Thật ra, đây là một sự đúc kết của nhiều bậc thức giả trên thế giới mà Lê Quý Đôn, bộ óc uyên bác thuộc làu kinh sử, thông suốt cổ kim đã đặc biệt lưu ý nhằm đưa ra lời khuyến cáo với hậu thế. Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, triều đại nào biết quý trọng trí thức, quy tụ và phát huy được sức mạnh trí tuệ trong tầng lớp tinh hoa của dân tộc, triều đại ấy hưng thịnh. Ngược lại là suy vong.
Ảnh minh họa
Chẳng phải chỉ Lê Quý Đôn, trước đó ba thế kỷ, trong văn bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) dựng tại “Văn Miếu” do Thân Nhân Trung biên soạn đã đưa ra một thông điệp thật thâm thúy:“…Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”. Thông điệp ấy được xem như một lời răn dạy nghiêm cẩn của ông cha ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước!
Vậy thì, hiện nay “nguyên khí” ấy “thịnh” hay “suy”? Câu hỏi ấy không dễ trả lời! Nhưng dù dễ hay khó trả lời thì sự thịnh suy của một triều đại tùy thuộc vào việc biết “vun trồng nguyên khí quốc gia” vẫn là quy luật muôn đời. Chỉ có điều, vận dụng quy luật ấy như thế nào thì tùy thuộc vào tầm nhìn và phẩm chất của những người gánh vác trọng trách cũng như việc xử lý mối quan hệ lợi ích trong các quyết sách.
Thì đó, việc công bố giáo dục là quốc sách hàng đầu đã được đưa ra rất sớm, song chất lượng thấp kém của hệ thống giáo dục nước ta so với khu vực và thế giới đang là một thực tế nhức nhối mà ai cũng thấy, và đây chính là lý do rất cơ bản về sự chậm phát triển của đất nước. Một nỗi đau không chỉ riêng ai về kết quả tuyển sinh Đại học và Cao đẳng vừa công bố với hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử, ấy vậy mà lịch sử là một nhân tố mà thiếu nó thì ý thức dân tộc không thể đứng vững được.
Trí phải bắt đầu từ giáo dục (ảnh minh họa)
Hoặc một ví dụ khác: với lợi thế của khí hậu nhiệt đới gió mùa vốn nổi tiếng là hoa quả thu hoạch được quanh năm, song hiện nay trên thị trường của ta tràn lan hoa quả nhập khẩu từ nhiều nước. Vậy là nông sản với thương hiệu Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến trên thị trường thế giới. Nguyên nhân có nhiều, song về cơ bản, cần tìm về trong khuyến cáo của Lê Quý Đôn.
“Phi nông bất ổn”, quả đúng vậy, nhưng đời sống, cung cách làm ăn và năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp của ta hiện nay ra sao lại tùy thuộc vào mối quan hệ giữa nhà nông với nhà khoa học, phải chăng đây là minh chứng cho nguyên lý “phi trí bất hưng”? Vấn đề hàm lượng chất xám quá thấp trong quá trình canh tác, nuôi trồng để cho ra những sản phẩm nông nghiệp là một thực trạng đáng lo ngại.
Cứ nhìn hàng tấn vải thiều vùng Lục Ngạn Bắc Giang phải đổ đi khi quá trình giao thương bị trục trặc bởi nhiều lý do cũng đủ thấy rõ điều này. Mà xuất khẩu sản phẩm thô với giá trị gia tăng thấp đâu chỉ ở nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ cũng nằm trong tình trạng ấy. Và nhìn chung trong nền kinh tế, nguồn lực huy động được trong nước và từ bên ngoài mấy năm qua rất cao, song hiệu quả kinh tế lại thấp kém với chỉ số ICOR (tỷ lệ nghịch với hiệu quả đầu tư) tăng nhanh, lên mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là cao nhất trong khu vực. Vậy là, “trí” mà cụ Lê Quý Đôn nói đến có liên hệ khăng khít với cả nông, công, thương! Một khi mà nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng tụt hậu thì khó mà nói đến sự phát triển bền vững.
Trí thức phải vào cuộc trong sự nghiệp phát triển đất nước (ảnh minh họa)
Thế mà theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2010, trong số 20,1 triệu lao động đang làm việc, thì chỉ có 8,4 triệu người có chứng chỉ đã được đào tạo trong và ngoài nước. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11 trên 12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB trong khi Hàn Quốc là 6,91, Ấn Độ là 5,76, Malaysia là 4,91, Thái Lan là 4,94. (mặc dầu vậy, hiện nay hình như chưa có sản phẩm nông nghiệp nào của ta cạnh tranh được với Thái Lan).
Có đến 44% các doanh nghiệp FDI phải tổ chức đào tạo lại cho người lao động được tuyển dụng, vì thế, hàng năm các doanh nghiệp FDI phải tiêu tốn khoảng 8% tổng chi phí kinh doanh. Cội nguồn của nguồn nhân lực lực thấp lại cần phải truy tìm sâu vào việc trọng dụng trí thức với sự thấu triệt nguyên lý “phi trí bất hưng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tự phê bình về chuyện này : “Nước nhà cần kiến thiết. Kiến thiết phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh là người cảm nhận thấu đáo nhất khuyến cáo của Lê Quý Đôn!
Ảnh minh họa
Nhưng rồi sao? Theo thống kê mới đây của Bộ GD-ĐT thì có tới 63% số cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp. Một chuyện thật mà cứ như đùa, sinh viên ra trường không có việc làm đã mang tấm bằng Đại học của mình ra hiệu cầm đồ để lấy 1,5 triệu đồng! Dù sao thì câu chuyện “cười ra nước mắt” này cũng chỉ là một nét chấm phá trên toàn cảnh bức tranh.
Sẽ thấu đáo hơn về điều này khi hiểu rằng, sinh viên với bản lĩnh, tri thức và nhân cách của mình chính là lực lượng hùng hậu bổ sung vào đội ngũ trí thức của đất nước. Phải lưu ý điều này vì các cụ ta xưa từng cho rằng “Đại học là cái học để làm người lớn” (đại học giả đại nhân chi học giả). Chả thế mà, ngay sau khi nhận giải Field thì người đầu tiên mà Giáo sư Ngô Bảo Châu gọi từ Ấn Độ để báo tin chính là người thầy “đã có ảnh hưởng tới cách tiếp cận cuộc sống và hình thành nhân cách” của mình!
Trong bối cảnh của thời đại mới, thời đại của nên văn minh trí tuệ , thì “cách tiếp cận cuộc sống” gắn làm một với sự “hình thành nhân cách” lại càng cực kỳ quan trọng. Nó được kế thừa và nâng lên một cung bậc mới phẩm cách của kẻ sĩ xưa kia. Chỉ xin dẫn ra đôi nét trong chuyện không hiếm những “kẻ sĩ” treo ấn từ quan bởi nhiều lý do.
Ảnh minh họa
Trong đó, cách ứng xử “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” (được dùng thì ra làm việc, không được dùng thì lui về) thể hiện một nhân sinh quan, một thái độ sống. Quan trọng nhất của chuyện “xuất” và “xử” của kẻ sĩ gắn liền với thời cuộc “thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ vô đạo tắc ẩn”, có đạo thì hiện, vô đạo thì ẩn.
Vì sao? Vì “gặp lúc nước hữu đạo mà nghèo và hèn là đáng thẹn, gặp lúc nước vô đạo mà giàu sang là đáng thẹn”. Bởi lẽ, theo Khổng tử thì “đạo không xa người”. Sách Trung dung chép: “đạo không thể giây phút nào lìa được, lìa được thì không phải là đạo”! Còn theo Mạnh tử, “đạo” có mối liên hệ hữu cơ với “tâm” và “đức”. Tâm không tạo ra đức, nhưng vì để gặp được đạo thì phải có tâm, còn muốn hành đạo thì phải có đức. Chỉ trong hành động, thì tâm và đức mới có sự gắn kết với nhau.
