Về khái niệm “tâm linh”
Khái niệm “tâm linh” được tạo thành bởi các thuật ngữ “tâm” và “linh”. Thuật ngữ tâm được hiểu là “mặt tình cảm, ý chí của con người”2 tức là nói về vật chất sống chưa thật ở “bên trong thế giới” – tri thức chưa khoa học; thuật ngữ linh được hiểu là “hồn người chết”3 tức là nói về tinh thần sống không thật ở “bên ngoài thế giới”4 – tri thức không khoa học.
Thuật ngữ tâm và linh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành danh từ “tâm linh” – khái niệm nói về ý thức sống thật tồn tại ở giữa bên ngoài, bên trong thế giới – tri thức khoa học. Vật chất sống chưa thật biểu hiện bản chất sự sống chưa thật của các nhóm trong cộng đồng người; tinh thần sống không thật biểu hiện tính chất sức sống không thật (cái chết) của các cá nhân trong nhóm; còn ý thức sống thật biểu hiện thực chất cuộc sống chân thật của các cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc trong quốc gia, xã hội loài người.
Theo đó, tâm linh được nhìn nhận là cuộc sống chân thật của các cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc trong quốc gia, xã hội loài người. Trong cộng đồng, dân tộc, quốc gia, tồn tại “tâm linh của những người đang sống”; đồng thời, tồn tại cả “tâm linh những người đã khuất”5. Tâm linh của người đã khuất (đã chết, đã mất) là nói về cuộc sống chân thật của người đó khi còn sống.
Mối liên hệ giữa “tâm linh” và “sự kết đoàn hạnh phúc”
“Tâm linh” gắn liền với cuộc sống chân thật của con người Việt Nam. Tôn trọng sự thật, bảo đảm cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc là cơ sở của sự đồng thuận, gắn bó, tình thương yêu, đoàn kết giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc trong quốc gia. Sự sống chưa thật gắn với “vật chất sống” (đời sống vật chất) – khái niệm biểu hiện bản chất sống độc lập, chưa đoàn kết (kết đoàn) về mặt vật chất, hay chưa “đoàn kết bằng việc làm” của các nhóm; sức sống không thật gắn với “tinh thần sống” (đời sống tinh thần) – khái niệm biểu hiện tính chất sống tự do, không đoàn kết về mặt tinh thần, hay không “đoàn kết bằng tinh thần”6 của các cá nhân; còn cuộc sống chân thật gắn với “ý thức sống” (đời sống tâm linh) – khái niệm biểu hiện thực chất cuộc sống hạnh phúc, “đoàn kết thật sự”7, hay đoàn kết chân thành, rộng rãi, thương yêu nhau của các cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc trong quốc gia. Nói cách khác, cuộc sống chân thật là nói về đời sống tâm linh trong cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc sống chân thật, tức là trong quốc gia có đời sống tâm linh, có cuộc sống hạnh phúc, đoàn kết thật sự, đồng thời có “độc lập tự do thật sự và hoà bình chân chính”8; ngược lại, cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc sống không chân thật, tức là trong quốc gia không có đời sống tâm linh, không có cuộc sống hạnh phúc, hoà bình chân chính và độc lập, tự do, đoàn kết thật sự.
Nhận thức không đúng sự thật về khái niệm “tâm linh”
Khái niệm “tâm linh” biểu hiện sự đồng thuận, đoàn kết, cùng nhau sống chân thật, hạnh phúc của tất cả mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay khái niệm “tâm linh” không được nhận thức đúng sự thật; từ đó đã tác động tiêu cực đến tinh thần đoàn kết giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc trong quốc gia. Trong Từ điển Tiếng Việt, “tâm linh” chỉ được nhìn nhận là khái niệm biểu hiện của “tâm hồn, tinh thần” hay “khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm”9, chứ không nhìn nhận cụ thể là sống chân thật của các cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc trong quốc gia.
