KHÔNG PHẢI TỔN THƯƠNG NÀO CŨNG CÓ THỂ ĐƯỢC THA THỨ
Bỗng nhiên nổi hứng lại muốn viết lại review cho tác phẩm này. Đây không phải quyển đầu tiên của Đản Đản mà mình đọc, nhưng lại là quyển thích nhất, đọc cũng khá lâu rồi. Ấn tượng lớn nhất mà tác phẩm để lại cho mình không phải tình yêu của hai nhân vật chính, mà lại là tình thương mà họ dành cho con gái mình.
Nữ chính Tống Dư Vấn yêu Hạ Nghị từ những năm trung học, nhưng anh chàng công tử này lại chọn bạn thân của cô là Hiểu Văn. Tình yêu của hai người này tuy nồng đậm nhưng lại bất đồng quan điểm, nhiều lần hợp hợp tan tan. Trong lần cuối cùng Hiểu Văn bỏ đi đó, gia đình Hạ Nghị suy sụp, chỉ có Dư Vấn ở bên cạnh anh. Tình bạn của họ dần dần biến đổi thành tình đồng nghiệp, tình thân, rồi vượt qua giới hạn lúc nào không biết. Đến lúc anh và cô chuẩn bị kết hôn cũng là lúc Hiểu Văn quay về, nhưng Dư Vấn lại có thai. Anh trách cô không để anh đến được với Hiểu Văn, thế nên mấy năm sau đó mối quan hệ hôn nhân của họ hoàn toàn bế tắc.
Mình thích Tống Dư Vấn. Thích cô không chỉ là sự mạnh mẽ khi đối diện với tình yêu, tình thân, công việc, mà hơn hết là vì cái cách cô xem con gái mình như cả mạng sống, cách cô chăm sóc tuy có phần nghiêm khắc nhưng lại rất chu toàn cho con. Đối với nam chính Hạ Nghị, tính cách anh ta là một kiểu mà mình vô cùng không thích: ong bướm lại dây dưa không rõ ràng, sau khi cưới Dư Vấn về vẫn thích mèo mỡ bên ngoài. Nhưng bù lại Hạ Nghị lại là một người cha tốt. Giống như anh dù giận vợ, đi chơi với bạn bè nhưng chỉ một cuộc gọi của con, nghe tiếng con bé lại lập tức muốn về nhà, thậm chí vì con bé mà sẵn sàng từ chối Hiểu Văn. Có lẽ tình cảm dành cho anh cũng không đến nỗi nào nếu như cao trào của chuyện không xảy ra, đỉnh điểm là cái chết của Thụy Thụy.
Thật sự thì trước đó, mình đã đọc khá nhiều truyện, nhưng lại thừa nhận chưa có tác giả nào ‘ác’ như Đản Đản. Một sinh mệnh năm tuổi đáng yêu đến thế, mỗi lần xuất hiện lại thu hút biết bao cảm tình của người đọc, lại cứ thế mà ra đi. Đến bản thân người đọc còn khó chấp nhận huống chi là người mẹ ruột như Dư Vấn?
Đau đớn lắm thay hình ảnh người mẹ điên cuồng tìm kiếm con trong biển người, một cô gái vốn rất lý trí, cuối cùng cũng trở nên điên loạn. Lúc ôm bình tro cốt của Thụy Thụy trong tay, cả người cô cứ run rẩy, thậm chí chẳng e ngại gì mà tự tìm cái chết, chỉ vì sợ rằng con ở một mình ở thế giới bên kia sẽ chịu cô đơn. Rồi sau khi trở về cô vẫn luôn cho rằng linh hồn Thụy Thụy luôn đi theo sau mình, vì một lá thư của Thụy Thụy mà mất trí nhớ…
Chưa có một tác phẩm nào, mà nỗi đau mất con của người mẹ lại được khắc họa sinh động đến thế.
Thật ra, với những gì Hạ Nghị đã làm sau đó, mình nghĩ anh xứng đáng được tha thứ. Thế nhưng trách là trách anh nhận ra tình cảm của mình quá đỗi muộn màng. Gía như anh có thể dùng cặp mắt lý trí để nhìn mọi thứ sớm hơn, tựa như nhận ra sau năm năm, khẩu vị của mình đã bị Dư Vấn làm thay đổi. Thời gian có thể bào mòn mọi thứ, từ thói quen đến cảm tình, cả đến tình yêu cũng không ngoại lệ.
Thế nhưng, nếu tình yêu của anh là ánh mặt trời đang lên thì tình yêu của cô chỉ còn là trời chiều vụt tắt.
Cùng với sự ra đi của Thụy Thụy, họ càng không thể làm lại. Cho dù từng yêu nhau đến thế nào thì vết thương vẫn mãi mãi còn đó. Cô có thể bỏ qua cho anh, có thể không hận anh nữa, nhưng cũng như cô nói, không phải tổn thương nào cũng có thể được tha thứ.
Đoạn kết ở ngoại truyện là một khoảng trống mơ hồ, thật sự chưa từng cảm thấy câu chuyện nào khiến mình day dứt đến thế. Rốt cuộc thì đối với Dư Vấn, cô rốt cuộc cũng chẳng thể nào hoàn toàn bỏ mặc anh. Đoạn đường cuối cùng của anh cũng chỉ có thể là cô ở bên anh, hẳn anh sẽ thanh thản hơn một ít…
Nhưng chẳng hiểu sao, lúc cô nắm lấy cánh tay gầy mong manh của manh, thốt lên mấy chữ ‘em đến rồi’ , khóe mắt vẫn cay cay.
Trên đời này luôn có một số thứ chẳng bao giờ có thể làm lại.
Hơn tất cả, mình nghĩ đây là một câu chuyện mà tất cả mọi người nên đọc, cho dù nó chua chát, có phần tàn nhẫn, nhưng thông qua câu chuyện, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều trong cuộc sống, đủ để biết thế nào là trân trọng, lựa chọn và sửa chữa, cũng đủ để biết giá trị của tình thân là quan trọng đến mức nào.
Riêng bản thân mình, khi vừa đọc xong mình đã nghĩ, giá như mình có đọc tác phẩm này sớm hơn một chút.
Chỉ là, như thông điệp của truyện, trên đời này cũng chẳng có ‘giá như’.