Trước khi các tôn giáo lớn định hình trên mảnh đất hình chữ S, người Việt đã phát triển tín ngưỡng của riêng mình. Ngoài thờ gia tiên, tổ nghề, các anh hùng chống ngoại xâm…, tục thờ bốn vị Thánh bất tử là Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Bà Chúa Liễu có nhiều nét vô cùng độc đáo.
Phủ Tây Hồ thờ bà Chúa Liễu Hạnh (Nguồn: Trang Thăng Long Hà Nội)
Tản Viên biểu hiện ước vọng chiến thắng thiên tai, lũ lụt; Thánh Gióng kết tinh ý chí chống giặc ngoại xâm; Chử Đồng Tử tượng trưng cho tình yêu; Bà Chúa Liễu biểu hiện cho cuộc sống phồn vinh, phong phú về tinh thần.
Truyền thuyết đồng bằng Bắc bộ kể rằng Thánh Tản vốn là một nông dân dũng cảm, nhân hậu, thiên phú hùng tài, trở thành Sơn thần, thủ lĩnh của muôn loài, gọi là Sơn Tinh, thường dạy dân làm ruộng, săn bắn, kéo vó, luyện võ và mở hội. Đối lập với Sơn Tinh là Thủy Tinh, vị ác thần cai quản các loài thủy tộc thường dâng nước tràn lên cướp phá mùa màng, cầm thú, làm hại dân lành. Hùng Vương – vị vua của các bộ lạc Việt, mở cuộc thi tài kén rể cho công chúa Mỵ Nương. Sơn Tinh thắng, được Vua Hùng gả con gái. Thủy Tinh thua, đem hận dâng nước lũ và xua thủy quái đánh phá. Sơn Tinh cùng thần dân và các loài vật trên đất liền chống chọi quyết liệt. Nước càng dâng thì núi lại càng cao. Thủy Tinh bại trận.
Cuộc chiến đấu chống Thủy Tinh của Sơn Tinh và muôn loài phản ánh lịch sử tự nhiên của một đất nước lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, quanh năm chống thiên tai địch họa. Thờ Thánh Tản là tôn thờ và tin cậy vào sức mạnh thiêng liêng, vào đức nhân nghĩa, tin vào nỗ lực sinh tồn của con người.
Tục lệ thờ Đức Thánh Tản có từ rất lâu. Khoảng 250 năm trước Công Nguyên, An Dương Vương cho lập đền thờ đức Thánh trên núi Tản Viên, gọi là Đền Thượng, nay thuộc Ba Vì, Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội. Cứ ba năm một lần, vào 15 tháng giêng âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội lớn, với hàng vạn người tham dự. Lễ hội gồm nhiều hoạt động như rước bài vị thánh Tản, đánh cá sông (99 con) làm gỏi dâng tế, lễ rước Thánh bà Mỵ Nương, múa gà, đấu cờ, hát đúm…
Vào ngày hội lễ, nhà Vua hoặc tự thân hoặc cử đại quan tới dâng hương. Ngày nay, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính phủ cũng thường tới dự lễ tại đền chính trên núi Ba Vì, Hà Nội.
Thánh Gióng, vị thánh bất tử thử hai là bản hùng ca thần thoại về sức mạnh vĩ đại của dân tộc trước giặc ngoại xâm. Xuất thân trong một gia đình nông dân, đứa trẻ lên 3 tuổi không biết nói cười, sống trong tình thương của mẹ và bà con ở làng Gióng, ven sông Đuống (nay là làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội). Rồi giặc Ân hung dữ từ phương Bắc tràn tới. Trước nguy cơ diệt vong của dân tộc, đứa trẻ 3 tuổi bỗng cất tiếng đòi đi đánh giặc và vươn mình biến thành một tráng sĩ có sức mạnh tuyệt luân, cầm roi sắt, mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt hí ra lửa, dũng mãnh xông trận. Roi sắt gãy thì nhổ tre đằng ngà làm vũ khí diệt giặc. Lúc thắng trận, quê hương được thái bình, vị anh hùng cởi bỏ giáp trụ, không màng vinh hoa phú quý, lặng lẽ lên đỉnh núi Vệ Linh (núi Sài tại Sóc Sơn, Hà Nội) bay về trời.
Vua Hùng ghi nhận công lao của Ngài, phong danh hiệu Phù Đổng Thiên Vương và cho lập đền thờ tại Vệ Linh. Làng Gióng được đổi tên thành làng Phù Đổng. Hàng năm vào ngày 9 tháng 4 âm lịch, làng tổ chức lễ hội rất long trọng, tái hiện truyền thuyết Thánh Gióng với các hoạt động như tập trận, đấu cờ người… Năm 2010, lễ hội Thánh Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chử Đồng Tử, vị thần bất tử thứ 3, sinh ra ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cha mẹ mất sớm, Chử Đồng Tử sống bằng nghề đánh cá, nghèo đến nỗi không có một mảnh khố che thân. Một hôm, tình cờ thấy thuyền công chúa Tiên Dung – con Vua Hùng đi qua, chàng buộc phải giấu mình trong cát. Nào ngờ, công chúa lại sai người quây màn tắm ngay chỗ trú thân của chàng. Nhờ duyên trời định, Tiên Dung mang lòng yêu và muốn cưới chàng trai nghèo khó. Vua Hùng không thuận, toan bắt Chử trị tội. Chử Đồng Tử và Tiên Dung phải ở lại trong dân, làm mọi nghề sinh sống, rồi đi buôn, gặp kỳ nhân trên Biển Đông truyền dạy tu hành Phật pháp. Hai người đắc đạo thành tiên và bay về trời trở thành Thánh. Tương truyền, vị thánh họ Chử thần thông quảng đại, luôn hiện thân ở chốn trần ai, cứu nhân độ thế, dạy dân buôn bán, chài lưới, nuôi tằm dệt vải, đem lại cuộc sống đủ đầy. Nhân dân lập đền thờ tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, hàng năm tế lễ cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh. Lễ hội chính mở vào trung tuần tháng 2 âm lịch với các hoạt động dân gian đặc sắc như múa rồng, hát, đấu cờ người…
Vị thánh bất tử thứ tư là nữ. Sự tích kể rằng Liễu Hạnh nguyên là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì tinh nghịch làm mẻ một chiếc chén ngọc mà bị đày xuống trần, rồi được Phật Tổ cứu giải và cho đầu thai làm con gái họ Lê ở Phủ Giầy, Vụ Bản, Nam Định. Bà là người công dung ngôn hạnh, được hiển thánh trở thành một vị thần linh thiêng, chuyên phù trợ người lành, đặc biệt là phụ nữ, trẻ thơ, đồng thời thẳng tay trừng trị kẻ ác. Dân nhớ ơn công đức của Bà, lập đền thờ ở nhiều địa phương khác nhau.
Sự tích Bà Chúa Liễu Hạnh phản ánh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tài hoa và đức hạnh, tận tâm tận hiếu, chung thủy tình nghĩa vợ chồng, nhân ái với người nghèo khổ, bảo vệ người lành, trừng trị kẻ ác. Bà được tôn thờ là “Thánh Mẫu linh thiêng – Mẹ của muôn dân.” Thờ Bà Chúa Liễu thể hiện niềm tôn kính người Mẹ vĩ đại, quyền năng và đức độ vô lượng.
Ở Phủ Giầy, quê hương của Bà, một quần thể kiến trúc được xây dựng để thờ cúng. Từ ngày mùng 1 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm diễn ra lễ hội Phủ Giầy nổi tiếng với hàng vạn người tham dự. Ngoài ra, tại Phủ Sòng, Thanh Hóa, có đền Sòng thờ Bà. Lễ chính ở đây rơi vào ngày 3 tháng 3 âm lịch.
Sự tích về bốn vị thánh bất tử không do một ai sáng tác. Chúng được nhân dân ngàn đời thêu dệt. Bốn vị thánh bất tử, độ trì bốn lĩnh vực cốt yếu trong đời sống người dân Việt đã, đang và mãi mãi được tôn thờ. Đó là một nét độc đáo trong tín ngưỡng của người Việt./.