Ngày 9-5-2015, Liên bang Nga long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại và kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II ở châu Âu (8-5-1945) bằng Cuộc duyệt binh chiến thắng hoành tráng trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Matxcơva. Cuộc diễu binh diễn ra trong bối cảnh trên thế giới đang diễn ra làn sóng tuyên truyền xuyên tạc công khai chưa từng thấy và trắng trợn về lịch sử cuộc chiến tranh này cũng như về vai trò của Liên Xô trong cuộc đấu tranh nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu nhận loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Cuộc duyệt binh chiến thắng năm 2015 là cuộc duyệt binh có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Chính phủ Nga đã mời lãnh đạo của các tổ chức quốc tế tham dự, trong đó có Tổ chức văn hóa và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Hội đồng châu Âu.
Theo Đại tướng Ôlech Xalukôv, Tổng tư lệnh Lục quân Nga, tham dự Cuộc duyệt binh chiến thắng có 700 quân nhân của 10 nước trong số 16 nước được Nga gửi giấy mời tham gia, trong đó có Đội duyệt binh gồm 110 người của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Theo Đại sứ quán Trung Quốc ở Matxcơva, đây là lần đầu tiên, Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, thể hiện tính chất và nội dung của quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược Nga-Trung Quốc.
Một số nước trước đây đã từng tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại và kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II ở Matxcơva như Pháp, Đức, Anh, Ý, Ucraina, Ba Lannhưng năm nay không có mặt do sức ép từ phía Mỹ là quốc gia đi đầu trong chiến dịch xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II nói chung và Chiến tranh giữ nước vĩ đại nói riêng, trong bối cảnh Oasinhtơn đang tiến hành bao vây cấm vận Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ucraina
Nhìn lại Chiến tranh thế giới lần thứ II
Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-45) là cuộc chiến tranh lớn nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại do liên minh phát xít Đức, Ý và quân phiệt Nhật Bản phát động nhằm xâm lược, chiếm đóng lãnh thổ các nước, phân chia lại thị trường tiêu thụ sản phẩm và đầu tư cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước bị xâm chiến. Cuộc chiến tranh này diễn ra trên hầu hết các châu lục, đại dương, liên quan đến 72 nước với 1,7 tỉ người, trong đó có tới 110 triệu quân tham chiến.
Để tiến hành cuộc chiến tranh này, năm 1936 các nước Đức, Ý, Nhật Bản quyết định thành lập liên minh, trước hết là liên minh Đức-Ý, sau có thêm Nhật Bản, theo Hiệp hiệp ước Beclin được ký kết vào năm 1940. Để phát động chiến tranh, từ năm 1938, phát xít Đức đưa quân đi xâm lược và đánh chiếm các nước Áo (1938), Tiệp Khắc (với sự thỏa hiệp của Anh, Pháp, theo Hiệp định nghị Mu-nich ký năm 1938). Phát xít Ý đưa quân xâm lược Êtiôpia (1936), Anbani (1939), còn quân phiệt Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc (năm 1937).
Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tiến công xâm lược Ba Lan, chính thức mở đầu Chiến tranh thế giới lần thứ II. Sau đó, năm 1940, quân Đức đánh chiếm hàng loạt nước châu Âu, gồm Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Hunggari, Rumani, Bungari. Năm 1941, quân Đức sử dụng không quân và hải quân đánh phá nước Anh. Còn phát xít Ý với sự hỗ trợ của quân Đức đã đánh chiếm Nam Tư, Hi Lạp (1941). Trên chiến trường Bắc Phi, liên quân Đức-Ý đánh chiếm Libi và tiến sang Ai Cập.
Sau khi đánh chiếm 16 nước châu Âu, tháng 6-1941, phát xít Đức tập trung cụm lực lượng lớn nhất trên chiến trường châu Âu trong Chiến tranh thế giới lần thứ II tiến công Liên Xô bằng chiến dịch chiến tranh chớp nhoáng mang tên Bacbarôt, mở đầu cuộc chiến tranh Xô-Đức (1941-1945), Ban đầu, quân Đức đánh chiếm Lit-va, Latvia, Extônia, phần lớn Bêlarut, Ucraina, bao vây thành phố Lêningrat và tiến về phía Matxcơva. Trong 2 năm 1941-1942 đã diễn ra chiến dịch Matxcơva, làm phá sản chiến lược chiến tranh chớp nhoáng của phát xít Đức.
