ĐỊNH NGHĨA NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN
Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế (Healthcare Associated Infection – HAI) là các nhiễm khuẩn xảy ra trong quá trình người bệnh (NB) được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) mà không hiện diện hoặc ủ bệnh khi nhập viện. Nhìn chung, các nhiễm khuẩn xảy ra sau nhập viện 48 giờ (2 ngày) thường được coi là NKBV.
Sơ đồ 1. Minh họa liên quan giữa thời gian nhập viện và NKBV
BẰNG CHỨNG LIÊN QUAN TỚI NKBV
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong khoảng 31 người bệnh trong các bệnh viện thì có ít nhất một ca viêm nhiễm liên quan đến chăm sóc sức khỏe tại Mỹ. Hằng năm ở Mỹ có 1,7 triệu người mắc NKBV, người bệnh mắc NKBV phải kéo dài thêm 17,6 ngày nằm viện và gia tăng chi phí điều trị là 1100 US$ /người bệnh NKBV.
Tại Việt Nam tỷ lệ NKBV chung ở NB nhập viện từ 5%-10% tùy theo đặc điểm và quy mô bệnh viện. Các loại NKBV thường gặp là viêm phổi bệnh viện, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN).
Số lượng vi khuẩn có ở 1 cm2 da lành của NB thay đổi từ 102 đến 106 vi khuẩn, nhiều nhất là ở vùng bẹn, vùng hố nách, vùng nếp khuỷu tay, bàn tay. Có 25% da người bình thường mang S. aureus, da người mắc bệnh tiểu đường, NB lọc máu chu kỳ và người viêm da mạn tính có S. aureus định cư cao hơn.
Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ NVYT tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong chăm sóc NB nói chung và NB phẫu thuật nói riêng thường chỉ đạt tỷ lệ 50% – 70%. Các nghiên cứu đã chứng minh tuân thủ thực hiện vệ sinh tay (VST) làm giảm 30% – 50% NKBV. Phổ vi khuẩn vãng lai là thủ phạm chính gây NKBV, có thể loại bỏ dễ dàng bằng VST thường quy (rửa tay với nước và xà phòng thường hoặc chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn trong thời gian 20 giây-30 giây).
PHÒNG NGỪA CHUẨN
Định nghĩa
Phòng ngừa chuẩn (PNC) là các biện pháp phòng ngừa cơ bản áp dụng cho mọi người bệnh không phụ thuộc vào chẩn đoán, tình trạng nhiễm trùng và thời điểm khám, điều trị, chăm sóc dựa trên nguyên tắc coi máu, chất tiết và chất bài tiết của người bệnh đều có nguy cơ lây truyền bệnh.
Nguyên tắc Phòng ngừa chuẩn
Nguyên tắc của Phòng ngừa chuẩn là coi tất cả máu, dịch sinh học, các chất tiết, chất bài tiết (trừ mồ hôi) đều có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm.
Phòng ngừa chuẩn là các thực hành cơ bản được áp dụng mọi lúc, mọi nơi trong mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tuân thủ Phòng ngừa chuẩn là chiến lược quan trọng nhất để làm giảm nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế cho người bệnh, làm giảm phơi nhiễm nghề nghiệp cho nhân viên y tế.
Áp dụng Phòng ngừa chuẩn trong quá trình chăm sóc cho mỗi người bệnh dựa vào bản chất của sự tác động qua lại giữa cán bộ y tế với người bệnh, khả năng phơi nhiễm với máu, dịch sinh học và các chất tiết của cơ thể để lựa chọn các phương tiện phòng hộ cá nhân và các thực hành thích hợp.
Máu và các chất tiết của cơ thể có thể truyền tác nhân gây bệnh
Tất cả máu và sản phẩm của máu
Tất cả các chất tiết nhìn thấy máu
Dịch âm đạo
Tinh dịch
Dịch màng phổi
Dịch màng tim
Dịch não tuỷ
Dịch màng bụng
Dịch màng khớp
Nước ối
Chú ý: Máu và chất tiết, dịch tiết kể trên không chỉ có thể truyền bệnh từ người bệnh mà còn có thể truyền bệnh từ môi trường bị vấy máu, dịch tiết, chất tiết.
Phòng ngừa bổ sung
Bên cạnh phòng ngừa chuẩn áp dụng chung cho máu và dịch tiết của tất cả người bệnh. Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ còn khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa bổ sung như sau:
Phòng ngừa lây truyền qua đường không khí: áp dụng cùng với PNC cho những NB nghi ngờ có nhiễm tác nhân gây bệnh có thể lây truyền theo đường không khí như: sởi, thủy đậu Herpes zoster Varicella Zoster, lao phổi, SARS, H5N1 trong những thủ thuật tạo khí dung, cán bộ y tế cần mang khẩu trang hô hấp đặc biệt.
