Vừa đọc xong “Trường phong độ”, sợ mọi người vì mấy dòng giới thiệu ngắn ngủi mà bỏ qua một tác phẩm hay nên phải viết vài dòng cho quyển này nè.
Thực tế thì tên và giới thiệu truyện này không thu hút mình, thậm chí mình định bỏ qua vì thấy tag “sủng”, “hoan hỉ”… nên nghĩ nó chỉ thuộc thể loại sủng đơn thuần như những quyển lãng mạn khác, song nhìn thấy tên tác giả là Mặc Thư Bạch thì quyết định nhảy hố luôn.
Mặc Thư Bạch là một trong số ít tác giả có văn phong khá ấn tượng với mình. Không biết có phải vì cùng tần số tâm hồn không mà quyển nào của tác giả này cũng phải vừa cầm khăn giấy sụt sùi vừa bật cười ngô nghê, dù là một bộ giải trí đơn thuần như “Giả quý tộc” hay bộ truyện đã phá vỡ định kiến của mình về thể loại “hệ thống nhân vật” như “Nhân vật phản diện tôi nuôi đều nghẻo” đều là vậy hết.
Trở lại với “Trường phong độ”. Ban đầu mình nghĩ quyển này không có nhiều nội dung, sau đó lướt số trang liền ngạc nhiên tự hỏi: Ủa truyện gì mà dài dữ vậy? Rồi thì mới phát hiện đây đâu đơn thuần là truyện tình yêu, đó còn là bài hùng ca về tuổi trẻ, về tình bạn, về con đường trưởng thành của hai nhân vật chính và những ngừơi bạn cùng trang lứa của mình.
Câu chuyện bắt đầu với những giấc mơ của nữ chính. Liễu Ngọc Như là cô tiểu thư nhà khá giả, sống trong gia đình cha không quan tâm, thiếp thất đè đầu mẹ con nàng. Liễu Ngọc Như chơi với cô bạn xuất thân nhà thư hương Diệp Vận và thường nghe bạn kể về người anh trai là Diệp Thế An, thiếu niên kiệt xuất của thế hệ này. Từ đó, một cô bé mười tuổi như Liễu Ngọc Như đã bắt đầu dồn toàn bộ tâm huyết để được gả cho Diệp Thế An. Nàng lấy lòng Diệp Vận và cả nhà họ Diệp, học trở thành một người đoan trang hiền thục nức tiếng trong thành để xứng với Diệp Thế An. Mục tiêu cuộc đời nàng chỉ có một, đó là lấy được Diệp Thế An. Nhưng rồi như trò đùa của số phận, nàng phải lấy Cố Cửu Tư, gã trai ăn chơi có tiếng trong thành.
Chấp nhận số phận, sau vài đêm suy sụp tinh thần, Liễu Ngọc Như quyết tâm cải tạo Cố Cửu Tư thành một đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất. Nàng rũ bỏ lớp vỏ tiểu thư hiền thục để thay bằng hình tượng đanh đá, bắt hắn đọc sách, bắt hắn thay đổi tâm tính từng bước một. Cố Cửu Tư tuy ăn chơi nhưng lại trọng tình cảm. Hắn cảm thấy có lỗi với nàng nên đành phải nhường nhịn nàng. Nhưng rồi loạn thế xảy ra, thành trấn bị kẻ thù bao vây, trong cảnh cửa nát nhà tan, người thân, bạn bè lần lượt ngã xuống, cả hai chạy trốn đến U Châu. Sau bao phen hoạn noạn, suýt chết vì đói, gặp cướp bóc, phải ăn cỏ cây để sống, rồi chứng kiến cảnh sinh linh đồ thán, cả hai dần trưởng thành. Họ kết thân với những người bạn cả cũ lẫn mới, rồi bắt đầu hành trình xây dựng lý tưởng, vì một thái bình thịnh thế, bá tánh no ấm.
