John Wick: Chapter 2 là bộ phim gợi khá nhiều hoài niệm về The Matrix. Đó là điều gần như tất nhiên. Đạo diễn Chad Stahelski vốn là người đóng thế cho Keanu Reeves trong Matrix. Phim có sự xuất hiện của “Morpheus” Laurence Fishburne, trong lần cộng tác đầu tiên với Reeves sau The Matrix Revolutions (2003). Và cả phần âm nhạc của bộ đôi Tyler Bates và Joel J. Richard mang âm hưởng rất rõ của Clubbed to Death (trong khi John Wick 2 ra rạp, bản nhạc này đang bị xóa hàng loạt trên Youtube). Và cũng như Matrix, John Wick 2 nhắc nhở ta về một khái niệm rất khó thực hiện trong điện ảnh hiện đại, mà trong tiếng Việt không có từ tương đương: Awesomeness.
Những gì phần 2 này mang lại rất khác phần 1, ra mắt năm 2014 và trở thành hiện tượng, đưa Keanu Reeves trở lại vị thế ngôi sao hành động, vốn bị đánh mất sau khi Matrix kết thúc. Một phim báo thù không mới mẻ nhưng thông minh, tận dụng được khí chất của Reeves, cũng như khai thác yếu tố hành động theo hướng bạo lực chân thực, và đầy kĩ thuật. Nhưng John Wick không phải là một phim tốt để làm thành loạt phim. Nó là một vòng tròn khép kín, với rất ít các mối quan hệ và nhân vật để mở rộng. Chỉ có một cách dễ dàng và duy nhất để đưa gã sát thủ biệt danh “ông kẹ” này trở lại, và đã được các biên kịch lựa chọn đúng: Quá khứ.
John Wick 2 lấy thời điểm chỉ vài ngày sau sự kiện ở phần 1. Wick kết thúc ân oán với gia đình mafia Viggo bằng một màn “đòi xe” hoành tráng. Nhưng mọi hành động đều dẫn đến hậu quả. Màn báo thù của Wick được xem là tín hiệu trở lại giang hồ, và quá khứ lập tức đến tìm anh dưới dạng D’Antonio (Riccardo Scamarcio), một trùm mafia Ý. Hắn ta yêu cầu Wick ám sát người chị gái, để trở thành “bố già” của băng. Khi Wick từ chối, D’Antonio đã làm điều mà người chủ khách sạn Winston (Ian McShane) miêu tả “phá hủy nhà của quỉ và đâm sau lưng nó.” Dù chú chó mới may mắn không bị sát hại, nhưng như thế đã đủ.
Phần kịch bản của John Wick 2, không rõ vô tình hay cố ý, là một phiên bản Matrix khác. Như chúng ta đều biết, Matrix kể về một người nhận ra thực tại của anh ta là giả, và bao quanh anh ta là những “con người” giả mạo trong các vai trò khác nhau. John Wick 2 tương tự thế, chỉ thay thế giới máy móc bằng thế giới sát thủ – với một hệ thống vận hành và các điều luật riêng, tồn tại song song với thế giới chúng ta. Trong phim, những sát thủ không khác gì các agent. Chúng có mặt ở khắp nơi, không có tính cách, và sẵn sàng xuất hiện từ bất kì ai trên phố. Trong khi lớp nền của giới sát thủ là từ Matrix, thì cách nó hoạt động là của 007 hay Kingsman: The Secret Service (2015). Chúng ta thích thú theo dõi Wick được cung cấp từ vũ khí đến trang phục khá ngầu để thực hiện nhiệm vụ, và cả “đồ chơi”. Trong phim, để khiến khả năng sống sót của Wick đáng tin hơn, các biên kịch thêm vào chiếc áo chống đạn có phần viễn tưởng. Nhưng sẽ ổn với khán giả, miễn John Wick là người mặc nó.
