Nội dung
“Trong cuốn sách này, tôi muốn giúp bạn, xoa dịu nỗi sợ của bạn và chỉ cho bạn cách tự tạo cho mình sức mạnh của một người làm cha mẹ. Tôi muốn dạy cho bạn những gì tôi đã học được từ công việc cả đời thì thầm với trẻ cũng như trả lời những câu hỏi mà bạn đặt ra cho tôi. Tôi muốn dạy bạn cách nghĩ giống như tôi. Tất nhiên, dù tôi có cố gắng liệt kê tất cả những vấn đề mà bạn có thể gặp phải thì mỗi một em bé và mỗi một gia đình lại có một chút khác biệt. Vì thế, khi các ông bố bà mẹ tìm đến tôi với một vấn đề cụ thể nào đó, để đánh giá xem chuyện gì đang xảy ra trong ngôi nhà và với đứa con sơ sinh hoặc đứa con mới chập chững biết đi của họ, tôi luôn hỏi ít nhất một, nếu không thì phải một loạt những câu hỏi về cả đứa trẻ và việc mà cha mẹ đã làm để ứng phó với tình huống đó. Sau đó, tôi mới có thể nghĩ ra kế hoạch hành động phù hợp. Mục tiêu của tôi là giúp bạn hiểu được quá trình tư duy và hình thành thói quen tự đặt câu hỏi. Như vậy, bạn sẽ không chỉ là người thì thầm với trẻ, mà còn trở thành một người giải quyết vấn đề xuất sắc – một Quý bà hoặc Quý ông vạn năng.
Khi đọc tiếp, tôi muốn bạn nhớ điều quan trọng này: Vấn đề không là gì khác ngoài một rắc rối cần phải giải quyết hoặc một tình huống đòi hỏi giải pháp sáng tạo. Hãy đặt ra đúng câu hỏi và bạn sẽ tìm ra câu trả lời chính xác.”
(Tracy Hogg)
Mục lục sách
Lời giới thiệu
TỪ THÌ THẦM VỚI TRẺ TỚI GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Bí mật quan trọng nhất của tôi
MỘT: E.A.S.Y KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ DỄ DÀNG (NHƯNG LẠI CÓ TÁC DỤNG)
Buộc con quen với nếp sinh hoạt được sắp xếp
HAI: NGAY CẢ TRẺ SƠ SINH CŨNG CÓ CẢM XÚC
Phán đoán tâm trạng/ cảm xúc trong năm đầu
BA: CHẾ ĐỘ UỐNG SỮA CỦA CON BẠN
Các vấn đề ăn uống trong 6 tháng đầu
BỐN: THỨC ĂN KHÔNG CHỈ LÀ NUÔI DƯỠNG
Ăn dặm và ăn uống vui vẻ mãi về sau
NĂM: DẠY CON CÁCH NGỦ Ba tháng đầu tiên và sáu biến thể rắc rối
SÁU: BẾ LÊN/ ĐẶT XUỐNG
Công cụ huấn luyện ngủ – bốn tháng tới một tuổi
BẢY: “CHÚNG TÔI VẪN CHƯA NGỦ ĐỦ”
Các vấn đề liên quan đến ngủ sau một tuổi
TÁM: THUẦN HÓA TRẺ CHẬP CHỮNG BIẾT ĐI
Dạy trẻ phát triển HỢP (F.I.T) cảm xúc
CHÍN: E.E.A.S.Y CÓ TÁC DỤNG
Trường hợp huấn luyện đi vệ sinh sớm
MƯỜI: NGAY KHI BẠN NGHĨ BẠN ĐÃ LÀM ĐƯỢC… MỌI THỨ LẠI THAY ĐỔI!
Mười hai câu hỏi thiết yếu và mười hai nguyên tắc giải quyết vấn đề!
Thể loại
Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ có mặt trong:
- 25 quyển sách làm cha mẹ hay, rất dễ đọc và đưa ra những lời khuyên hợp lý
- 11 cuốn sách hay về tâm lý trẻ em đọc để yêu thương con đúng cách
- 15 cuốn sách nuôi dạy con hay làm cha mẹ nên đọc
Review
Cung cấp kiến thức từ tổng quát đến chi tiết về các thói quen của trẻ. Tuy nhiều đoạn có lặp lại ở các chương sau, trình bày dài dòng và logic là khi ng đọc tự tổng kết lại. nhưng xét thấy nó là cần thiết với 1 cuốn sách nhìu chữ ntn (hơn 500trang toàn chữ, ít hình). Thực sự thì tôi k chắc với nh ng thiếu kiến nhất có thể đọc hết dc. Các bạn nên cân nhắc trc khi mua. Với nh ng lười đọc thì có thể thay thế bằng cuốn « nuôi con không pải là cuộc chiến» sẽ thấy đỡ hại não hơn mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức! Have a lovely day! Smile!
Cuốn sách này mang lại cho mình rất nhiều kiến thức để chăm đứa con đầu lòng, nhờ có sách mà mình thực hiện được tiêu chí bình tĩnh làm mẹ, nội dung sách rất hay, khoa học đồng thời có rất nhiều những tình huống giúp mình hiểu hơn về cách xử lý tình huống khi chăm sóc cho bé từ những năm tháng đầu đời.
Nếu các bậc cha mẹ muốn nuôi con theo kiểu tây, để con độc lập, kỷ luật từ trong nôi thì nên mua quyển sách này. Sách hướng dẫn cụ thể cho cha mẹ từng bước giúp đưa con vào nề nếp từ giấc ngủ đến bữa ăn. Thành quả là một em bé có kỷ luật, rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng phương pháp này rất khó áp dụng nếu các bạn ở chung với ông bà theo truyền thống, hoặc cha mẹ không thống nhất, quyết tâm theo phương pháp này đến cùng. Sẽ mất một thời gian stress cùng nước mắt của bé, nhưng về sau mẹ nhàn con ngoan.
Sách hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ việc ăn ngủ chơi, giúp trẻ xây dựng được những thói quen sinh hoạt tốt và đồng thời giúp cha mẹ có thể chăm sóc con tốt mà vẫn có thời gian cho bản thân.
Đây là cuốn sách thú vị và hấp dẫn, rất có ý nghĩa đối với các bà mẹ lần đầu như mình. Cuốn sách đưa ra rất nhiều tình huống và giải pháp giúp các bà mẹ dễ dàng hơn trong cuộc chiến nuôi dạy con trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có những vấn đề riêng và cuốn sách này đã nói được khá trọn vẹn và đầy đủ. Chúc các mẹ thành công
Đọc thử sách
Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có cảm xúc
Phán đoán tâm trạng/ cảm xúc của trẻ trong năm đầu
Thăm người bạn cũ
Trevor, cậu bé 8 tháng tuổi, nằm chơi vui vẻ trên đệm ở phòng khách trong khi Serena, mẹ cậu bé trò chuyện cùng tôi, chủ yếu là về Trevor đã lớn như thế nào và 6 tháng qua đã tạo ra sự khác biệt ra sao. Tôi gặp hai mẹ con lần đầu khi Trevor mới được một ngày tuổi. Khi đó, nhiệm vụ của tôi là giúp Serena khởi đầu công cuộc nuôi con bằng sữa mẹ. Chúng tôi áp dụng nếp sinh hoạt E.A.S.Y ngay lập tức với Trevor và mọi việc khá đơn giản, bởi Trevor là một em bé trong nhóm “bé Bài Bản”: bé tương đối dễ nuôi và mọi bước phát triển ở các độ tuổi đều chính xác như sách (tìm hiểu thêm về “bé Bài Bản” và các kiểu trẻ khác từ trang 70). Trong 6 tháng tiếp theo, Trevor đạt được các cột mốc phát triển sinh lý và tinh thần đúng lúc và đúng như dự đoán. Tương tự với cảm xúc, những bước phát triển của con đều rất đúng thời điểm.
Khi tôi và Serena nói chuyện, Trevor tự chơi với các món đồ chơi được treo phía trên đầu. 10 phút trôi qua và cậu bé bắt đầu “ọ ẹ” − không phải tiếng khóc, nhưng đủ để mẹ biết cậu bé cần được thay đổi cảnh. “Ồ, chán rồi phải không, con yêu?”, Serena nói, cứ như thể đang đọc ý nghĩ của con vậy. (Thực ra là cô đang đọc các tín hiệu của con.) “Để mẹ cho con ngồi ở đây nhé?” Trevor nhìn lên mẹ, hạnh phúc vì được chú ý, và sau khi được chuyển vị trí, cậu bé lại vui vẻ chơi với một món đồ chơi khác. Serena và tôi tiếp tục cuộc trò chuyện trong khi Trevor ngồi bên cạnh, tò mò thử nghiệm những âm thanh phát ra từ quả bóng màu sắc sặc sỡ trong lòng.
