Từ ngàn xưa, ông bà ta thường răng dạy “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” như một cách dạy bảo con cháu đời sau về cách sống, cách ứng xử sao cho phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại liệu có bao nhiêu người hiểu được ý nghĩa của câu nói ấy?!
Vậy hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn về câu tục ngữ “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” qua bài viết dưới đây nhé!
1. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là gì?
“Ăn trông nồi ngồi trông hướng” bao gồm hai vế, tuy từ ngữ ngắn gọn và đơn giản nhưng nội dung lại chứa đựng những điều sâu sắc.
“Ăn trông nồi” đề cập đến việc chúng ta ăn uống như thế nào cho đúng mực, hợp hoàn cảnh. Lúc ngồi trong bàn ăn với người nhỏ hơn, người bằng tuổi hay người lớn cũng đều phải nhìn xem mình đã ăn uống đúng cách hay chưa. Ăn quá nhiều, ăn hết phần của người khác, hoặc ăn mà không xem thử mọi người có đang dùng thức ăn hay không, đều là những cách ăn chưa phù hợp.
“Ngồi trông hướng” nhắc nhở chúng ta trong lúc ngồi ăn cần xem lại mình đang ngồi ở vị trí có phù hợp hay chưa, đặc biệt là khi có người lớn tuổi hơn. Không chỉ trong mâm ăn, mà những nơi khác như chốn đông người, trên các phương tiện công cộng, hay nơi làm việc,… đều cần tự nhắc mình về ý thức trong việc đi, đứng, ngồi tùy vào vị trí và vị thế của ta.
“Ăn trông nồi ngồi trông hướng” đã nhắc nhở chúng ta trong việc hoàn thiện mình về phong thái, cách ứng xử phù hợp với hoàn cảnh khác nhau. Dù ở thời điểm nào, câu tục ngữ này vẫn luôn ở bên và dạy ta cách làm người cho đúng nghĩa. Nhìn lại và tự đánh giá rằng ta đã sống đúng với câu “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” hay chưa chính là cách hoàn thiện bản thân của mỗi người.
Xem thêm: Học câu ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’ đã lâu, vậy đến nay bạn đã thực hiện những gì về lòng biết ơn rồi?
2. Giải thích nghĩa câu “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”
Thời gian trôi qua, những ý nghĩa và bài học rút ra từ câu tục ngữ “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” mãi còn vẹn nguyên. Ngắn gọn, đơn giản là thế, nhưng cả đời người nếu gắn bó với cách cư xử, cử chỉ đúng mực này thì cá nhân mỗi người thực sự tuyệt vời làm sao. Đây là một trong những kỹ năng sống hằng ngày mà mọi phụ huynh đều cần dạy cho các em ngay từ lúc còn nhỏ.
Câu tục ngữ “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” luôn nguyên vẹn một lời dạy về cách ăn uống, đi đứng của mỗi người. Ăn uống không quá bừa bộn, không chỉ nghĩ đến việc ăn cho thỏa nhu cầu của mình mà quên mình đang ăn cùng người khác, đặc biệt là khi có người lớn. Không nên đụng đũa khi người lớn chưa bắt đầu ăn cũng như không nên tiếp tục ăn lúc mọi người đã dùng xong bữa.
Đối với việc ngồi, cần chú ý mình đang ngồi ở vị trí nào, ngồi sao cho phù hợp, nhất là lúc có nhiều người xung quanh. Không nên ngồi chắn lối đi hoặc chen chỗ với người khác. Lúc có người lớn tuổi hơn mình thì nên nhường chỗ, đây vừa là phép lịch sự, vừa là lối sống tốt đẹp của mỗi người.
Trong cuộc sống hằng ngày ta cần nhìn nhận lại đạo đức, lễ nghi của bản thân sao cho vừa phù hợp với hoàn cảnh, vừa cảm thấy mình sống thỏa mái là được. “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” chính là không quá hồn nhiên, không quá vô ý để làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Hãy tập cho mình lối sống biết sẻ chia, nhường nhịn, và biết nghĩ cho người khác.
Câu tục ngữ có ý nghĩa như “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” cũng đã được đưa vào sách Ngữ Văn lớp 7 để các em học sinh có thể tiếp cận với bài học về cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Và từ đó, chúng ta cũng có thể thấy được việc tự rút ra bài học cho mình cũng như nhắc nhở mọi người xung quanh về lối sống đẹp này luôn là điều cần thiết và mang tính nhân văn.
Xem thêm: “Dĩ hòa vi quý”: Sống chan hòa, yêu thương hay nhu nhược, ba phải?
3. Cuộc sống trọn vẹn hơn bắt đầu từ cách ứng xử “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”
Thời hiện đại dễ khiến con người quên đi những hành động dù nhỏ bé nhưng quan trọng không kém trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy câu tục ngữ “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” vẫn luôn là tiếng chuông nhắc nhở chúng ta mỗi khi tham gia các bữa ăn hay đi đến đâu đó đều cần phải tự nhìn nhận lại cử chỉ ăn uống, đi đứng của mình.
Cuộc sống rộng lớn bắt nguồn từ vô vàn những điều nhỏ bé, và sự thành công, hạnh phúc trong cuộc đời cũng xuất phát từ những cử chỉ, hành động hằng ngày. “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” không chỉ là lời nhắc về cách ăn uống, đi đứng mà còn sâu xa hơn, mở rộng hơn cho người nghe về ý thức cá nhân trong mọi trường hợp khác nhau.
Ý thức quyết định nên sự hình thành nhân cách, lối sống của mỗi người. Khi ta biết yêu chính ta cũng là lúc ta biết yêu mọi người, biết yêu cuộc đời. Vì vậy trong mọi hoàn cảnh, hãy làm những việc xuất phát từ tình yêu thương, từ ý thức mình vì mọi người, và luôn nhớ soi rọi bản thân để hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Thế hệ của ông bà ta đã sống, trải nghiệm và đúc kết những bài học mang ý nghĩa tốt đẹp như vậy, việc của chúng ta chính là học hỏi từ những câu ca dao tục ngữ thành ngữ đi cùng năm tháng đó. “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” càng trở nên đặc biệt hơn đối với thế hệ trẻ hôm nay trong cách sống, học tập và làm việc. Tuổi trẻ tài cao, nhưng có tài cần đi kèm với có đức, hãy rèn luyện lối sống đẹp “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” từ ngay bây giờ.
Đôi khi cuộc sống dần trở nên vội vã và phức tạp, hãy dừng lại một chút tại thời điểm này và hỏi xem mình đã sống một cách phù hợp với bài học đạo đức “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” chưa, và rồi ta sẽ trưởng thành hơn với những lần tự soi lại mình. Vì cuộc sống luôn mang đến những bài học, và nhờ đó mà chúng ta lớn lên, nên hãy luôn trong tâm thế trải nghiệm và học hỏi từ những điều nhỏ bé bạn nhé.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet