Ngoài các biện pháp vệ sinh cá nhân thì vệ sinh, khử khuẩn môi trường đóng vai trò hết sức quan trọng trọng việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm covid 19.
Bộ Y tế khuyến cáo: Đối với nơi làm việc, khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày đối với nền nhà, tường, bàn ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh. Các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung cần được khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn.
Đối với các bề mặt bẩn phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch chứa 0,05% Clo hoạt tính sau khi pha để lau các bề mặt. Lưu ý chỉ pha lượng đủ dùng trong ngày, không để dung dịch đã pha sang ngày hôm sau vì hàm lượng Clo hoạt tính trong dung dịch không còn đủ để khử khuẩn.
Đối với các bề mặt, vật dụng không chịu nước như điều khiển điều hòa, ti vi, công tắc đèn, máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử dùng chung khác…, nên sử dụng dung dịch chứa ít nhất 60% cồn để khử khuẩn bằng cách dùng khăn sạch nhúng vào cồn và lau bề mặt, để khô tự nhiên không rửa lại với nước. Lưu ý tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn. Người làm vệ sinh cần sử dụng găng tay cao su, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn môi trường nơi làm việc, nơi ở.
Trên nguyên tắc tất cả các khu vực ô nhiễm, nghi ngờ ô nhiễm và có nguy cơ lây lan dịch cho cộng đồng đều phải được xử lý khử khuẩn tốt, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật giới thiệu hướng dẫn sử dụng hóa chất khử trùng chứa Clo trong phòng chống dịch Covid 19:
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CÁC HÓA CHẤT KHỬ TRÙNG CHỨA CLO TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH
(Theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 07 tháng 8 năm 2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19”)
- Giới thiệu
Clo (Cl) là một trong những halogen được sử dụng rộng rãi để khử trùng do có hoạt tính diệt trùng cao nhờ phản ứng ôxy hóa khử. Khi hòa tan trong nước, các hóa chất này sẽ giải phóng ra một lượng clo hoạt tính có tác dụng diệt trùng. Các hóa chất có chứa clo thường sử dụng bao gồm:
– Cloramin B hàm lượng 25% – 27% clo hoạt tính.
– Cloramin T.
– Canxi hypocloride (Clorua vôi).
– Bột Natri dichloroisocianurate.
– Nước Javen (Natri hypocloride hoặc Kali hyphocloride).
- Sử dụng các hóa chất chứa clo trong công tác phòng chống dịch
– Trong công tác phòng chống dịch, các dung dịch pha từ các hóa chất chứa clo với nồng độ 0,05 và 0,1% clo hoạt tính thường được sử dụng tùy theo mục đích và cách thức của việc khử trùng. Việc tính nồng độ dung dịch phải dựa vào clo hoạt tính.
– Vì các hóa chất khác nhau có hàm lượng clo hoạt tính khác nhau, cho nên phải tính toán đủ khối lượng hóa chất cần thiết để đạt được dung dịch có nồng độ clo hoạt tính muốn sử dụng.
– Lượng hóa chất chứa clo cần để pha số lít dung dịch với nồng độ clo hoạt tính theo yêu cầu được tính theo công thức sau:
Lượng hóa chất (gam) = Nồng độ clo hoạt tính của dung dịch cần pha (%) X số lít X 1000 Hàm lượng clo hoạt tính của hóa chất sử dụng (%)*
* Hàm lượng clo hoạt tính của hóa chất sử dụng luôn được nhà sản xuất ghi trên nhãn, bao bì hoặc bảng hướng dẫn sử dụng sản phẩm.
* Ví dụ:
– Để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,05% từ bột cloramin B 25% clo hoạt tính, cần: (0,05 x 10 / 25) x 1000 = 20 gam.
– Để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,05% từ bột canxi hypocloride 70% clo hoạt tính, cần: (0,05 x 10 / 70 ) x 1000 = 7,2 gam.
– Để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,05% từ bột natri dichloroisocianurate 60% clo hoạt tính, cần: (0,05 x 10 / 60) x 1000 = 8,4 gam.
Bảng 1: Lượng hóa chất chứa clo để pha 10 lít dung dịch với các nồng độ clo hoạt tính thường sử dụng trong công tác phòng chống dịch
Tên hóa chất (hàm lượng clo hoạt tính) Lượng hóa chất cần để pha 10 lít dung dịch có nồng độ clo hoạt tính 0,05% 0,1% Cloramin B 25% 20g 40g Canxi HypoCloride (70%) 7,2g 14,4g Bột Natri dichloroisocianurate (60%) 8,4g 16,8g
- Cách pha
– Hòa tan hoàn toàn lượng hóa chất cần thiết cho vừa đủ 10 lít nước sạch.
– Các dung dịch khử trùng có clo sẽ giảm tác dụng nhanh theo thời gian, cho nên chỉ pha đủ lượng cần sử dụng và phải sử dụng càng sớm càng tốt sau khi pha. Tốt nhất chỉ pha và sử dụng trong ngày, không nên pha sẵn để dự trữ. Dung dịch khử trùng chứa clo đã pha cần bảo quản ở nơi khô, mát, đậy kín, tránh ánh sáng.
Lưu ý:
– Các hợp chất có chứa clo chỉ có tác dụng diệt trùng khi được hòa tan trong nước thành dạng dung dịch (lúc này các hóa chất chứa clo mới giải phóng ra clo hoạt tính có tác dụng diệt trùng), do vậy tuyệt đối không sử dụng các hợp chất có chứa clo ở dạng bột nguyên chất để xử lý diệt trùng.
– Các dung dịch có chứa clo sẽ giảm tác dụng theo thời gian, cho nên chỉ pha đủ lượng cần sử dụng và phải sử dụng càng sớm càng tốt sau khi pha. Tốt nhất là chỉ pha và sử dụng trong ngày, không nên pha sẵn để dự trữ. Nếu chưa sử dụng hết trong ngày thì phải đậy kín, tránh ánh sáng và có kế hoạch sử dụng sớm nhất.
Một số hình ảnh phun khử khuẩn:
Ảnh: Hoàng Hùng(TTXVN)
Ban biên tập Cdcvinhphuc.vn