Serena mời tôi uống trà − lời đề nghị mà một người Anh thứ thiệt như tôi không bao giờ từ chối. Chẳng có gì bằng “chén trà ngon”, chúng tôi vẫn thường bảo thế. Serena đứng dậy, đi về phòng bếp chuẩn bị pha trà, và ngay khi cô bước ra đến cửa, Trevor bắt đầu khóc ngặt nghẽo. “Đây, đây chính là điều em muốn hỏi chị đây này!”, Serena bây giờ mới nhắc tới lý do thực sự mà cô cần tôi giúp. “Đột nhiên cứ như thể cả thế giới của con phải có mẹ. Em không thể ra khỏi phòng mà con không khóc đòi theo được”, Serena vừa giãi bày vừa như nói lời xin lỗi với tôi.
Bắt đầu từ khoảng 7 đến 9 tháng, thế giới của trẻ thực sự quay quanh người chăm sóc trẻ nhiều nhất − và thường là mẹ. Hầu hết trẻ đều hình thành nỗi sợ mẹ sẽ đi mất, một số chỉ ở mức nhẹ, trong khi số khác bám mẹ không rời. Trevor cũng ở đúng độ tuổi đó. Nhưng câu chuyện này không chỉ nói về nỗi lo sợ bị chia cách, hiện tượng bám mẹ (điều này sẽ được tôi thảo luận chi tiết hơn ở trang 102), mà nó là về một hiện tượng lớn hơn, trong đó lo lắng về sự xa cách chỉ là một phần nhỏ: đời sống cảm xúc của con trẻ.
Trẻ có đời sống cảm xúc?
Nhiều cha mẹ ngạc nhiên khi tôi nói về các cột mốc cảm xúc trong năm đầu tiên. Họ theo dõi con họ ăn gì, ngủ bao lâu, và họ ý thức đôi khi lo lắng, về những cột mốc đánh dấu trạng thái sinh lý và trí tuệ. Nhưng họ có vẻ không mấy ý thức, và hệ quả là không mấy quan tâm tới trạng thái cảm xúc của con mình − những kỹ năng giúp trẻ kiểm soát tâm trạng, biết cảm thông, yêu thương mọi người và trở thành thành viên hòa đồng của xã hội, cũng như có khả năng phát triển và duy trì những mối quan hệ tốt. “Sức khỏe” cảm xúc không phải là điều cha mẹ có thể xem nhẹ − mà đó là điều cần phải có sự giáo dục và rèn luyện. Và chúng ta cần phải bắt đầu sớm.
Hướng dẫn con phát triển cảm xúc một cách lành mạnh cũng quan trọng như dạy ngủ, giám sát việc ăn uống hay như việc thúc đẩy sự phát triển sinh lý và làm phong phú tâm hồn con. Chúng ta đang nói về tâm trạng và hành vi của con, hay “trí tuệ cảm xúc”, nếu nói theo thuật ngữ được nhà tâm lý học Dan Goleman sử dụng trong cuốn sách cùng tên của ông năm 1995. Cuốn sách của Goleman đã tóm lược nghiên cứu kéo dài vài thập kỷ, trong suốt khoảng thời gian đó, các nhà khoa học đã khám phá ra được rất nhiều kiểu “trí thông minh”, chứ không chỉ có trí thông minh liên quan tới chuyện học hành. Và rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong tất cả các kiểu trí thông minh đó, trí thông minh cảm xúc có lẽ là quan trọng nhất, là nền tảng tạo nên các khả năng và kỹ năng khác. Nhưng bạn không cần phải rà soát các nghiên cứu, cũng không cần phải là nhà tâm lý học để biết điều đó đúng như thế nào. Hãy nhìn xung quanh bạn, nghĩ về những người lớn mà bạn biết. Chẳng lẽ bạn không biết một người nào đó cực kỳ thông minh nhưng lại không thể giữ được việc chỉ vì anh ta/ cô ta “có vấn đề” về cảm xúc sao? Chẳng phải vẫn có những nghệ sỹ tài năng hoặc những nhà khoa học kỳ tài không biết cách giao tiếp với mọi người đấy sao?
Đọc đến đây, bất giác bạn nhìn con, lúc này dù mới chỉ 6 tuần, 4 tháng hay 8 tháng tuổi và băn khoăn: “Từ từ Tracy… suy nghĩ về cảm xúc của con lúc này, liệu có quá sớm không?”
Hoàn toàn không. Không có gì là quá sớm. Khi chào đời, con bạn thể hiện cảm xúc bằng tiếng khóc đầu tiên trong phòng hộ sinh. Sự phát triển cảm xúc – đó là cách bé phản ứng với các sự kiện, tâm trạng chung của bé, khả năng tự điều chỉnh và chịu đựng sự khó khăn, mức độ hoạt động của bé, bé phấn khích như thế nào và dễ dàng xoa dịu ra sao, sự hòa đồng của bé, phản ứng của bé trước các tình huống mới − sẽ diễn ra cùng với sự phát triển thể chất và tinh thần.