Bao trùm tiểu thuyết “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” là sự ám ảnh chủ nghĩa tư bản mỗi ngày một lớn mạnh của Haruki Murakami. Ông dụng tâm khắc họa tâm trạng của thế hệ thanh niên Nhật Bản trong sự chuyển mình của nền kinh tế – xã hội những năm 1970. Trước thời cuộc biến động đó, tuổi trẻ của họ không mang màu sắc rực rỡ mà nổi bật lại là nỗi cô đơn, bất lực và nuối tiếc vì quá khứ đã qua.
Không ai níu nỗi thời gian
“Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” của Haruki Murakami thể hiện thế giới đầy cô độc và trống rỗng quanh chàng trai Hajime từ khi còn là thiếu niên cho đến lúc ở tuổi xế chiều. Ngay từ phần đầu tên của cuốn sách cũng đã mang nặng màu sắc cô đơn khi dùng tên bài hát nhạc jazz đầy hoài niệm “South of border” (Phía nam biên giới) của Nat King Cole. Đó là bài hát mà thời niên thiếu chàng trai vẫn cùng nghe với Shimamoto, người bạn thân thiết luôn hiểu thấu sự cô đơn của anh. Còn phần sau của tựa đề sách “phía tây mặt trời” chỉ hội chứng cuồng loạn Hysteria Siberia. Đó là hội chứng của người Siberia khi họ ngày đêm làm việc ở nơi đồng cỏ hoang vu, mỗi ngày cứ lặp đi lặp lại trong sự lao động khổ sai đến ám ảnh. Họ cuồng loạn như muốn phát điên khi mỗi ngày lao động như một cỗ máy, ngẩng đầu lúc nào cũng nhìn thấy đường chân trời. Cuối cùng họ không chịu nỗi sự ám ảnh mặt trời, sự lặp lại vô nghĩa của kiếp người mà chết.
“Thế giới của chúng ta giống như thế. Khi trời mưa hoa nở và khi trời không mưa hoa héo. Bọn thằn lằn ăn côn trùng và bị bọn chim ăn thịt. Nhưng tất cả rồi sẽ chết đi, khô teo đi. Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Có nhiều cách sống và nhiều cách chết. Điều đó không quan trọng. Thứ duy nhất còn lại chính là sa mạc”.
Cuộc đời của Hajime cũng là chuỗi ngày cô đơn dài dẵng đến ám ảnh như những người Siberia. Chuỗi ngày dài của cuộc đời vô vị, nhàm chán của anh vẫn tiếp diễn dẫu lòng anh đã mệt nhoài từ lâu. Từ bỏ không được, cũng không thoát ra được, Hajime chỉ có thể sống mòn trong thế giới mà với anh đã không còn chút màu sắc, chút hương vị nào nữa. Sống với anh chỉ đơn giản là tồn tại một cách vật lý, một cách mòn mỏi, vô thưởng vô phạt mà thôi. Tuổi trẻ của anh trở nên bớt đi sự lạc lõng và trống rỗng khi gặp gỡ và trò chuyện cùng với Shimamoto. Nhưng cả hai lại mất liên lạc với nhau suốt nhiều năm trời, cuối cùng kỉ niệm vẫn là thứ khiến con người chỉ có thể ngoảnh đầu nhìn lại chứ không thể nắm trong tay được.
“Tôi có cảm giác người ta tìm cách nghiền nát tôi và tôi thường trực sống trong thế phòng thủ. Không có những người bạn, hẳn là tôi sẽ giữ những dấu ấn còn đau đớn hơn về giai đoạn bất ổn của thời niên thiếu đó.”
Hajime vẫn ám ảnh nhiều năm về nỗi nhớ về cô gái Shimamoto của thời niên thiếu, cô gái dẫu không xinh đẹp, nhưng lại là người duy nhất đồng điệu nhịp tim với Hajime. Họ cùng là con một, cùng trưởng thành trong vô vị, yêu sách, yêu nhạc, chìm đắm trong thế giới chỉ có duy nhất bản thân mình. Cô gái bị tật ở chân nhưng lại là cô gái kiên cường nhất, mạnh mẽ nhất nhưng cũng cô độc nhất. Họ cùng với đối phương là hai con người lạc lõng, sống trong một xã hội không tìm được tiếng nói chung. Để rồi suốt hơn hai mươi năm sau đó, Hajime vẫn sống và ám ảnh về Shimamoto, người đã định trước là sẽ chỉ còn là kỉ niệm. Sống mà không có mục đích không đáng sợ, đáng sợ là cứ mong mỏi một thứ như bóng như sương, không sờ được, không thấy được, chỉ là ảo ảnh giày vò con người.
Sự ám ảnh tư bản
“Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” là tác phẩm mang nỗi ám ảnh tư bản đậm nét nhất của Murakami. Nỗi ám ảnh trong tiểu thuyết này xuất hiện với tần số đều đặn trong giọng điệu chậm rãi, có pha chút dửng dưng mà chua chát. Murakami tô đậm tuổi trẻ tham gia phong trào sinh viên biểu tình chống lại sự lớn mạnh của tư bản của Hajime. Nhưng thứ mà Hajime nhận lại được vẫn chỉ là một kết cục đã rồi, phong trào sinh viên dần bị lui về quá khứ, trở thành thứ bị lãng quên.
Đã mười năm, hai mươi năm sau cái thời “Lắng nghe gió hát“, những sinh viên năm nào từng đấu tranh hết mình vì thứ gọi là công bằng ấy cuối cùng vẫn phải lao vào xã hội mưu sinh và đối mặt với thực tại. Thực tại ấy chính là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển thần tốc, còn họ trở thành người làm công cho tư bản, làm công cho giá trị đồng tiền lớn mạnh mà họ từng có tuổi trẻ một lòng đứng lên chống đối đến cùng.
“Đôi khi, tôi tự nhủ nếu có thể khóc thì hẳn mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng tôi phải khóc vì cái gì đây? Vì chính tôi? Tôi quá ích kỷ để có thể khóc cho những người khác, và quá già để có thể khóc cho chính tôi.”
Mười năm sau đã không còn giống như mười năm trước, sự dũng cảm của thế hệ sinh viên ngày đó, đến thực tại chỉ còn là thứ không đáng một xu. Cuối cùng sức trẻ cũng không thắng nỗi thời gian, không thắng nỗi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Bài toán mưu sinh đã khiến cho thế hệ thanh niên như Hajime chỉ có thể cố gắng sống tiếp với nền kinh tế tư bản ấy mà lãng quên giấc mơ của phong trào sinh viên.
“Với thời gian, nhiều thứ cố định lại, giống như xi măng bám cứng vào thành bên trong của một cái xô, và người ta không còn có thể quay ngược trở lại nữa. “Cậu” của bây giờ đã bị đông cứng lại như xi măng, và cậu không thể nào khác được với cậu của ngày hôm nay”
Hajime càng sống càng cô đơn, càng hoảng sợ thế giới anh đang sống. Mỗi ngày đi làm đến tối mịt lại về nhà, sau đó lại đi làm, rồi lại về nhà, ăn ở cửa hàng tiện lợi rồi lại đi làm. Đó là cuộc sống điển hình của nhân viên văn phòng tại Nhật Bản, áp lực công việc khiến họ như chỉ sinh ra để lao động như một cỗ máy miệt mài không còn thời gian suy nghĩ. Công việc của Hajime là sửa bản in sách giáo khoa, một công việc lặp đi lặp lại. Với một sinh viên văn khoa đầy mộng tưởng, đó chẳng phải là công việc lý tưởng, nhưng Hajime vẫn chôn vùi tuổi trẻ của mình suốt nhiều năm trời với công việc đó. Bởi với anh làm việc gì thì có khác biệt gì đâu, công việc nào cũng như thế mà thôi. Một khi xã hội phát triển, mọi thứ đã vào guồng, trừ khi làm việc thật chăm chỉ tích cóp một số tiền, người ta mới dám nghĩ đến chuyện khởi nghiệp viết lách như Haruki Murakami, còn lại rất khó cho những người mộng mơ như Hajime. Anh vẫn hoạt động như một cỗ máy trong suốt ngần ấy năm, sống trong nỗi cô đơn về tinh thần và sự mệt nhoài về thể chất. Vì mang trên vai gánh nặng mưu sinh, anh đã đánh mất những thứ quý giá ở tuổi trẻ:
“Khi người ta chỉ nghĩ đến cách kiếm tiền, tôi nói tiếp, cuộc sống sẽ đi qua trước khi người ta có thời gian để nhận ra”
Không ai hiểu được nỗi cô đơn vô tận sâu trong lòng Hajime, cũng không còn Shimamoto. Cô gái cũng như cái bóng vô định mà suốt đời Hajime theo đuổi, nhưng cô cũng xa vời như chính tuổi trẻ mộng tưởng của anh vậy. Không có cách nào rời bỏ cuộc sống tồn tại sự lớn mạnh đến đáng sợ của tư bản, cũng không có cách nào gặp lại Shimamoto. Hóa ra con người có mộng tưởng không thành lại là con người đơn độc đến tận cùng.
Không quá kì ảo mà là đời thực
“Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” là cuốn tiểu thuyết rất thực của Murakami, yếu tố kì ảo không quá đậm nét mà xuất hiện rải rác để lột tả cái cô đơn cùng cực của Hajime. Có lúc anh nhìn thấy Shimamoto đến vào một ngày mưa, có lúc nhìn thấy bóng hình của Izumi – người phụ nữ anh khiến cô khổ đau trong quá khứ. Song tất cả lại mờ ảo giữa cái ranh giới thực và ảo, anh thật sự gặp lại họ hay đó chỉ là sự mộng tưởng của riêng anh, sự mộng tưởng của con người sống mà vụn vỡ hoàn toàn đức tin.
“Tôi nhìn thấy cái bóng của phá hủy và thối rữa bay lơ lửng. Và tồn tại của tôi bị kẹt cứng giữa tất cả những thứ đó. Giống như một cái bóng in lên bức tường.”
Hajime không phải nhân vật lý tưởng, anh là mẫu hình người sa đọa đến tận cùng nhất trong các tác phẩm của Murakami. Nội tâm Hajime luôn tồn tại sự mẫu thuẫn giằng xé, anh căm ghét xã hội, nhưng đến cuối cùng lại bị đặt vào cuộc đời giàu có của một gã đại tư bản, không có cách nào chối bỏ nó, chỉ có thể tồn tại cùng với nó. Từ một thanh niên nhiều năm trước sẵn sàng chiến đấu vì công bằng trở thành một thành phần của xã hội đó Hajime càng sống càng sa đọa, càng sống càng sai lầm, trầm luân trong rượu cồn, tình dục, trở nên không buồn giải thích, không muốn phản kháng sự công kích, chỉ tiếp tục sống trong cái thế giới mà anh biết rõ đúng sai nhưng vẫn phải cố mà tồn tại. Hóa ra thứ bi kịch lớn nhất của đời người là lúc trưởng thành trở thành người mà thuở thiếu thời mình vô cùng căm ghét thà chết chứ không muốn trở thành.
“Tôi tự hỏi ngày mai sẽ thế nào. Hai tay đặt lên vô lăng, tôi nhắm mắt lại. Tôi có cảm giác mình không còn ở trong con người mình nữa. Tôi có cảm giác cơ thể tôi chỉ còn là một cái bình đựng đi mượn tạm. Ngày mai sẽ xảy ra điều gì?”
Trong tay Hajime có tất cả nhưng anh sống vật vờ như cái vỏ rượu rỗng không, nội tâm trống trải, mộng tưởng vỡ tan. Tiền bạc không làm vơi đi nỗi cô đơn của con người, không mua đứt nỗi niềm cô độc. Hajime cứ tiếp tục tồn tại như cái cách mà người nông dân Siberia tồn tại, sống chuỗi ngày lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa, nhìn thấy mặt trời nơi biên giới đầy ám ảnh cứ ngày ngày mọc rồi lại lặn. Người mắc hội chứng Hysteria Siberia chết vì nỗi ám ảnh đến điên loạn kiếp sống mòn mỏi, còn Hajime, anh vẫn tiếp tục tồn tại, gặm nhắm cô độc mà sống tiếp cuộc đời lạc lõng. Chết đôi khi còn không đáng sợ bằng sự tồn tại với ám ảnh và cô đơn trong một cuộc đời không tìm thấy được một lối ra nào.
“Phía nam biên giới, phía tây mặt trời” vừa thực lại vừa ảo, lồng ghép kết hợp vào nhau để lột tả cái cảm giác cô đơn đến bất lực của con người. Biết là đúng nhưng không thể theo đuổi đến cùng, biết là sai nhưng không thể chối bỏ được, con người chỉ có thể vẫy vùng yếu ớt mà không có cách nào chống trả. Đó chính là kiếp sống mòn mỏi của thế hệ thanh niên Nhật Bản trước sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội Nhật Bản sau thế chiến thứ 2.
Link mua sách:
- Fahasa: https://shorten.asia/J3Fa25Gk
- Tiki: https://shorten.asia/9cRws43q
- Lazada: https://shorten.asia/W61fBuaa
- Shoppee: https://shorten.asia/GgzStJuK
Xem thêm các tác phẩm của Haruki Murakami
Tôi nói gì khi nói về chạy bộ: Murakami & Lời khuyên giữ lửa nghề viết
Kafka bên bờ biển: Bản nhạc buồn quy tụ những bản ngã cuộc đời
Cuộc săn cừu hoang – Giấc mơ ngẩn ngơ và hoang đường
1Q84 – Thế giới song song hư ảo dưới âm nhạc và ánh trăng của Murakami
Biên niên ký chim vặn dây cót – Thế giới thực & ảo
Rừng Na Uy