Bối cảnh câu chuyện rất rộng lớn. Hai nhân vật chính đi qua nhiều châu huyện khác nhau, với kịch tính được thúc đẩy dàn trải liên tục, từ chiến tranh, xây dựng thương nghiệp, dựng đê chống lũ, đấu đá gian thần hay quyền đấu trên triều đình, lắm nước mắt, nhưng cũng không ít những nụ cười ngọt ngào. Đó không chỉ là câu chuyện về sự trưởng thành của chàng thiếu niên lông bông Cố Cửu Tư hay sự kiên định thuỷ chung của Liễu Ngọc Như, đó còn là sự lột xác của nàng tiểu thư kiêu kỳ Diệp Vận, sự khôn lớn của gã sơn phỉ Thẩm Minh, hay cuộc đời bi kịch của nhân vật phản diện Lạc Tử Thương.
Đó là câu chuyện mà trong suốt quá trình dõi theo, rất nhiều lần chúng ta phải tự hỏi:
Chúng ta là ai?
Và chúng ta sẽ là ai?
Liệu trên chặng đường trưởng thành này, có khi nào chúng ta sẽ trở thành kiểu người mình từng ghét hay không?
Nam chính Cố Cửu Tư là nhân vật ấn tượng và được chăm chút trong truyện. Khác với hình ảnh những nam chính nam thần lạnh lùng bá đạo thường thấy, xuất phát điểm của Cố Cửu Tư là một công tử ăn chơi, thích đánh bạc, chán học hành, lại thích chống đối cha mẹ. Thế nhưng trong nội tâm chàng thiếu niên này vẫn giữ bản chất lương thiện. Cũng chính vì bản chất lương thiện này đã giúp Cố Cửu Tư từng bước thay đổi, từng bước hình thành lý tưởng và chung thuỷ xây dựng nó.
Thế giới trong trang sách bao giờ cũng đẹp. Lý tưởng nói ra thì dễ, song thực hiện mới thấy gian truân biết bao nhiêu. Quan trường nhiều cám dỗ, quá nhiều tầng lớp thế lực rối ren và âm mưu xảo trá. Rất nhiều lần, Cố Cửu Tư phải đã phải đối mặt với sự lựa chọn: giữ vững tấm lòng thuở ban đầu hay dần dần bị cuộc sống mài mòn, từng bước trở thành con người mình từng chán ghét.
Cả câu chuyện tác giả luôn dành lời ngợi khen của mình cho tấm lòng son sắc vì lê dân trăm họ của Cố Cửu Tư. Song bản thân mình cảm thấy, Cố Cửu Tư có thể giữ được điều đó tới phút cuối cùng, không gục ngã, cũng không suýt sảy chân trước thực tại khắc nghiệt như những người bạn mình là vì bên cạnh hắn có một người vợ như Liễu Ngọc Như.
Liễu Ngọc Như nói bản thân mình là người ích kỷ, nàng chỉ lo cho gia đình mình, còn trong lòng Cố Cửu Tư quá rộng, lòng hắn chứa đựng cả bá tánh thiên hạ. Song từ đầu tới cuối, vào những lúc Cố Cửu Tư sắp gục ngã, luôn là Liễu Ngọc Như kéo hắn đứng lên. Liễu Ngọc Như thông minh, kiên định và luôn hiểu rõ mình muốn gì. Thuở bé nàng muốn sống yên ổn mà không bị mẹ ghẻ chèn ép, nàng học nghe lời. Muốn lấy tấm chồng như ý, nàng thay đổi bản thân mình thành dáng vẻ mà nhà chồng tương lai ưa thích. Muốn thay đổi Cố Cửu Tư, nàng uốn nắn răn đe. Muốn trở thành người vợ duy nhất của Cố Cửu Tư, nàng cố gắng trở thành người giàu nhất, chỉ để hoàng đế nếu muốn trị tội kẻ chẳng có chống lưng như Cố Cửu Tư cũng phải nể mặt nàng. Nhưng sâu trong thâm tâm nàng trưởng thành nhưng chưa từng thay đổi. Liễu Ngọc Như nhìn thấu mọi chuyện. Nàng hiểu mọi chuyện có được có mất, muốn nhận được cũng phải cho đi. Nàng trân trọng nghĩa tình, có trách nhiệm và sẵn sàng hi sinh. Với nàng, Cố Cửu Tư là bờ bến vững chắc để nàng có thể sống với chính mình. Nhưng đối với Cố Cửu Tư, nàng chính là ánh sáng soi lối, để mỗi khi mờ mịt về con đường phía trước, chỉ cần nhìn thấy nàng hắn sẽ biết phải đi về đâu.
Truyện có tuyến nhân vật dàn trải, rất nhiều nhân vật đáng chú ý. Song có vẻ tác giả quá cưng nam chính của mình nên đôi khi cố tình hạ thấp vài nhân vật khác để nâng Cố Cửu Tư lên. Điều này khiến mình ít nhiều cảm thấy tiếc nuối, bởi bớt đi một chút thì câu chuyện đã đẹp hơn rất nhiều. Vốn dĩ Cố Cửu Tư đã rất xuất sắc rồi mà. Theo đánh giá riêng của mình thì mô tả tính cách xuyên suốt của vài nhân vật phụ cũng không thật sự thuyết phục, như Lạc Tử Thương, Giang Hà, đặc biệt là Diệp Thế An ở phần kết truyện.
Nhân vật phản diện như Lạc Tử Thương cũng là một tiếc nuối. Bi kịch của nhân vật này từng bước được phác hoạ rõ nét, nhưng quá nhiều nước thì dễ tràn ly. Vì quá “bi” nên câu chuyện đời y lại trở nên khá “kịch”, thêm nữa lại không đủ không gian thể hiện. Vì vậy mà cảm xúc dành cho Lạc Tử Thương ở đoạn kết cũng không được đẩy cao như mình mong muốn. Vốn dĩ với văn phong cảu mình, Mặc Thư Bạch có thể làm tốt hơn rất nhiều. Có tiếc chỉ tiếc Lạc Tử Thương là con ghẻ mà thôi.
Cũng có thể vì bối cảnh rộng lớn nên bạn có thể nhặt được kha khá sạn trong câu chuyện, nhưng đừng nghĩ mình đang chê bộ truyện nhé. Chính vì mình đánh giá cao nội dung truyện này cũng như giọng văn của Mặc Thư Bạch nên mới tiếc nuối vì lẽ ra bộ truyện có thể làm được nhiều hơn thế. Ngoài những vấn đề này thì “Trường phong độ” là một câu chuyện rất ăn điểm. Nó phù hợp cho những ai thích đọc truyện dài có nội dung bối cảnh rộng lớn, có kịch tính, có nụ cười và nước mắt, có khát vọng sục sôi của tuổi trẻ, lại có chút trầm lắng về cuộc đời. Chúng ta có thể chiêm nghiệm được nhiều câu nói hay trong quyển truyện này, đồng thời rút ra nhiều bài học cho bản thân mình. Học cách khoan dung, cách thấu hiểu, cách để trở nên kiên cường và sống sao cho xứng đáng với cuộc đời.
Đọc đến đoạn cuối, hy vọng bạn cũng như mình, có thể nhớ lời căn dặn mà Liễu Ngọc Như dành cho Cố Cửu Tư:
“Ta hy vọng trong tương lai hai ta vĩnh viễn ghi nhớ tại sao mình đi trên con đường này.”
Chẳng ai nói trước được tương lai, song có lẽ tất cả chúng ta đều thật lòng mong muốn mình có thể giữ được tấm lòng son thuở ban đầu, đúng không?
_ _ _
Lâu quá không đụng tới câu chữ nên lờn tay, cảm thấy bài review này không thể hiện hết được cái hay của truyện đâu. Tốt nhất mọi người cứ đọc rồi tự chiêm nghiệm nhé.