Squid Game (Trò Chơi Con Mực), bộ phim sinh tồn Hàn Quốc mới của Netflix thực ra đã được đạo diễn Hwang Dong Hyuk – người đứng sau The Fortress, Miss Granny ấp ủ hơn một thập kỷ. Ông lần đầu tiên đưa ra ý tưởng cho bộ phim cách đây 13 năm, lấy cảm hứng từ một cuốn truyện tranh về nhóm người bị đẩy vào giữa một trò chơi khắc nghiệt mà họ không hề hay biết.
Tiêu đề bộ phim khiến khán giả liên tưởng đến trò chơi phổ biến của trẻ em Hàn Quốc, được chơi trên khoảng sân trống với những hình thù được vẽ trên đất nhưng ẩn đằng sau đó là sự máu me, bạo lực không có tình người. Một nhóm gồm 456 thí sinh được chọn ra và đưa đến một địa điểm bí mật, nơi họ sẽ đọ sức với nhau. Nếu vượt qua tất cả các màn, người chiến thắng sẽ nhận về 45,6 tỷ won. Nghe có vẻ đơn giản – người lớn nào có thể dễ dàng đánh bại trò chơi của trẻ em? – nhưng những người chơi sớm phát hiện ra theo cách kinh khủng nhất rằng bị loại không có nghĩa là trở lại cuộc sống bình thường.
Trong hai tập đầu tiên của Squid Game, khán giả được gặp gỡ nhiều thí sinh khá lanh lợi, mặc dù xuất thân khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung – rất cần tiền. Một số đã là nạn nhân của chính lòng tham do họ tạo nên và những người khác đã bị lợi dụng. Sae Byeok (do Jung Ho Yeon thủ vai) đến từ Bắc Triều Tiên, đào tẩu đến Nam Hàn đang cố gắng kiếm đủ tiền để mang cha mẹ cô thoát khỏi quê hương. Nhân vật chính Ki Hoon (Lee Jung Jae) mất việc và mất tất cả. Quá đau khổ, anh quyết định đăng ký chơi Squid Game như thử vận may của bản thân. Park Hae Soo – nam diễn viên nổi tiếng với Prison Playbook (2017) và Time to Hunt (2020) sẽ vào vai Sang Woo, bạn thời thơ ấu của Ki Hoon. Anh cũng bị mất phương hướng trong cuộc sống và không hề muốn tiếp tục làm công việc hiện tại.
Đối với những ai hâm mộ các dòng phim châu Á, thứ đầu tiên có thể nhận diện là chất kinh dị, giật gân gây sốc của điện ảnh Nhật có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến Squid Game, cũng như các “concept” từ Hunger Games và kinh điển nhất phải nhắc đến Battle Royale.Nhà sản xuất Squid Game không ngại thực hiện những cảnh giết chóc, máu me ghê rợn. Các thí sinh chỉ nhận ra sự kinh hoàng khi bắt đầu một trò chơi chết chóc của Red Light, Green Light, diễn ra dưới ánh nắng chói chang mà các nhân vật và người xem – không có nơi nào để trốn. Những người mặc áo hồng thể hiện sự tàn nhẫn khi đốt xác của những người thua cuộc, không phân biệt giữa người chết và người sắp chết.
Nhiều phân đoạn của Squid Game có một điểm rõ ràng, được nhà biên kịch kiêm đạo diễn Hwang Dong-hyuk nhấn mạnh rằng nguồn gốc của bạo lực đến từ những xung đột rất gần chúng ta, điều này khiến bộ phim trở nên kinh hoàng hơn nhiều. Trò chơi rất kinh khủng, nhưng sự kinh dị đó được bối cảnh hóa một cách rất thực tế; thậm chí có thể xảy ra ở ngoài đấu trường, khắp mọi nơi.
Sự nhẫn tâm tuyệt đối của giải đấu và nhân vật bí ẩn đằng sau nó bao trùm cả bộ phim, dẫn dắt người xem vào một trò chơi riêng là suy luận lý do đằng sau trò chơi, trong khi các sự kiện khiến khán giả đặt câu hỏi liệu bạn có muốn bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của nợ nần hay liều mạng để được tự do. Người giàu thực sự khiến người nghèo cạnh tranh để leo lên bậc thang xã hội cũng gây sốc. Không khó để tưởng tượng làm thế nào mà giải thưởng 45,6 tỷ won có thể khiến thí sinh trở mặt với nhau nhanh như bánh tráng khi vạch đích ngày càng gần.
Không giống như Hunger Games hoặc Battle Royale bị ép buộc tham gia, các đối thủ trong Squid Game tự nguyện đặt chân vào trò chơi để săn tiền thưởng. Phim dành nhiều thời gian để giải thích cho khán giả hiểu tại sao mỗi nhân vật lựa chọn Squid Game và quãng đời của họ trước đó. Cũng như nhiều phim về sinh tồn, series xây dựng hình tượng những người có quyền lực rất méo mó và tàn ác, coi mạng người như cỏ rác.
Chắc chắn, thành công của Squid Game nhờ vào cốt truyện phê bình xã hội sâu sắc, xây dựng nhân vật nhiều mặt dễ khơi dậy nhiều cảm xúc của người xem và kỹ xảo bắt mắt. Liệu những kết thúc có hậu có thể xảy ra trên thế giới này, đặt rất nhiều người vào những tình huống không có lợi và vẫn dám giả vờ rằng họ có một sự lựa chọn? Liệu công lý có thể tồn tại trong một xã hội bất bình đẳng không? Squid Game không cung cấp một lối thoát khỏi sự kinh hoàng mà mang lại cho khán giả một sự thật trần trụi bao năm vẫn phũ phàng như vật: con người ác độc hơn vẻ ngoài rất nhiều.
Một điểm cộng khác của phim là phần hình ảnh và âm thanh được sử dụng trong đây. Các giai điệu đặc biệt nổi da gà và hình ảnh mang màu sắc bắt mắt. Điểm cộng thứ ba là diễn xuất. Dàn diễn viên thực lực mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Bạn không nhất thiết phải thương cảm với họ, cũng không có vấn đề gì nếu bạn ghét họ cả nhưng vẫn hiểu được động cơ đằng sau hành động của họ.
Xây dựng tốt là thế, Squid Game vẫn có điểm yếu. Rõ ràng nhất phải kể đến tiết tấu khá chậm của phim. Điều kỳ lạ là sự chậm rãi chỉ diễn ra từ tập 2 trở đi, khi các phân cảnh người tham gia trò chơi đan xen các phân đoạn hồi tưởng của các nhân vật. Có lẽ vì thế mà các tình tiết tạo cho người xem cảm giác lê thê. Dẫu biết những đoạn hồi tưởng đóng vai trò trọng yếu trong việc phát triển các nhân vật, người viết vẫn hi vọng đội ngũ biên kịch cho chúng nhịp điệu nhanh hơn để tránh kéo lê tuyến truyện chính. Bên cạnh đó, tuyến truyện phụ về thanh tra Hwang, người trà trộn vào các quản trò để truy tìm tung tích của anh trai, có phần bị lép vế so với câu chuyện chính, đóng góp không mấy hiệu quả vào mạch truyện chính.
Dĩ nhiên, đối với loại phim phân giải nhân cách con người như thế này, thông điệp là khía cạnh được nhấn nhá mạnh mẽ nhất, nhưng cũng là thứ được cố tình che giấu nhiều nhất. Squid Game không chỉ truyền tải thông điệp dưới góc nhìn của những người chơi khổ hạnh thuộc tầng lớp nghèo khó dễ tổn thương (trò chơi có thể tự đắc việc họ không ép buộc ai tham gia, nhưng họ rõ ràng là nhắm vào người yếu thế mắc kẹt trong hoàn cảnh khắc nghiệt), mà còn làm điều đó qua góc nhìn của người thuộc tầng lớp thượng lưu.
Squid Game có cái kết theo mà kinh nghiệm cày phim của người viết chắc chắn sẽ khiến người xem phần nào hụt hẫng, thậm chí là thất vọng. Nhưng nó cũng phản ánh thái độ phũ phàng và trên một mức độ nào đó, bộ mặt triết học của bộ phim. Thật ra, nếu xét về cuộc trò chuyện giữa “trùm cuối” bí ẩn và nhân vật chính Ki-hoon, những kẻ giàu có đứng sau bộ phim không đơn thuần là độc ác, mà trở thành một phiên bản méo mó của những nhà triết học dành cả cuộc đời để tìm ý nghĩa của cuộc sống. Họ hỏi nếu kiếm tiền là thứ làm cuộc sống thêm ý nghĩa, vậy sau khi có tiền rồi là gì? Sự giản đơn tàn nhẫn trong đáp án được đưa ra trong đây cũng không thể khiến chúng ta ngừng ngẫm nghĩ về nó.
Ảnh: Screen Rant