Thực tiễn xét xử cho thấy việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” quy định tại điểm o Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự còn có nhiều quan điểm không thống nhất.
– Thứ nhất, về chủ thể áp dụng, hiện nay có hai quan điểm:
+ Quan điểm thứ nhất: Tình tiết năng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo điểm o khoản 1 điều 52 BLHS chỉ áp dụng đối với người phạm tội là người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Quan điểm này xuất phát từ nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo quy định tại Điều 90 BLHS: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Khoản 1 Điều 91 BLHS quy định: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”.
Theo các quy định trên thì việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là chưa đúng nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, không phù hợp với khả năng nhận thức và không đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 416 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi:… “3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục”. Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự chỉ buộc các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải chứng minh “có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục” chứ không yêu cầu chứng minh “có hay không có người dưới 18 tuổi xúi giục”. Có thể hiểu quy định này thừa nhận việc xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ áp dụng đối với người đã đủ 18 tuổi. Nếu người dưới 18 tuổi có hành vi “xúi giục” người dưới 18 tuổi khác phạm tội thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm, chứ không bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” . Trên thực tế, căn cứ vàođộ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội thì ngưới dưới 18 tuổi còn có nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, trong trường hợp người vừa đủ 15 tuổi có hành rủ rê, lôi kéo một người 17 tuổi (không khiếm khuyết về thể chất, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi) phạm tội thì không thể áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người đủ 15 tuổi được, do người đủ 17 tuổi hoàn toàn có nhận thức tốt hơn người đủ 15 tuổi, có thể chấp nhận, hay không chấp nhận việc rủ rê, lôi kéo của người đủ 15 tuổi.
+ Quan điểm thứ hai: Tình tiết năng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” theo điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS được áp dụng cho tất cả các chủ thể phạm tội (kể cả người phạm tội là người dưới 18 tuổi).
Quan điểm này căn cứ vào văn bản giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Tại Công văn giải đáp số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp áp dụng tình tiết “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 39 của Bộ luật hình sự năm 1985 như sau: “Điều 57 Bộ luật hình sự quy định: “Người chưa thành niên phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của phần chung Bộ luật không trái với những quy định của chương này”. Trong Chương VII Phần chung Bộ luật hình sự “Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội” không có quy định nào loại trừ việc áp dụng các tình tiết tăng nặng quy định tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự nói chung và tình tiết “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này nói riêng. Tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự chỉ quy định “xúi giục người chưa thành niên phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội, chứ cũng không quy định người xúi giục phải là người thành niên; Vì vậy, nếu người chưa thành niên phạm tội mà có hành vi xúi giục người chưa thành niên khác phạm tội, thì khi xét xử Toà án phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự đối với họ”.
Tại Công văn số 3544/VKSTC-V14 ngày 17/8/2019 của Vụ 14- Viện Viện KSND tối cao trả lời thỉnh thị vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự hướng dẫn: “Điều 90 BLHS năm 2015 quy định “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. BLHS năm 2015 không có quy định nào loại trừ việc áp dụng tình tiết năng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi. Do đó, nếu người dưới 18 tuổi có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi thì vẫn có thể áp dụng tình tiết “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.
Như vậy, theo tinh thần hướng dẫn tại hai Công văn nêu trên (hiện nay chưa có văn bản thay thế) thì việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” vẫn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, các Công văn này chỉ có giá trị tham khảo, hướng dẫn trong ngành Tòa án, Kiểm sát và cũng còn mâu thuẫn, tại Công văn của ngành Tòa án hướng dẫn “phải áp dụng”, Công văn của ngành Kiểm sát còn tùy nghi “có thể áp dụng”, đâykhông phải văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng trong thực tiễn xét xử của các địa phương thiếu thống nhất.
Theo quan điểm của cá nhân tác giả, việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là có căn cứ và đúng pháp luật, không trái với các nguyên tắc của BLHS. Tuy nhiên, khi xem xét có áp dụng hay không cần đánh giá toàn diện ý thức chủ quan, hành vi khách quan, khả năng nhận thức của người phạm tội, ví dụ: người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi khác ít tuổi hơn mình, lệ thuộc vào mình thực hiện tội phạm thì hoàn toàn có thể áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.
– Thứ hai, về việc đánh giá mức độ đồng phạm để áp dụng tình tiết tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” cũng có hai quan điểm:
+ Quan điểm thứ nhất: chỉ trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự phân hóa vai trò rõ ràng (có người tổ chức, người xúi giục, người thực hành), người xúi giục người dưới 18 tuổi thực hiện tội phạm là người chủ mưu, cầm đầu thì mới áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.
+ Quan điểm thứ hai: việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” có thể áp dụng trong tất cả các trường hợp đồng phạm, kể cả đồng phạm giản đơn, không phải phạm tội có tổ chức.
Theo quan điểm của tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ theo từ điển tiếng Việt: “Xúi giục” được hiểu là xui và thúc đẩy người khác làm việc sai trái với, với dụng ý xấu; “xui” là lời lẽ dễ nghe để tác động đến người khác nhằm làm cho nghe theo mà làm một việc gì đó một cách thiếu suy nghĩ, thường là việc đãng lẽ không nên làm; “Thúc đẩy” là làm cho hoạt động, phát triển mạnh hơn theo một hướng nhất định nào đó, thường là hướng tốt.
Tại khoản 3 Điều 17 BLHS quy định người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Như vậy, người xúi giục không nhất thiết phải là người tổ chức, người có vai trò cẩm đầu. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, chỉ cần chứng minh trong các đồng phạm có người dùng những lời lẽ dễ nghe để kích động, dụ dỗ, hứa hẹn, thúc đẩy người chưa đủ 18 tuổi nghe theo và thực hiện tội phạm thì phải áp dụng tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.
Như vậy, từ những phân tích trên có thể thấy, do việc áp dụng tình tiết “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” chưa được hướng dẫn thống nhất tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng còn chưa thống nhất, gây khó khăn trong thực tiễn công tác xét xử, kiểm sát xét xử (trên thực tế, đã có trường hợp Viện kiểm sát truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tỉnh tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với bị can nhưng Hội đồng xét xử không áp dụng). Do đó, liên ngành cấp trên cần sớm có hướng dẫn cụ thể, thống nhất./.
Nguyễn Thùy Trang- VKSND huyện Việt Yên