Đây là anime thứ hai mình đi coi rạp cùng crush. Kể ra cũng buồn cười, crush đầu tiên thời cấp 2 thì mình rủ đi coi cùng Your Name, crush thời đại học thì đi coi chung bộ này. Hai anime kinh điển, bộ nào cũng khiến mình cảm động muốn chết nhưng lúc nào cũng phải cố kìm nước mắt lại để đối phương không nhìn thấy. Có lẽ bạn cũng đoán được, cả hai mối tình đều chẳng đi đâu về đâu. Ngày ấy mình còn tự nhủ rằng, sau này hễ thích ai thì nhất định sẽ không rủ đi coi chung anime nữa.
Cũng khá lâu rồi nên mình chẳng còn rõ nội dung, chỉ mang máng nhớ, lúc coi xong, mình im lặng hồi lâu, cố lắm để không khóc. Còn cậu thì chỉ tấm tắc khen hay, có lẽ cũng chẳng để ý thấy mình đang rưng rưng. Hôm vừa rồi đọc tin xưởng sản xuất phim Kyoto Animation bị cháy, hơn 40 người bị thiệt mạng, tự dưng thấy đau lòng cho những con người tài năng đã làm ra những thước phim đẹp. Thế nên mình quyết định coi lại. Một lần nữa, “Dáng hình thanh âm” lại khiến mình cảm động bởi tình bạn, tình thân, và cả tiếng lòng của những tâm hồn bị tổn thương.
Cậu chuyện xoay quanh Nishimiya Shoko, một cô bé khiếm thính bẩm sinh. “Quyển sổ giao tiếp” là thứ duy nhất giúp cô có thể làm quen và giao tiếp với các bạn trong lớp. Ngày đầu tiên chuyển trường, cô bé đã thẳng thắn thừa nhận khiếm khuyết của mình và hy vọng có thể làm bạn cùng tất cả mọi người qua quyển sổ. Phần vì hiếu kỳ, phần vì thương hại nên thoạt đầu, các cô cậu học trò chủ động đến bắt chuyện và chơi cùng Nishimiya. Nhưng cái mới qua đi, những đứa trẻ dần cảm thấy chán nản và phiền phức về khiếm khuyết của cô bé, việc giao tiếp và thấu hiểu thật khó khăn, dần dà cô lập và nói xấu sau lưng Nishimiya.
Mọi người chỉ biết Nishimiya lúc nào cũng xin lỗi và nở nụ cười giả tạo, nhưng không nghĩ tới, thực ra cô cô đơn biết bao. Một đứa trẻ 10 tuổi lẽ ra nên cười nói vô tư, khoác vai bạn bè, túm tụm chơi đùa và tám chuyện, chứ không nên dè dặt và cẩn trọng như vậy. Trong tâm thức cô, một người khiếm thính không có đặc quyền đó. Nếu không muốn bị đào thải, cô buộc phải chủ động kết thân và hoà động với bạn bè.
Có lẽ ban đầu Ishida chỉ đùa cho vui, nhưng cuối cùng lại trở thành bắt nạt cô bé. Mọi người cứ hùa theo, chỉ lên tiếng cho có lệ như Shimida hay Kawai. Một thực tế đáng buồn là trường học vốn dĩ tồn tại tựa như một quần thể thu nhỏ, muốn sinh tồn thì phải nghe theo số đông. Thế nên, khi Nishimiya bị bắt nạt, chẳng ai dám lên tiếng can ngăn, cũng chẳng ai có đủ dũng khí để làm điều đó. Điển hình như Sahara, vì không chịu nổi những lời dè bỉu và cô lập của nhóm Ueno mà phải chuyển đi. Để rồi đỉnh điểm là Nishimiya bị mất những 8 cái máy trợ thính, tai bị thương, phải nghỉ học và chuyển trường.
Bộ phim như một lời kêu cứu yếu ớt từ những cô cậu học trò từng bị bắt nạt, đồng thời thức tỉnh những ai đã vô tình gây tổn thương cho bạn học. Đây không phải trò đùa, mà là bạo hành bằng lời nói. Có lẽ, chỉ có nạn nhân mới hiểu bị cô lập đáng sợ như thế nào, cuối cùng phải tìm đến cái chết để giải thoát. Nó khiến mình nhớ đến Hannah trong bộ phim học đường 13 Reasons Why. Chỉ cần một cánh tay dang ra, một hy vọng đi tới, một người có thể cùng sẻ chia những nỗi đau đã trải qua, thì Hannah đã không chọn phương thức cực đoan đến như vậy. Sự im lặng và bàng quang của tất cả mọi người mới chính là con dao giết chết cô bé.