Ở châu Á, từ năm 1940, Nhật đánh chiếm phần lớn Trung Quốc, đưa quân vào Đông Dương, tiến công hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương trong chiến dịch Trân Châu Cảng (1941). Sau đó, quân Nhật đánh tràn xuống Đông Nam Á chiếm Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Mianma (1941-1942).
Tháng 1-1942, khối Đồng minh chống phát xít với vai trò nòng cốt của Liên Xô, Mỹ và Anh chính thức thành lập đồng thời với phong trào chống phát xít ở các nước bị chiếm đóng phát triển mạnh. Từ giữa năm 1942, ở châu Âu và Bắc Phi, phát xít Đức và Ý mất dần quyền chủ động tiến công, phải lui về phòng ngự chiến lược. Liên Xô chuyển sang phản công-tiến công trong các chiến dịch Xta-lin-grat (1942-1943), chiến dịch Cuôcxcơ (1943). Trong khi đó Mỹ và Anh đẩy lùi liên quân Đức-Ý ra khỏi khỏi Bắc Phi trong các chiến dịch Bắc Phi (1942), chiến dịch En Alamen, (1942), chiến dịch Tuynidi (1943). Năm 1943, quân Đồng Minh đánh chiếm đảo Xixin của Ý trong chiến dịch Xixin (1943), chiếm khu vực miền nam nước Ý trong chiến dịch Nam Ý, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ cầm quyền của phát xít Ý và buộc chúng phải đầu hàng (9-1943).
Từ giữa năm 1944, bằng nhiều chiến dịch tiến công quy mô lớn, Liên Xô giải phóng toàn bộ lãnh thổ. Thực hiện quyết định của Hội nghị Têhêran (1943), quân đồng minh mở mặt trận thứ hai ở châu Âu, trong đó quân Mỹ, Anh, Canađa và Pháp đổ bộ vào tây bắc và nam nước Pháp trong chiến dịch Nocmanđi (1944), chiến dịch Nam Pháp (1944) và phối hợp với các lực lượng chống phát xít ở các nước sở tại giải phóng Bỉ, Pháp, Hà Lan, Hi Lạp, đánh chiếm miền Tây nước Đức. Trong khi đó, Hồng quân Liên Xô cùng với lực lượng chống phát xít giải phóng của một số nước Đông Âu, Rumani, Bungari, Nam Tư, Ba Lan, Hunggari, Áo (1944), Tiệp Khắc (1945), tiến vào Miền Đông nước Đức, đánh chiếm Beclin, sào huyệt cuối cùng của Hitle, buộc phát xít Đức phải ký kết hiệp ước đầu hàng không điều kiện vào ngày 8-5-1945.
Ở châu Á, từ năm 1943 đến năm 1945, Mỹ đánh chiếm một số đảo ở Thái Bình Dương, nam Philippin và một số đảo của Nhật Bản. Trong 2 ngày 6 và 9-8-1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hirôsima và Nagasaki của Nhật, làm hơn 200.000 người chết và bị thương. Trong khi đó, quân Anh tái chiếm Mianma và Inđônêxia (1944). Phối hợp với quân đồng minh, các lực lượng cách mạng yêu nước ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á đẩy mạnh kháng chiến chống Nhật.
Từ ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô cùng quân đội Mông Cổ và Giải phóng quân Trung Quốc, Triều Tiên tiến công đập tan đạo quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của quân phiệt Nhật Bản, giải phóng vùng Đông Bắc Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, miền nam Xakhalin, quần đảo Curin, góp phần quyết định buộc phát xít Nhật phải ký kết hiệp ước đầu hàng không điều kiện vào ngày 2-9-1945.
Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc với sự sụp đổ phát xít Đức-Ý và quân phiệt Nhật Bản, là thắng lợi vĩ đại của nhân loại tiến bộ, trong đó Hồng quân Liên Xô đóng vai trò then chốt, dẫn đến những biến đổi căn bản trong cục diện chính trị quốc tế, hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa và trật tự thế giới hai cực. Trong cuộc chiến này, có gần 55 triệu người chết, hơn 20 triệu người bị tàn phế, thiệt hại vật chất tới 316 tỉ USD.
