HH – Mỗi khi năm hết tết đến là bác Hà Sỹ Phu lại chiêu đãi anh em cộng đồng mạng món đặc sản là các câu đối rất thú vị. Năm nay bác cũng trình làng những câu đối mừng Tết Giáp Ngọ rất hay trên trang Bauxite.
Nhân dịp này bác Hà Sỹ Phu cũng giới thiệu một câu đối cổ về Con Ngựa mà bác chưa thấy ai có vế đáp tương xứng.
Trước hết xin được trân trọng trích nguyên văn lời giới thiệu của bác Hà Sỹ Phu về vế đối cổ này và sau đó chủ blog này cũng xin “múa rìu qua mắt thợ” đưa ra một vế đáp không dám nói là tương xứng:
1) Lời giới thiệu của Hà Sỹ Phu:
Một vế đối cổ về Con Ngựa chưa có vế đáp tương xứng
Để giúp bạn đọc thư giãn, ra khỏi không khí đau đầu của thời sự, nay xin trở về với một vế đối rất cổ, cũng về CON NGỰA, hết sức tào lao nhưng bao thế kỷ trôi qua vẫn không ai có vế đối đáp cho tương xứng. Vế đối này nhiều người chúng ta đã biết từ khi vào cấp trung học, nói về một con ngựa (bằng xương bằng thịt) đá nhau với một con ngựa bằng đá, tất nhiên đây là cuộc chiến một chiều, vì con ngựa bằng đá thì đá sao được? Vế xuất đối như sau:
* Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa!
Đã có người đối rằng: Thằng mù nhìn thằng mù-nhìn (bù nhìn), thằng mù-nhìn không nhìn thằng mù! Cũng rất giỏi nhưng còn gượng ép, vì phải gọi con bù-nhìn bằng rơm là “mù nhìn”, và người mù thì còn nhìn gì gì nữa?
Câu xuất đối quá khó vì mẹo điệp ngữ, trong 13 chữ mà có 4 chữ thằng, 4 chữ mù, 4 chữ nhìn.
Nhưng nếu vượt qua được mẹo điệp ngữ thì còn vấn đề gay go hơn là ý nghĩa của vế đối. Thoạt nghe thì tưởng tào lao, nhưng hãy suy nghĩ một chút sẽ thấy không đơn giản. Con ngựa đá tuy cũng là ngựa nhưng chẳng phải làm việc vất vả lại được ngồi chễm trệ nơi tôn nghiêm hoặc đứng chắn nơi giao thông (như kiểu cảnh sát giao thông hay canh gác lăng mộ), lại được người ta thờ cúng khấn vái, vì thế con ngựa đang vất vả cảm thấy bực mình mà co cẳng đá một cú cho bõ ghét chăng? Hoặc nó thấy sự tôn vinh ngựa thành thần tượng là vô vị, là chuốc khổ cho ngựa? Hay vế đối muốn ám chỉ sự đấm đá lẫn nhau trong đám “ngựa trong một chuồng” của xã hội lúc bấy giờ? (Ngựa thật thì “một con ngựa đau cả tàu nhịn ăn” chứ thứ Ngựa người này thì ngược lại).
Như trên đã nói, ngựa đánh nhau không có gì khốc liệt kiểu “một mất một còn” như con người thời đấu tranh giai cấp, nhưng con nào thua cũng mất quyền lợi chứ, ví dụ phải ngồi nhấm nháp vết thương, nhìn con “thắng cuộc” mây mưa với bạn gái chẳng hạn? Không phải cứ giết nhau thật mới nguy hiểm, tỷ dụ như chỉ đấu tranh bằng “phê và tự phê” thôi mà cũng có anh suýt bật khóc, nhiều đêm mất ngủ vì sợ gây oán thù đấy thôi?
Tóm lại là vế xuất đối thật hóc hiểm, nhiều thế kỷ không ai đối được là phải. Nhưng biết đâu đấy, thời thế tạo anh hùng, trước cuộc “đua ngựa” hấp dẫn hiện nay, biết đâu Tết Con Ngựa 2014 này lại chẳng có một “đối sĩ” vô địch, tức cảnh xuất chiêu?
Tại hạ thật sự cầu mong.
Cuối cùng, xin chúc những ngày Tết Con Ngựa 2014 cũng phi nhanh, phi mạnh, phi vững chắc lên chỗ “nhanh nhiều tốt rẻ” để bà con đi chợ khỏi phải khổ sở băn khoăn cân nhắc túi tiền quá đỗi trước nạn giá cả đang rất chi là… PHI MÃ!
Kính chào.
Những ngày đón Xuân Giáp Ngọ
HSP
2) 2) Vế đáp của Blogger Hà Hiển:
* Con gà mổ con gà mổ, con gà mổ không mổ con gà!
Vế này nói về một con gà (vẫn còn sống) mổ một con gà đã bị mổ thịt, đây cũng là cuộc chiến một chiều, vì con gà đã bị mổ bụng thì làm sao mổ lại được con gà đang sống. Những chữ “mổ” ở đây, tùy theo vị trí của chúng, có 2 nghĩa khác nhau – nghĩa thứ nhất là hành động dùng mỏ để “mổ” của con gà nói riêng và của loài chim nói chung (như mổ gạo, mổ thóc, và trong trường hợp này là “mổ nhau”), nghĩa thứ hai là bản thân chúng bị mổ thịt.
Vế đáp này không hay lắm vì nói “con gà mổ” ở cuối mệnh đề thứ nhất và đầu mệnh đề thứ hai của nó là cách nói tắt. Nói cho đúng ngữ pháp chính thống chắc phải là “con gà bị mổ”. Nhưng với khẩu ngữ bây giờ thì người ta hay nói tắt như vậy, chẳng hạn như người ta nói “con gà thiến” chứ không hay nói “con gà bị thiến”, “con chó thui” chứ không hay nói “con chó bị thui”, hoặc “giống bò thịt” để chỉ giống bò được nuôi để (người) ăn thịt, v.v… Những chữ “thiến”, “thui” hay “thịt”, cũng như chữ “mổ” trong cụm từ “gà (bị) mổ” ở trên có chức năng cú pháp như các tính động từ mang nghĩa bị động (tức là “bị thiến”, “bị thui”, “bị thịt”, “bị mổ”…).
Về ý nghĩa, vế đáp này cho thấy sự tàn ác và hèn hạ trong đối xử với đồng loại của… con gà. Điều này cũng xảy ra với con người thời đấu tranh giai cấp (chữ của bác HSP) – khi người ta gặp hoạn nạn, đã không thương cảm vì cũng cùng thân phận với nhau mà lại còn lợi dụng hoàn cảnh nhảy vào “đấu tố” hoặc “đánh đấm” thêm để “dấy máu ăn phần”…
Đối đáp cho vui ngày Tết vậy thôi chứ vế đáp này còn lâu mới sánh được vế đối cổ “con ngựa đá con ngựa đá…”. Mình cũng hy vọng như bác Hà Sỹ Phu rằng “trước cuộc ‘đua ngựa’ hấp dẫn hiện nay, biết đâu Tết Con Ngựa 2014 này lại chẳng có một “đối sĩ” vô địch, tức cảnh xuất chiêu?”…