Quyền của hướng dẫn viên du lịch
Hướng dẫn viên du lịch có quyền sau đây:
– Tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch;
– Nhận tiền lương và khoản thù lao khác theo hợp đồng;
– Tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề hướng dẫn du lịch;
– Trong trường hợp khẩn cấp hoặc bất khả kháng, được quyền thay đổi chương trình du lịch, điều chỉnh tiêu chuẩn, dịch vụ của khách du lịch.
Nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch
Hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ sau đây:
– Hướng dẫn khách du lịch theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng hướng dẫn;
– Tuân thủ, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nơi đến du lịch, nội quy nơi đến tham quan; tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương;
– Thông tin cho khách du lịch về chương trình du lịch, dịch vụ và các quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch;
– Hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch, có thái độ văn minh, tận tình và chu đáo với khách du lịch; báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu;
– Có trách nhiệm hỗ trợ trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
– Tham gia khóa cập nhật kiến thức theo quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này;
– Đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch;
– Hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề. Trường hợp hướng dẫn khách du lịch quốc tế thì hướng dẫn viên du lịch phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Trách nhiệm quản lý hướng dẫn viên du lịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hoạt động hướng dẫn du lịch trên phạm vi toàn quốc.
Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hoạt động hướng dẫn du lịch trên địa bàn.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch có trách nhiệm sau đây:
– Kiểm tra, giám sát hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong việc tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký với doanh nghiệp;
– Bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề hướng dẫn du lịch.
Xem thêm: Tổng hợp bài viết Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017?
Luật Hoàng Anh