Nhận thức không đúng sự thật về khái niệm “tâm linh” làm cho công dân nói chung, đội ngũ cán bộ (đại biểu dân cử, công chức, viên chức, thẩm phán, kiểm sát viên), người lãnh đạo, nghiên cứu nói riêng không nhận thức rõ mối liên hệ giữa “sự không sống” (không đúng thật sự) ở bên ngoài thế giới, “sự chưa sống” (chưa đúng sự thật) ở bên trong thế giới, và “sự sống” (đúng thật) tồn tại ở giữa bên ngoài, bên trong thế giới. Tức là, nhiều người không phân biệt được đâu là “sai” (sự không sống, không đoàn kết), đâu là “chưa đúng” (sự chưa sống, chưa đoàn kết), đâu là “đúng” (sự sống, đoàn kết) tồn tại ở giữa. Đây là nguyên nhân làm cho nhiều người không hiểu rõ thực chất các khái niệm sự thật, sự sống, hạnh phúc, đoàn kết, số phận (số mệnh), Tết dương lịch, Tết cổ truyền; không hiểu được thế nào là vật chất, tinh thần, ý thức, Chúa, Phật, thần linh…
Nhận thức không đúng sự thật về khái niệm “tâm linh” dẫn đến đạo đức, văn hoá trong đời sống xã hội có biểu hiện xuống cấp; thiếu vắng sự chân thật của nhiều người trong quốc gia. Chẳng hạn, nhìn từ mặt hình thức và nội dung cho thấy, di sản văn hoá vật thể (vật chất sống), phi vật thể (tinh thần sống) được UNESCO công nhận ngày càng nhiều về số lượng kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới (năm 1986), nhưng nhìn từ mặt nguyên lý toàn diện cho thấy rằng, di sản văn hoá thực thể (ý thức sống), hay cuộc sống chân thật của công dân nói chung, đội ngũ cán bộ, doanh nhân nói riêng lại có biểu hiện suy giảm. Điều đó được thể hiện như: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một số đại biểu dân cử, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; tệ nạn trục lợi tâm linh, đầu tư kiếm lợi nhuận bất chính trong các dự án du lịch tâm linh của một số doanh nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hay tệ nạn đốt vàng mã, biến tướng tục cúng sao giải hạn của công dân trong đời sống cộng đồng, xã hội…
Giải pháp khắc phục nhận thức không đúng sự thật về khái niệm “tâm linh”
Để khắc phục nhận thức không đúng sự thật về khái niệm “tâm linh”, để “phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần”10, đồng thời “nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người”11 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, công dân, đội ngũ cán bộ cần phải thay đổi “cách nhận thức” trong cuộc sống. Cách nhận thức gồm ba mặt chủ yếu: cách nhận thức tính chất hình thức “bên ngoài” (xây dựng mục tiêu, chính sách) – cách nhận thức không đúng, không khoa học; cách nhận thức bản chất nội dung “bên trong” (phương pháp thực hiện mục tiêu, chính sách) – cách nhận thức chưa đúng, chưa khoa học; cách nhận thức thực chất nguyên lý toàn diện mọi mặt tồn tại “ở giữa bên ngoài, bên trong” (nguyên tắc xây dựng, thực hiện mục tiêu, chính sách) – cách nhận thức đúng, khoa học.
Mô hình cấu trúc mối liên hệ giữa ba mặt của nhận thức được biểu thị như sau: cách nhận thức chưa đúng – cách nhận thức đúng – cách nhận thức không đúng. Cách nhận thức không đúng biểu hiện tính chất thật sự thiên lệch bên ngoài; cách nhận thức chưa đúng biểu hiện bản chất sự thật thiên lệch bên trong; còn cách nhận thức đúng biểu hiện thực chất thật toàn diện mọi mặt vấn đề tồn tại ở giữa bên ngoài, bên trong theo mô hình cấu trúc: “bản chất bên trong (động từ) – thực chất ở giữa (danh từ) – tính chất bên ngoài (tính từ)”; “bản chất (nội dung bên trong), tính chất (hình thức bên ngoài) và thực chất (nguyên lý toàn diện) tồn tại ở giữa”. Vào thời kỳ kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng quan niệm rằng: “Thiên lệch nghĩa là không xem xét vấn đề một cách toàn diện”; “Xem vấn đề một cách thiên lệch, thì ắt thất bại”12. Điều đó có nghĩa là, công dân, đội ngũ cán bộ cần phải thay đổi cách nhận thức chưa đúng, không đúng hiện nay sang cách nhận thức đúng để hiểu biết rõ sự thật về khái niệm nói chung, tâm linh nói riêng.
Cách nhận thức đúng khái niệm “văn hoá”. Văn hoá là khái niệm gắn liền với tâm linh, hình thành văn hoá tâm linh. Tuy nhiên, hiện nay khái niệm văn hoá chưa được những người nghiên cứu làm rõ tri thức về mối liên hệ giữa các mặt chủ yếu của nó như sau: thuật ngữ văn biểu hiện bản chất vật thể, vật chất sống chưa thật, chưa sáng tạo ra chữ viết của các nhóm trong cộng đồng người; thuật ngữ hoá biểu hiện tính chất phi vật thể, tinh thần sống không thật, không sáng tạo ra tiếng nói của các cá nhân trong nhóm. Thuật ngữ văn và hoá có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành “văn hoá” – khái niệm biểu hiện thực chất thực thể, ý thức sống chân thật, sáng tạo ra giá trị vật chất, tinh thần, như “ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật”13 của các cá nhân, nhóm, cộng đồng. Tức là, khái niệm văn hoá biểu hiện thực chất sống có ý thức chân thật, biết sáng tạo ra ngôn ngữ, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật của các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong quốc gia, xã hội loài người. Cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc nào sống thiếu văn hoá, tức là cá nhân, nhóm, cộng đồng đó sống thiếu ý thức chân thật, không biết sáng tạo hay sống coi trọng hình thức bề rộng văn hoá, chứ không coi trọng nội dung, nguyên lý bề sâu văn hoá.
