Những nước nghèo, đang phát triển được các nước phát triển hỗ trợ phát triển thông qua nhiều hình thức. Trong đó có cho vay vốn ODA. Vậy chúng ta hiểu như thế nào về vốn ODA?
Vốn ODA là gì?
Vốn ODA là nguồn tiền mà chính phủ, các cơ quan chính thức các nước hoặc các tổ chức phi chính phủ, quốc tế cho các nước đang và kém phát triển vay để phát triển kinh tế – xã hội.
Vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) là viện trợ không hoàn lại hoặc hoàn lại hoặc tín dụng ưu đãi (cho vay lãi suất thấp) của chính phủ, cơ quan thuộc Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế (IMF, WB, ADB), được gọi chung là các đối tác nước ngoài dành cho chính phủ và nhân dân các nước nhận viện trợ.
Hình thức cung cấp vốn ODA
Tại Điều 4 Nghị định 56/2020/NĐ-CP nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (oda) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài quy định về các phương thức cung cấp vốn:
Điều 4. Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:
1. Chương trình.
2. Dự án.
3. Phi dự án.
4. Hỗ trợ ngân sách.
Phân loại vốn ODA
Vốn hợp tác phát triển chính thức gồm có: vốn hợp tác phát triển chính thức ràng buộc (chi tại nước viện trợ); vốn hợp tác phát triển chính thức không ràng buộc (chỉ ở bất kì nước nào); vốn hợp tác phát triển chính thức ràng buộc một phần (một phần chi ở nước viện trợ, phần còn lại chỉ ở bất kì nơi nào).
Vốn hợp tác phát triển chính thức phân loại theo góc độ “vay – trả” gồm có: viện trợ không hoàn lại; viện trợ hỗn hợp; viện trợ có hoàn lại.
Viện trợ không hoàn lại
Đây là hình thức vay vốn mà nước vay không phải hoàn trả lại. Mục đích nguồn vốn này sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án cho nước vay theo thỏa thuận của 2 nước với điều kiện đó là các nhà thầu dự án sẽ do bên cho vay đảm nhận. Tuy nhiên có thể xem viện trợ không hoàn lại như một nguồn thu ngân sách của nhà nước. Được cấp phát lại theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Viện trợ có hoàn lại
Vay vốn với một lãi suất ưu đãi và một thời gian trả nợ thích hợp. Tín dụng ưu đãi chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng số vốn ODA trên thế giới. Nó không được sử dụng cho mục tiêu xã hội, môi trường. Mà thường được sử dụng cho các dự án về cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy lợi, năng lượng…Làm nền tảng vững chắc cho ổn định và tăng trưởng kinh tế. Các điều kiện ưu đãi bao gồm:
· Lãi suất thấp
· Thời gian trả nợ dài
· Có khoảng thời gian không trả lãi hoặc trả nợ.
Vốn ODA hỗn hợp
Là loại ODA kết hợp hai dạng trên, bao gồm một phần không hoàn lại và tín dụng ưu đãi.
Thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại; dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại chuẩn bị dự án đầu tư
a) Lập, lựa chọn, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án;
b) Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về Đề xuất chương trình, dự án được phê duyệt;
c) Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án;
d) Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án và đề nghị xem xét tài trợ;
đ) Lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;
e) Tùy thuộc quy định của nhà tài trợ, thực hiện một trong các thủ tục sau: Ký kết điều ước quốc tế; ký thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; ký văn bản trao đổi về dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại;
g) Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;
h) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.
Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại chuẩn bị dự án đầu tư không phải thực hiện theo quy định tại điểm a và b khoản này.
Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại
a) Lập Văn kiện dự án, phi dự án;
b) Quyết định chủ trương thực hiện đối với dự án, phi dự án quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định này;
c) Thẩm định, phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án;
d) Thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về việc phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án và đề nghị xem xét tài trợ;
đ) Tùy thuộc quy định của nhà tài trợ nước ngoài, thực hiện một trong các thủ tục sau: Ký kết điều ước quốc tế; ký thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại; ký văn bản trao đổi về dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án;
e) Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;
g) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.
Đối với khoản hỗ trợ ngân sách
a) Lập, quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách;
b) Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho khoản hỗ trợ ngân sách;
c) Quản lý thực hiện và quản lý tài chính;
d) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.
Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn theo cơ chế hòa trộn
Cơ quan chủ quản thực hiện trình tự, thủ tục đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 56/2020/NĐ-CP.
Trên đây là bài viết về vốn ODA Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.