Trước hết là con số 13 xui xẻo. Nỗi sợ ngày 13 được đặt tên khoa học là “triskaidekaphobia” – một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ là τρεισκαίδεκα (treiskaídeka = mười ba) + φόβος (phóbos = sự sợ hãi).
Trong nhiều nền văn hóa Âu Mỹ, số 13 được coi là con số đáng ngại, không may mắn. Vào ngày 13.4.1970, tàu vũ trụ Apollo 13 của Mỹ bị nổ bình dưỡng khí làm tê liệt các Module Dịch vụ (SM), khiến mất nhiều oxy và điện.
Phi hành đoàn Apollo 13 chụp ảnh Mặt Trăng ló ra sau Lunar Module khi tàu vũ trụ đi ngang qua; Module Command ngừng hoạt động cũng có mặt trong khung hình
Trên máy bay người ta tránh ngồi ghế số 13. Nhiều tòa nhà ở châu Âu và Mỹ đã thay thế tầng 13 bằng tầng 12A. Số phòng và số địa chỉ cũng được thay bằng 12A thay vì 13.
Ở Paris (Pháp), nếu mời tổng cộng 13 người đi ăn tối, để tránh xui xẻo, người ta sẽ mời thêm một người để tạo thành nhóm 14 người. Nếu chú ý, ta sẽ thấy bộ ứng dụng Microsoft Office 2007 (phiên bản 12) và 2010 (phiên bản 14), không có phiên bản 13. Công nương Diana (Anh Quốc) qua đời trong tai nạn xe xảy ra tại trụ cột thứ 13 của đường hầm Pont de l’Alma, Paris.
Tại Hồng Kông, có rất nhiều tòa nhà chính phủ, cao ốc thương mại và chung cư không có tầng 13. Ở trạm thu phí hầm Ngã Ba Miền Đông người ta thay trạm thu phí số 13 bằng 12A. Nhiều người tránh kết hôn hoặc mua nhà vào ngày có con số đáng sợ này.
Song trong giới thể thao, số 13 không đáng ngại. Trong bóng đá, chiếc áo số 13 vẫn tồn tại, một số cầu thủ nổi tiếng vẫn chọn áo số 13, ví dụ như Michael Ballack (Đức), Park Ji Sung (Hàn Quốc)… Ngày 1.6 vừa qua, tại TP.HCM, trong trận giao hữu giữa đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và Afghanistan trên sân vận động Thống Nhất có 2 cầu thủ mang số áo 13: Hồ Tấn Tài (Việt Nam) và Moshtaq Ahmadi (Afghanistan) – theo chú thích của kênh On Football.
Ở Trung Quốc, người ta thường xuyên sử dụng số 13, theo truyền thống thì số này không có ý nghĩa gì đáng ngại. Trong Nho giáo có Thập tam kinh (13 quyển tác phẩm kinh điển), vào thời nhà Thanh có Thập tam nha môn (13 tổ chức giám sát). Người Quảng Đông thường nghĩ rằng 13 là con số tốt, bởi vì từ này đồng âm với từ thực sinh (chắn chắn còn sống).
Nhiều người vẫn quan cho rằng thứ sáu mà đúng ngày 13 là càng xui xẻo
Số 13 may mắn tại nhiều quốc gia
Ở một số vùng, số 13 được coi là con số may mắn. Ví dụ, trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, 13 được coi là một con số may mắn ở Pháp, thậm chí còn được xuất hiện trên bưu thiếp và bùa.
Ở Ý, 13 là số may mắn ngoại trừ trong một số bối cảnh, chẳng hạn như khi ngồi vào bàn ăn tối. Đại học Colgate được thành lập bởi 13 người đàn ông với 13 USD và 13 lời cầu nguyện, vì vậy 13 được coi là con số may mắn. Thứ sáu ngày 13 là ngày may mắn nhất tại Colgate.
Ở các khu vực nói tiếng Quảng Đông, bao gồm cả Hồng Kông và Ma Cao, số 13 được coi là may mắn vì nó phát âm gần giống với các từ Quảng Đông có nghĩa là ” chắc chắn sẽ sống” (trái ngược với con số 14 đen đủi, trong tiếng Quảng Đông nghe giống như những từ có nghĩa là” chắc chắn sẽ chết “).
Theo nhà thần số học Kashish Parashar, ở Ấn Độ, con số 13 được xem là cực kỳ may mắn. Ngày 13 của trong chu kỳ 2 tuần âm lịch được xem là ngày rất tốt lành, gọi là Triyodashi, vì ngày này là ngày thần Shiva, ban tặng một cuộc sống trường thọ, bình an và may mắn. Người ăn chay vào ngày thứ 13 sẽ được giải phóng khỏi tất cả tội lỗi trong quá khứ lẫn hiện tại.
Cầu thủ Park Ji Sung (trái) và cầu thủ Hồ Tấn Tài đều mang áo số 13
Số 13 là con số vô cùng quan trọng, bao quanh tất cả cuộc sống của chúng ta. Đó là sự khởi đầu và kết thúc. Nó luôn luôn hoàn thành chu kỳ đầy đủ của cuộc sống. Có 13 chu kỳ của Mặt Trăng, mỗi 13 tuần trong bốn mùa mà chúng ta có, tuổi thiếu niên bắt đầu từ 13 tuổi.
Tuy nhiên, theo quan điểm về số 13 của nhà nghiên cứu Igor Radun (Viện Khoa học Hành vi, Đại học Helsinki, Phần Lan) thì: “Không có lý do gì để tin rằng bất kỳ con số nào sẽ may mắn hoặc không may mắn”.