Cách nhận thức đúng các khái niệm: kết đoàn, hạnh phúc, sinh sôi. Kết đoàn (đoàn kết), hạnh phúc, sinh sôi (sinh sống) gắn liền với đời sống tâm linh. Tuy nhiên, hiện nay các khái niệm này chưa được những người nghiên cứu làm rõ tri thức về mối liên hệ giữa các mặt của chúng như sau: thuật ngữ kết, hạnh, sinh gắn liền với đời sống vật chất của các quốc gia trên thế giới; thuật ngữ đoàn, phúc, sôi gắn liền với đời sống tinh thần của các cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc trong quốc gia; còn khái niệm kết đoàn, hạnh phúc, sinh sôi gắn liền với đời sống tâm linh của các cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc, quốc gia trên thế giới (quốc tế). Tức là, đoàn kết phải thật sự rộng rãi, chân thành, không chỉ đoàn kết giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc trong quốc gia mà cả giữa các quốc gia, hay “đoàn kết quốc tế”; hạnh phúc không chỉ của mỗi người dân trong quốc gia, mà của mỗi người dân trên thế giới, bởi vì: không có con người hạnh phúc sẽ không thể có quốc gia hạnh phúc; không có quốc gia hạnh phúc sẽ không thể có quốc tế hạnh phúc.
Cách nhận thức đúng các khái niệm: Thiên Chúa, hoà bình, loài người. Khái niệm Thiên Chúa, hoà bình, loài người gắn liền với thế giới “tâm linh”, như: mừng cuộc sống yên vui, hoà bình trong ngày “Lễ Giáng sinh” – Lễ Thiên Chúa giáng sinh. Tuy nhiên, hiện nay các khái niệm này chưa được những người nghiên cứu làm rõ tri thức về mối liên hệ giữa các mặt của chúng như sau: thuật ngữ Thiên, hoà, loài biểu hiện vật chất sống (phần xác – đất nước) gắn với thời gian ở bên trong thế giới; thuật ngữ Chúa, bình, người biểu hiện tinh thần sống (phần hồn – khí trời) gắn với không gian ở bên ngoài thế giới; còn khái niệm Thiên Chúa, hoà bình, loài người biểu hiện ý thức sống (sự sống – con người) gắn với thế gian tồn tại ở giữa bên ngoài, bên trong thế giới.
Vào thời kỳ kháng chiến kiến quốc, khi tư duy, nhận thức về chính sách đoàn kết, độc lập, thống nhất, giữ vững nền hoà bình, dân chủ của Mặt trận Liên – Việt toàn quốc, và mối liên hệ giữa các khái niệm Thiên Chúa, hoà bình, loài người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Phải lấy công tác mà củng cố đoàn kết. Phải lấy đoàn kết mà đẩy mạnh công tác. Bốn mục đích hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Mặt trận: Muốn thống nhất, phải có hòa bình. Muốn độc lập thì phải thống nhất. Muốn thật sự độc lập thì phải có dân chủ. Bốn điểm đó như bầu trời có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; như một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; không thể tách rời nhau”14. Do đó, cách nhận thức đúng các khái niệm Thiên Chúa, hoà bình, loài người phụ thuộc vào sự hiểu biết rõ bản chất Thiên Chúa gắn với thời gian bốn mùa ở bên trong thế giới; tính chất hoà bình gắn với không gian bốn phương ở bên ngoài thế giới; thực chất loài người gắn với thế gian bốn mùa, bốn phương tồn tại ở giữa bên ngoài, bên trong thế giới.
Để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo động lực cho đất nước phát triển bền vững, tức là bảo đảm “sự cân đối, cân bằng, hài hoà” lâu bền về môi trường sống của tự nhiên, “sự công bằng, bình đẳng công lý” vững chắc về quyền lợi (vật chất), giá trị (tinh thần), cuộc sống (tâm linh) của các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong quốc gia, trước hết, mọi công dân, đội ngũ cán bộ cần phải thay đổi cách nhận thức chưa đúng, không đúng hiện nay sang cách nhận thức đúng; đặc biệt là nhận thức đúng sự thật về khái niệm “tâm linh”.
Tài liệu trích dẫn:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2013, t. 2, tr. 503.
2, 3, 9. Viện Ngôn ngữ học (2005). Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, tr. 896, 570, 897.
4. C. Mác, Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 1, tr. 156.
5. Hồ Chí Minh. Sđd, t. 1, tr. 99-100.
6. Hồ Chí Minh. Sđd, t. 8, tr. 78.
7. Hồ Chí Minh. Sđd, t. 14, tr. 402, 5.
8. Hồ Chí Minh. Sđd, t. 15, tr. 301.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t. 1, tr. 110.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Sđd, t. 2, tr. 336.
12. Hồ Chí Minh. 2013. Sđd, t. 7, tr. 574-575.
13. Hồ Chí Minh. Sđd, t. 3, tr. 458.
14. Hồ Chí Minh. Sđd, t. 9, tr. 245.
Nguyễn Hữu Đổng
PGS, TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh