HOẠT ĐỘNG VÀ NHÂN CÁCH
Hoạt động.
Khái niệm hoạt động:
Khái niệm của Triết học: hoạt động là quan hệ biện chứng của chủ thể với khách thể bao gồm:
Quá trình khách thể hoá: chủ thể chuyển những đặc điểm của mình vào đối tượng.
Quá trình chủ thể hoá khách thể: chủ thể tiếp thu những đặc điểm của khách thể vào năng lực của bản thân.
Khái niệm của Sinh lí học: hoạt động là sự tiêu hao năng lượng thần kinh và cơ bắp của con người khi tác động vào hiện thực khách quan.
Tâm lí học: hoạt động là phương thức tồn tại của con người bằng cách tác động vào đối tượng, tạo ra sản phẩm nhằm thoả mãn những nhu cầu (trực tiếp/gián tiếp) của bản thân và xã hội.
Hoạt động là sự thể hiện mối quan hệ của con người với môi trường xung quanh.
Hoạt đông luôn nhằm thỏa mãn nhu cầu nhất định.
Các loại hoạt động:
Về phương diện cá thể, có thể chia thành các loại hoạt động:
Vui chơi.
Học tập.
Lao động.
Về phương diện sản phẩm, có thể chia thành:
Hoạt động thực tiễn: tạo ra sản phẩm vật chất; gọi là hoạt động bên ngoài.
Hoạt động lí luận: tạo ra sản phẩm tinh thần; còn gọi là hoạt động bên trong.
Dạng hoạt động thứ nhất tác động vào sự vật nhằm biến đổi sự vật.
Dạng hoạt động thứ hai không làm biến đổi vật thể tại vật thể.
Cách chia khác:
Hoạt động biến đổi: dạng điển hình là lao động. Tuy nhiên hoạt động biến đổi còn bao hàm cả biến đổi xã hội:
Hoạt động xã hội – chính trị.
Hoạt động quản lí (xã hội, kinh tế, khoa học v.v.).
Hoạt động biến đổi con người.
Hoạt động nhận thức: là một dạng hoạt động tinh thần, không làm biến đổi các vật thể thực, quan hệ thực. Nó chỉ phản ánh các sự vật, quan hệ bằng các biểu tượng, khái niệm, hình ảnh… Hoạt động nhận thức có cả ở mức độ kinh nghiệm thực tiễn, có cả ở mức độ lí luận khoa học.
Hoạt động định hướng giá trị: là một dạng hoạt động tinh thần, xác định ý nghĩa của thực tại đối với bản thân.
Cấu trúc của hoạt động:
Theo các nhà tâm lí học Mác Xit, có thể phân tích hoạt động thành các thành tố cấu thành.
Hình 6.1: Cấu trúc của hoạt động.
Mỗi hoạt động của con người được thúc đẩy bởi một hay một số động cơ. Đơn vị của hoạt động là hành động. Hành động nhằm đạt được mục đích nhất định. Trong một hoàn cảnh cụ thể, hành động được thực hiện bởi một loạt các thao tác. Kết quả cuối cùng là sản phẩm của hoạt động.
Ví dụ: hoạt động học tập của sinh viên được thúc đẩy bởi động cơ nghề nghiệp (và có thể có cả các động cơ cá nhân khác). Hoạt động học tập được chia nhỏ thành các hành động nhằm đạt được từng mục tiêu cụ thể trên đường đi tới đích cuối cùng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng cấu trúc của hoạt động là rất linh hoạt. Việc phân biệt, ví dụ động cơ với mục đích cũng chỉ mang tính tương đối.
Các loại nhu cầu của con người:
Nhu cầu là sự đòi hỏi tất yếu, khách quan, là sự cần thiết về một cái gì đó cần được thỏa mãn. Chính mọi hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó nên các nhu cầu của con người, được tập hợp lại trong một hệ thống nhất định, đóng vai trò là động cơ thúc đẩy mọi hoạt động.
Nhu cầu của con người rất đa dạng. Tuy nhiên cũng có thể chia thành 2 nhóm chính là nhu cầu (mang tính) sinh học và nhu cầu (mang tính) xã hội. Hoặc cũng có thể chia thành nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần.
Nhu cầu sinh học/sinh lí: là những nhu cầu cần để duy trì sự tồn tại của cơ thể người. Ví dụ: nhu cầu về ăn, uống, nhu cầu tình dục.
Nhu cầu vật chất: là những đòi hỏi về vật chất.
Nhu cầu tinh thần: rất đa dạng và phong phú. Đó là những nhu cầu về đạo đức, thẩm mĩ, nhu cầu về nhận thức và giao tiếp, nhu cầu lao động cũng như các hoạt động xã hội.
Maslow, một nhà tâm lí học Mĩ xếp nhu cầu của con người thành 5 bậc:
Hình 6.2: Sơ đồ thứ bậc nhu cầu của Maslow.
Một điều không kém phần quan trọng là khi xem xét hành động/hành vi của con người, cần phải xét xem những hành động/hoạt động đó do động cơ gì. Nói cách khác là cần quan tâm đến lĩnh vực động cơ – nhu cầu của mỗi con người.
Kĩ năng, kĩ xảo và thói quen:
Hành động tự động hoá: là những hành động vốn lúc đầu có sự kiểm soát mạnh mẽ của ý thức sau do lặp đi lặp lại nhiều lần, trở thành tự động. Vai trò kiểm soát của ý thức đối với hành động tự động hoá chỉ ở mức độ tối thiểu, công việc này chủ yếu dành cho vô thức. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì bất thường, ý thức lại dành quyền kiểm soát, điều hành hành động.
Kĩ năng và kĩ xảo: kĩ năng là khả năng vận dụng những tri thức vào thực tiễn. Khi nào kĩ năng được luyện tập thường xuyên trở thành tự động hoá, khi đó trở thành kĩ xảo.
Thói quen: là những hành động đã được tự động hoá và trở thành nhu cầu của con người. Ví dụ: thói quen rửa tay trước khi ăn.
Nhân cách.
Một số khái niệm:
Con người: thực thể tự nhiên (động vật có vú) và là thực thể xã hội (chủ thể của các hoạt động cá nhân và xã hội). Con người là một sáng tạo mới của lịch sử.
Cá nhân: đại diện cho loài người, bất kì một con người nào tồn tại trong mỗi cộng đồng.
Cá tính: mỗi cá nhân khác nhau về thể tạng, kiểu loại thần kinh cũng như về tính cách, nhu cầu, tình cảm… Những đặc điểm riêng của cá nhân được bộc lộ trong các mối quan hệ, trong cuộc sống theo kiểu riêng biệt, không trùng lặp với ai được gọi là cá tính. Cá tính nói lên bản sắc cá nhân của mỗi con người.
+ Nhân cách: là tổ hợp những đặc điểm, thuộc tính tâm lí của mỗi cá nhân, biểu hiện bản sắc, giá trị xã hội của con người đó.
Theo tiếng Việt: nhân – người, cách – cách thức, cách lối, cốt cách. Nhân cách: đó là cách thức, cách lối làm người.
Nhân cách: cấu tạo tâm lí mới, có khả năng tự điều chỉnh, có cấu trúc phức
tạp.
Cấu trúc của nhân cách:
Cấu trúc theo kiểu, loại:
Phân kiểu dựa theo khí chất ưu thế:
Kiểu nhân cách nóng nảy: đây là nhân cách của người có kiểu thần kinh mạnh, không cân bằng, hưng phấn mạnh hơn ức chế. Họ là những người nhanh thay đổi khí sắc, yêu, ghét rõ ràng, bộc trực, thẳng thắn, dễ nổi nóng, chú ý đến những cái lớn. Họ là người dễ có sáng kiến song kém bền bỉ trong công việc.
Kiểu nhân cách bình thản: kiểu thần kinh của nhân cách dạng này là mạnh, cân bằng, không linh hoạt. Các mối quan hệ của họ không rộng, hình thành chậm nhưng bền. Trong công việc họ chậm nhưng chắc, có khả năng thực hiện công việc một cách bền bỉ.
Kiểu nhân cách hăng hái, sôi nổi: đây là kiểu nhân cách tương ứng với kiểu thần kinh mạnh, cân bằng, linh hoạt. Người có kiểu nhân cách này là người hăng hái trong công việc, dễ thích nghi với hoàn cảnh mới, các mối quan hệ rộng. Tuy nhiên tình cảm của họ thường không sâu bền, dễ bắt tay vào công việc song cũng dễ rút lui.
Kiểu nhân cách ưu tư: cơ sở thần kinh của kiểu nhân cách này là kiểu thần kinh yếu, ức chế mạnh hơn hưng phấn. Họ là người nhạy cảm, tinh tế, dễ xúc động, các quyết định thường dựa trên tình cảm. Quan hệ hẹp nhưng sâu và bền. Tuy nhiên họ thường khó thích nghi với cái mới, nhút nhát và kém quyết đoán.
Phân kiểu dựa theo mẫu hành vi ưu thế:
Hiện nay trong nhiều tài liệu tâm lí lâm sàng đề cập đến cách phân kiểu nhân cách dựa vào mẫu hành vi nổi bật của Friedman A. và Roseman:
Nhân cách týp A có 3 đặc điểm nổi bật là:
Nhanh chóng trong hành động.
Quan tâm đến nghề nghiệp rõ rệt.
Có tinh thần cạnh tranh.
Những người này thường có tỉ lệ mắc bệnh động mạch vành cao hơn (dao động từ 30% – 70% tùy theo từng nghiên cứu) so với tỉ lệ chung.
Nhân cách týp B có những đặc điểm nổi bật:
Có thái độ rút lui trong hành động.
Thường hay thay đổi ý thích.
Kiểu A: người hăng hái, có tính ganh đua rất cao; kiểu B: ngược lại.
Kiểu nhân cách hướng nội, hướng ngoại:
Người hướng ngoại điển hình: là người cởi mở, giao tiếp rộng, có nhiều bạn, người quen. Họ hành động dưới ảnh hưởng chốc lát, có tính chất xung động, vô tâm, lạc quan, thích vận động và hành động. Tình cảm và cảm xúc của họ không được kiểm soát chặt chẽ.
Người hướng nội điển hình: là người điềm tĩnh, rụt rè, nội quan, hay giữ kẽ, ít tiếp xúc, giao tiếp với mọi người, trừ những bạn bè thân. Họ có khuynh hướng muốn hoạch định kế hoạch hành động. Không thích sự kích động, làm công việc hàng ngày với tinh thần nghiêm túc, thích trật tự, ngăn nắp. Kiểm soát chặt chẽ cảm xúc tình cảm của mình, không dễ dàng buông thả.
Cấu trúc ba khối: Cái Nó – Cái Tôi, Siêu tôi:
Nhân cách, theo Freud, gồm 3 bộ phận, 3 “con người” bé nhỏ: Cái Nó (Id); cái Tôi “Ego” và cái Siêu tôi (Super Ego).
Cái Nó: đây là con người của bản năng, đòi hỏi thoả mãn mọi nhu cầu và phải thoả mãn ngay lập tức. Ví dụ, khi đói, con người bản năng này thúc đẩy cơ thể phải có những hành động để thoả mãn cái đói. Trong thành phần của Cái nó chỉ có vô thức.
Cái Tôi – con người của hiện thực: không thể thoả mãn nhu cầu bằng mọi giá mà cần phải tính đến hoàn cảnh hiện thực. Phần nhân cách Cái Tôi thực hiện các hoạt động chống lại Cái Nó bằng cách giành quyền làm chủ các ham muốn, quyết định xem những đòi hỏi ấy có thể được thoả mãn hay không? phải trì hoãn đến thời điểm khác hay phải loại bỏ hoàn toàn? Freud đã ví Cái Nó như con ngựa, thích chạy hướng nào tùy thích. Tuy nhiên cần phải có người kiểm soát con ngựa đó. Cái Tôi đóng vai trò kị sĩ để điều khiển con ngựa Cái Nó.
Trong thành phần của mình, cái Tôi chứa chủ yếu là ý thức. Vô thức cũng có nhưng chiếm tỉ lệ nhỏ.
Siêu tôi – con người xã hội: con người sống trong xã hội và cần phải thể hiện mình theo những yêu cầu về đạo đức, pháp luật, những yêu cầu mà xã hội đòi hỏi. Cũng là đói, cũng là có thức ăn song người ta đã dạy rằng có những “miếng ăn là miếng nhục”. Trong một chừng mực nào đó, Siêu tôi còn được gọi là con người lí tưởng bởi nó là bộ phận luôn thúc đẩy con người tới hoàn thiện.
Cấu trúc yếu tố:
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: trong mỗi nhân cách có các yếu tố khác nhau, cấu thành khác nhau. Tuy nhiên số lượng yếu tố được đưa ra lại không giống nhau.
Nhân cách bao gồm 4 nhóm thuộc tính chính. Mô hình nay đang được đề cập nhiều trong các giáo trình tâm lí học trong nước:
Xu hướng: đó là hệ thống những động cơ, mục đích thúc đẩy, quy định tính lựa chọn thái độ và tính tích cực của con người. Xu hướng bao gồm một hệ thống các nhu cầu, hứng thú, niềm tin, thế giới quan, lí tưởng tác động qua lại và liên hệ mật thiết với nhau.
Tính cách: hệ thống thái độ, hành vi của con người đối với mọi người xung quanh, đối với xã hội và đối với bản thân.
Khí chất: nói về động thái (cường độ, nhịp độ..) của các hiện tượng tâm lí cá nhân.
Năng lực: hệ thống các khả năng đảm bảo cho kết quả của các hoạt động.
Nhân cách bao gồm 2 yếu tố chính: yếu tố hướng nội, hướng ngoại và yếu tố tính ổn định thần kinh. Hai yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên kiểu nhân cách. Mô hình 2 yếu tố này về cơ bản, tương thích với mô hình dựa theo khí chất.
Nhân cách bao gồm 16 yếu tố. Đây là mô hình do Cattell đề xuất trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn.
Mô hình 5 yếu tố: đây là mô hình đang được ưa dùng hiện nay. Năm yếu tố gồm:
Tính ổn định thần kinh: lo âu, thù địch, trầm cảm, tự ý thức, xung động, tính dễ bị tổn thương.
Tính hướng ngoại: thân thiện, thích giao thiệp, tính quyết đoán, tích cực hoạt động, tìm kiếm sự kích thích, cảm xúc tích cực.
Tính mở đối với hiểu biết: trí tưởng tượng, óc thẩm mĩ, nhạy cảm, hành động, ý tưởng, giá trị.
Tính dễ chịu: chân thành, thẳng thắn, vị tha, phục tùng, khiêm tốn, nhân hậu.
Tính ý thức: năng lực, trật tự, trách nhiệm, nỗ lực thành đạt, tự giác, thận trọng.
Cấu trúc hai mặt đức tài:
Đây là mô hình truyền thống ở trong nước, các nhà tâm lí học đã đúc kết lại:
Đức (Phẩm chất)
Tài (Năng lực)
Phẩm chất xã hội/đạo đức -chính trị
Thế giới quan, niềm tin, lí tưởng, lập trường, thái độ chính trị, thái độ lao động…
Năng lực xã hội hoá: khả năng thích ứng, cơ động, linh hoạt, mềm dẻo trong cuộc sống xã hội.
Phẩm chất cá nhân/đạo đức tư cách: các nết, thói, thú (ham muốn)
Năng lực chủ thể hoá: khả năng thể hiện tính đọc đáo, đặc sắc, thể hiện cái riêng của cá nhân.
Phẩm chất ý chí: tính kỉ luật, tính tự chủ, tính mục đích, tính phê phán…
Năng lực hành động: khả năng hành động có mục đích, chủ động, tích cực.
Cung cách ứng xử: tác phong, lễ tiết…
Năng lực giao tiếp: khả năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ…
(Nguồn: Phạm Minh Hạc, Lê Khanh, Trần Trọng Thuỷ, 1988).
Các con đường hình thành nhân cách.
Nhân cách con người không được sinh ra mà là được hình thành. Trong quá trình hình thành nhân cách thì giáo dục, hoạt động, giao tiếp và tập thể có vai trò quyết định và tạo ra những con đường cơ bản nhất.
Giáo dục:
Giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của nhân cách.
Giáo dục: toàn bộ các tác động sư phạm trực tiếp và gián tiếp, trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội. Theo nghĩa hẹp, giáo dục thường được hiểu là quá trình tác động tới thế hệ trẻ về mặt tư tưởng, đạo đức, hành vi.
Giáo dục vạch ra chiều hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách.
Giáo dục có thể đem lại những cái mà yếu tố bẩm sinh – di truyền hoặc môi trường tự nhiên không thể đem lại được: học tập, học nghề…
Giáo dục bù đắp những thiếu hụt do bệnh tật.
Giáo dục có thể uốn nắn, điều chỉnh những phẩm chất tâm lí xấu.
Giáo dục có thể đi trước hiện thực.
Hoạt động:
Tâm lí được hình thành và thể hiện trong hoạt động: thông qua hoạt động và bằng hoạt động, chủ thể thực hiện quá trình kép – nhập tâm và xuất tâm. Bằng hoạt động và thông qua hoạt động con người lĩnh hội cũng như truyền đạt kinh nghiệm xã hội – lịch sử.
Giao tiếp:
Giao tiếp là điều kiện để con người thực hiện các hoạt động cùng nhau, nhằm lĩnh hội kinh nghiệm xã hội – lịch sử.
Giao tiếp là con đường để loài người thực hiện di truyền xã hội. Nhờ có giao tiếp, con người có thể nhận thức được thế giới, nhận thức được chính bản thân.
Tập thể:
Mọi sự giao tiếp của con người đều diễn ra trong nhóm. Các tổ chức, hoạt động của nhóm đều là điều kiện cho sự hình thành nhân cách của con người.