Mà gắn kết được, vì trong học thuyết về chữ tâm của Mạnh tử, bốn viên đá tảng xây nên lâu đài đạo đức là nhân, nghĩa, lễ, trí mà ông gọi là “tứ đoan”: “lòng trắc ẩn là đầu mối của nhân, lòng hổ thẹn là đầu mối của nghĩa, lòng từ nhượng là đầu mối của lễ, lòng thị phi là đầu mối của trí”.
Con đường từ đạo đến đức không bằng phẳng dễ dàng. Thông thường, để cho con người “hữu đạo” thì phải biết cách “giáo hóa”. Phải biết cách dạy cho người ta hiểu. Vì thế, Khổng, Mạnh đều khuyên người ta coi trọng “giáo” hơn “chính”, đặt công việc “giáo hóa” trên và trước công việc “chính trị”. Người đảm nhiệm công việc khó khăn đó, không ai khác, là “kẻ sĩ”. Đề cao kẻ sĩ là vì lý do đó.
Đương nhiên, còn rất nhiều vấn đề của chuyện đề cao đó với nhiều dụng ý, nhiều động cơ khác nhau, thông qua lăng kính lợi và danh của nhiều đối tượng khai thác vai trò của “kẻ sĩ”, song ý nghĩa chung nhất là nhằm nói lên bất cứ xã hội nào cũng phải cần đến kẻ sĩ. Ngạo ngược như Lưu Bang nhà Hán, đái vào mũ nhà Nho để biểu thị sự coi thường kẻ sĩ, thô bạo tuyên bố: “Bố mày ngồi trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ, đâu phải cần gì đến nhà Nho”.
Thế nhưng rồi, để xác lập vẻ uy nghiêm của ngôi thiên tử và trật tự ổn định của thể chế, Hán Cao Tổ cuối cùng rồi phải tôn Nho, chiêu mộ kẻ sĩ. Vắn tắt nhắc lại đôi điều nói trên không phải là học đòi theo thói nhà Nho: quay đầu về xưa, xem xưa hơn nay. Mà là để chỉ nói lên một điều, coi trọng người có học là một phương châm ứng xử xuyên suốt lịch sử, không chỉ riêng của dân tộc ta.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc lại luận điểm của Nguyễn Trãi “Nước ta là một nước văn hiến” để khẳng định lại cái chân lý bất biến : Điều đó có nghĩa là trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá”.
Ảnh minh họa
Đây là một sự nhắc nhở: trọng trí thức là hằng số xuyên lịch sử. Mọi biến số khác đều lấy cái “bất biến” đó làm cái trục quy chiếu để đoán định về mọi giá trị của cuộc sống con người. Nắm chắc cái “bất biến”đó để ứng xử với bao nhiêu “vạn biến” khó lường của cuộc sống. Mở rộng cái hằng số xuyên lịch sử ấy, có người đã nêu lên một ý rất hay : “Ai đánh thức không cho xã hội ngủ, người ấy là trí thức, bất kỳ họ là ai” (Cao Huy Thuần).
Nhắc lại những điều trên chỉ nhằm nối kết với cuộc sống hôm nay, để hiểu rằng, sự hưng vong của một triều đại, một chính thể tùy thuộc vào việc có chiêu tập, quy tụ được anh tài, hun đúc và gìn giữ “nguyên khí quốc gia”, nói cách khác đó là sự thăng hoa của “trí tuệ dân tộc” là điều mà bất cứ thể chế nào cũng phải thực hiện. Nói “trí tuệ của dân tộc”, trước hết là phải nói đến bộ phận tinh hoa của đất nước, những người biết hấp thu vào mình trí tuệ của thời đại, đồng thời cũng góp phần của dân tộc mình vào trí tuệ của thời đại..
Nói đến tinh hoa là nói đến những phẩm chất cơ bản, làm nên bản lĩnh, phẩm giá và danh dự của dân tộc, góp phần vào sức mạnh của dân tộc. Để cho bộ phận tinh hoa ấy bừng nở, phát huy được tài năng, đáp ứng ngày càng cao những đòi hỏi của sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước, phải biết thật sự tôn trọng trí thức và dám nghe những phản biện tâm huyết của họ về thời cuộc./.