Nếu ví đời người là con đường thì thời thanh xuân của mỗi người chính là hạt cát hay hòn đá tạo nên con đường đấy. Nếu ví tuổi trẻ là một món ăn đặc biệt thì tình yêu của lứa tuổi ấy chính là gia vị hay nước dùng tạo nên hương sắc có ngọt, có cay cho món ăn ấy. Nói vậy để ai trong chúng ta cũng biết rằng tuổi trẻ hay tình yêu của cái thời bồng bột ngô nghê ấy, cho dù đã qua hay chưa thì những hồi ức mà nó để lại vẫn mãi là những dư vị tạo âm hưởng nhất trong lòng người. Mỗi khi hoài niệm về tuổi xuân, về một thời đã qua các bạn thường làm gì?
Lật giở những cuốn album mang tên bóng hình học trò, xem lại những thước phim mà ai trong chúng ta cũng là những diễn viên đã hết mình quay lại cái thời non dại ấy,…Còn với mình thì mình lại thích tìm đọc lại những cuốn truyện thanh xuân để bản thân một lần nữa lại được sống lại một thời tuổi trẻ đã qua, được hình dung chính mình qua những dòng bút nét vẽ ấy. Và một trong những cuốn truyện đã giúp mình tìm lại kí ức một thời kia chính là cuốn truyện “Anh có thích nước Mỹ không” của tác giả Tân Di Ổ – một cuốn truyện thanh xuân mà mình tin rằng bất kì ai đọc nó cũng sẽ thấy được chính mình qua từng trang truyện hay nhân vật mà Tân Di Ổ đã hết mình vẽ nên.
1.Thông tin cơ bản về truyện
Công ty phát hành: Bách Việt
Tác giả: Tân Di Ổ
Ngày xuất bản: 7/2018 (tái bản)
Kích thước: 16 x 24 cm
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn Học
Loại bìa: Bìa mềm
Số trang: 524
Giá: Khoảng 100000 (1 quyển)
2.Một vài nét về tác giả
Tân Di Ổ tên thật là Tưởng Xuân Linh. Cô sinh ngày 9 tháng 8 năm 1981. Cô là nữ nhà văn thuộc dòng văn học hiện đại Trung Quốc. Tân Di Ổ thường viết và khắc họa lên những câu chuyện tình yêu thanh xuân giữa những con người trẻ tuổi nhiệt huyết và trong sáng. Tân Di Ổ là nhà văn và cây bút chủ lực của Công ty Cổ phần Phát triển Văn hoá Bắc Kinh Thời đại Bạch Mã. Cô là một trong những tác giả đi đầu cho dòng văn học ngôn tình với tiểu thuyết Anh có thích nước Mỹ không (Gửi thời thanh xuân đã qua của chúng ta)
Một số tác phẩm nổi bật của cô được đông đảo người đọc đón nhận như anh có thích nước Mỹ không, hóa ra anh vẫn ở đây, anh sẽ đợi em trong hồi ức,…Và trong đó có 2 tác phẩm được truyển thể thành phim hiện nay.
3.Nội dung của truyện
“Anh có thích nước Mỹ không” là một thước phim thanh xuân với những khung đoạn trong trẻo nhất, ngọt bùi nhất mà cũng đắng cay nhất xoay quanh ba nhân vật với những nét tính cách khác nhau. Đó là một Trịnh Vi thanh thuần hoạt bát, nhiệt tình mà không kém phần nông nổi bộc trực. Một Trần Hiếu Chính đa tài, lạnh lùng nhưng lại vô cùng tỏa nhiệt trong tình yêu và một Lâm Tĩnh trưởng thành, trầm tĩnh, dám nghĩ dám làm.
Trước hết để nói về Trịnh vi – nhân vật nữ chính của truyện, ta có thể thấy cô ấy chính là điểm nhấn dư vị nhất trong từng thước phim thanh xuân mà chị Tân đã vẽ nên bằng ngòi bút đa chiều của mình. Trịnh Vi sinh ra trong một gia đình khá giả với một tổ ấm khá vẹn tròn trong mắt của tất cả mọi người xung quanh. Lên đại học cô cũng có một thời thanh xuân nồng nhiệt nhất, sôi nổi nhất nhưng cũng tràn đầy những xúc cảm nhất đối với một thời đã qua của mình.
Trịnh Vi của ngày ấy là một cô gái sống hết mình với tuổi trẻ, một người con gái với ba dám dám nghĩ, dám làm, dám chịu, nông nổi cũng có, bồng bột cũng có. Mà chính những điều ấy đã vô tình khiến chúng ta khi nhìn thấy cô ấy không khỏi tự mình cảm thán “ Sao tuổi trẻ ngày ấy lại diệu kì đến thế, chạy hết mình trong cuộc đời nhưng có bao giờ tìm được bến đỗ nào rực rỡ mà trong trẻo như bến đỗ thanh xuân của một thời đã qua đây? ” .