Nếu so sánh với một phim cùng chủ đề gần đây là Assasin’s Creed Movie (2016), thế giới sát thủ của John Wick thú vị hơn. Không chỉ có các cô gái xinh đẹp xăm mình làm việc bàn giấy, nó còn có các nhân vật sát thủ rất phong cách. Trừ kẻ phản diện D’Antonio, tất cả đều có danh dự, phẩm giá và rất đáng quan tâm. Từ bà trùm Gianna (Claudia Gerini), sát thủ Cassian (Common), đến ông chủ khách sạn Winston. Có một cảnh vừa mới tử chiến dữ dội, Wick và Cassian lại có thể ngồi uống rượu với nhau trong khách sạn Continental, trò chuyện như hai người bạn. Chỉ vì điều luật sát thủ yêu cầu không được “làm việc” ở đây. Và tất cả đều chào đón sự trở lại của Wick với một thái độ tôn trọng và lịch thiệp. Giới sát thủ trong John Wick gợi đến giới giang hồ mã thượng trong các phim Hồng Kông thời hoàng kim.
Các thủ thuật từng được sử dụng hiệu quả ở phần 1, tiếp tục được dùng rất hiệu quả ở phần 2 này. Keanu Reeves không phải là một diễn viên giỏi biểu cảm. Đạo diễn Chad Stahelski hiểu điều đó, và ngay từ đầu, ông đã xây dựng nhân vật sao cho phù hợp nhất với anh: Một sát thủ vô cảm vì cô độc. Và kèm theo là một chú chó. Nếu mèo là đại diện cho nỗi cô đơn của phụ nữ, thì chó có giá trị tương tự với đàn ông. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vẫn cần thêm một thủ pháp khác, là dùng lời kể về ngôi thứ ba. Thủ pháp này rất giá trị, vì không có cách nào khắc họa một huyền thoại tốt hơn là từ miệng người khác, kẻ thù hoặc bạn bè anh ta, với sự sợ hãi hoặc ngưỡng mộ. Hình tượng John Wick được xây dựng từ những người xung quanh anh, vừa hiệu quả, vừa tránh cho Reeves về mặt diễn xuất, là sự khéo léo của Stahelski.
Điều còn lại, đơn giản là thưởng thức các màn hành động bạo lực đúng chất John Wick – lí do mà chúng ta bỏ tiền ra rạp. Chất hành động của John Wick 2 không có nhiều nâng cấp hoặc khác biệt so với phần đầu. Tất nhiên, vẫn nằm ở nửa trên bảng xếp hạng các phim hành động hiện nay. Có thể xem phần 2 này là lời giải thích cho việc vì sao người ta gọi Wick là “quỉ dữ”: Chỉ cần đếm số xác nằm xuống sau những những pha “headshot” thương hiệu của anh. Điểm yếu ở phần này là việc Stahelski “làm quá” sự bá đạo của Wick, bằng cách biến các tay súng khác thành đám bot trí thông minh thấp trong các trò bắn súng. Trường đoạn cuối phim có lẽ sẽ bị cho là bắt chước cảnh trong phim Mãnh Long Quá Giang (1973) của Lý Tiểu Long. Có vài nhân vật không hiệu quả lắm, như nữ sát thủ Ares của phe D’Atonio (Ruby Rose), diễn rất kịch và chết quá nhanh. Và trong khi xem Laurence Fishburne ba hoa, tôi luôn tưởng tượng ra gương mặt của Samuel L. Jackson, sẽ là lựa chọn hiệu quả hơn.
John Wick 2 không phải là một điều gì quá sức kinh ngạc, như Matrix từng làm. Nhưng cả hai có những điểm tương đồng đáng giá. Như sự thỏa mãn về thị giác và cảm giác hài lòng khi chứng kiến Keanu Reeves, vẫn trong bộ vest hào hoa, tiêu diệt hết kẻ này đến kẻ khác. Những lời thoại khá “ngầu” được xử lí khéo là một điểm cộng khác. Chúng ta sẽ không quan tâm lắm đến sự thiếu hụt các mối quan hệ hay giao tiếp xã hội của nhân vật chính, vì không cần thiết. Wick là một kẻ cô độc, đến mức không đặt tên cho chú chó, để không quá gắn bó khi nó chết đi. Anh ta bị bủa vây bởi thần chết, rất nhiều thần chết, và tự bản thân là thần chết đáng sợ nhất. Thần chết sẽ không quan tâm đến việc phá luật, để bị săn đuổi bởi cả thế giới trong phần 3, mà tôi chắc chắn vẫn sẽ dành thời gian cho. John Wick chỉ biết một điều duy nhất: “Fortis fortuna adiuvio.” (Thần May Mắn chỉ cười với kẻ mạnh)