Độ dài 70 tập, chia thành hẳn 2 phần, chiếu đâu chừng gần nửa năm, rating có lẽ là cao ngất ngưởng (nhà đài không công bố nên chẳng biết) nên chèn nhiều quảng cáo vô số kể lại quy tụ dàn diễn viên khủng ngã ngửa của VFC, Hướng Dương Ngược Nắng thành công không? Dại gì mà không trả lời là có. Nhưng sau gần nửa năm “mất ăn mất ngủ” với phim, trằn trọc hoang mang sau tập cuối, hẳn là nhiều khán giả chỉ muốn nói 3 từ thôi: Mệt cả người!
Biên kịch rất là nỗ lực luôn nhưng là sự nỗ lực cố chấp!
Khẳng định luôn, Hướng Dương Ngược Nắng cực kỳ đáng tuyên dương khi đây là một kịch bản thuần Việt 100% do tổ biên kịch của VFC tự sáng tạo, chẳng cần lấy cảm hứng hay làm lại từ kịch bản có sẵn nào cả. Lục lại ký ức cách đây gần nửa năm, phim cũng có phần mở màn rất ra gì, xứng đáng là một bộ phim văn minh, tử tế chứ chưa dám nói là có hấp dẫn, thú vị hay không.
Hướng Dương Ngược Nắng hot chứ, phải nói là cũng khá lâu rồi, trước thời điểm bộ phim này ra mắt, VFC không có một tác phẩm nào khiến truyền thông, mạng xã hội phải bùng nổ như vậy. Hiệu ứng cặp đôi mạnh mẽ không tưởng, từ đôi Kiên – Châu hot miễn bàn nhờ sức hút chục năm của “tường thành” Hồng Đăng – Hồng Diễm, đến những con người lần đầu hợp tác như Thu Trang – Việt Anh hay Thu Trang – Doãn Quốc Đam, ngay cả cặp tình già trong phim cũng khiến dân tình chao đảo. Thế là chẳng biết có sự thay đổi nào trong kịch bản không nhưng càng về sau, Hướng Dương Ngược Nắng càng thể hiện rõ nỗ lực để đổi tên phim thành Hướng Dương Ghép Đôi. Biên kịch bộ phim này dường như có thù với sự đơn độc, từ hội người già neo đơn, chị đại tình duyên lỡ dở đến cô em mới trưởng thành, tất cả đều phải có đôi, không có đôi thì phim không được phép hết! Thế là sự nỗ lực trở thành cố chấp…
Châu quay lại với người từ lâu vốn đã chẳng còn xứng đáng với mình khi ban đầu chỉ coi mình như công cụ trả thù, Phúc tưởng đâu sẽ thành đôi với Châu lại trở thành gã đàn ông thiếu chính kiến, phận nam phụ thì đành chịu thôi. Minh về với Hoàng sau cả tá những hiểu lầm oan trái mà lẽ ra chỉ cần giải quyết trong một câu thoại nhưng biên kịch lại thích câu giờ, dễ gì mà phim lên tới được số tập là 70. Rồi tự hỏi không biết Hoàng có xấu hổ với nhà vợ không khi hại ông nội vợ mất cả một căn biệt thự ở trung tâm thành phố rồi bao vốn liếng, của cải không lời thoại nào miêu tả chi tiết? Dĩ nhiên đó chưa phải tất cả, khủng hoảng nhất phải là khi cặp đôi khiên cưỡng nhất phim, Ngọc – Trí, cũng có một cái kết viên mãn. Ngọc là em ruột cùng cha với Minh, Trí là em ruột cùng mẹ với Minh, mẹ Trí lại là tiểu tam khiến mẹ Ngọc một đời đau khổ, ấy vậy mà họ vẫn về với nhau. Đúng là lọt sàng xuống nia, ai cũng vui vẻ, hạnh phúc, huề cả làng có điều gia phả hơi đau đầu.
