Nhớ lại ngày còn bé, muốn viết được một từ hoàn chỉnh, ta phải tập đọc và viết từng chữ cái “a, ă, â…” Sau khi học xong bảng chữ cái, ta dễ dàng viết bất kỳ chữ gì theo ý muốn.
Với thêu thùa cũng vậy, những họa tiết dù nhỏ hay lớn, dù trông đơn giản hay cầu kỳ phức tạp cũng đều bắt nguồn từ những mũi thêu cơ bản. Hướng dẫn chi tiết 8 mũi thêu được sử dụng thường xuyên dưới đây sẽ giúp bạn làm được tất cả mọi thứ mình muốn!
Mũi đột khít (Backstitch)
Mũi đột khít (còn được gọi là mũi đột mau) được sử dụng phổ biến trong thêu tay. Mũi thêu này dễ thực hiện và được áp dụng thêu viền khăn tay, thêu chữ…
Để thực hiện mũi đột khít (backstitch), bạn có thể tham khảo hình mẫu kèm với cách giải thích sau:
– Đưa kim từ mặt dưới vải lên tại điểm B rồi đâm kim về phía bên phải cách điểm B một khoảng 1 cm. (Khoảng cách được tùy chỉnh theo mục đích và kích thước họa tiết cần thêu). Điểm đâm kim thứ hai gọi là A.
– Từ A đưa kim từ mặt dưới vải lên ngay tại điểm C sao cho B là trung điểm của AC.
– Tiếp tục lặp lại cho đến khi hoàn thành.
Mẹo hữu ích: Khi thực hiện mũi đột khít, bạn cần phải chú ý khoảng cách giữa các điểm đâm kim. Độ dài càng đều thì đường thêu sẽ càng đẹp. Bạn nhớ đừng kéo chỉ mạnh tay vì sẽ làm cho vải co dúm lại mất thẩm mỹ đấy!
Mũi đột thưa (Running Stitch)
Nếu ai từng một lần cầm kim chỉ trong đời, tôi tin rằng tất cả đều đã thêu mũi đột thưa này rồi! Bạn không cần phải mất quá nhiều thời gian nghiên cứu bởi mũi đột thưa tương đối đơn giản. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể xem qua hình thêu mẫu dưới đây nhé.
Mũi đột thưa tạo ra các đường nét đứt sử dụng trong thêu viền; thêu đường bay của ong, bướm; thêu cầu vồng, thêu các họa tiết thổ cẩm… Ngoài ra bạn cũng có thể ứng dụng mũi đột thưa để tập luyện sashiko – một kỹ thuật thêu thùa truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản.
Mẹo hữu ích: Điều chỉnh độ dài ngắn, đường cong thẳng… để tạo nên những mũi thêu độc đáo.
Đọc thêm bài viết mới nhất dưới đây nhé:
Những kiến thức cơ bản dành cho người mới nhập môn thêu thùa
Khám phá ưu – nhược điểm và mẹo hữu ích của 5 món đồ cần có khi thêu tay
Mũi lướt vặn (Stem Stitch)
Để thêu thân cây, dây leo, cành hoa hay những chi tiết có độ cong vừa phải thì mũi lướt vặn là sự lựa chọn không thể nào tuyệt vời hơn. Các bước thực hiện mũi thêu lướt vặn như sau:
– Đưa kim lên xuống với độ dài tùy ý.
– Tiếp tục đâm kim tại một điểm nằm giữa mũi thêu đầu tiên. Đâm đến một điểm bên trái tương ứng với độ dài tương ứng như trên. Chú ý chỉ thêu nằm ở một bên của mũi kim.
Mẹo hữu ích: Tốt nhất bạn nên vẽ họa tiết mình sẽ thêu để biết được vị trí đâm kim và lựa chọn độ dài mũi thêu sao cho hợp lý nhất. Đối với những chi tiết có độ cong sắc nét thì nên đâm kim ngắn để các đường cong trông mềm mại và tự nhiên hơn.
Mũi bó bạt (Satin Stitch)
Mũi bó bạt được sử dụng khá phổ biến trong thêu phong cảnh, thêu hoa lá hoặc thêu mã vạch Spotify. Hiểu một cách đơn giản, mũi thêu bó bạt thực chất là các đường thêu thẳng nằm sát nhau nhằm lấp đầy các khoảng trống.
Mẹo hữu ích: Bạn nên vẽ hình mẫu mình sẽ thêu để dễ dàng đâm kim hợp lý. Chú ý không để các mũi kim quá thưa, như thế sẽ để lộ ra khoảng trống. Sau khi thêu bó bạt, bạn có thể thêu viền (backstitch) cho họa tiết, đó cũng là một gợi ý thú vị.
Mũi này được áp dụng để thêu mã code Spotify – một kiểu thêu mới được nhiều người yêu thích. Bạn đọc thêm bài Hướng dẫn thêu mã vạch Spotify làm quà tặng – Spotify Embroidery nhé.
Mũi sa hạt (French Knot)
Mũi sa hạt gây thương nhớ nhờ tên gọi đáng yêu cùng từng mũi thêu xinh xắn, dễ thương. Đúng như người ta thường đùa vui rằng “mũi sa hạt nhỏ mà có vỏ”.
Trong hầu hết các mũi thêu, tôi đặc biệt yêu thích mũi sa hạt. Mặc dù chúng được coi là ác mộng với nhiều người mới tập thêu. Để thực hiện mũi thêu sa hạt, bạn có thể tham khảo cách thêu sau:
– Đâm kim từ mặt dưới vải lên.
– Quấn chỉ xung quanh kim từ 2 hoặc 3 vòng.
– Đâm kim xuống lại mặt dưới vải qua một điểm sát với nút chỉ vừa tạo ra, đồng thời giữ chặt những vòng chỉ được quấn quanh kim.
Mẹo hữu ích: Trông có vẻ dễ làm, tuy nhiên sự tinh tế của mũi sa hạt nằm ở chỗ làm sao cho 10 mũi thêu đều trông giống như nhau về kích thước. Do vậy bạn chú ý đừng siết chỉ quá chặt, cũng đừng để chỉ quá lỏng lẻo. Kích thước hạt to hay nhỏ phụ thuộc vào số lượng chỉ thêu, số lượng vòng quấn quanh kim.
Mũi móc xích (Chain Stitch)
Ngày còn tiểu học, có lẽ bạn và tôi đã từng tiếp xúc với mũi thêu móc xích thông qua môn Kỹ thuật. Mũi thêu cơ bản đó ngày nay vẫn được dùng nhiều trong thêu tay để tạo ra các tác phẩm handmade táo bạo và đầy phóng khoáng.
– Đưa kim lên và xuống tại một điểm (không kéo chỉ qua).
– Đâm kim lên tại một điểm có độ dài tùy ý sao cho mũi kim nằm trong vòng sợi chỉ.
– Kéo kim để tạo thành móc xích bằng hạt gạo. Sau đó tiếp tục đưa kim xuống tại điểm chỉ vừa rút lên. Cứ lặp lại cho đến khi kết thúc.
Mẹo hữu ích: Căn chỉnh độ dài các móc xích sao cho bằng nhau để đường thêu cân đối. Việc rút chỉ không quá mạnh tay cũng sẽ làm mũi thêu lộn xộn và bị xê dịch đấy.
Mũi lazy daisy
Mũi lazy daisy hầu như được sử dụng nhiều trong thêu hoa cúc, hướng dương, hạt mưa, cánh ong… Như tên gọi của nó, lazy daisy (hay còn gọi Detached Chain Stitch) khá thú vị nhờ cách thêu đơn giản có phần lười biếng.
– Đâm kim lên và xuống tại một điểm (điểm đó chính là nhụy hoa). Ở bước này bạn nhớ đừng kéo chỉ nhé.
– Đưa kim lên tại một điểm sao cho mũi kim nằm trong vòng chỉ. Độ dài cánh hoa tương ứng với độ dài từ nhụy hoa đến điểm bạn vừa đâm kim lên. Kéo chỉ dần dần để tạo thành cánh hoa như mong muốn.
– Tiếp tục đâm kim xuống tại điểm vừa đâm lên để cố định cánh hoa.
Mẹo hữu ích: Bạn nên kéo chỉ vừa phải không quá chặt, như vậy cánh hoa sẽ có độ cong tự nhiên hơn. Đối với những loại vải quá thưa hoặc mỏng, khi thực hiện bước 1 và 3, bạn có thể chọn điểm đâm kim gần sát với điểm đâm kim đầu tiên. Như vậy lỗ kim tạo ra sẽ không quá to, vừa vặn thẩm mỹ.
Mũi đâm xô (Long and Short Stitch)
Sau khi thực hành mũi đâm xô trong thêu khăn tay lá phong, tôi cho rằng đây là mũi thêu phức tạp nhất trong thêu tay. Nó đòi hỏi người thợ phải đủ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khéo léo.
Mặc dù cách thêu trông khá đơn giản, chỉ là những mũi kim đâm dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên làm sao cho đường kim trông mềm mại uyển chuyển, màu sắc tự nhiên chuyển tiếp hài hòa mới là khó nhất.
Mẹo hữu ích: Trước khi đâm xô, nên vẽ phác thảo họa tiết cần thêu. Dùng sợi chỉ đơn, đâm những mũi thêu so le chen giữa nhau. Đừng quên chọn màu chỉ phù hợp nhé. Cho dù bạn thêu đẹp đến đâu nhưng nếu phối màu chỉ lạc quẻ thì tác phẩm sẽ mất vẻ đẹp tự nhiên đấy.
Mỗi mũi thêu đều mang một dáng vẻ, đẹp và độc theo một cách rất riêng! Mong rằng trong thế giới của mình, bạn cùng tác phẩm thêu của mình cũng sẽ tỏa sáng như thế!