Thanh xuân của Trịnh Vi như được điểm xuyến thêm những sắc màu đằm thắm khi cô gặp gỡ, theo đuổi và bắt đầu tình yêu với chàng thanh niên trong nóng ngoài lạnh Trần Hiếu Chính. Có thể nói Trần Hiếu Chính chính là chàng trai đã đem cho Trịnh Vi những xúc cảm đặc biệt nhất của tình yêu, là một thời tuổi trẻ không thể nào quên của cô, đồng thời cũng là mảnh dao đã làm mai một đi sức sống của trái tim cô gái trẻ ngày ấy.
Trần Hiếu Chính xuất hiện trong thước phim thanh xuân mà chị Tân vẽ nên với một hình ảnh nổi bật thường thấy của các chàng trai thanh xuân vườn trường, muốn đẹp có đẹp, muốn giỏi có giỏi, muốn xuất sắc bao nhiêu thì đáp ứng bấy nhiêu. Giữa hai con người tưởng chừng trái ngược nhau ấy cuối cùng lại gặp gỡ, lại thu hút nhau bởi sự đồng điệu trong cảm xúc và gắn kết nhau bởi sự bền chặt về tâm hồn qua vỏ bọc ngọt ngào mang tên tình yêu.
Trịnh Vi được xem như là một nốt nhạc thanh trong nhất trong trang nhật kí về thanh xuân của Trần Hiếu Chính, là thứ xúc cảm trái chiều duy nhất mà có lẽ cả đời này Trần Hiếu Chính cũng sẽ khó có thể tìm lại được. Có lẽ tuổi trẻ mà có ngọt bùi thì cũng có đắng cay, mà đắng cay trong câu chuyện tuổi trẻ của hai con người trên lại là sự tự ti luôn ẩn giấu dưới lớp mặt toàn vẹn của chàng trai năm ấy
Vì sợ bản thân đang còn trẻ, chưa có gì trong tay, vẹn toàn đôi đường cả tình yêu lẫn công việc lúc ấy dường như lại một khái niệm gì ấy rất xa vời. Nên anh đã quyết định rời xa Trịnh Vi, lên đường tìm một món đồ có thể đảm bảo cho sau này của mình mang tên địa vị và nơi mà chàng trai ấy đặt chân tới để tìm cho cái gọi là tương lai ấy là đất Mỹ. Sự rời xa của anh như một bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành của cô nàng Trịnh Vi ngày nào. Không còn sự nông nổi bồng bột của cái tuổi dám nghĩ dám làm, Trịnh Vi của những năm tháng sau này là một cô gái đã biết nhìn mặt người khác mà sống.
4.Ai mà chẳng có một thời đã qua
Trịnh Vi lúc này không còn coi bản thân là trung tâm của vũ trụ mà thay vào đó đôi giày cao gót, bộ đồng phục đi làm chỉn chu, nụ cười xa lạ mà đậm tính thương mại chính là thứ mà Trịnh Vi lúc này đang học cách mang lên. Trưởng thành đôi khi là một lối mòn xa lạ nhưng lại an toàn đối với tất cả mỗi người chúng ta, cho dù không chấp nhận nhưng chúng ta cũng không thể không thừa nhận hay gạt bỏ nó.
Câu chuyện được đẩy lên cao trào với sự trở về của nhân vật vừa quen vừa lạ Lâm Tĩnh. Lâm Tĩnh vốn là nhân vật xuất hiện nhập nhoạng qua phần kí ức của Trịnh Vi ở phần mở đầu tác phẩm. Nếu Trần Hiếu Chính được xem là mối tình thanh xuân của Trịnh Vy thì Lâm Tĩnh được xem là tình đầu khó quên của cô. Lâm Tĩnh vốn là thanh mai trúc mã của Trịnh Vy, mối tình đầu dang dở thuở mười tám đôi mươi của cô gái trẻ năm ấy. Ở Lâm Tĩnh thứ mà chúng ta cảm nhận ở anh chính là sự trầm tĩnh, sâu lắng, sự an yên, bình dị mà bất kì cô gái nào cũng hi vọng tìm thấy chàng trai ấy trong cuộc đời của mình.
Vì một số vấn đề giữa gia đình Trịnh Vi và nhà anh mà chàng trai ấy lại quyết định rời xa cô gái ấy để sang Mỹ. Có lẽ cho dù có trưởng thành đến đâu khi đối mặt với sóng gió cuộc đời ở ngay cái lứa tuổi ngây dại mới chập chững bước vào đời ấy, sự sai lầm hay trốn chạy khỏi thực tại cũng là điều không thể tránh khỏi và chàng trai ấy cũng như vậy. Sau những năm tháng mài dũa ở xứ người, Lâm Tĩnh quyết định quay chở về quê hương và gặp gỡ lại hình bóng một thời của mình.
Khi thấy Trịnh Vi đang hạnh phúc bên tình yêu thanh xuân của mình, anh sẵn sang ở đằng sau chúc phúc cho cô. Nhưng khi thấy cô tan vỡ đau khổ trong tình yêu, anh sẵn sang ở bên sưởi ấm cho trái tim đang dần nguội lạnh ấy mặc cho những rào cản trước kia mà anh đã từng tạo ra. Có người coi đó là sự dũng cảm, cũng có người cho đó là sự lợi dụng nhưng suy cho cùng mình nghĩ rằng tình yêu chính là sự đấu tranh hết mình cho bản nhạc đồng điệu nhất của cuộc đời mình bất kể kết quả ra sao thì bạn cũng sẽ không hối hận vì sự hết mình đó.
Cùng lúc ấy, chàng trai năm xưa của cô Trần Hiếu Chính cũng quay trở lại với mong muốn có thể tìm lại được mối tình năm xưa. Liệu Trịnh Vi sẽ đưa ra quyết định như thế nào, chàng trai nào sẽ có thể đem lại sự sống cho trái tim đã héo mòn của người con gái ấy, để trả lời cho câu hỏi ấy các bạn nhớ hãy đón đọc cuốn truyện thanh xuân tràn ngập hương vị tuổi trẻ này nhé.
Ngoài lề một chút hiện nay “Anh có thích nước Mỹ không” đã được chuyển thể thành phim với bản điện ảnh đạo diễn là Triệu Vy và các diễn viên nổi bật như Triệu Hựu Đình, Dương Tử San, Hàn Canh và bản truyền hình với sự thể hiện của dàn diễn viên trẻ triển vọng là Dương Lặc, Trương Đan Phong, Trần Dao.
5.Cảm nhận của mình về truyện
Ban đầu mình chỉ định chọn cuốn truyện để đọc thử mà không quá kì vọng vào nó nhưng quả thật “Anh có thích nước Mỹ không” của Tân Di Ổ đã đem lại cho mình một hiệu ứng trên cả mong đợi. Mình như đắm chìm trong những trang sách thanh xuân ấy, được sống lại một thời tuổi trẻ đã qua và hơn gì hết là mình được thấy lại bóng hình của mình qua hình ảnh của Trịnh Vi. Một cô gái dám sống hết mình với tuổi trẻ, đủ bồng bột nhưng cũng đủ liều lĩnh để cảm nhận mùi vị của cái sức sống thanh xuân và cho đến lúc trưởng thành cho dù sẽ có nhiều điều khiến cô ấy sẽ cảm thấy hối hận, nhưng ít ra tại thời điểm ấy cô ấy đã không hối hận.
Về hai nam chính của chúng ta, mình nghĩ mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau về hai người họ. Với mình thì mình nghĩ rằng hai người họ sẽ là hai mảnh ghép phù hợp nhất cho bức tranh về thanh xuân của Trịnh Vi. Có thể Trần Hiếu Chính là hạt giống ươm mầm cho tuổi trẻ của Trịnh Vi nhưng có lẽ để nuôi dưỡng và làm cho nó nảy mầm thì ánh mặt trời Lâm Tĩnh vẫn là phù hợp hơn.
Một nhân vật nữa cũng đã để lại cho mình nhiều những xúc cảm khác nhau mà đa phần là tiếc nuối đó chính là Nguyễn Nguyễn – cô bạn thân của Trịnh Vi. Cô gái tài sắc vẹn toàn nhưng điều cô ấy thiếu lại chính là điều duy nhất nữ chính của chúng ta có được đó là tình yêu. Cô ấy có một tình yêu tưởng như bền chặt tận 6 năm nhưng cuối cùng người đi cùng cô ấy đến bến bờ hôn nhân lại là một người mới gặp 6 lần. Số phận dường như luôn trêu đùa con người vậy.
Một cái kết ám ảnh cho độc giả khi chị Tân đã quyết định cho cô gái vẹn toàn ấy ra đi khi tuổi đời còn trẻ đến vậy. Mình nghĩ rằng nếu chúng ta nghĩ theo một chiều hướng khác thì sự ra đi của cô gái ấy có lẽ là một sự giải thoát để người con gái ấy có thể tìm về được chính những thanh xuân, những gì mà “tuổi trẻ” đã đánh mất, âu mọi thứ cũng là cái duyên cái phận.
