1. Hướng dẫn viên du lịch là công việc gì?
Hướng dẫn viên du lịch là người sử dụng ngôn ngữ phù hợp để giới thiệu, cung cấp thông tin, giải thích các vấn đề xoay quanh văn hóa, lịch sử,… liên quan đến các địa điểm tham quan cho khách du lịch.
Đây là công việc dành cho những bạn yêu thích và đam mê khám phá tới các vùng đất mới; nơi họ được trải nghiệm nền văn hóa đa dạng khác nhau. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành mình học, bạn hoàn toàn có thể gia nhập vào lực lượng lao động của ngành nghề này; với sự tôi luyện kỹ năng hướng dẫn viên từ năm 2, năm 3; kết hợp với kiến thức chuyên ngành vững chắc.
Ngày nay, con người đã không còn quá quan tâm đến vấn đề cái ăn, cái mặc; họ có nhu cầu cao hơn về việc thỏa mãn bản thân, cho bản thân được nghỉ ngơi và tận hưởng. Vì vậy, rất nhiều công ty về du lịch và lữ hành ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu về du lịch của thị trường.
Khi ta đặt chân đến vùng đất xa lạ, hướng dẫn viên giống như thuyền trường của một con thuyền, họ dẫn dắt chúng ta đến các địa điểm tham quan nổi bật, nói chúng ta nghe về lịch sử và văn hóa của từng vùng đất; đặc điểm và lối sống của con người nơi đây; giới thiệu các món ăn đặc sản của vùng; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể;…
Hướng dẫn viên không chỉ đóng vai trò hướng dẫn; họ còn có trách nhiệm như một người quản lý, bao quát toàn bộ quá trình di chuyển của các hội viên; đảm bảo sự an toàn của họ trong quá trình di chuyển.
Xem thêm: Tìm việc làm hướng dẫn viên du lịch
2. Mô tả công việc của hướng dẫn viên du lịch
Hướng dẫn viên du lịch có trách nhiệm trong việc đọc và nghiên cứu trước về lịch trình tour du lịch mình dẫn; toàn bộ các thông tin về địa điểm nghỉ ngơi, tuyến đường di chuyển, các hoạt động cụ thể sẽ diễn ra trong tour; đặc điểm, văn hóa và con người của vùng đất đó.
Trước khi tour diễn diễn ra, cần kiểm tra lại các thông tin về tuyến đường di chuyển (đảm bảo an toàn và phòng tránh các trường hợp khẩn cấp mới xảy ra); thông tin hành khách tham gia trong tour, các trang thiết bị và phương tiện cần thiết; đảm bảo quá trình dẫn tour diễn ra đầy đủ, chu đáo, mang đến khách hàng cảm giác hài lòng nhất trong quá trình đi nghỉ ngơi hay học tập.
Sau khi đã hoàn tất công đoạn kiểm tra, hướng dẫn viên du lịch phải có trách nhiệm báo lại trung tâm về kết quả kiểm tra, các vấn đề chưa đạt yêu cầu hay cần bổ sung thêm yếu tố, điều kiện gì cho chuyến đi.
Làm quen và kiểm tra sĩ số hành khách tham gia tour, trong quá trình di chuyển trên xe, hay đi bộ nếu địa điểm gần; hướng dẫn viên cần phải tạo nên không khí, thu hút sự quan tâm và chú ý của hành khách, khiến cho tour du lịch trở nên hấp dẫn và nhộn nhịp hơn. Đầu tiên, là màn chào hỏi, hướng dẫn viên cần giới thiệu về thông tin cá nhân để hành khách nắm bắt được; chủ đề chính của chuyến du lịch này; hỏi han về thông tin hành khách, các hoạt động giao lưu, trò chuyện hay ca nhạc.
Sau khi di chuyển đến địa điểm nghỉ ngơi, hướng dẫn viên cần nhanh chóng làm thủ tục nhận phòng cho hành khách; chủ động làm việc với các đơn vị lưu trú (đã được liên hệ trước) để tiến hành nhận phòng và giao lại cho hành khách; tiến hành đặt cơm, các đồ dùng hỗ trợ trong suốt quá trình.
Sau khi nghỉ ngơi, hành khách tham gia tour sẽ được thông báo về thời gian và địa điểm tập hợp để bắt đầu bước vào “thế giới khám phá”; đây được xem là nội dung quan trọng nhất của tour, hướng dẫn viên cần giới thiệu đến họ những đặc điểm nổi bật, nét văn hóa đặc trưng, các yếu tố về lịch sử, nguồn gốc hay một câu chuyện tình cảm động,… khả năng kể chuyện và lôi kéo người nghe bằng kiến thức nền tảng vững chắc là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng của ngành nghề này.
Sau thời gian đi chung, hành khách sẽ có 1 thời gian nhất định để hoạt động riêng, chủ động tìm hiểu về các vấn đề mình quan tâm; hay lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời tại đây. Hướng dẫn viên cần thông báo đến hành khách về thời gian tập hợp lại, lưu ý nhấn mạnh vào thời gian để hành khách chú ý, tránh trường hợp mải tham quan và không di chuyển đến địa điểm tập hợp.
Sau một ngày dạo tham quan, buổi tối hoặc khung giờ cuối chiều sẽ là thời gian của các hoạt động, giao lưu và vui chơi; giúp mọi người cảm thấy thoải mái thực sự trong chuyến du lịch; đem đến cho họ sự hài lòng và vui vẻ.
Ngoài việc tập trung vào khách hàng, hướng dẫn viên còn phải quan tâm đến các yếu tố như: chất lượng cung ứng dịch vụ của các đối tác như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi,… tạo nên mối quan hệ gắn bó chặt chẽ đối với lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng.
Hướng dẫn viên cần theo dõi, đánh giá chất lượng của đối tác bằng trực quan và các yếu tố cụ thể, đưa ra những nhận xét chính xác và thông báo lại với công ty; đây là cơ sở để công ty đưa ra quyết định về việc có hợp tác lâu dài với đối tác hay không? Họ có phù hợp với dịch vụ công ty đang cung cấp đến khách hàng không?
Tập trung bao quát toàn bộ các hoạt động và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tour diễn ra. Một số vấn đề thường xuyên xảy ra trong quá trình dẫn tour như: khách hàng không đến đúng thời gian, khách hàng bỏ quên đồ tại khách sạn, phương tiện di chuyển bị hỏng giữa đường, khách hàng bị ốm hay có tình hình sức khỏe yếu, khách hàng không quay trở lại địa điểm hẹn như đã quy định,…
Hay như khách hàng phàn nàn và không thấy hài lòng về chất lượng tour, họ thấy nó không giống như những gì mà công ty quảng cáo, chất lượng phòng ở thấp, đồ ăn chưa đủ chất lượng, khách du lịch muốn quay về hay muốn đổi địa điểm nghỉ ngơi,…
Khi xảy ra các tình huống này, bạn phải hết sức bình tĩnh, nhắc nhở rằng, mình là người chuyên nghiệp. Cần đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nếu cảm thấy vấn đề này nằm ngoài khả năng bạn có thể xử lý, cần liên hệ lại ngay với phía công ty để có các giải pháp hiệu quả. Về vấn đề phàn nàn của khách, bạn cần gặp khách hàng để trao đổi trực tiếp với họ, cho họ thấy được phía công ty rất quan tâm đến điều này và đưa ra các phương án tối ưu nhất cho khách hàng. Bạn phải cho khách hàng thấy thái độ tiếp thu phản hồi và lưu ý để báo cáo lại với công ty.
Sau quá trình dẫn tour, hướng dẫn viên cần khai thác về mức độ hài lòng của khách hàng; giúp cho công ty cũng như hướng dẫn viên cải thiện được những thiếu sót của bản thân; giúp hướng dẫn viên hoàn thiện hơn về kỹ năng dẫn tour, công ty nâng cao hơn chất lượng dịch vụ cung cấp đến khách hàng.
Xem thêm: Hướng dẫn viên du lịch học trường nào là tốt nhất? Thi ngành nào?
3. Kỹ năng để trở thành hướng dẫn viên du lịch
Hướng dẫn viên phù hợp đối với các bạn yêu thích việc tìm hiểu, khám phá các vùng đất mới, có kiến thức chuyên môn vững vàng, có sự tìm hiểu sâu sắc về các nền văn hoá khác nhau; đặc biệt, vì là công việc di chuyển nhiều, nên vấn đề về sức khỏe cũng là một trong các yếu tố vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, hướng dẫn viên còn phải có khả năng giao tiếp tốt, có kỹ năng lên kế hoạch, phân bổ thời gian hợp lý; có tố chất của người lãnh đạo; giải quyết vấn đề hiệu quả. Công việc này không yêu cầu về ngoại hình mà tập trung hơn vào các yếu tố như giọng nói, kiến thức cũng như sự hài hước. Và một kỹ năng không thể thiếu đó là khả năng xử lí tình huống, sự linh hoạt nhanh nhạy trong cách xử lí của hướng dẫn viên sẽ giúp làm chủ tình thế trong các tình huống bất ngờ.
Hướng dẫn viên du lịch có thể làm việc tự do hay đầu quân cho các công ty về du lịch, lữ hành, các doanh nghiệp liên quan đến nghiên cứu, bảo tồn, khu di tích lịch sử,…
Hướng dẫn viên du lịch thường có mức lương cứng/ lương cơ bản trong khoảng từ 4 triệu đồng – 9 triệu đồng/tháng; chưa kể các khoản phí đi kèm cộng tiền “bo” của khách du lịch. Tùy theo khu vực dẫn (nội địa hay nước ngoài), kinh nghiệm dẫn, hướng dẫn viên sẽ có các mức lương khác nhau.
Trên đây là bài chia sẻ của tôi về “Công việc của hướng dẫn viên du lịch là gì? Kỹ năng cần có?”, hy vọng bài viết mang đến bạn thông tin hữu ích trong quá trình bạn tìm hiểu về công việc của hướng dẫn viên du lịch.