Silenced được chuyển thể từ tiểu thuyết Dogani của nhà văn Kong Ji Young, xuất bản năm 2009, được nữ nhà văn lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật tại ngôi trường nuôi dạy trẻ câm điếc ở Gwangju. Chính tài tử Gong Yoo là người có ý định chuyển thể tiểu thuyết lên phim khi anh đọc được nó trong thời gian tham gia Nghĩa vụ Quân sự và bày tỏ với tác giả. Cuối cùng, bộ phim đã ra đời dưới sự nhào nặn của đạo diễn Hwang Dong Hyuk.
Kang In Ho (Gong Yoo) là một giáo viên mỹ thuật biết dùng thủ ngữ. Dưới sự tiến cử của người thầy giáo sư, In Ho chuyển đến dạy ở ngôi trường dành cho trẻ câm điếc tại Mujin (một địa danh không có thật). Bản thân In Ho là một người thiếu thốn vì kinh tế khó khăn, vợ mất, con gái bị bệnh suyễn phải sống cùng bà nội và anh thì chưa từng gửi được đồng nào về nhà phụ giúp gia đình. Vì thế, việc được nhận vào một ngôi trường tỉnh lị quê mùa dù phải tốn một đống tiền hối lộ vẫn là giải pháp In Ho phải làm.
Thế nhưng chuyển đến chưa bao lâu, In Ho đã dần phát hiện những bí mật khủng khiếp bị chính những giáo viên ở trường che giấu: sự bạo hành và lạm dụng tình dục trẻ em, huống hồ còn là những đứa trẻ khuyết tật. Những người có chức trách trong trường từ Hiệu trưởng, Trưởng phòng hành chính, người quản lý kí túc xá, bảo vệ đến cả thanh tra trong thị trấn đều có liên quan đến vụ việc. In Ho quyết định cùng Yoo Jin (Jung Yu Mi) – cô gái làm việc tại Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền ở thị trấn Mujin – đưa sự thật ra ánh sáng.
Với những giải thưởng bộ phim đạt được sau công chiếu như Giải Âm nhạc hay nhất tại Blue Dragon Film Awards (2011) hay Phim hay nhất tại KOFRA Film Awards Ceremony (2011), giải Khán giả bầu chọn ở Undie Far East Film, Silenced thực sự là một cú tát đau điếng vào sự thờ ơ và độc ác của những kẻ-là-người-lớn. Không khí u tịch trong phim được mở ra ngay từ cảnh đầu tiên, khi In Ho chạy xe trên con đường mù sương ở Mujin song song với hình ảnh một bé trai bị xe lửa cán chết. Bằng sự mở đầu chết chóc tang thương, đạo diễn Hwang Dong Hyuk bắt đầu đẩy khán giả bước vào một mê lộ ngột ngạt của những sự thật ghê tởm.
Những nhân vật quan trọng trong phim được khoanh vùng rõ ràng với những đặc trưng riêng biệt nhưng tất cả đều có chung một vẻ bí ẩn đáng sợ. Từ vẻ mặt, hành động đến lời nói của tất cả mọi người trong trường đều khiến không chỉ In Ho mà cả khán giả đều cảm giác được một sự quái lạ đang phát tác. Không khí căng thẳng tăng dần khi In Ho phát hiện cô bé Yeon Doo (Kim Hyun Soo) đang bị ả quản lý kí túc xá ấn đầu vào máy giặt. Sau khi đưa cô bé đến bệnh viện và hỏi thăm, In Ho mới biết Yeon Doo từng bị lạm dụng tình dục ngay trong trường. Và không chỉ riêng mình Yeon Doo mà cả cô bé thiểu năng Yoo Ri (Jung In Seo) và cậu bé lầm lì Min Soo (Baek Seung Hwan) cũng là nạn nhân của chính những giáo viên trong trường.
Nhịp độ câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm khi những cảnh quấy rối tình dục được phô bày qua lời kể của những đứa trẻ đáng thương. Không cần những khung cảnh quá rõ ràng hay thô tục mà chỉ bằng những góc máy thông minh cùng những tiếng rên la, những biểu cảm trên gương mặt nhân vật mà người xem vẫn cảm thấy kinh sợ trước những gì diễn ra trên màn ảnh. Và khi những sự thật được phơi bày cũng là lúc bộ phim bước vào giai đoạn “im lặng” đáng sợ trong chính cách đối xử của xã hội dành cho vụ việc.
Nếu những hành vi đồi bại của những kẻ mang danh nhà giáo đối với đám trẻ không nghe, không nói được khiến chúng ta căm phẫn thì sự thờ ơ và ích kỉ của những người ngoài cuộc sẽ làm chúng ta xót xa đến ức nghẹn. Mặt trái của các cơ quan cầm quyền như sở giáo dục, sở công tố lẫn những kẻ đạo đức giả tung hô thần thánh lần lượt được vạch trần khi câu chuyện được phát triển.
Bộ phim có sự sắp đặt những chi tiết dùng để làm manh mối rất thông minh và khéo léo, được vận dụng từ từ để câu chuyện càng ngày càng trở nên cao trào. Những chứng cứ nhỏ nhất lần lượt được lật mở qua chính những nạn nhân nhí khiến khán giả không khỏi bất ngờ bởi sự vô nhân tính của bọn thủ ác lẫn bản lĩnh của những đứa trẻ khiếm khuyết. Phân đoạn Yeon Doo đứng trước tòa dùng một cái mẹo do chính mình nghĩ ra để điểm mặt tên hung thủ khiến người xem như òa lên trong sung sướng. Đây cũng là nhân vật gây được nhiều bất ngờ và hứng thú nhất trong phim.
Nhưng, điều khiến Silenced mang nặng sự ám ảnh và căm phẫn chính là cách mà những kẻ đại diện cho luật pháp đã hành xử. Đoạn sau của bộ phim dù vẫn mang khuyết điểm hơi melodrama như trong các phim Hàn nhưng vẫn thực sự gây được xúc động mạnh bằng sự phát triển tâm lý nhân vật song song với những cảnh quay ấn tượng. Sự thương tâm gần như chạm đến đỉnh điểm trong cảnh phim đám tang, khi cái thiện-ác gần như chia thành hai thái cực rõ ràng. Một bên là sự phẫn uất tuyệt vọng của những người khuyết tật và một bên là sự tàn bạo vô tâm của những người cầm quyền trong một cuộc biểu tình dưới mưa. Khi In Ho ôm chặt tấm hình học trò gục ngã giữa đám đông còn miệng không ngừng gọi tên đứa bé xấu số, những người ở bên ngoài màn hình đều có thể rơi nước mắt. Tiếng ai oán đầy phẫn nộ của những con người bị đẩy đến đường cùng được thể hiện bằng một một khung cảnh gần như không có tiếng. Như thể những lời cầu xin đã biến họ thành những người câm trong cái xã hội đáng sợ ích kỉ và vô nhân đạo, của những kẻ vì đồng tiền mà bán rẻ hai chữ công lý, của những gã trọc phú cầm những tấm bằng danh dự và sống trong sự kính trọng nhưng không bao giờ xứng đáng.
Tuy nhiên, sự câm lặng trong Silenced không chỉ đại diện cho nỗi căm phẫn của quần chúng hay công lý mà còn là một nốt lặng bình yên giữa hố sâu tuyệt vọng của những nạn nhân. Là nụ cười vô lo của cô bé thiểu năng Yoo Ri, là sự háo hức của Min Soo khi ngày mai mình sẽ đứng trước tòa làm nhân chứng, là bản lĩnh của Yeon Doo khi đối mặt với những mánh lới của bọn vô nhân tính ngay tại tòa án. Thế giới của bọn trẻ tội nghiệp đó không có âm thanh trong đôi tai nhưng những gì đẹp đẽ mà In Ho và Yoo Jin cho chúng luôn rộn rã trong tim. Giống như Yoo Jin đã nói khi lướt qua những kẻ biểu tình máu lạnh: “Thật may mắn khi bọn trẻ không nghe được những lời này”.
Tên gốc của bộ phim và tiểu thuyết – Dogani – không có nghĩa là im lặng mà là sự tan chảy và hưng phấn. Phải, chính là sự hưng phấn ghê tởm mà bọn đồi bại đã làm trên thân xác những đứa trẻ không hoàn hảo, là sự say sưa của chúng trong cái dư vị chiến thắng tàn ác. Nhưng “dogani” cũng chính là sự tan chảy của bất kì trái tim sắt đá nào khi chứng kiến câu chuyện xót xa này. Và nếu không có những diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên thì phim khó lòng thành công. Đăc biệt là những diễn viên nhí, sự nhập vai xuất thần trong hầu hết các phân đoạn chính là yếu tố khiến bộ phim được khen ngợi. Chưa kể chúng còn phải sử dụng thành thạo rất nhiều thủ ngữ cùng với nhân vật của Gong Yoo.
Tóm lại, dù câu chuyện trong Silenced khiến khán giả “lạnh gáy” vì ghê tởm những tên ấu dâm biến thái hay đắng chát vì sự vô tình của xã hội dành cho những nạn nhân thì trong đó vẫn còn những niềm tin được ươm mầm. Chính là nụ cười của những đứa trẻ bước ra từ vùng tối, là tấm lòng của kẻ làm cha In Ho hay cái quyết tâm đeo đuổi công lý của cô Yoo Jin chính trực. Xã hội là vậy, luôn luôn tồn tại rất nhiều loại người và cái ác sẽ không bao giờ có thể thống trị mọi thứ.
Tội lỗi của những kẻ ấu dâm không bao giờ xứng đáng được tha thứ, sự ích kỉ của xã hội càng đáng lên án hơn khi mở ra những vòng tay với chúng. Nhưng, niềm hạnh phúc an nhiên nho nhỏ được gieo ở cuối phim như một lời nhắc nhở tất cả chúng ta “đừng cố thay đổi thế giới mà hãy đừng để thế giới thay đổi chúng ta”.