– Ối giời! Cái gì nhập vào bác mà ra được những câu thơ hay đến thế, vừa ma quái vừa thần tiên.
– Các cụ Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị ở trên trời giờ này chắc đã có thể nở được nụ cười vì có người kế nghiệp làm thơ.
– Này chú! Văn chương chú viết thế thì thiên hạ mấy ai bén gót…
Nếu bạn có dịp ngồi bên cạnh các nhà văn, nhà thơ trong những cuộc gặp gỡ tao đàn, thù tạc của họ, những câu nức nở đại loại như thế không phải là hiếm. Tội nghiệp cho một anh nhà báo trẻ có lần đầu đời được phỏng vấn một nhà thơ tên tuổi về tập thơ mới ra của một người bạn đã mang nguyên cả những lời đánh giá của ông lên báo, trong đó có câu: “Thơ của tác giả này phải đoạt giải nhất quốc gia mới xứng đáng”.
Người ta vẫn nói “Văn mình vợ người”, có nhà văn, nhà thơ nào chịu ai, mấy khi khen ai. Thế mà bây giờ, chuyện họ khen nhau lại trở thành phổ biến. Gặp nhau là tặng nhau những “lời hay ý đẹp”. Sự thật hóa ra chả phải. “Họ khen điêu đấy”-mấy nhà thơ, nhà báo già góp ý với anh nhà báo trẻ nọ. Mà mất gì chút nước bọt. Cái anh kia không thích ai chê thơ mình, chỉ khen mới nói chuyện, mới nhìn nhau được. Ờ thì khen. Khen cho ông ăn ngon ngủ yên, phổng phao lớn lao.
Chuyện “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thời nay phát đến thiên biến vạn hóa. Ở các cuộc thi, liên hoan ca nhạc, những lời khen: “Tiếng hát của bạn đã chạm đến trái tim của tôi và bao người” hay “Em đã đến ranh giới của một ca sĩ chuyên nghiệp”… cứ thế tuôn ra. Tại các cuộc thi hùng biện của tuổi trẻ mới lớn, những ngôn từ rồng bay phượng múa, to tát, hoành tráng cũng trào dâng bất tận. Ờ thì suốt ngày nghe quảng cáo những “thuốc chữa bách bệnh”, “không khỏi không lấy tiền” những “diệu khang”, “thần dược”, những “bí truyền”, “gia truyền” những slogan nghe, đọc mát lòng mát dạ. Ờ thì những diễn thuyết bán hàng đa cấp nghe thấu tim gan, những bất động sản, khu nghỉ dưỡng “thiên đường” những thứ hàng họ “siêu bền” “chất lượng ngoại, giá nội”…
Sống giữa trời mênh mông, dồn dập của các quảng cáo, rao giảng, sao những lời hay ý đẹp, những lời có cánh nó không ngấm vào người, trở thành ngôn từ miệng lưỡi của cả trẻ con đến người lớn cho được? Nghe thấy, nhìn thấy, va chạm với những ăn “điêu”, nói “điêu” chợ búa nhiều thì sao người thường không bị lây nhiễm.
Những thi nhân, văn sĩ, nghệ sĩ không phải “người thường”, họ có bổn phận chăm lo, vun đắp cho thiên chức kỹ sư tâm hồn, giữ gốc đạo đức, sàng lọc, làm trong sáng chữ nghĩa, ngôn từ, âm thanh, giai điệu? Đương nhiên cuộc sống của họ cũng lắm vất vả, cực nhọc, gian truân, đương nhiên họ cũng lắm khi phải ứng phó với những lèo lá, điêu chác và những lời có cánh từ nơi họ cũng chỉ là một cách ứng xử cho phải phép, không mất lòng nhau. Nhưng “lời nói dối chân thật” sẽ không còn là chân thật những khi ứng xử phải đạo, ngôn từ phải phép trở thành thường xuyên, thành căn bệnh đối phó. Không thể đòi hỏi ở họ lúc nào, việc gì cũng chuẩn mực nhưng sự chân thật, chân thành ở họ phải là phẩm chất, tính cách gốc rễ, phải là cái đích đầu tiên của mục tiêu lý tưởng “chân-thiện-mỹ”.
Chả phải chỉ có anh nhà báo trẻ ngây thơ nọ mới dễ tin vào từng lời, từng chữ nơi nhà thơ tên tuổi, có bao người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà dại dột nghe những lời khen tặng, tâng bốc của họ mà ngộ nhận về tài năng thi ca nhạc họa của mình. Những bài thơ, bản nhạc của nơi bạn bầu vui vẻ lại được in ấn, xuất bản phổ biến theo phong trào đã và đang làm méo mó, khổ sở công chúng có phần lỗi từ những lời có cánh.
SA MUỘN