Khán giả là những người đòi hỏi nhiều nhất trên đời, họ luôn muốn anh A phải về với chị B, anh C hạnh phúc bên chị D và có lẽ là kiểu phim cuốn chiếu (vừa quay vừa chiếu) nên biên kịch Hướng Dương Ngược Nắng cứ thỏa sức mà chọn lọc ý kiến khán giả, hoàn thiện kịch bản. Nghe thì cầu tiến và đầy nhiệt huyết với người xem nhưng cố quá thành cố chấp, Hướng Dương Ngược Nắng ôm đồm đủ thứ trên đời, trở thành một bản tổng hợp của tất cả các thể loại drama mà bộ óc con người có thể nghĩ ra trong gần sáu tháng. Chị đại bị cưỡng hiếp, chị đại đi tự tử; gia tộc họ Cao hoặc không phải họ Cao lũ lượt dắt nhau đi xét nghiệm ADN; bố vui chơi qua đường để lại hậu quả cho con trai chịu hộ cùng ti tỉ thứ drama khác; nhân tiện cuối phim còn khuyến mãi thêm câu chuyện bệnh ung thư – một motif kinh điển làm sao thiếu được trong phim ảnh châu Á chục năm về trước. Và rồi Hướng Dương Ngược Nắng trở thành một nồi lẩu thập cẩm nhưng vị nào cũng nhàn nhạt.
Lời thoại tựa tiểu thuyết dài trăm năm
Câu chuyện có khiên cưỡng nhưng nó vẫn thích hợp với một số bộ phận khán giả, thứ khiến người xem buồn ngủ hơn cả là những lời thoại đậm chất triết lý mà ngoài đời chẳng mấy khi người ta nói với nhau như vậy. Đã thế các diễn viên lại có những màn nhả thoại đậm chất kịch, ngắt nghỉ, chấm phẩy, ngân nga đều đặn như văn viết khiến triết lý càng thêm phần sâu sắc. Nhưng đó có phải thứ khán giả cần? Một câu chuyện với những thứ drama dài trường kỳ và những lời thoại văn vẻ như tiểu thuyết, nghe một câu mà dài tựa trăm năm, thế chẳng phải giết chết chất đời – thứ mà khán giả cần nhất trong một bộ phim rồi sao?
“Nếu con không muốn buông tay đoạn tình này thì cứ nối lại đi” – ngoài đời hẳn là chẳng có bà mẹ nào khuyên con gái tái hợp với người yêu cũ bằng một câu nói văn vẻ, cao sang thế này?
Hay như bài diễn văn tổng kết cả bộ phim của cụ Phan ở tập cuối, một phân đoạn dài hơn 5 phút, khi ông cụ nói muôn kiểu triết lý để đời rồi tóm gọn lại cũng chỉ là nhường Cao dược cho con dâu. Phân đoạn dài hơn năm phút đầy triết lý khiến khán giả mường tượng tới màn tổng kết năm của Ngọc Hoàng trong chương trình Táo Quân, đã thế kết thúc đoạn tổng kết, con cháu Cao gia lại còn cùng chúc ông “phúc như đông hải, thọ tỉ nam sơn”. Ơ kìa, đây chẳng phải Táo Quân đó sao?
Và quá nhiều lỗ hổng cùng một tập cuối chơi vơi
Đầu voi đuôi chuột, tham lam tình tiết để rồi cái kết không thể giải quyết triệt để mọi vấn đề là câu chuyện muôn thuở của rất nhiều bộ phim truyền hình. Hướng Dương Ngược Nắng chẳng phải ngoại lệ. Châu bị cưỡng hiếp là một tình tiết khiến khán giả vô cùng khó chịu nhưng đó là chuyện quá khứ, ở hiện tại, người cưỡng hiếp Châu phải trả giá ra sao, Hướng Dương Ngược Nắng không có một lời giải đáp cụ thể. Chưa kể Kiên vốn hiểu lầm rằng Châu và Vỹ qua lại với nhau, sau cùng nỗi oan của Châu bị ngủ quên trong niềm hạnh phúc theo kiểu có cho đủ KPI của biên kịch. Hay Diễm Loan, biên kịch để tiểu tam này kết thúc bằng căn bệnh ung thư nhưng đây có phải sự trả giá cho việc giật chồng hay là một tình tiết giúp cho nhân vật này trở nên thật đáng thương, để từ đầu đến cuối Diễm Loan vẫn là một tiểu tam đáng yêu nhất màn ảnh Việt?
Hướng Dương Ngược Nắng ôm đồm đủ thứ trên đời để kết quả là gì? Một câu chuyện chắp vá nửa vời, những lời thoại triết lý tới mức buồn ngủ và tất cả các nhân vật (trừ bố con ông Vỹ) đều trở thành chính diện, đều là những đóa hương dương có ngược nắng thì vẫn rực rỡ (một cách bất chấp)?
Nguồn ảnh: VTV