Gần đây, xã hội dành nhiều sự quan tâm hơn cho những người bị trầm cảm, nhưng không phải ai cũng có đủ nhận thức về căn bệnh này và dành đủ sự quan tâm cho những người ngày ngày phải chống trọi với căn bệnh tinh thần nguy hiểm.
Viết về trầm cảm, Đặng Hoàng Giang cho ra đời cuốn sách Đại Dương Đen, để chúng ta có thêm một nguồn tiếp cận mới về căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại.
Tác giả sách Đại Dương Đen
Đại Dương Đen được viết bởi tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Ông tốt nghiệp kỹ sư tin học tại đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của đại học Công nghệ Vienna, Áo. Ông cũng là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận với nhiều cuốn sách thành công như Bức xúc không làm ta vô can, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ hay Điểm đến cuộc đời.
Đặng Hoàng Giang tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, vận động chính sách nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói người dân. Tác giả đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội nhằm truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến, góp phần xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.
Sách hay nên đọc: Review Sách Ngài Cóc Đi Gặp Bác Sĩ Tâm Lý – tự yêu thương trước khi tự phán xét
Nội dung sách Đại Dương Đen
Cuốn Đại Dương Đen được chia làm 2 phần. Phần đầu cuốn sách là câu chuyện của 12 nhân vật có bệnh tâm lý (trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu,..). Phần sau của cuốn sách Đại Dương Đen là những kiến thức và phương pháp trị liệu dành cho người trầm cảm mà bản thân người bệnh và những người xung quanh cần nắm được để giúp họ vượt qua căn bệnh nguy hiểm này.
Nhân vật trong sách Đại Dương Đen là những người đến từ mọi độ tuổi, mọi công việc khác nhau. Cũng như rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác, trầm cảm không hề phân biệt tuổi tác, giai tầng xã hội mà có thể gặm nhấm sức khỏe tinh thần của bất kỳ ai.
Đáng buồn là, xã hội đang nhận thức sai về bệnh trầm cảm. Thậm chí, nhiều người bệnh còn phủ nhận nó, không dám đối mặt với nó vì nghĩ trầm cảm chỉ xuất hiện ở những người kém cỏi.
“Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được”.
Từ học sinh, người đi làm, cho đến một cựu chiến binh đã ngoài 80 tuổi. Câu chuyện của ông Thạch có lẽ không đen tối và gây shock như những nhân vật còn lại nhưng nỗi buồn cứ dai dẳng, đeo bám khi ông phải chăm sóc người con trai bị tâm thần phân liệt.
Trầm cảm không đơn thuần là một trạng thái cảm xúc đến rồi đi, nó là một căn bệnh dai dẳng, tuy không đau đớn thể xác như những căn bệnh chúng ta thường nghe nhưng tác động tiêu cực của nó tới tinh thần là vô cùng kinh khủng.
Sách hay nên đọc: Review Sách Những Đêm Không Ngủ, Những Ngày Chậm Trôi – Đi Vào Thế Giới Của Những Nỗi Đau Tinh Thần
“Không hẳn tôi muốn chết, nhưng chắc chắn là tôi không muốn sống. Tôi muốn dừng lại sự giận dữ và đau đớn bên trong mình. Tôi không còn có hy vọng là một lúc nào đó tôi sẽ cảm thấy niềm vui trọn vẹn quay lại. Sẽ không bao giờ có gì tốt đẹp xảy ra với tôi nữa.
Chết khó quá, nên tôi ước mình không được sinh ra.”
“Mình ứa nước mắt, thương bản thân, thương vợ con, thương cho một cuộc đời loay hoay đi tìm chỗ đứng mà mãi không thấy.”
“Thằng nào mạnh dạn thì đã chết được rồi. Dứt điểm rồi. Chết luôn là xong. Nhưng mình không dám chết, mà cuộc đời thì cứ trôi, thời gian vẫn cứ trôi.”
Những người trầm cảm là những người mang bệnh. Là một bệnh nhân, họ cần được hỗ trợ và điều trị để vượt quá được nó. Những vết thương tâm lý tuy không dễ nhận diện như vết thương thể xác, nhưng nếu không được chữa trị đúng cách, hậu quả sẽ là những đau đớn vật lý không thể lường trước được.
Nhận xét về cuốn sách Đại Dương Đen
Làm đúng sứ mệnh của sách viết về trầm cảm
Đã có một vài cuốn sách viết về trầm cảm, tuy khá hiếm. Không những thế, số sách ít ỏi thường được viết theo lối hàn lâm, học thuật và rất khó tiếp cận tới số đông.
Được viết dưới dạng những câu chuyện hoàn toàn có thật, cuốn Đại Dương Đen đã cho chúng ta thấy những bức tranh u tối nhưng vô cùng thực tế từ cuộc sống của người trầm cảm. Đọc sách, ta giật mình nhìn ra xung quanh, liệu những người thân của ta có đang phải âm thầm chiến đấu với căn bệnh ấy?
Trước khi viết cuốn sách Đại Dương Đen, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã đặt ra cho cuốn sách một mục tiêu, một sứ mệnh: Hiểu đúng về trầm cảm để từ đó có cái nhìn đúng về những con người bị trầm cảm. Đọc sách Đại Dương Đen, bạn sẽ hiểu được rằng trầm cảm là một căn bệnh, cần được chữa trị, người bị trầm cảm cần được cảm thông, tạo điều kiện từ gia đình và xã hội để có thể đối mặt và vượt qua nó.
Tinh thần nhân đạo toát lên từ câu chuyện
Viết về trầm cảm, Đại Dương Đen để nhân vật tự kể lại câu chuyện của họ. Đó là nỗi đau đằng sau những khuôn mặt bình thản. Thực sự thì, nếu bạn đang cảm thấy tâm trạng bất ổn, hoặc vốn là người quá nhạy cảm thì nên cân nhắc trước khi đọc cuốn sách này. Những nỗi đau trong sách là vô cùng dữ dội, lúc thì âm ỉ nhưng lúc lại cắn xé và đôi khi như không còn lối thoát.
Cảm ơn tác giả đã dành thời gian để nghiên cứu đủ sâu về trầm cảm, đồng hành cùng bệnh nhân trầm cảm để họ chia sẻ về câu chuyện thầm kín của mình. Những câu chuyện này diễn ra quanh ta, mỗi ngày, nhưng không phải ai cũng cảm thấy an toàn để chia sẻ nỗi lòng của họ với những người xung quanh.
Trích đoạn từ cuốn sách Đại Dương Đen
“Nó không chỉ có ở trong giới trẻ, “vì chúng vốn thất thường trong cảm xúc.” Không chỉ ở trong giới văn nghệ sĩ, “vì họ quá nhạy cảm”. Không chỉ ở người có kinh tế đầy đủ, “bởi người nghèo lo kiếm sống thì lấy đâu ra thời gian mà trầm cảm”. Trầm cảm phổ biến như thế nào? Nếu bạn có 1000 người bạn Facebook, thì trong năm qua, bảy mươi người trong số đó mắc trầm cảm.”
“Chỉ cần một hôm trời ảm đạm, một chuyện buồn nghe từ người quen, thì dù trước mặt chị là chồng hay là con, tay trong tay, mắt nhìn mắt, nhìn mãi nhìn mãi, chị sẽ chỉ thấy một khoảng trống dẫn tới một không gian xanh tím, đặc quánh.
Trong không gian đó, chị từ từ rơi qua nhiều tầng mà không thể bấu víu vào đâu. Bên trên, vầng sáng của mặt trời nhỏ dần và mời dần. Không có gì níu kéo sự tồn tại vật lý của Hoa nữa, xung quanh chị là lạnh lẽo, ẩm ướt và sợ hãi.”
“Mình không muốn người ta nhìn mình và nói: “Nó đã tự tử”. Mình muốn người ta hiểu rằng, cuối cùng thì trầm cảm đã lấy đi mạng sống của mình, giống như ung thư hay các bệnh khác vậy”
Lời kết
Dữ dội, đen tối và đau đớn đến tột cùng nhưng Đại Dương Đen vẫn là cuốn sách mà chúng ta nên đọc. Phải hiểu về bệnh trầm cảm thì ta mới biết ai đang cần giúp đỡ, những người xung quanh ta biết đâu đang cần lắm một bàn tay.
Sách hay nên đọc: Review sách Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ – dũng cảm đối mặt với những sang chấn từ gia đình