọn trong bốn chữ “nỗi đau tuyệt vời”.
Song song đó là những diễn biến của gia đình Cleary với ba người phụ nữ đại diện cho ba thế hệ khác nhau và cách họ ứng xử trước những xung đột về tâm lý, đạo đức. Với diễn biến liền mạch, không dài dòng lê thê, tác giả Collen cuốn hút người đọc ngay từ những trang sách đầu tiên. Một khi đã đắm mình vào những tình tiết của câu chuyện, bạn sẽ không muốn nó kết thúc khi đọc đến trang cuối cùng.
Là quyển sách do phụ nữ sáng tác, đặc biệt hơn, tác giả vẫn chưa phải là nhà văn khi tác phẩm này được xuất bản. Có lẽ vì thế mà những tâm tư, suy nghĩ và cách ứng xử của những người phụ nữ trong tiểu thuyết này được khắc họa vô cùng chân thật.
Ba thế hệ phụ nữ đại diện cho ba cách ứng xử khác nhau trước cuộc đời, từ cam chịu đến đấu tranh và độc lập. Bà Fiona – mẹ của Meggie đích thực là biểu tượng cho những người phụ nữ gai góc, mạnh mẽ để chịu đựng những đắng cay của số phận. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả và là người phụ nữ thông minh, bà vẫn không thoát được sự sắp đặt của gia đình để rồi trở thành một người vợ chỉ quanh quẩn trong xó bếp và sinh con. Độc giả sẽ không đánh giá cao nhân vật này cho đến khi chuyển từ vùng quê hẻo lánh đến trang trại cừu ở Drogheda. Tại đây, gia đình bà gặp nhiều biến cố và chưa lần nào bà thật sự gục ngã trước số phận dù thiên nhiên khắc nghiệt đã cướp đi người chồng và người con trai bà yêu thương nhất. Tương phản với Fiona là Justine – con gái của Meggie với người chồng đầu tiên. Là một cô gái trẻ và hiện đại, cô sống theo những chuẩn mực đạo đức riêng và không chấp nhận an phận theo cái gọi là số phận sắp đặt.
Nhân vật trung tâm trong tác phẩm chính là Meggie – người phụ nữ cố gắng vượt lên số phận, vượt mặt Chúa trời để giành lấy tình yêu, giành lấy hạnh phúc. Chuyện tình của cô với cha Ralph được ví như bài ca của chú chim hót hay nhất thế gian, cả hai đều phải đánh đổi cả cuộc đời để có được điều mình muốn. “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”.
Trót yêu một người không cùng giai cấp, địa vị đã là đau khổ nhưng trót yêu một người với lời thề không bao giờ kết hôn lại càng đau khổ hơn. Nhưng Meggie nào có cam chịu. Nàng đã chống trả để quên đi mối tình này khi kết hôn với một công nhân trong trang trại, thậm chí sinh hạ một đứa con gái nhưng những gì nàng cảm nhận không phải là tình yêu. Dám gạt bỏ cuộc hôn nhân đầy chán chường này, Meggie trở về Drogheda và đấu tranh cho một tình yêu mà lẽ ra nàng đáng có. Dù không thắng được định mệnh nhưng những gì Meggie đã đấu tranh khiến độc giả phải khâm phục. Đâu đó trong thời hiện đại này vẫn còn nhiều người phụ nữ như Meggie và chính lẽ đó, nàng dễ dàng chiếm được tình cảm của phần lớn độc giả nữ.
Tác giả Colleen McCullough đã vô cùng xuất sắc trong việc khắc họa ba nhân vật đại diện cho ba thế hệ khác nhau. Phải chăng công việc y tá đã giúp bà có cái nhìn rõ nét nhất về con người khi tiếp xúc với các tầng lớp. Cách bà mô tả, xây dựng tâm lý nhân vật không hề khoa trương mà trái lại rất gần gũi với công chúng. Xuyên suốt tác phẩm, độc giả có thể tìm thấy bản thân trong nhân vật này hay nhân vật kia. Cách những nhân vật ứng xử với thiên nhiên, với hạnh phúc, với những biến cố trong cuộc đời với nghị lực phi thường làm cho ta có một sự đồng cảm sâu sắc.
Nhằm phục vụ cho mối tình trong sáng giữa Meggie và cha Ralph, những diễn biến xung quanh như cách con người ứng xử với thiên nhiên và xã hội được xây dựng rất phù hợp. Thông qua các tình huống sinh hoạt hằng ngày của gia đình Cleary, độc giả cảm nhận được sự khắc nghiệt của khí hậu của nước Úc với những năm hạn hán kéo dài và những cơn mưa không biết bao giờ mới dứt. Bên cạnh đó, tác giả cũng khai thác được một góc nhìn thực tế về chiến tranh. Ban đầu, những thanh niên trai tráng ai cũng háo hức được ra trận cho đến khi trở về, hậu quả mà chiến tranh để lại cho họ ám ảnh theo cả đời. “Khi chiến tranh mới bắt đầu, có người nào chiêm bao thấy được những mất mát sẽ lâu dài và nặng nề đến thế không?”.
Giản dị và gần gũi, Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai đưa người đọc đến từng cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy bối cảnh được diễn ra phần lớn tại vùng Drogheda khắc nghiệt nhưng câu chuyện không hề nhàm chán nhờ những xung đột nội tâm của nhân vật. Thấp thoáng trong tác phẩm là bóng dáng của những đóa hồng xinh đẹp và kiêu hãnh. Khép lại những trang sách, độc giả không thể nào quên được nàng Meggie trong bộ váy màu hồng tro cùng mối tình say đắm không dứt. Phải chăng những món ngon nhất lại là thứ độc hại nhất?
Bên cạnh việc được dịch ra nhiều thứ tiếng, tác phẩm Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai còn được chuyển thể thành thành series phim truyền hình gồm 6 tập và đoạt 3 giải Emmy trong những năm 1980.
Xem thêm:
[Review sách hay] Và rồi núi vọng – Khúc hát tình yêu
[Review sách hay] Thủy Tiên đã cưỡi chép vàng đi: Câu chuyện về sự cô đơn của con người