Nhìn lại cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại
Chiến tranh giữ nước vĩ đại hay còn được gọi là Chiến tranh Xô-Đức (1941-1945) là cuộc chiến tranh do Liên Xô tiến hành để bảo vệ tổ quốc và nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Sau khi đánh chiếm 16 nước châu Âu, tháng 6-1941, vứt bỏ Hiệp ước không tấn công lẫn nhau ký với Liên Xô ngày 23-8-1939, phát xít Đức mở chiến dịch chiến tranh chớp nhoáng mang tên Bacbarôt với một lực lượng mạnh nhất trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, gồm 190 sư đoàn (5,5 triệu quân), 4.300 xe tăng thiết giáp, 47.000 pháo, gần 5.000 máy bay, 192 tàu chiến, đánh thẳng tới Matxcơva. Lúc đó, Hồng quân Liên Xô ở biên giới phía tây có 2,7 triệu quân, 37.000 pháo, 1.475 xe tăng, 1.540 máy bay, 396 tàu chiến.
Giai đoạn 1 (từ ngày 22-6-1941 đến ngày 18-11-1942), phát xít Đức tập trung lực lượng bất ngờ tiến công theo ba hướng, nhanh chóng chiếm Litva, Latvia và Extônia, phần lớn Bêlôrutxia và Ucraina. Tháng 9-1941, phát xít Đức bắt đầu phong tỏa Lêningrat, tiến công Kiep và chuẩn bị tiến đánh Maxcơva. Trong giai đoạn này, Hồng quân Liên Xô thực hành chiến lược phòng ngự, chặn đứng quân Đức ở cửa ngõ Maxcơva và tới đầu tháng 12-1941 chuyển sang phản công chiến lược.
Bằng nỗ lực phi thường và quyết tâm chiến lược, tháng 4-1942, Hồng quân Liên Xô đẩy lùi quân Đức về phía Tây 100-300 km, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Maxcơva. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 1.800.000 quân, 1.700 xe tăng, 14.000 pháo và súng cối, 1.390 máy bay của phát xít Đức, mở đầu bước ngoặt cơ bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Từ tháng 5-1942, Hồng quân Liên Xô mở cuộc tiến công ở Khaccôp và Crưm. Quân Đức điều động 266 sư đoàn mở cuộc tiến công mới theo hướng nam vào vùng Xtalingrat và Capca, nhưng đến giữa tháng 11-1942 bị chặn lại ở Xtalingrat.
Giai đoạn 2 (từ ngày 19-11-1942 tới cuối 1943), Hồng quân Liên Xô chuyển sang thế phản công chiến lược, tạo bước chuyển biến căn bản trên mặt trận Xô-Đức. Sau gần 3 tháng chuyển từ phòng ngự sang phản công-tiến công, đến ngày 2-2-1943, Hồng quân Liên Xô thực hiện chiến dịch hợp vây, tiêu diệt và bắt đầu hàng toàn bộ đạo quân tinh nhuệ nhất của Đức gồm 33 vạn quân trong trạn Xtalingrat. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiếp tục phát triển thắng lợi trong chiến dịch phản công chiến lược giải phóng vùng Cuôcxcơ và Khaccôp. Từ ngày 4-7 đến 23-8-1943, Hồng quân Liên Xô và phát xít Đức đã tiến hành cuộc đấu xe tăng lớn nhất trong Chiến tranh thế giới lần thứ II trong chiến dịch Cuôcxcơ, đập tan 30 sư đoàn Đức với 500.000 quân, trong đó có 7 sư đoàn xe tăng. Tháng 1-1943, Hồng quân Liên Xô phá vỡ vòng vây ở Lêningrat và tới tháng 4 năm đó, giải phóng phần lớn vùng Capca và giành được thế chủ động chiến lược. Đến 11-1943, Liên Xô đã giải phóng được khoảng một nửa vùng đất bị phát xít Đức chiếm đóng.
Giai đoạn 3 (từ ngày 1-1944 đến ngày 9-5-1945), Hồng quân Liên Xô mở đợt tiến công chiến lược toàn diện, bằng nhiều chiến dịch quy mô lớn và từng bước giải phóng toàn bộ lãnh thổ Liên bang Xô-Viết. Đầu 1945, Hồng quân Liên Xô giải phóng nhiều nước Đông Âu và tiến vào nước Đức: ngày 30-4-1945, Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội Đức; ngày 2-5-1945, chiếm toàn bộ Beclin, buộc phát xít Đức phải ký Hiệp ước đầu hàng vô điều kiện vào ngày 8-5-1945.
Trên mặt trận Xô-Đức, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 607 sư đoàn Đức (chiếm 80% toàn bộ tổn thất của Đức và 77,5% toàn bộ tổn thất của liên quân phát xít), góp phần quyết định cứu loài người khỏi thảm họa phát xít, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân nhiều nước trên thế giới.
Trên mặt trận Xô-Nhật, Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đội quân hùng mạnh nhất của quân phiệt Nhật Bản ở Viễn Đông, bảo vệ tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ đồng minh chống phát xít theo thỏa thuận với các nước Đồng Minh tại Hội nghị Crưm (2-1945). Theo thỏa thuận này, ngày 8-8-1945, Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật.
Trong thời gian từ ngày 9-8 tới ngày 2-9-1945, được sự phối hợp của quân đội Mông Cổ và các lực lượng giải phóng quân Trung Quốc và Triều Tiên, Hồng quân Liên Xô đã mở ba chiến dịch lớn: chiến dịch Mãn Châu (từ ngày 9-8 tới ngày 2-9-1945) tiêu diệt đạo quân Quan Đông, đội quân tinh nhuệ nhất của Nhật, giải phóng toàn bộ vùng đông bắc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên; chiến dịch nam Xakhalin (từ ngày 11-8 đến ngày 25-8-1945) giải phóng miền Nam Xakhalin bị Nhật chiếm đóng trong chiến tranh Nga-Nhật (1905) và chiến dịch Curin (từ ngày 18-8 đến ngày 1-9-1945) giải phóng quần đảo Curin.
Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trên mặt trận Xô-Nhật góp phần quyết định đánh bại phát xít Nhật, buộc Nhật Bản phải ký Hiệp ước đầu hàng vô điều kiện, kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II ở Châu Á-Thái Bình Dương vào ngày 2-9-1945.
Nước Nga sau 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II và Chiến tranh giữ nước vĩ đại
70 năm kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II và Chiến tranh giữ nước vĩ đại, nước Nga lại phải đối mặt với nguy cơ một cuộc chiến tranh xâm lược mới. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân ở đây là, nếu trước Chiến tranh thế giới lần thứ II, Liên Xô là mục tiêu tấn công đầu tiên của liên minh phát xít Đức và quân phiệt Nhật Bản cùng với các tập đoàn tài phiệt ở phương Tây, thì ngày nay nước Nga cũng là mục tiêu số 1 mà các tập đoàn tài phiệt ở phương Tây đang tập trung chống phá quyết liệt. Nếu Liên Xô trước đây được phương Tây nhìn nhận là nguy cơ lan tỏa của chủ nghĩa cộng sản, thì nước Nga ngày nay là vật cản lớn nhất đối với tham vọng của các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ đang dồn nén những nỗ lực cuối cùng để tiếp tục duy trì trật tự thế giới đơn cực mà họ đã dựng lên sau Chiến tranh lạnh.
Cái gọi là nguy cơ từ nước Nga được Mỹ và các nước phương Tây nhìn nhận trong bài phát biểu của Tổng thống Nga V.Putin tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Munich (CHLB Đức) năm 2007. Trong đó, Putin chính thức tuyên bố nước Nga không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực và chủ trương sẽ cùng với cộng đồng quốc tế xây dựng trật tự thế giới mới đa cực, tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều được tôn trọng và bình đẳng như nhau. Tuyên bố này của Tổng thống V.Putin được coi là thông điệp mở ra kỷ nguyên mới trong trật tự thế giới, thường được giới nghiên cứu gọi là kỷ nguyên Putin. Do đó, nước Nga đang là mục tiêu số 1 cần phải loại bỏ trong chiến lược của Mỹ giành quyền bá chủ thế giới.
Đỉnh điểm của những nỗ lực chống phá Nga từ Mỹ và các nước phương Tây là cuộc khủng hoảng Ucraina. Ngày 5-12-2014, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết số 758, trong đó cáo buộc Nga là quốc gia xâm lược Ucraina. Còn Tổng thống Mỹ Ôbama, từ diễn đàn quốc tế lớn nhất là kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2014, đã tuyên bố về cái gọi là nguy cơ xâm lược từ Nga và coi đó là một trong ba hiểm họa đối với thế giới, cùng với đại dịch Ê-bô-la và Nhà nước Hồi giáo. Tiếp theo Hạ viện Mỹ, ngày 27-1-2015, Quốc hội U-crai-na cũng thông qua tuyên bố coi Nga là quốc gia xâm lược U-crai-na.
Hiện nay, đang diễn ra chiến dịch xuyên tạc lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II nhằm biến Liên Xô từ vai trò quốc gia đi đầu trong cuộc đấu tranh chống phát xít thành kẻ xâm lược các nước Châu Âu; hạ thấp, thậm chí bác bỏ công lao của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ II; tôn vinh những kẻ đi theo phát xít Đức là những người anh hùng, những chiến sỹ giải phóng.Theo hướng này, cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội U-crai-na đã thông qua một đạo luật nhằm tôn vinh các thành viên của Tổ chức dân tộc Ucraina, gọi tắt là OUN (The Organization of Ukrainian Nationalists) và Lực lượng khởi nghĩa U-crai-na UPA (Ukrayins’ka Povstans’ka Armiya) là những lực lượng đã từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức chống lại Hồng quân Liên Xô, là những chiến sỹ đấu tranh vì nền độc lập của đất nước.
Trong chuyến thăm chính thức CHLB Đức ngày 8-1-2015, Thủ tướng Ukraina, ông Acxeni Yaxenuc, đã đưa ra tuyên bố gây sốc dư luận các nước Châu Âu và Nga: Cả Đức và Ukraina đều bị Liên Xô xâm lược trong Chiến tranh thế giới II. tại một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân trong Chiến tranh thế giới II ở thủ đô Kiev ngày 9-4-2015 đưa ra tuyên bố: Hitle và Xtalin đều có tội như nhau là gây ra Chiến tranh thế giới II. Bình luận về tuyên bố của ông Acxeni Yaxenuc, Chủ tịch phong trào nhân quyền quốc tế “Thế giới không có chủ nghĩa phát xít”, ông Bôrit Xpigen, nói: Thủ tướng Ucraina nên từ chức và chúng ta không thể để một chính khách ở vị thế nguyên thủ một quốc gia lại tự do cho phép mình tuyên bố kiểu như vậy. Vì thế, trước lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ II, Tổng thống Hy Lạp tuyên bố rằng, nhà nước Ukraine hiện nay là nhà nước phát xít. Còn Tổng thống Ba Lan Bronhislav Komorovskij-quốc gia từng ủng hộ Ukraine gia nhập Liên minh Châu Âu, cũng đã phải công nhận, ở Ukraine hiện nay đang lặp lại phiên bản chủ nghĩa phát xít Đức những năm 1940.
Nhận định về tình hình này, Xtiven Côen, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Liên Xô và Nga, Giáo sư Đại học Niu-ooc (Mỹ), nhận định: Mỹ đang đẩy Nga vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới có thể phát triển thành cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa hai cường quốc. Mỹ và Nga hiện đang ở trạng thái xung đột với mức độ nguy hiểm hơn cả cuộc khủng hoảng Ca-ri-bê tháng 10-1962. Trong một bài viết đăng trên của báo báo Global Research, Tổng biên tập Misen Chôxuđôpxki (Michel Chossudovsky) viết: Tình hình hiện nay không chỉ là một cuộc Chiến tranh lạnh mới mà còn nguy hiểm hơn nhiều, trong đó Mỹ đang hướng tới mục tiêu phát động một cuộc chiến tranh nóng.
70 năm kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Pu-tin đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ III. Những nỗ lực của nước Nga chắc chắn sẽ góp phần thay đổi căn bản cục diện chính trị quốc tế trong thế kỷ 21./.
Lê Thế Mẫu