Ba tiếng “nghĩa đồng bào” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều giữa những ngày đất nước căng mình chống đại dịch. Cái nghĩa, cái tình mỗi khi đất nước gặp khó khăn lại được phát huy mạnh mẽ, đó cũng là truyền thống quý báu của dân tộc ta !
Cụ bà gần 90 tuổi Huỳnh Thị Én, ở xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, cùng gia đình nấu hàng trăm suất ăn sáng gửi đến người dân đang cách ly trên địa bàn.
Nhớ chuyện thời chiến !
Chúng tôi tìm gặp những cô chú đã ở tuổi xưa nay hiếm, từng sống qua những năm chiến tranh ác liệt, có những khoảnh khắc sự sống – cái chết chỉ là lằn ranh mỏng manh, ấy vậy mà khi đất nước cần, khi quê hương lên tiếng gọi, các mẹ, các chị, các cô chú thời đó lên đường, hiến cả thanh xuân cho ngày hòa bình. Đó là câu chuyện không của riêng ai, mỗi người đều vì nghĩa lớn mà hành động.
Ông Sáu Kỷ (Trần Văn Kỷ), nguyên Tham mưu trưởng Thị đội Vị Thanh, một trong những người từng tham gia giải phóng thị xã Vị Thanh năm xưa, mỗi khi có dịp gặp gỡ đồng chí, đồng đội hay nhắc đến chuyện đồng bào đã luôn sát cánh cùng cách mạng. Ông từng kể: Ngày xưa đi chiến đấu gian nan lắm, kể ra một vài câu không mường tượng hết được. Những năm tháng đó dân mình hết lòng với cách mạng, một lòng mong cho đất nước sớm có ngày toàn thắng, bà con sẵn sàng đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, chính tình yêu thương, nghĩa tình của đồng bào mình, đã giúp đánh đuổi quân thù.
Những câu chuyện các Mẹ Việt Nam anh hùng thường xuyên nấu cơm dư chờ bộ đội hành quân ngang nhà ăn lấy sức, những gia đình đào hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn giúp quân ta trốn vây ráp của kẻ thù, sẵn sàng chịu đánh đập nhưng không khai một lời trước nghi ngờ, bắt bớ của bọn tay sai, rồi những câu chuyện không ngại hiểm nguy chèo xuồng tải vũ khí cho quân ta… tất cả đã góp phần cho ngày toàn thắng, để non sông nước Việt Nam liền một dãy.
Những điều đó dệt lên những câu chuyện đẹp về nghĩa đồng bào, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trải dài từ những năm kháng chiến cho đến tận hôm nay. Nghĩa đồng bào cũng là lòng yêu nước của mỗi người con yêu nước Việt Nam, điều đó đã được dệt lên ngày càng sắc nét, mỗi khi đất nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta…”.
Thời bình: Cái nghĩa, cái tình càng được phát huy
Những điều mang đậm dấu ấn truyền thống đó đã thật sự lan tỏa khi đất nước cần, nhất là những tháng ngày Việt Nam oằn mình trước đại dịch Covid-19. Người dân Hậu Giang nói riêng và đồng bào cả nước nói chung, đã có những việc làm, hành động cao cả, nói lên trọn nghĩa tình trong gian khó.
Nhắc lại những ngày cách ly tập trung từ đầu tháng 10, chị Trần Mỹ Linh, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Không riêng gì mình mà tất cả người cách ly chung tại một điểm trường mẫu giáo ở xã Nhơn Nghĩa A đều rất cảm ơn tấm lòng của mạnh thường quân, cá nhân, tổ chức đã nấu cơm, cháo miễn phí hỗ trợ những ngày cách ly, đặc biệt là HĐND, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ 100% chi phí cách ly cho chúng tôi, khi nhớ lại vẫn còn vui trong bụng”.
Chia sẻ của chị Mỹ Linh cũng là suy nghĩ chung của nhiều người dân từ các tỉnh, thành trở về quê nhà Hậu Giang trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp. Quê hương không bỏ ai, nên bà con về dù trong giai đoạn rất khó khăn, áp lực lớn cả về cách ly lẫn công tác phòng, chống dịch, nhưng tỉnh nhà đã chăm lo chu đáo trong khả năng có thể.
Ông Võ Văn Út (Út Mười Hai), ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, đã vận chuyển hàng chục tấn nông sản gửi đến đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh nhà và chuyển đến người dân các tỉnh, thành lân cận. Ban đầu ông tự bỏ tiền túi thu mua để gửi tặng, dần dà bà con thấy ông làm việc ý nghĩa nên hợp sức lại, người tặng món này, người gửi vật kia, thế là có những chuyến xe ý nghĩa vận chuyển quà cho bà con vùng khó khăn do dịch bệnh, địa bàn phong tỏa. Ông Út bộc bạch: “Ai cũng làm chứ có phải riêng mình đâu, dịch bệnh khó khăn, giúp được gì thì hết lòng, nghèo tiền nghèo bạc chứ nhân ái, nhân nghĩa ở đời không có nghèo”.
Còn ông Huỳnh Kỳ Minh, ở ấp 2, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, bỏ tiền túi mua 8kg hạt rau muống gieo hết 1 công đất vườn nhà dành tặng bà con vùng dịch Thành phố Hồ Chí Minh. Với ông, đây là chuyện làm nhỏ, nhưng với bà con xung quanh, nhất là đồng bào ở “tâm dịch” phía Nam trong đợt dịch thứ 4, thì là hành động mang ý nghĩa lớn, cho thấy sự lan tỏa của những điển hình làm chuyện tử tế trong cộng đồng.
Mỗi khi nhắc lại, sẽ không thể quên cụ bà gần 90 tuổi Huỳnh Thị Én, ở xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, cùng gia đình nấu hàng trăm suất ăn sáng gửi đến người dân đang cách ly trên địa bàn; Đại đức Thích Quảng Nguyên, trụ trì chùa Bảo Tịnh, phường VII, thành phố Vị Thanh, trong màu áo nâu sòng đi làm việc thiện nguyện ở nhiều khu cách ly tập trung, các bệnh viện, trung tâm y tế, những nơi phong tỏa trên địa bàn Tỉnh; rồi hình ảnh những màu áo xanh của tuổi trẻ lặn lội về những vùng quê đang phong tỏa, liên kết với chính quyền địa phương chở nông sản đến kỳ thu hoạch bán giùm cho bà con, những cá nhân ngày đêm nấu ăn miễn phí cho các khu cách ly, để bà con có những bữa cơm ấm lòng.
Đại đức Thích Quảng Nguyên, trụ trì chùa Bảo Tịnh, có một hành trình dài với những việc làm thiện nguyện ý nghĩa, nhất là khi đại dịch diễn biến phức tạp.
Đại dịch xuất hiện, làm đảo lộn cuộc sống và mọi hoạt động khác, nhưng niềm tin chiến thắng dịch bệnh vẫn giữ vững, vì có những tấm lòng với những việc làm đầy trân quý. Làm thiện nguyện đã đáng trân trọng, nhưng làm những việc vì đồng bào trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành thì càng ý nghĩa hơn. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn tỉnh có trên 2.200 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công và thân nhân người có công với cách mạng trong vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ tiền ăn. Ngoài ra, Tỉnh đã hỗ trợ cho 6.330 hộ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, mỗi hộ 1 triệu đồng; hỗ trợ 95.000 suất ăn, 3.333 phần quà theo Chương trình “Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19”; đóng góp hàng tỉ đồng vào quỹ phòng, chống dịch, hỗ trợ mua vắc-xin phòng Covid-19…
Chỉ riêng những số liệu trên đã cho thấy: Trong cuộc chiến chống đại dịch, không một ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người nghèo, người yếu thế. Sẽ không thể nào thống kê trọn vẹn hết số lượng, kinh phí của cả cộng đồng đã đóng góp trong những ngày đại dịch, chỉ biết rằng đó là con số rất lớn và một điều lớn lao hơn đã được nhắc đến. Đó là tình yêu thương, tình đoàn kết, là nghĩa đồng bào…
Trong câu chuyện nghĩa tình này, vừa mang màu sắc cá nhân rõ nét, khi người người cùng làm việc ý nghĩa nhưng cũng mang một nét đẹp chung cộng đồng, nét đẹp đậm chất người Việt Nam – trong khó khăn, gian khổ vẫn luôn nắm tay nhau, đoàn kết để vượt qua.
HOÀNG NGUYÊN