Quay lại bộ phim. Như các bạn biết đấy, một vòng luẩn quẩn, Ishida từ kẻ bắt nạt trở thành kẻ bị bắt nạt. Lúc này, cậu mới hiểu cảm giác cô đơn, bị tổn thương của Nishimiya năm xưa và hối hận vì những chuyện đã làm trong quá khứ. Một cậu học trò tuổi mới lớn, không bá vai khoác cổ bạn bè đi chơi bóng hay vui vẻ nói cười, mà khép mình lại, sống trong nỗi dằn vặt và hối hận về những lỗi lầm trong quá khứ. Cậu thậm chí không dám nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện và từng có ý định tự tử. Dù vậy, mình thấy điều đáng quý ở Ishida là việc cậu nhận ra được lỗi lầm của mình và cố gắng để sửa chữa nó. Có rất nhiều người đã làm sai nhưng cố chấp không chịu nhận lỗi và sửa chữa. Nhưng cậu thì khác. Cậu học ngôn ngữ bằng tay và sử dụng nó để nói chuyện với Nishimiya. Cậu dùng lòng chân thành để đối đãi với bạn bè và dũng cảm nói xin lỗi, thậm chí mạo hiểm cả tính mạng để cứu lấy Nishimiya.
Tình bạn là một thứ không thể diễn tả được bằng lời nói hay sự logic. Một loại giấy phép? Không cần thiết phải như vậy đâu!
-Nagatsuka
Phim cũng có một chi tiết đáng chú ý là những bông pháo. Đầu phim, chính âm thanh của tiếng pháo mà lũ trẻ đốt bên cầu đã thức tỉnh Ishida, khiến cậu từ bỏ ý định tự tử. Còn đêm lễ hội, tuy pháo bông sáng lấp lánh trên bầu trời nhưng Nishimiya lại không thể nghe được bất kỳ âm thanh nào của sự sống, chỉ muốn mọi người không phải vì cô mà vướng bận và đau khổ. Chính Ishida đã cứu sống Nishimiya, khiến cô bé tin rằng ngoài kia vẫn còn có người quan tâm tới cô. Cậu thoại của Ishida tự nói với chính mình trước khi rơi xuống khiến mình vô cùng xúc động:
Cầu trời, xin hãy cho con thêm sức mạnh. Con sẽ không trốn tránh những thử thách nữa. Từ ngày mai trở đi, con sẽ nhìn vào khuôn mặt của mọi người. Con sẽ lắng nghe mọi người nói. Con sẽ làm mọi thứ có thể…từ ngày mai.
Không chỉ Ishida, phải chăng mỗi chúng ta cũng vô hình chung dán những tấm giấy chữ X lên những người xung quanh, phủ định sự tồn tại của họ chỉ bởi những thương tổn trong quá khứ? Thật ra mỗi chúng ta đều như nhau, đều là những con người nhỏ bé không thể sống thiếu tình thương yêu và sự thấu cảm. Với mình, cảm động nhất là phân cảnh Ishida bật khóc ở cuối phim. Lúc bấy giờ, cậu mới nhận ra bản thân mình thật may mắn vì có những người bạn ở bên, có những người thân luôn thương yêu cậu. Hoá ra trước nay cậu chưa từng mở lòng để đón nhận và lắng nghe. Nếu như đầu phim, thế giới của Ishida chỉ là một điểm sáng lập loè, thì nụ cười của những người bạn ở cuối phim đã trở thành một bầu trời quang đãng sáng chói. Tất cả những mảnh giấy X đã được tháo xuống. Cậu không còn cảm thấy cô độc nữa, cậu chấp nhận bản thân mình không hoàn hảo, cảm nhận được sự ấm áp và lòng thiện chí của mọi người và để cho những vết thương trong quá khứ được lành lại.
Ngoài ra, sẽ là một thiếu sót lớn nếu bỏ qua yếu tố gia đình. Bà của Nishimiya không đi sinh hoạt ở câu lạc bộ người cao tuổi mà đi học ngôn ngữ cử chỉ. Cô em gái bỏ học đi chụp ảnh chỉ để khiến Nishimiya tin rằng thế giới tươi đẹp thật đáng sống. Hay khi nghe tin Ishida bắt nạt bạn học, mẹ của cậu chỉ lặng lẽ nói: “Hãy đối xử với bạn học tốt hơn nhé”. Sự ấm áp và nguồn động viên của người nhà giúp Ishida và Nishimiya dũng cảm tiếp tục sống, bởi dẫu bản thân có khiếm khuyết đầy mình thì gia đình vẫn luôn bao dung và che chở cho mỗi chúng ta.
Có thể nói, “Dáng hình thanh âm” ăn điểm với người xem không chỉ bởi cốt truyện cảm động mà còn bởi hình ảnh hay âm thanh đều duy mỹ. Nét vẽ trong sáng, dễ thương, những chuyển động giản đơn nhưng rất chân thực. Và đặc biệt, mỗi khi giai điệu của bài Lit cất lên, mình lại bất giác rùng mình, nước mắt cứ chực trào ra. Phim khép lại khiến mình nhận ra:
Thanh âm đẹp nhất trên thế gian không phải dùng tai để nghe, mà phải dùng trái tim để cảm nhận.
Đây không còn là một anime thông thường, mà là một câu chuyện đầy nhân văn, một tác phẩm chạm sâu vào những khía cạnh trong bản chất con người.
Đánh giá: 9/10.
Góc nhỏ của Annie là blog phi lợi nhuận, miễn phí cho tất cả bạn đọc và không chạy quảng cáo. Sự ủng hộ của bạn là điều không thể thiếu giúp blog tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bạn có thể ủng hộ cho blog tại ĐÂY nhé! ^^