Theo lối thông thường chữ “đạo” có nhiều nghĩa:
Như trong câu Đạo Dương, Đạo Mặc, thời chữ “đạo” gọi là tôn giáo.
Tôn giáo thì chủ nghĩa bên này bên kia khác nhau:
Người thờ lửa cho người thờ nước là sai, người thờ thánh cho người thờ thần là quấy. Thờ tự bất nhất nên nghĩa chữ “đạo” cũng tùy theo đó mà thay đổi, không có tánh thể chắc chắn nhất định; mà đã không nhất định tất nhiên không phải chữ “đạo” nhà Phật.
Còn như trong câu: “đạo làm cha, đạo làm con”, chữ “đạo” nghĩa là bổn phận; thời chữ “đạo” lại thành ra một chi diệp của luân lý; mà luân lý thời tùy theo phong tục mỗi nơi mỗi khác. Như trong xứ ta đối với người chết, chôn cất tử tế, là hiệp với luân lý; bên Ấn Độ thì người chết có nơi phải đem thả xuống dưới sông Hằng mới hiệp với luân lý.
Như vậy chữ “đạo” chỉ về bổn phận, không có tính chất nhất định gì, thì cũng không phải chữ “đạo” nhà Phật. Duy chỉ dùng nghĩa đen chữ “đạo” mới có chỗ nhất định, mới đúng chữ “đạo” nhà Phật. Nghĩa đen chữ “đạo” là đường đi, nhưng còn phải lựa chọn nghĩa lý rõ ràng mới thật là chữ “đạo” nhà Phật.
Đường đi đây là đường đi để cho tâm trí của chúng ta tân hóa dần lên, chớ không phải đường đi của thân thể. Tuy nhiên, lấy cái đường đi của thân thể làm thí dụ cho đường đi của tâm trí, cũng không phải là không xác đáng. Như thân thể ta muốn đi Sài Gòn, trước khi cất chân đi, phải biết tỉnh thành Sài Gòn ở về phía Nam hay phía Bắc. Nếu không biết tỉnh thành Sài Gòn ở hướng nào, mà cất chân đi càn, thời chắc phải sai đường lạc nẻo. Sài Gòn ở về hướng Nam, người muốn đi Sài Gòn tất phải nhắm theo hướng Nam mà đi; nếu muốn vào Nam mà đi về phía Bắc, thời biết khi nào đi cho tới hướng Nam đặng. Về phần tâm trí mình cũng vậy, phải biết chỗ xu hướng của tâm trí mình ở đâu rồi dò con đường thẳng mà tiến hành thì mới có ngày đạt đến mục đích.
Chỗ xu hướng của tâm trí là chỗ nào?
Tính chất người đời ai cũng ưa vui mà ghét buồn, ai cũng ưa lành mà ghét dữ, ai cũng ưa thường mà ghét vô thường, ai cũng ưa thiệt mà ghét giả, thì chỗ vui mà không có buồn, lành mà không có dữ, thường mà không có vô thường, thiệt mà không có giả, chính là chỗ xu hướng của tất cả chúng sanh, mà cũng chính là chỗ thập phương chư Phật đã chứng đặng.
Chỗ xu hướng kia đã biết rõ ràng nay ta muốn đi đến tận nơi mà khỏi cái họa lạc bước, tất nhiên ta phải tìm hỏi những người từng trải.
Các Phật đã tốn công phu, đã tìm thấy đường, đã đi đến nơi, chính là những người từng trải, vậy ta nên noi theo con đường Phật chỉ mà bước tới, đường ấy mới gọi là Phật đạo.
Con đường đi đến Phật đạo
Tuy nhiên, người muốn tu học đạo Phật cũng ví như người muốn đi Sài Gòn nói trên kia.
Người muốn đi Sài Gòn thời phải hỏi han cho biết đường đi nước bước, hoặc học những sách địa dư, các người đã đi Sài Gòn rồi làm ra mà chỉ vẽ. Học cho đến khi hiểu rõ đầu đuôi gốc ngọn, từ cảnh trí thành Sài Gòn cho đến các tỉnh giữa đường đâu đâu cũng hiểu rõ. Chừng đó mới cất chân ra đi, đi đến một nơi biết một nơi, đến một tỉnh biết một tỉnh, đến khi đến Sài Gòn thời biết là tới Sài Gòn, không còn sai lầm được nữa.
Còn người muốn tu hành đạo Phật thì trước phải nhờ thầy chỉ vẽ trong ba tạng kinh điển cho biết quả Phật là thế nào, đường tân hóa của tâm trí, từ chúng sanh cho đến quả Phật, có những tầng bậc thế nào, đó là học đạo.
Học cho đến khi hiểu được rõ ràng chắc chắn, như thấy trước con mắt, thì gọi là kiến đạo.
Hiểu đã rõ ràng, ra công tu tập, đến một nơi, biết một nơi, lên một bậc biết thêm một bậc, đó là tu đạo. Đến khi hạnh tu đầy đủ, chứng được quả Phật, thời gọi là chứng đạo.
Nói tóm lại, chữ “đạo” nhà Phật nghĩa là con đường tu hành hiệp theo lý nhơn quả, để cho tâm trí của chúng sanh đến chỗ chỉ có vui mà không buồn, chỉ có lành mà không dữ, chỉ có thường mà không vô thường, chỉ có thiệt mà không giả, chỗ ấy tức là Phật địa.