Phòng ngừa lây truyền qua đường giọt bắn: áp dụng cùng với PNC cho những NB nghi ngờ có nhiễm những bệnh lây truyền qua giọt bắn như nhiễm Haemophilus influenza type B, Neisseria meningitis, não mô, cầu ho gà, bạch hầu viêm phổi do Mycoplasma; một số nhiễm siêu vi nặng như quai bị và Rubelle.
Phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc: áp dụng PNC và Phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc đối với những NB nghi ngờ có nhiễm một số bệnh dễ lây truyền qua đường tiếp xúc như: nhiễm khuẩn da, đường ruột do vi khuẩn đa kháng, bạch hầu, Herpes simplex virus.
Các nội dung của Phòng ngừa chuẩn
Vệ sinh tay
Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân
Vệ sinh hô hấp và vệ sinh khi ho
Sắp xếp người bệnh
Tiêm an toàn và phòng ngừa tổn thương do vật sắc nhọn
Vệ sinh môi trường
Xử lý dụng cụ
Xử lý đồ vải
Xử lý chất thải
VỆ SINH TAY THƯỜNG QUY
Thời điểm vệ sinh tay thường quy
Trước khi tiếp xúc trực tiếp với mỗi NB.
Trước khi thực hiện mỗi thủ thuật sạch/vô khuẩn.
Ngay sau mỗi khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể.
Sau khi tiếp xúc trực tiếp với mỗi NB.
Sau tiếp xúc với bề mặt đồ dùng, vật dụng trong buồng bệnh.
5 THỜI ĐIỂM PHẢI VỆ SINH TAY
Hình 1. Minh họa các thời điểm vệ sinh tay
(Nguồn: Tài liệu kiểm soát nhiễm khuẩn – Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, 2012)
Ngoài ra, các thời điểm chăm sóc sau cũng cần VST:
Khi chuyển từ chăm sóc bẩn sang chăm sóc sạch trên cùng người bệnh.
Trước khi mang găng và sau khi tháo găng.
Trước khi vào buồng bệnh và sau khi ra khỏi buồng bệnh.
Mọi NVYT trong buồng phẫu thuật không trực tiếp động chạm vào NB (phụ mê, chạy ngoài, học viên…) phải VST trước khi vào buồng phẫu thuật. Trong buồng phẫu thuật, bất kỳ khi nào bàn tay chạm vào bề mặt thiết bị phương tiện phải VST ngay bằng dung dịch VST chứa cồn.
NVYT khi làm việc trong buồng xét nghiệm cần tuân thủ nghiêm thời điểm 3 và 5 về VST để phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
Kỹ thuật vệ sinh tay thường quy
Dù VST bằng xà phòng và nước hoặc chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn cần thực hiện theo kỹ thuật 6 bước:
Bước 1: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết các ngón tay vào các kẽ ngón.
Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).
Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).
Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
Hình 2. Minh họa các bước VST
(Nguồn: Tài liệu kiểm soát nhiễm khuẩn – Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, 2012)
Những nội dung cần chú ý khi vệ sinh tay thường quy
Nếu bàn tay nhìn rõ vết bẩn hoặc dính các dịch tiết của cơ thể phải VST bằng nước và xà phòng thường.
Chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn khi tay không trông rõ vết bẩn, sau tháo bỏ găng hoặc khi thăm khám giữa các NB.
Lấy đủ 3ml -5 ml dung dịch VST cho mỗi lần VST.
Tuân thủ đúng kỹ thuật VST. Chà tay cùng hóa chất VST theo đúng trình tự từ bước 1 tới bước 6, mỗi bước chà 5 lần.
Tuân thủ đúng thời gian VST: Thời gian chà tay với hóa chất VST theo quy trình 6 bước phải đạt từ 20 giây-30 giây.
Tránh làm ô nhiễm lại bàn tay sau VST
Không sử dụng máy sấy tay để làm khô tay.
Xem xét lựa chọn loại găng tay không có bột talc để thuận lợi cho việc khử khuẩn tay bằng dung dịch VST chứa cồn.
