Lâu quá rồi không viết review phim~ Phim này cũng cũ rồi mà giờ mới xem. Viết để cho đỡ “lụt” tay. Mà chắc lụt rồi. 😦
Tên phim: Jyoou no kyoushitsu/ Lớp học của nữ hoàng/ 女王の教室
Thế loại: Học đường, tâm lí xã hội
Năm phát hành: 2005
Biên kịch: Yukawa Kazuhiko
Diển viên chính: Amami Yuki, Shida Mirai, Fukuda Mayuko
(Cảnh báo: có spoil, nghĩ kĩ trước khi đọc!)
Điểm: 8/10
Nội dung phim kể về một cô bé Kanda Kazumi, học sinh lớp 6-3 bậc tiểu học (ở Nhật bậc tiểu học là từ 1~6). Cô bé mong chờ háo hức năm học mới đến. Nhưng nhanh chóng, không chỉ riêng Kazumi nhận ra mà cả lớp 6-3 nhận ra rằng cô giáo mới Akutsu Maya là một cô giáo cực kì “hắc ám”, nghiêm nghị, không biết cười, không bao giờ nương tay với học sinh. Những luật lệ hà khắc trong lớp được ban bố. Sự ưu đãi trong lớp theo xếp hạng điểm từ cao đến thấp. Kẻ nào đứng cuối phải làm tất cả mọi việc cho cả lớp. Kẻ đứng đầu thì không cần phải làm gì cả. Và cứ thế những điều vô lí, bất công, phân biệt đối xử tăng lên. Kazumi nhanh chóng rơi vào tầm ngắm cô giáo mới bởi những lí lẽ bất đồng, đối kháng với cô. Một cuộc chiến nổ ra giữa Maya và lớp 6-3.
(Akutsu Maya do Amami Yuki thủ vai)
Đánh giá: Phim hay! Diễn viên chính đã là chị Amami Yuki thì đã rất tuyệt vời rồi. Shida đóng cũng gọi tạm là tròn vai. Mayuko thì khỏi nói, bạn này lúc nào đóng cũng vô cùng tốt. Kịch bản chặt chẽ. Một giáo viên lại mà lại đi phơi bày sự hiển nhiên bẽ bàng ngoài xã hội cho những đứa học sinh, những đứa trẻ vẫn còn vui đùa trong vòng tay, trong bức tường kín kẽ của bậc cha mẹ.
“Hãy mở to mắt ra mà nhìn đi!”
Đó là câu nói mà cô giáo “hắc ám” Maya nhắc đi nhắc lại với các học sinh của mình xuyên suốt cả bộ phim. Maya giảng dạy cho những cô cậu bé còn được ôm ấp trong vòng tay của cha mẹ rằng kẻ giỏi hơn thì luôn được đối xử tốt, còn những kẻ ngu ngốc và lười biếng sẽ luôn phải phục dịch cho những kẻ giỏi hơn. Như những kẻ giàu thì luôn luôn được hưởng những ưu đãi trong xã hội còn những kẻ nghèo hay bình dân thì cả đời làm lụng lao động một cách vất vả. Đó chính là sự phân hóa tầng lớp của xã hội. Biết cách đánh vào tâm lí của cả phụ huynh và học sinh. Cô giáo Maya luôn dùng kiểu nói những lời khó nghe, sặc mùi khinh miệt, khiêu khích học sinh lớp 6-3.
Mình từng xem phim “Great Teacher Onizuka” (có đọc cả phiên bản manga) hay “Gokusen – cô giáo gangster” và vài bộ học đường, giáo viên khác người kì quặc khác. Phải thừa nhận là chúng rất hay và mình cũng rất thích những giáo viên kì quặc. Có cả những học sinh bất trị vô đối trên trời dưới biển loại nào cũng có. Nhưng không phải là không có không tô hường tô phấn hay tăng thêm sức mạnh cho nhân vật như biết võ, khỏe mạnh, chịu đựng vô song. Dù có mất niềm tin cỡ nào, thầy cô rồi cũng có cơ hội thể hiện tính chất tốt đẹp của bản thân. Khi các em học sinh cần giúp đỡ, chúng sẽ thấu hiểu nỗi tâm tư khổ sở của họ để rồi cảm động. Maya thì có vẻ người hơn một chút khi cô cũng bắt đầu như bao người khác. Một giáo viên yêu nghề bình thường, sau đó cô vấp ngã trong quá trình giảng dạy cả học sinh và chính đứa con của mình. Cô trở lại sau hai năm, lần này phương pháp dạy vẫn chưa hoàn thiện, chưa đủ “chín”. Cô lại vấp, rồi sau hai năm nữa, phương pháp khắc nghiệt của cô gần như hình thành. Đó là một tiến trình dài để phát triển. Cô đã hoàn tòan bỏ thời gian ra chuẩn bị, không ngừng luyện tập. Hoàn toàn tập trung vào bọn trẻ để đến nỗi khi bước vào quản các em học sinh của mình sau bảy tháng. Maya kiệt sức đến nỗi phải nhập viện. À, tuy nhiên “Jyoou no kyoushitsu” vẫn chỉ ở mức độ tiểu học nên trò chống đối của chúng vẫn còn khá nhẹ nhàng ngây thơ chán so với lũ học sinh cấp ba ở phía trên kia rồi. Cách của Maya cũng có thể nói là lấy độc trị độc. Đẩy học sinh vào con đường bị bức bách, gắt gao, đè ép. Để rồi những tính chất như dối trá, phản bội, ỷ lại, vô trách nhiệm ….hiện dần lên trong chúng. Nhưng ai có thể trách cứ gì, chúng là chỉ là những đứa trẻ. Chúng quá nhỏ bé, quá yếu đuối để chống lại Maya. Thế nên, chính cô giáo mới là người đã khơi mào nên tất cả để tình bạn giữa chúng nhanh chóng đi đến sự tan vỡ. Là tại Maya.
“Tất cả là lỗi của cô!” “Em chỉ mới mười hai tuổi mà thôi!” Erika hét lên.
“Thế tại sao lúc tôi đề nghị em không từ chối!” Maya đáp lại.
Phải, Erika hoàn toàn có thể từ chối Maya việc làm gián điệp cho lớp. Nhưng vì quá sợ “Maya”, sợ “bí mật” bị lộ mà em chấp nhận. Đầu tiên, ăn cắp ví tiền bạn cùng lớp là hành động tự phát ghen ghét của Erika. Không có cam đảm nhận tội trước lớp để rồi để chính bạn thân của em là Kazumi hứng mũi chịu sào oan. Erika quá sợ, để rồi bản thân mình trượt dài vào cái hố nơm nớp thấp thỏm. Nỗi “lo sợ” ám ảnh ấy điều khiển chính bản thân em. Nếu ngay từ đầu Erika thừa nhận, ngay từ đầu chấp nhận hình phạt và chịu trách nhiệm thì sao? Dù cả lớp ghét bỏ nhưng chả phải bên cạnh Kazumi vẫn luôn tha thứ và thấu hiểu cho Erika? Con người khi tiến đến trưởng thành, lại càng dễ dàng phạm sai lầm. Thậm chí có khi chúng ta biết nó là sai nhưng chúng ta vẫn làm. Nhưng đến khi làm rồi, chúng ta lại không có gan chịu “phạt”, không có gan chịu thừa nhận là mình “sai”. Vẫn lôi lí do lí trấu cho rằng mình còn nhỏ, lạm dụng quyền trẻ em, lạm dụng cái bóng của bố mẹ che chở cho chính bản thân. Rồi khi lớn lên, có rất nhiều thứ chúng ta làm hoàn toàn là “vô trách nhiệm”. Vô trách nhiệm với những thứ sai trái của bản thân, rồi vô trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Một cuộc sống chỉ biết đổ lỗi cho người khác.
“Các em chỉ muốn mãi mãi làm một đứa trẻ sống như vậy đến hết cuộc đời à?”
Maya lôi tất cả thói xấu của chúng ra. Bắt chúng phải thừa nhận, cũng bắt chúng tự tìm ra câu trả lời cho chính bản thân. Có những câu hỏi, Maya bỏ lửng không đáp hoặc là khiêu khích không phải vì cô khinh thường bọn chúng mà cô muốn bọn trẻ phải tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Con người và con người, chạm vào nhau, vô tình làm đau nhau. Sự “ác” của Maya, nếu cô không dạy cho học sinh mình những bài học ấy thì sau này chính xã hội cũng sẽ dạy cho chúng một sự thật hiển nhiên như vậy. Và bao nhiêu đứa trong đó sẽ thôi đổ lỗi cho người khác, thôi than vãn thay vào đó là tự biết cố gắng, tự đứng lên. Không, chúng ta quá dễ dàng tự trượt dài trong vòng xoáy của cuộc đời.
Trẻ con luôn thích sự “mơ mộng”cao xa. Đương nhiên rồi. Nhưng nếu quá đắm chìm vào chúng mà thiếu thực tế thì sẽ có ngày bị chính giấc mơ của mình đá một cái đau điếng. Thậm chí chúng vẫn còn quá nhỏ để quyết định một giấc mơ thực sự kiên định cho riêng mình. Bạn có dám chắc giấc mơ lúc 12 tuổi và giấc mơ lúc 18, 19 tuổi không khác nhau. 10 đứa thì bao nhiêu đứa sẽ kiên định đến cùng. Mơ mộng thì tốt đẹp nhưng hiện thực thì tàn khốc. Nhiều em vẫn còn tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi, lo nghĩ gì cho xa những chuyện đó cơ chứ. Nhưng mà những đứa trẻ ấy vẫn có sự cố chấp và lòng tự cao của con người: “ Em sẽ không làm một con rối của mẹ hay là cô đâu! Em sẽ tự quyết định tương lai của mình!”
Nhưng Maya đánh trả chúng lại một thực tiễn hiển nhiên.
“Tất cả mọi thứ của em đều vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ. Điện, nước, thức ăn…Chúng đều không miễn phí đâu…Một là em thuyết phục được bố mẹ, hai là rời khỏi nhà và tự sống …độc lập.”
“Không có một ông bố mẹ nào có thể hiểu được mục tiêu mà con mình muốn theo đuổi đâu…Họ muốn giữ các em trong vòng tay mình lâu nhất có thể, chiều chuồng các em hết mức có thể…Thế nên các em vẫn cứ tiếp tục dựa dẫm vào họ cho dù 20 hay 30 tuổi…”
Nghe mấy lời này đứa nào chẳng xộc máu lên. Nghe ra là chửi mình là đồ vô dụng đây mà. Đương nhiên là bọn trẻ tìm mọi cách để chống lại (tuổi thích chống đối mà), tìm mọi cách để thoát khỏi cái vỏ “vô dụng” ấy. Qua quá trình ấy, chúng hiểu rằng cha mẹ không hiểu con cái cũng chỉ vì cả hai bên đều dựng lên một bức tường ngăn cách nhau. Cũng vì chúng không bao giờ dám đối diện thẳng thắn trước mặt bố mẹ, đối diện như một con người biết nghĩ, biết thế nào là đúng và thế nào là sai.
Trong giờ dự giảng kiểm tra của bộ trưởng giáo dục. Dù biết có thể là buổi dạy học cuối cùng, Maya vẫn không sợ hãi. Cô vẫn trả lời câu hỏi một cách nghiêm túc với học sinh của mình. Trực diện và không trốn tránh. Mình sẽ chỉ trích dẫn một câu trả lời của Maya:
“Học không phải điều các em “phải” làm mà nó nên là điều các em “muốn” làm… Nếu không cố gắng tìm hiểu cái thế giới mình đang sống thì liệu các em có thể làm được cái gì… Sống mà không có lòng hiếu kì thì chả khác nào chết…” Maya muốn nói rằng không phải vì thi cử, không phải vào một công ty tốt hay việc làm tốt. Học vì chính bản thân mình muốn. Học để hiểu thế giới này và biết cách để tồn tại. Dù cho bạn trở thành một cầu thủ bóng đá, họa sĩ truyện tranh, ca sĩ, nhân viên …thậm chí là một người bán hàng thì cũng phải có một kiến thức riêng cho bản thân. Nếu không hiểu về thế giới này, không tìm tòi. Thì đôi mắt của bạn sẽ bị đóng chặt, bị che phủ bởi chính sự tối tăm trong bạn. Để rồi có rất nhiều chuyện trong cuộc đời bạn sẽ không thể nhìn thấu tỏ hay giải quyết sáng suốt.
Mình cảm thấy triết lí này rất đúng. Thậm chí đến cả nông dân, nếu bảo những người không đọc sách so với những người có đọc sách thì những những người nông dân biết đọc sách mà mình biết ngoài đời cũng có tầm nhìn rộng hơn rất là nhiều. Họ có thể vạch ra đường đi nước bước, làm việc có kế hoạch và hiệu quả và tốt hơn so với những người chìm đắm và làm việc quần quật. Những người nông dân ấy biết mình ít học nhưng chưa bao giờ tự ti, vẫn mua sách về nghiền ngẫm tự tìm hiểu. Họ không muốn chứng minh gì với xã hội, chỉ đơn giản là họ muốn biết. Bạn học không phải vì bạn là học sinh, thi cử, kiểm tra hay vì cha mẹ. Nếu học chỉ vì những thứ đó, bạn sẽ chỉ thấy cuộc đời tệ hại thêm, cũng chỉ mãi là một đứa cù lần ngây ngô mà thôi. Nên Maya mới nói rằng : ” Thi vào trường đại học hàng đầu hay vào một công ty tốt chưa chắc đã hạnh phúc.”
Maya đã hoàn thành tốt vai trò hướng dẫn, chỉ ra những trở ngại tương lai phía trước cho học sinh của cô. Dù cách làm của cô thực sự rất xấu xa. Còn quan điểm, hạnh phúc hay lí tưởng, cô vẫn không hề có ý bắt buộc áp đặt lên chúng. Suy cho cùng, cuộc sống của chúng thì chúng vẫn phải biết tự mình chịu trách nhiệm. Trong lớp học của Maya, mọi thứ rất là áp lực và căng thẳng. Giả như có đứa nào vì thế mà bỏ học hay tự tử thì thôi xong. Mà mình nghĩ sẽ chẳng có chuyện đó. Maya luôn xuất hiện những lúc học sinh mình gặp nguy nan hay định làm điều gì đó dại dột. Kèm theo một lời khuyên bảo hờ hững hoặc là chọc tức các em ấy, một vai phản diện chính hiệu.
Phim gây ra mâu thuẫn cho những người xem nó. Nhưng thì sao nào, cuộc đời con người và lí lẽ sống của con người vẫn thường mâu thuẫn với nhau như vậy. Cả Maya, có lẽ cô cũng tự mâu thuẫn với chính điều cô kiên quyết theo đuổi. Trong tận thâm tâm, cô cũng chưa bao giờ nghĩ việc mình làm là “đúng” mà chỉ là việc một giáo viên nên làm.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một giáo viên tốt… tôi không biết phải định nghĩa một giáo viên tốt thì nó là như thế nào cả.”
Nhưng Maya không hề hối hận, cô vẫn không hề thay đổi phương pháp dạy học cho dù có bị đuổi khỏi trường hay phải vào trung tâm cải tạo giáo viên. Thứ cô cần ở học sinh của mình, đó không phải là sự biết ơn hay yêu quý. Maya đã được hỏi nếu cô trở lại vào trường học lần tới thì sẽ làm gì. Cô nói:
“Tôi sẽ là một ác quỷ!”
…
P/s: Mình khá thích những bộ phim mâu thuẫn. Những bộ phim vậy nó đáng để người khác nghiền ngẫm hơn là những kiểu kết thúc quá trọn vẹn hay tuân theo đúng-sai. Đến cuối cùng cả toàn thể học sinh lớp 6-3 của Maya cũng không thể nào nhận định nổi cô giáo “hắc ám” của mình là một giáo viên tốt hay xấu. Chỉ biết rằng cô Maya đã dạy chúng rất nhiều thứ mà phải trải qua cuộc sống dài như thế nào mới cảm nhận được. Và mình cũng không thể nói rằng việc của cô đang làm là hoàn toàn đúng.