6.Cảm nhận của bạn đọc về truyện
Là một trong những tác phẩm nổi tiếng về thời thanh xuân nên không khó để “Anh có thích nước Mỹ không” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn độc giả. Mỗi người mỗi quan điểm, mỗi cảm nhận khác nhau về bộ truyện và sau đây mình xin trích qua một số quan điểm, suy nghĩ của độc giả về bộ truyện
- Kết thúc vẫn hơi buồn. Tiếc cho Trần Hiếu Chính quá
- Mình cực kỳ thích kết của câu chuyện này, đọc đi đọc lại mấy năm nay rồi mà không thấy chán
- Đọc cũng gần hết các tác phẩm của Tân Di Ổ, tôi thích phong cách viết của cô ấy, có thể thấy chính mình trong cuốn sách, cũng có thể hình dung ra được sẽ có lúc mình hành động như thê. ai cũng có tuổi trẻ vô tư, có thể cũng bồng bột nhưng rồi theo thời gian ai cũng phải trưởng thành.
- Đọc xong câu chuyện này mà thấy có cái gì đó hụt hẫng quá, mình thương cho THC quá, những người như anh thì đến bao giờ mới có được tình yêu
- Đọc truyện này lâu rồi, lúc đọc xong tâm trạng cũng giống các bạn ý: buồn buồn, bồi hồi, ngẩn ngơ mất mấy ngày… Thấy TV chọn anh LT cũng đúng, nó thể hiện một TV rất chính chắn và lý trí đã chọn một người đàn ông rất yêu cô mà cô có thể tin cậy suốt cả đời. Nhưng mà thấy thương anh THC quá à… Một người như vậy không tìm được ty của mình mới đáng tiếc làm sao…
- Đọc xong truyện này cũng lâu rồi nhưng hôm nay đọc thêm ngoại truyện 4 tự nhiên lại trở về cảm xúc như mới đọc xong truyện, nói chung cảm thấy không cam tâm, có lẽ TDO đã nói về tình yêu của THC và TV thời sinh viên sâu đậm quá nên kết thúc TV chọn LT mình cảm thấy 1 chút ngỡ ngàng và nuối tiếc
7.Một số trích dẫn hay trong truyện
Một cuốn truyện hay là một cuốn truyện thành công trong việc xây dựng từ hình ảnh nhân vật cho đến những câu chuyện, lời thoại xoay quanh nhân vật của mình và Tân Di Ổ đã có một màn xây dựng kết hợp vô cùng thành công các yếu tố ấy, đặc biệt là phần thể hiện nội tâm, lời thoại của các nhân vật. Sau đây mình sẽ đưa ra một số trích đoạn nổi bật
- “Giống như cố hương là nơi con người ôn lại thuở hàn vi, tuổi xuân là quãng thời gian để con người nhớ nhung, hoài niệm, khi bạn ôm nó vào lòng nó sẽ chẳng đáng một xu, chỉ khi bạn dốc hết nó, quay đầu nhìn lại, tất cả mới có ý nghĩa – những người đã từng yêu và làm tổn thương chúng ta, đều có ý nghĩa đối với sự tồn tại tuổi xuân chúng ta.”
- “Hiện thực chính là những điều tàn nhẫn như vậy đấy, nó luôn luôn hủy diệt niềm tin của bạn trong lúc bạn không hề hay biết, hủy diệt những lời hứa mà bạn tưởng rằng bạn có thể thực hiện. Trưởng thành là gì? Khi một đưa trẻ biết kim cương đẹp hơn hạt pha lê xinh xắn thì đứa trẻ này đã trưởng thành, Trần Hiếu Chính hiểu được điều này sớm hơn bất kỳ đứa trẻ nào khác.
- “Hoàng tử hành tây không có trái tim… nhưng nếu không thử, không rơi lệ, làm sao biết nó không có trái tim?”
- “Trong kẽ hở của thời gian và hiện thực, tuổi xuân cũng như sắc đẹp, mỏng manh như trang giấy bị gió hong khô.”
8.Nơi bạn có thể mua truyện
Nơi mua truyện được xếp theo thứ tự ưu tiên
- Tiki
- Fahasa
- Shopee
Phía trên là phần review của mình về tác phẩm “Anh có thích nước Mỹ không” của nữ nhà văn Tân Di Ổ. Mình tin rằng đây sẽ là một sự lựa chọn tuyện vời cho các bạn trẻ khi đang muốn tìm đọc những cuốn truyện viết về tuổi trẻ, về thời thanh xuân đã qua. Có thể phần cảm nhận phía trên của mình sẽ có những ý kiến có bạn đồng tình có bạn lại không, cho dù thế nào nữa, thì mình cũng cảm ơn các bạn đã ghé qua phần review của mình, nếu bạn nào có những cảm nhận những suy nghĩ riêng về tác phẩm thì các bạn nhớ hãy comment xuống dưới bài đọc cho mình và mọi người biết nhé. Chúc tất cả các bạn sẽ có những giây phút đọc truyện vui vẻ và thoải mái.
*Nguồn ảnh: Internet.
*Nhớ đón xem các bài viết khác của mình tại đây nhé!
681 views