Một số số hóa chất vệ sinh tay
Bảng 1. Đặc điểm của một số hóa chất vệ sinh tay
(Nguồn: Hướng dẫn về thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh – Bộ Y tế, 2017)
SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN PHÒNG HỘ CÁ NHÂN
Các loại phương tiện phòng hộ cá nhân (PTPHCN)
Phương tiện phòng hộ cá nhân gồm:
Găng tay
Khẩu trang
Áo choàng cách ly
Tạp dề
Mũ
Kính/mặt nạ
Ủng hoặc bao giầy
Lựa chọn các PTPHCN
Cần có sự lựa chọn hợp lý PTPHCN như một phần của biện pháp phòng ngừa chuẩn. Khi lựa chọn các PTPHCN, nhân viên y tế nên thực hiện việc đánh giá nguy cơ phơi nhiễm đối với các bệnh truyền nhiễm liên quan đến các quy trình kỹ thuật định làm khi chăm sóc người bệnh hàng ngày. Việc lựa chọn PTPHCN cần chú ý những điểm dưới đây:
Loại thủ thuật
Khả năng phơi nhiễm với máu, hoặc dịch cơ thể và những loại dịch khác
Da tay NVYT tiếp xúc có bị trầy xước không
Có đủ các PTPHCN để sử dụng không
Bảng dưới đây hướng dẫn lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp cho những tình huống khác nhau.
Bảng 2. Lựa chọn các phương tiện phòng hộ cá nhân
(Nguồn: Tổng hợp từ nguồn Tài liệu kiểm soát nhiễm khuẩn – Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, 2012)
Mang găng
Mục đích
Bảo vệ người bệnh tránh được sự lây truyền các tác nhân gây bệnh khi NVYT thực hiện các thao tác vô khuẩn.
Bảo vệ tay nhân viên y tế bằng cách tạo hàng rào ngăn cách không cho máu và dịch của người bệnh tiếp xúc với da tay của NVYT, ngăn cách các tác nhân hoá học gây kích ứng da và giữ nguyên được cảm giác của da tay.
Quy trình mang găng
Vệ sinh tay.
Chọn găng tay thích hợp với kích cỡ tay.
Mở hộp (bao) đựng găng.
Dùng một tay chưa mang găng để vào mặt trong của nếp gấp găng ở cổ tay để mang cho tay kia.
Dùng 4 ngón tay của tay mang găng đặt vào nếp gấp mặt ngoài cổ găng còn lại để mang găng cho tay kia.
Chỉnh lại găng cho khít bàn tay.
Chú ý: găng tay trùm ra ngoài cổ tay áo choàng khi chăm sóc người bệnh
Trong quá trình mang găng vô khuẩn, không được đụng vào mặt ngoài găng
Quy trình tháo găng
Tay đang mang găng nắm vào mặt ngoài của găng ở phần cổ tay của tay kia, kéo găng lật mặt trong ra ngoài và tháo ra.
Găng vừa tháo ra được cầm bởi tay đang mang găng.
Tay đã tháo găng luồn vào mặt trong của găng ở phần cổ tay găng của tay còn lại, kéo găng lật mặt trong ra ngoài sao cho găng này trùm vào găng kia (hai trong một).
Cho găng bẩn vào túi chất thải lây nhiễm.
Vệ sinh tay thường quy ngay sau khi tháo găng.
Hình 3. Cách mang găng và tháo găng
(Nguồn: Tài liệu kiểm soát nhiễm khuẩn – Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, 2012)
Những chú ý khi mang găng
Mang găng không thay thế được vệ sinh tay.
Mỗi đôi găng chỉ dùng cho một người bệnh
Không khuyến khích sử dụng lại găng tay dùng một lần.
Không cần mang găng trong các chăm sóc thông thường nếu việc tiếp xúc chỉ giới hạn ở vùng da lành lặn.
Mang khẩu trang y tế
Mục đích
Bảo vệ người bệnh: khi phòng ngừa các giọt bắn từ miệng NVYT lên vết mổ, vùng da và niêm mạc người bệnh cần được bảo vệ vô khuẩn, khi NVYT nghi ngờ mắc các bệnh có thể lây theo đường hô hấp.
Bảo vệ NVYT: khi có các dịch bệnh đường hô hấp; khi làm các thủ thuật có nguy cơ bắn máu từ phía người bệnh; khi cọ rửa dụng cụ y tế, dụng cụ chăm sóc người bệnh nhiễm khuẩn, khi thu gom đồ vải, chất thải y tế…
Khi nào mang khẩu trang y tế
Dự kiến sẽ bị bắn máu dịch tiết vào mặt mũi trong chăm sóc người bệnh.
Khi làm việc trong khu phẫu thuật, hoặc trong các khu vực đòi hỏi vô khuẩn khác.
Khi chăm sóc người bệnh có nghi ngờ hoặc mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc khi NVYT đang có bệnh đường hô hấp.
Xem tiếp phần 2
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh